10 Dec, 2018
Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn: Bí Quyết Làm Chủ Tinh Thần, Cảm Xúc, Thể Chất Và Tài Chính Của Bản Thân
Quyển sách này sẽ giúp bạn làm chủ cuộc sống và phát huy tiềm năng của bản thân.
Có phải bạn muốn thay đổi cuộc sống nhưng lại khó lòng cam kết thực hiện những quyết định của mình? Có phải càng sống, bạn càng tin rằng số phận đã an bài cho bạn một cuộc đời thất bại?
Đọc Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn, bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của quyết định và niềm tin trong việc tạo ra thay đổi tích cực cũng như giúp bạn trở thành con người mình mong muốn. Với góc nhìn độc đáo và rõ ràng, diễn giả truyền cảm hứng Anthony Robbins chứng minh rằng mọi người đều nắm quyền làm chủ trải nghiệm của bản thân về thế giới, và từ đó ta cũng nắm quyền làm chủ hạnh phúc của chính mình.
Đánh thức con người phi thường trong bản (phiên bản bìa cứng) vừa phát hành.
Trong các phần tiếp theo, bạn sẽ hiểu tại sao ca hát có thể giúp bạn bỏ ăn sô-cô-la, tại sao ngôn ngữ bạn dùng để miêu tả hoàn cảnh quyết định thái độ của bạn đối với cuộc sống, đồng thời khám phá ra rằng bạn có khả năng thay đổi xã hội chỉ thông qua việc đưa ra quyết định ăn tối đúng đắn.
Để thay đổi cuộc sống, hãy đưa ra những quyết định đúng đắn và cam kết thực hiện chúng.
Đâu là lần cuối bạn nghĩ về việc thay đổi cuộc đời mình? Có lẽ đó là vào đêm giao thừa và bạn hạ quyết tâm bỏ hút thuốc. Hoặc bạn quyết tâm giảm cân và nghiêm túc tuân theo chế độ ăn uống mới.
Nhưng bạn đã thật sự tạo ra những thay đổi đó chưa? Nếu chưa, có lẽ vấn đề nằm ở cách bạn đặt ra khát khao thay đổi. Bạn nói “Tôi muốn ngừng ăn vặt” thay vì “Tôi sẽ bắt đầu ăn uống lành mạnh hơn.”
Để thay đổi bất cứ điều gì, trước hết bạn phải đưa ra quyết định rõ ràng. Sau đó, bạn phải kiên trì thực hiện quyết định đó cho đến cùng mặc cho mọi thử thách. Việc này đòi hỏi bạn sẵn lòng điều chỉnh cách tiếp cận vấn đề khi gặp trắc trở.
Lấy Soichiro Honda – nhà sáng lập tập đoàn Honda – làm ví dụ. Khi còn đi học, ông quyết tạo ra vòng găng piston dành cho xe ô tô. Lịch sử cho thấy ông đã đạt được mục tiêu, nhưng con đường dẫn đến thành công của ông không hề bằng phẳng. Ví dụ, trong Thế chiến II, chính phủ Nhật Bản từ chối cung cấp cho Honda lượng bê-tông cần thiết để ông xây dựng nhà máy sản xuất.
Vậy ông đã vượt qua rào cản đó như thế nào? Giải pháp của Honda là tự nghĩ ra quy trình làm bê-tông riêng, và nhờ đó ông có thể xây dựng đế chế của riêng mình. Không dễ để cam kết với những quyết định lớn nhưng bạn càng làm, việc đó sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Vì thế, đừng nản lòng nếu gặp thất bại khi cố gắng thay đổi cuộc đời mình. Thay vào đó, hãy nghiền ngẫm bài học rút ra từ thất bại đó.
Một ví dụ khác, hiếm có người hút thuốc nào cai thuốc thành công ngay trong lần đầu tiên. Tuy nhiên, nếu họ xem thất bại đó là cơ hội để xem xét lại các trở ngại ngăn cản việc bỏ thuốc (ví dụ như cám dỗ hút thuốc mãnh liệt khi ở cạnh những người hút thuốc khác), và cách họ có thể vượt qua trở ngại đó (tránh xa những nơi có người hút thuốc), thì họ có thể hoàn thành mục tiêu của mình.
Tạo thói quen mới bằng cách liên kết thói quen xấu với nỗi đau và liên kết thói quen tốt với niềm vui.
Để chinh phục mục tiêu và tạo ra thay đổi, chúng ta phải toàn tâm toàn ý với quyết định của mình. Tuy vậy, đôi khi việc thay đổi thói quen cực kỳ khó khăn ngay cả khi bạn rất quyết tâm.
Tại sao vậy? Đó là vì mọi việc ta làm đều nhằm mục đích mang lại niềm vui hoặc né tránh nỗi đau. Một khi nhận thức được điều này, bạn có thể tận dụng nó. Vậy nếu bạn muốn phá vỡ một thói quen, cách hiệu quả là liên kết thói quen đó với nỗi đau.
Giả sử bạn muốn bỏ sô-cô-la. Bạn có thể liên kết hợp việc ăn sô-cô-la với nỗi đau tinh thần. Bạn có thể đặt nguyên tắc là mỗi lần ăn sô-cô-la, bạn phải hát một bài mình ghét. Não của bạn sẽ sớm liên kết hành động ăn sô-cô-la với cảm giác khó chịu khi bạn hát bài đó.
Nhưng hãy nhớ, bạn cần cam kết thực hiện nguyên tắc đó, tức là bạn phải hát to ngay cả khi đang ăn bánh sô-cô-la tại buổi tiệc tối.
Tuy nhiên, để bảo đảm mình có thể thay đổi hành vi trong thời gian dài, bạn cần tìm một thói quen mới hấp dẫn và mang đến cho bạn niềm vui tương đương thói quen cũ. Do đó, để có thể bỏ hẳn sô-cô-la ra khỏi chế độ ăn uống, bạn phải tạo thói quen thay thế – thói quen làm bạn cảm thấy vui vẻ như khi chiêu đãi mình thanh kẹo sô-cô-la. Đó có thể là món ăn lành mạnh hơn, chẳng hạn như loại trái cây ưa thích, hoặc chơi một môn thể thao mới.
Một cách hữu ích là tưởng tượng điều tuyệt vời sẽ xảy ra khi bạn bỏ được thói quen không mong muốn. Ví dụ, khi từ bỏ sô-cô-la, bạn sẽ sớm mặc vừa chiếc quần jeans cũ. Phương pháp này được chứng minh là giúp nhiều người phá vỡ thói quen xấu.
Trong nghiên cứu về tính hiệu quả của việc thay thế hành vi có hại cho sức khoẻ bằng hành vi lành mạnh, các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ phục hồi sau cai nghiện của người từng lạm dụng ma tuý. Họ nhận thấy người nghiện tìm được thói quen thay thế lành mạnh mang lại cho họ niềm vui tương đương – chẳng hạn như bước vào mối quan hệ mới hoặc bắt đầu sở thích mới – ít có khả năng tái nghiện hơn.
Để thay đổi bản thân, hãy thay đổi niềm tin
Tưởng tượng có hai người vừa bước sang tuổi 60. Một người nghĩ cuộc đời họ sắp đi đến hồi kết và những năm tháng tươi đẹp nhất đã qua, trong khi người còn lại thật sự háo hức về mọi điều trong tương lai.
Điều gì khiến họ có quan niệm sống khác nhau như vậy?
Cách chúng ta nhìn nhận thế giới và bản thân được định hình từ niềm tin của chính ta.
Nhưng chính xác thì niềm tin là gì?
Niềm tin là một ý niệm có cơ sở vững chắc. Giả sử bạn nghĩ mình là một kỳ thủ xuất sắc. Nhưng suy nghĩ đó chỉ trở thành niềm tin nếu nó được củng cố bởi bằng chứng cụ thể, chẳng hạn bạn thắng phần lớn các ván cờ mình thi đấu.
Đối với hầu hết chúng ta, mọi sự kiện cuộc sống đều đóng vai trò nguồn tham chiếu và ảnh hưởng đến niềm tin của ta. Rủi thay, điều này đồng nghĩa với việc mỗi khi có chuyện không hay xảy ra – ví dụ người thân qua đời – nhiều người coi đó là bằng chứng củng cố cho niềm tin rằng cuộc đời thật tồi tệ.
Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải suy nghĩ theo hướng đó. Nếu diễn giải sự việc theo hướng tích cực hơn, ta có thể sống lạc quan hơn. Vậy nên nếu bạn đang đau buồn, hãy xem trải nghiệm đó là nguồn động lực giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Thậm chí bạn có thể đứng dậy từ nỗi đau với mong muốn giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Điều này cho thấy để thay đổi cuộc sống, trước hết bạn phải thay đổi niềm tin của mình. Tuy vậy, vấn đề là nhiều người mang những niềm tin mãnh liệt ngăn cản họ tạo ra thay đổi.
Cũng như thói quen, niềm tin quen thuộc hoàn toàn có thể bị phá vỡ. Cách làm cũng tương tự, để thay đổi một niềm tin hiện hữu, ta cần liên kết niềm tin cũ với nỗi đau và liên kết niềm tin mới với niềm vui. Một cách dễ dàng là tìm tấm gương để noi theo – một người đã thay đổi thành công niềm tin của họ – đồng thời điều chỉnh phương pháp của họ sao cho phù hợp với mục đích của bản thân.
Ngôn từ có thể thay đổi thái độ sống và cảm xúc của bạn
Bạn có biết tiếng Anh có xấp xỉ 3.000 từ miêu tả cảm xúc? Điều đáng ngạc nhiên là trong đó, số từ miêu tả cảm xúc tiêu cực nhiều gấp đôi lượng từ miêu tả cảm xúc tích cực. Đó có thể là lý do người ta thường xuyên cảm thấy tiêu cực hơn.
Do đó, quan trọng là bạn chú ý đến ngôn từ mình sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, vì nó sẽ định hình suy nghĩ và nhận thức của bạn.
Để nhìn nhận khác đi về một tình huống, bạn cần miêu tả nó khác đi. Tưởng tượng bạn đang trên đường đi chơi và không may bị hỏng xe ở nơi đồng không mông quạnh. Trong tình huống này, bạn có thể cho phép bản thân tức giận và phàn nàn rằng bạn cảm thấy “phiền phức” và “giận dữ” như thế nào. Nhưng bạn cũng có thể nói “chuyện này thật bất tiện”. Việc miêu tả trải nghiệm không hay bằng ngôn từ trung lập có thể ngăn bạn chìm sâu vào trạng thái cảm xúc tiêu cực hơn.
Ví dụ trên đi thẳng vào trọng tâm vấn đề mà tác giả gọi là “Ngôn từ chuyển đổi tâm trạng”: từ ngữ ta dùng để miêu tả trải nghiệm về thế giới xung quanh thật sự định hình trải nghiệm đó.
Vậy chúng ta có thể thay đổi ngôn từ như thế nào để làm chủ cảm xúc?
Bí quyết là dùng những từ nhấn mạnh khi nói về cảm xúc tích cực và những từ ít gay gắt hơn để diễn tả cảm giác tiêu cực. Ví dụ, thay vì nói “vui vẻ”, ta có thể nói “cực kỳ vui sướng”. Hay nếu đang chực trào cảm xúc tiêu cực, bạn có thể dùng những từ hoặc cụm từ ít gay gắt hơn, chẳng hạn như “Tôi cảm thấy hơi lo lắng” thay vì “Tôi đang cảm thấy cực kỳ lo sợ”.
Một mẹo nhỏ là dùng những từ kém thông dụng để bày tỏ cảm xúc tiêu cực. Việc đó có thể làm bạn thích thú cũng như lập tức cải thiện tâm trạng của bạn. Thậm chí nó còn có thể làm những người xung quanh vui vẻ. Chẳng hạn, nếu đang cực kỳ bực tức, bạn có thể nói, “Phải nói rằng tôi thấy hơi ứa gan”. Cách nói ít thông dụng này có thể lập tức cải thiện tâm trạng của bạn.
Đặt đúng câu hỏi để tìm ra giải pháp tốt nhất
Như bạn đã biết, việc thay đổi cuộc sống đòi hỏi bạn phải thay đổi suy nghĩ. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về định nghĩa chính xác của “suy nghĩ”.
Về cơ bản, suy nghĩ là một chuỗi những câu hỏi và câu trả lời. Do đó, cách ta đặt câu hỏi quyết định cách ta nghĩ, nghĩa là các câu hỏi đó vô cùng quan trọng đối với trải nghiệm sống của ta.
Theo đó, chất lượng câu hỏi cũng ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng cuộc sống. Chất lượng câu hỏi sẽ quyết định trọng tâm suy nghĩ của bạn. Câu hỏi tiêu cực sẽ kéo theo câu trả lời tiêu cực, và câu hỏi tích cực sẽ mang đến cho bạn câu trả lời tích cực.
Lấy ví dụ, bạn liên tục vướng vào chuyện không hay, việc tự hỏi, “Tại sao chuyện này luôn xảy ra với mình?” sẽ lập tức hướng suy nghĩ của bạn vào những thất bại trong cuộc sống. Kết quả là tâm trạng của bạn suy sụp, và trải nghiệm sống của bạn sẽ bị đóng khung bởi chính sự tiêu cực này.
Vậy nên quan trọng là khi đứng trước vấn đề, bạn cần đặt đúng câu hỏi. Nói thì luôn dễ hơn làm. Chúng ta dễ cảm thấy choáng ngợp trong tình huống khó khăn, do đó ta thường đặt sai câu hỏi – ví dụ “Tại sao lại là mình?” – và nản lòng trước câu trả lời.
Giải pháp là lập trước danh sách các câu hỏi. Tập thói quen đặt những câu hỏi như “Tình huống này có mặt tốt nào?” và “Mình có thể làm gì để tận hưởng quá trình giải quyết vấn đề?”. Trong lúc khó khăn, những câu hỏi như vậy giúp bạn cải thiện tâm trạng và tìm ra giải pháp hiệu quả, hay ít nhất là giải quyết hậu quả tốt hơn.
Nếu thật sự muốn xây dựng thái độ sống tích cực nói chung, bạn có thể rèn luyện nhiều hơn nữa bằng cách tự đặt ra những câu hỏi thúc đẩy bản thân mỗi sáng. Ví dụ, bạn có thể hỏi “Cuộc sống mình có gì tuyệt vời?” hoặc “Mình có những thành tựu nào đáng tự hào?”.
Thông qua việc khởi đầu ngày mới với tâm trạng tốt, cả ngày của bạn cũng sẽ tích cực, kết quả là cuộc sống cũng viên mãn và thành công hơn.
Khám phá giá trị sống của bản thân để phát huy tối đa tiềm năng
Bạn có biết chắc điều quan trọng nhất trong đời mình là gì không? Phải chăng đó là tình yêu? Hay đó là sức khoẻ? Nếu vẫn chưa biết rõ thì bạn nên cố gắng tìm hiểu, bởi lẽ người hạnh phúc và thành công nhất là người hiểu được giá trị của bản thân và sống theo những giá trị đó.
Vì vậy, nếu bạn không cảm thấy thoả mãn với cuộc sống nhưng không biết tại sao, nhiều khả năng là bạn chưa sống đúng với niềm tin của mình.
Giả sử bạn nhận được lời mời làm việc ở một đất nước khác. Đồng ý nhận việc nghĩa là bạn phải từ bỏ cuộc sống cũ và chuyển cả gia đình đến một nơi cách đó hàng ngàn dặm. Bạn có sẵn lòng làm điều đó không?
Nếu bạn không thể quyết định, đó là do bạn không chắc chắn về những giá trị của mình. Cụ thể trong trường hợp trên, để đưa ra quyết định khiến bạn hạnh phúc, trước tiên bạn cần xét xem liệu sự phát triển bản thân có quan trọng hơn việc đảm bảo tài chính không.
Hãy dành thời gian suy ngẫm và lập danh sách những giá trị quan trọng nhất theo thứ tự ưu tiên, đưa thêm lý do bạn chọn những giá trị đó. Khi lập danh sách này, bạn có thể nhận thấy một số giá trị hiện tại không phù hợp để giúp bạn hoàn thành mục tiêu.
Có thể đam mê là giá trị cao nhất của cuộc sống bạn – bạn muốn thực hiện mọi việc với lòng nhiệt huyết. Nhưng khi suy xét sự phù hợp của giá trị so với mục tiêu, bạn nhận ra cái giá để làm mọi việc bằng đam mê là sức khoẻ. Đây là giá trị không phù hợp, bởi nếu không có sức khoẻ, bạn không làm được việc gì cả.
Giải pháp là thay đổi giá trị bản thân. Bạn quyết định rằng từ bây giờ, bạn sẽ đặt sức khoẻ lên trước đam mê. Bằng cách ưu tiên cho sức khoẻ, bạn sẽ làm việc nhiệt huyết nhưng không hy sinh sức khỏe của mình.
Đặt ra những nguyên tắc khiến bạn hạnh phúc và chia sẻ nó với mọi người
Tất cả chúng ra đều có nguyên tắc sống. Những nguyên tắc này, ví dụ “Mình sẽ cảm thấy vui khi được ăn thanh kẹo sô-cô-la này”, đóng vai trò to lớn trong việc xác định hành động và cảm giác của chúng ta, bởi lẽ nó quyết định điều khiến ta hạnh phúc và không hạnh phúc. Tuy nhiên, các nguyên tắc đó cũng giới hạn trải nghiệm cũng như khả năng ta đạt được hạnh phúc thật sự.
Hãy suy nghĩ một chút: Bạn cần gì để hạnh phúc? Bạn có cần trúng xổ số không? Hay bạn cần sự công nhận từ bạn bè?
Những điều trên có thể mang đến cho bạn niềm vui, nhưng nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Do đó, quan trọng là bạn cần thiết lập những nguyên tắc mình có thể kiểm soát.
Chẳng hạn, bạn có thể thay nguyên tắc “Tôi chỉ cảm thấy vui nếu được khen ngợi trong công việc” bằng một nguyên tắc mà theo đó, niềm vui của bạn phụ thuộc vào việc hoàn thành mục tiêu cá nhân.
Vì nhiều nguyên tắc của ta phụ thuộc vào hành động của người khác, chúng ta thường cảm thấy chán nản và khó chịu khi người đó không hành động theo nguyên tắc ta đề ra. Thật ra, nếu bạn bực ai đó, đó là vì người đó vô tình thách thức nguyên tắc của bạn.
Nhưng bạn không thể mong đợi nguyên tắc của mình giống hệt nguyên tắc của người khác. Vì thế, nếu muốn sống hạnh phúc, quan trọng là bạn cần trao đổi nguyên tắc của mình với người khác và đảm bảo họ hiểu điều gì quan trọng với bạn.
Ví dụ, người mà bạn xem là bạn thân nhất không bao giờ gọi điện cho bạn. Vì tin rằng bạn thân nên thường xuyên gọi điện cho nhau, bạn cảm thấy người đó không còn coi mình là bạn nữa.
Tuy nhiên, quan niệm về tình bạn của người bạn đó lại khác bạn. Với họ, tình bạn là ở bên đối phương trong những lúc khó khăn, chứ không nhất thiết phải gọi điện cho nhau hàng tuần. Bằng cách trao đổi với nhau các nguyên tắc về tình bạn, bạn của bạn sẽ hiểu lý do bạn không vui, và cả hai có thể xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho tình bạn của mình.
Hiểu rõ căn nguyên của cảm xúc để làm chủ cảm xúc của bản thân
Bằng cách bớt khắt khe về nguyên tắc của mình, bạn có thể quyết định điều khiến mình hạnh phúc. Không chỉ riêng niềm vui, thật ra bạn có thể kiểm soát toàn bộ cảm xúc của mình.
Nhưng để làm được điều đó, đầu tiên chúng ta cần xác định cảm xúc thật sự của mình.
Chúng ta dễ chìm sâu vào cảm xúc tiêu cực vì ta khái quát hoá nó và không xác định đúng cảm xúc đó. Ví dụ, bạn tức giận về điều gì đó, nhưng nếu xem xét nguyên nhân thật sự, bạn nhận ra căn nguyên đằng sau cơn giận có thể là do bạn kiệt sức.
Ngay khi xác định được nguyên nhân, bạn có thể sử dụng phương pháp “Ngôn từ chuyển đổi tâm trạng” (ảnh hưởng đến cảm xúc bằng cách thay đổi cách miêu tả hoàn cảnh) và thể hiện sự kiệt sức qua câu nói “Tôi cảm thấy hơi mệt”. Cách này làm giảm cảm giác tiêu cực và bạn sẽ dễ dàng vượt qua nó hơn.
Điều quan trọng là đảm bảo bạn không nhìn nhận những cảm xúc khó khăn một cách tiêu cực. Mọi cảm xúc đều giúp bạn thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực, vì nó chỉ ra điều không ổn, thúc đẩy bạn xem xét và tìm ra nguyên nhân thật sự của khó khăn. Chỉ khi xác định được nguyên do, bạn mới có thể thay đổi.
Thế nhưng hiểu được nguyên nhân chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo còn là thử thách lớn hơn: bạn phải đối diện với cảm xúc và thay đổi điều gây nên cảm xúc đó.
Do đó, nếu xác định được cô đơn là lý do làm bạn không vui, bạn có thể bắt đầu tìm kiếm nguyên nhân làm bạn cô đơn. Có thể là do gần đây bạn không gặp gỡ bạn bè. Nếu đó là nguyên nhân thì giải pháp quá rõ ràng: hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho họ.
Có lúc bạn cảm thấy mình không thể xử lý một cảm xúc cụ thể. Khi đó, hãy cố nhớ lại lần bạn chế ngự thành công cảm xúc đó. Cách này giúp bạn tự tin vào khả năng giải quyết cảm xúc khó khăn, vì nếu từng xử lý được nó, chắc chắn bạn có thể lặp lại điều đó.
Đóng góp cho xã hội để khám phá khả năng của bản thân
Trong những phần trước, chúng ta đã thảo luận cách làm chủ cuộc sống, vươn đến thành công và tìm thấy hạnh phúc. Tuy vậy, có thể bạn đang nghĩ rằng dù thay đổi được cuộc sống cá nhân, bạn không bao giờ có khả năng thay đổi bất cứ điều gì trong xã hội.
May mắn thay, suy nghĩ đó không hề đúng. Thậm chí quyết định nhỏ nhất trong cuộc sống bạn cũng có thể ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Mặc dù nhiều người tin rằng họ không đủ sức ảnh hưởng để tạo ra thay đổi rộng khắp, và do đó họ thậm chí không cố gắng làm điều đó, sự thật là các quyết định then chốt tạo ra thay đổi trong cuộc sống bạn cũng là chìa khoá dẫn đến thay đổi trong xã hội.
Lấy ví dụ, lựa chọn thực phẩm cho bữa tối có vẻ là quyết định nhỏ. Giả sử vì lý do sức khỏe, bạn quyết định loại thịt bò ra khỏi chế độ ăn.
Dù thay đổi này có vẻ chỉ có lợi cho bạn, sự thật là việc bạn ngừng ăn thịt bò có thể tạo nên sự khác biệt trên quy mô lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, để sản xuất ra 113 kg thịt bò, người ta cần một diện tích đất đủ để trồng 18 tấn khoai tây. Nói cách khác, chúng ta có thể tận dụng tốt hơn diện tích đất hiện đang được dùng để chăn nuôi gia súc, từ đó giảm đáng kể nạn đói đang lan rộng.
Quyết định bỏ thịt bò của bạn góp phần làm giảm lượng cầu của sản phẩm đó, và người ta có thể sử dụng mảnh đất nuôi bò cho những mục đích tốt đẹp hơn.
Có một cách khác để bạn tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội. Nếu đã biết cách làm chủ và xem xét cảm xúc của mình, bạn có thể giúp đỡ người khác làm chủ cảm xúc của họ. Giả sử bạn đang mua sắm ở tiệm tạp hóa và gặp một người đang buồn. Thay vì chỉ chú tâm vào việc của mình, bạn có thể trao tặng họ lời khen chân thành. Bạn có thể nói với người đó rằng bạn ngưỡng mộ họ vì đã lựa chọn mua trứng gà thả vườn.
Hoặc nếu bạn mỉm cười với những người mình gặp trên đường, nhiều khả năng bạn sẽ giúp họ cảm thấy vui vẻ hơn, và họ sẽ tiếp tục giúp người khác cảm thấy vui vẻ hơn.
Lời kết
Thông điệp chính của sách:
Ngay cả những quyết định và thay đổi nhỏ trong hành vi của bạn có thể tạo ra ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống bạn nói riêng và đến xã hội nói chung.
Đề xuất đọc thêm: Nghĩ Giàu Và Làm Giàu, tác giả Napoleon Hill
Nghĩ Giàu Và Làm Giàu là quyển sách truyền cảm hứng thành công hơn bất kỳ quyển sách về kinh doanh nào trong lịch sử. Quyển sách là thành quả từ hơn 500 bài phỏng vấn những người thành công và cả thất bại từ mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, những chiêm nghiệm của bản thân tác giả cũng góp phần tạo nên một quyển sách chứa đựng những bí mật đã giúp hàng ngàn người trở thành triệu phú, thành công từ thương trường đến cuộc sống.