Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ rằng, hiện nay chúng ta đang tranh cãi nhiều về giáo dục, về hình ảnh người thầy mẫu mực với nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nếu chuyên tâm đọc “Mái trường thân yêu” sẽ tìm thấy đầy đủ nguyên lý giáo dục: thầy mẫu mực, lớp thân thiện. Giáo dục không đơn thuần là dạy về trí lực, mà còn là đạo đức, lối sống, hướng nghiệp cho học sinh…
“Mái trường thân yêu” là câu chuyện có thật về một học sinh tên Việt. Vốn là một học sinh thị xã, chuyển về trường học ở huyện. Là một học sinh giỏi, nhất là môn toán, Việt thông minh, chăm đọc sách nhưng luôn sống đố kị, ích kỷ, khó hòa đồng. Từ đây, nhiều chuyện bi hài bắt đầu nảy sinh…
Tác giả cuốn sách, nhà giáo Lê Khắc Hoan cho biết, khi đặt bút viết “Mái trường thân yêu”, ông xác định sách viết cho học trò nên dụng công viết nhẹ nhàng, hài hước. Các nhân vật tích cực, từ thầy cô giáo đến học trò, tác giả đều giữ nguyên tên, họ. Chỉ có một số nhân vật nhiều nhược điểm mới bị đổi tên họ. Cuốn truyện xúc động tâm can, hấp dẫn trẻ nhỏ và người lớn bởi nhuần nhị lẽ sống hòa đồng. Gấp cuốn sách hai trăm trang, đọng lại một chữ “Hòa” dịu ngọt.
“Mái trường thân yêu – Thầy giáo của những học sinh giỏi toán”.
Được xuất bản chung với “Mái trường thân yêu” của nhà giáo Lê Khắc Hoan còn có “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán”. Đây là thiên ký sự đặc biệt của tác giả Đỗ Quốc Anh về PGS.TS, Nhà giáo nhân dân Tôn Thất Thân (thầy Tôn Thân) – người thầy của những người thầy nổi tiếng trong lĩnh vực toán học của Việt Nam ở trên thế giới: Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Vũ Hà Văn, Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, PGS.TS Vũ Đình Hòa…Nhà văn Phạm Văn Toàn cũng chia sẻ, anh thật sự tâm đắc với nhận xét về chữ “Hòa” của tác giả của cuốn sách. Với cuốn sách, người đọc sẽ nhận thức được nhiều điều về giáo dục. Đặc biệt, sách đậm đặc các chi tiết với rất nhiều câu chuyện sinh động về tình thầy trò, phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh. Ở đó không chỉ có các thầy cô dành hết tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”, mà các bậc phụ huynh cũng chung sức chung lòng cùng thầy cô giáo. Đó là các phụ huynh học sinh - nhà thơ Vũ Quần Phương, cô Mai không quản ngại cặm cụi viết, sửa đi sửa lại từng trang kịch bản cho thầy trò diễn, là những người học trò dù trưởng thành, ra nước ngoài học tập, sinh sống vẫn không quên sưu tầm tài liệu giảng dạy, dịch từng đoạn, nhờ cha mẹ đội mưa đến tặng thầy… Đó chính là tâm lực của cả cộng đồng nhằm thúc đẩy giáo dục phát triển chứ không phó mặc cho nhà trường hoặc mang tính “kim tiền” như hiện nay…
Nói về quá trình dạy học của thầy Tôn Thân, ký sự “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” ra đời từ những năm 1981. 15 năm dạy toán ở Trường THCS Trưng Vương, thầy Tôn Thân đã dạy 7 khóa học trò với 215 học sinh giỏi toán, đoạt 42 giải toàn quốc, nhiều học sinh dự thi toán quốc tế…
Trong ký sự, tác giả khắc họa rõ nét tập thể thầy trò đã làm nên kiểu dạy toán, học toán đặc sắc mà dạy học là dạy phương pháp tư duy sáng tạo, học toán là học cách học, học cách sống, rèn luyện thành người, tự khẳng định mình và hòa nhập với cộng đồng.
Về ký sự, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nhận định: “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” viết về thầy Tôn Thân vào năm 1981, trước cả khi lần đầu tiên tôi được cắp sách đến học thầy. Sau hơn 30 năm nghĩ lại, tôi thấy mình quả là có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn lớn nhất là được làm học sinh khóa cuối cùng của thầy Tôn Thân ở Trường Trưng Vương… Đối với tôi, thầy Tôn Thân luôn là người thầy mẫu mực. Thầy không bao giờ đến trễ, trang phục thì luôn luôn chỉnh tề. Bài giảng toán của thầy lúc nào cũng trong sáng, dễ hiểu. Thầy luôn có những lời động viên, phê bình đúng lúc và công bằng dành cho học trò… Thiên ký sự “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” của anh Đỗ Quốc Anh là một tài liệu rất quý. Nhờ vào nó, ký ức về một thời, về một con người sẽ không thể phai đi trong tâm khảm chúng ta. Tôi tin rằng, giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn”…