02 Jan, 2019
Chúng Ta Được Tạo Dáng Theo Những Gì Chúng Ta Yêu
Tôi dừng lại trước bức ảnh một vị sư Tây Tạng được trưng bày trong một triển lãm về Nepal. Vị sư quấn chiếc áo choàng đỏ rũ tận gót chân, hướng ánh nhìn về dãy núi Himalaya cao vợi, bủa vây tuyết trắng. Có điều gì đó ở bức ảnh khiến người xem bị cuốn hút mà ngôn từ khó lòng lý giải được, chúng vượt trên cả bố cục hay màu sắc tương phản. Đó là câu chuyện cách đây 2 năm trong triển lãm ảnh diễn ra chỉ vỏn vẹn 3 ngày ở đường Sương Nguyệt Anh (Q.1).
Cái cảm giác nửa bâng khuâng, gợn gạo nửa tò mò ấy, tôi tưởng chừng đã quên bẵng đi cho đến bắt gặp bìa sách của cuốn Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari, với sắc thái cũng hệt như bức ảnh trước: bàng bạc, thinh lặng. Khác với tác phẩm nhiếp ảnh - sản phẩm cuối cùng của một quá trình, đằng sau bìa sách với gần 300 trang viết là điểm khởi đầu của một hành trình mà tôi có thể truy cầu lời giải đáp cho cảm giác khó tả trong lòng. Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari là cuộc đối thoại giữa Julian Mantle – một cựu luật sư đã dành 3 năm để lĩnh hội tri thức cổ xưa của các nhà hiền triết Tây Tạng, và Peter John – một người đã quá chán nản với công việc hiện tại, lãng quên những ước mơ thuở niên thiếu và chai sạn trước vẻ đẹp của cuộc sống.
Nếu ở 5 chương đầu, cuốn sách khiến người xem phấn khích giở vội trang giấy bởi sự lột xác ngoạn mục của Julian Mantle từ một luật sư bị cuốn vào danh vọng trở thành một tu sĩ thông tuệ thì 8 chương sau, tác giả Robin Sharma lại khiến nhịp sách khoan thai hẳn đi với những ẩn dụ sâu sắc về con người, cuộc đời.
Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari khiến tôi ngạc nhiên trước 7 biểu tượng của các nhà hiền triết Tây Tạng: Khu vườn tuyệt đẹp, ngọn hải đăng, võ sĩ sumo, chiếc khố bằng dây cáp màu hồng, chiếc đồng hồ bấm giờ bằng vàng, những bông hồng ngát hương, con đường trải kim cương. Những biểu tưởng này tương ứng với 7 nguyên tắc để có cuộc sống minh triết: Làm chủ tâm trí, theo đuổi mục đích đời mình, liên tục cải thiện bản thân, sống có kỷ luật, quý trọng thời gian, phục vụ mọi người một cách không vị kỷ và trân trọng hiện tại.
Thực tế, những nguyên tắc này không phải mới mẻ nếu không muốn nói là quá hiển nhiên nếu ai đó mong muốn có một cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, bằng một nghịch lý khó hiểu nào đó, chúng ta luôn viện cớ để thoái thác thực hành chúng trong khi vẫn mong đợi hạnh phúc đến với cuộc đời mình.
Từng câu chuyện Julian Mantle truyền đạt cho người bạn Peter John đều là sự đan xen chặt chẽ giữa những lát cắt đời sống của các nhà hiền triết và cuộc sống của con người ở chốn thành thị. Cuốn sách đã minh chứng rằng chẳng phải những vị tu sĩ Tây Tạng giam mình trong dãy núi diệu vợi mới có đủ không gian tĩnh tại để đi theo lối sống ấy mà kể cả khi chúng ta bị vây hãm bởi guồng xoáy danh vọng, bị ép chặt trong những dãy nhà cao tầng đồ sộ vẫn có thể tìm kiếm sự bình yên trong nội tâm.
Hai quyển sách Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari & Thuật lãnh đạo từ vị tu sĩ bán chiếc Ferrari của tác giả Robin Sharma.
Điều này được nhấn mạnh không chỉ trong Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari mà còn được mở rộng ở cuốn sách tiếp sau của Robin Sharma: Thuật lãnh đạo của vị tu sĩ bán chiếc Ferrari. Đây là cuốn sách có thể giúp các nhà quản lý tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho doanh nghiệp và trao truyền động lực, niềm say mê công việc cho nhân viên, trong khi vẫn có được sự thanh thản nơi tâm hồn.
Khi tôi khép những trang giấy lại, đặt cuốn sách ra xa một chút, ngắm cái bóng của vị tu sĩ đổ trên nền tuyết trắng, tôi chợt nhớ một câu nói của Goethe được dẫn trích trong Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari: “Chúng ta được định hình và tạo dáng theo những gì chúng ta yêu thích”. Có lẽ câu nói ấy cũng tựa bức ảnh tôi từng xem hay bìa cuốn sách đang đặt trước mắt, cả hai đều được định hình từ những ước mơ sâu thẳm của con người về một cuộc sống tốt đẹp và bình yên.
Thụy.