Gần đây, khái niệm “chăm sóc bản thân” tràn ngập khắp mạng xã hội, từ những video hướng dẫn yoga trên bãi biển đến hình ảnh các bình nước sang trọng được gắn tag #SelfCare. Nhưng đâu mới là chăm sóc bản thân thật sự? Và làm thế nào để chăm sóc bản thân đúng cách trong cuộc sống bận rộn?

Sao gọi là chăm sóc bản thân giả tạo?

Trong thời đại công nghiệp tiêu dùng, việc chăm sóc bản thân thường bị đồng nhất với những buổi spa thư giãn, khóa học yoga hay những phương pháp chăm sóc da, dưỡng tóc đắt tiền… Thế nhưng, với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của nữ giới, bác sĩ Pooja Lakshmin nhận ra đây chỉ là những phương pháp “chăm sóc bản thân giả tạo” - một kiểu giải pháp tạm thời nhưng không giải quyết được vấn đề dài hạn.

Đơn cử như câu chuyện của Monique, một cô gái hai mươi lăm tuổi, lớn lên trong một gia đình nhập cư có nếp sống bó buộc, kiểm soát và đặt ra những kỳ vọng rất cao. Vì áp lực, cứ mỗi sáu tháng, Monique lại vung tiền cho một khóa tu dưỡng xa hoa như tập yoga ở Bali, học thiền theo triết lý Phật giáo ở ngoại ô New York, chữa lành cùng ngựa ở Montana… Những chuyến đi giống như lối thoát của Monique, nhưng khi quay về, cô lại rơi vào nhịp sống bận rộn và quá tải như trước, để rồi sau đó lại kiệt sức.

Nhìn trên bề mặt, những phương pháp chăm sóc bản thân như của Monique có thể đóng vai trò như một cách để thoát khỏi thực tại, đáp ứng nhu cầu tối ưu hóa cuộc sống, thậm chí là mang đến cảm giác thành tựu. Nhưng nó giống như một kiểu nạp năng lượng tức thời, đóng vai trò như một sự giải thoát khỏi hiện thực hằng ngày và khiến chúng ta rời xa con người thật của mình. Tệ hơn, những phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo này còn khiến chúng ta xao nhãng, không thể nhận ra những lỗ hổng của một hệ thống vốn đối xử không công bằng với phụ nữ và các cộng đồng thiểu số thường chịu thiệt thòi.

Pooja Lakshmin chia sẻ: “Trên thực tế, chăm sóc bản thân giả tạo cung cấp cho chúng ta tấm khiên vừa đủ lớn để giấu đi cảm xúc bên trong và tiếp tục tham gia các hoạt động của hệ thống văn hóa - xã hội quen thuộc mà hầu hết chúng ta đều đã biết từ khi còn nhỏ - những hệ thống nơi phụ nữ là người chăm sóc và quan tâm đến cảm xúc của người khác, nơi phụ nữ được mặc định phải ưu tiên hạnh phúc của người khác hơn của chính mình. Chăm sóc bản thân giả tạo củng cố quan niệm độc hại rằng bạn là kẻ ích kỷ khi đưa ra những lựa chọn ưu tiên hạnh phúc của bản thân. Khi được xem như giải pháp, chăm sóc bản thân giả tạo sẽ tạo ra những lỗ hổng, khiến cho những hệ thống đang làm tổn thương phụ nữ không phải chịu trách nhiệm”.

Trong cuốn sách “Chăm sóc bản thân thật sự”, Pooja Lakshmin đã đưa ra những phân tích và bằng chứng cho thấy xã hội hiện nay đã đặt nhiều gánh nặng tinh thần lên phụ nữ, khiến họ kiệt sức, mất kết nối và có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý như trầm cảm, lo âu… Nhưng thay vì giải quyết nguyên nhân vấn đề, chúng ta lại thực hành những phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo và xem nó như giải pháp cho một vấn đề xã hội.

Trên những trang sách, Pooja Lakshmin không chỉ bóc trần những phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo mà còn mở ra một góc nhìn hoàn toàn khác về việc chăm sóc bản thân. Cô định nghĩa rằng việc chăm sóc bản thân thực thụ không nằm ở những món đồ bạn mua hay những việc bạn làm, mà ở cách bạn đưa ra các quyết định quan trọng để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của chính mình.

Trong phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo, ở một thời điểm nhất định, việc chạy bộ có thể cải thiện tâm trạng của bạn nhưng không thể thay đổi hoàn cảnh đã khiến bạn kiệt sức, mệt mỏi hay suy sụp. Ngược lại, chăm sóc bản thân thực thụ là đào sâu hơn và xác định các nguyên tắc cốt lõi có thể giúp cho việc ra quyết định. Khi áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống, bạn không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm ở hiện tại mà còn xây dựng được một lối sống có thể ngăn chặn vấn đề ngay từ đầu. Nói cách khác, áp dụng phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo là đối phó, trong khi thực hành chăm sóc bản thân thực thụ là nắm thế chủ động.

“Chăm sóc bản thân thực thụ – khi bạn nhìn vào bên trong mình và đưa ra quyết định sau khi đã suy ngẫm cũng như cân nhắc cẩn thận – là một cách để khẳng định quyền tự chủ. Nó có nghĩa là đối mặt trực tiếp với sự độc hại và tổn thương mà nền văn hóa của chúng ta gây ra cho phụ nữ. Nó có nghĩa là xác định điều nào phù hợp với bản thân chúng ta, điều nào không” - Pooja Lakshmin cho biết.

Chú thích cho hình ảnh

Chăm sóc bản thân thật sự là một cách sống

Với vai trò là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần phụ nữ, Lakshmin không chỉ đưa ra góc nhìn về cách chúng ta chăm sóc bản thân mà còn cung cấp một lộ trình rõ ràng với các bài tập, câu hỏi và công cụ thực tế để mỗi người tự xây dựng phương pháp chăm sóc bản thân phù hợp với mình.

Pooja Lakshmin nhiều lần nhấn mạnh việc chăm sóc bản thân thật sự không phải là danh từ mà là động từ, là quá trình diễn ra bên trong giúp chúng ta hướng tới sức khỏe tinh thần lành mạnh và tái định hình cách chúng ta tương tác với người khác. Đó không phải là một giải pháp nhanh chóng như viết nhật ký hay kỳ nghỉ dưỡng sang trọng có kèm dịch vụ spa, mà đòi hỏi chúng ta phải tự nhận thức dựa trên bốn nguyên tắc: thiết lập ranh giới, đối xử tử tế với chính mình, xác định giá trị cốt lõi, và sử dụng quyền tự chủ.

Điểm đặc biệt của “Chăm sóc bản thân thật sự” nằm ở chỗ, Pooja Lakshmin không chỉ đưa ra nhiều ví dụ từ những câu chuyện thực tế mà còn dẫn chứng nhiều số liệu và nghiên cứu chuyên ngành để làm cơ sở cho phân tích của mình. Ngoài ra, cô cũng không ngần ngại chia sẻ những thất bại trong việc chăm sóc bản thân ở quá khứ để làm ví dụ cho bạn đọc, từ đó giúp mỗi người tự nhìn nhận lại những thói quen của mình và có những thay đổi phù hợp.

Pooja Lakshmin nhìn nhận: “Trong khi chăm sóc bản thân giả tạo khiến bạn ngày càng xa rời chính mình, chăm sóc bản thân thực thụ sẽ luôn đưa bạn đến gần phiên bản thật nhất của mình. Đó là quá trình tìm hiểu bản thân bạn, con người thật của bạn, với những giá trị cốt lõi, niềm tin và mong muốn của riêng bạn. Đó là quá trình ra quyết định diễn ra bên trong buộc chúng ta phải tự suy ngẫm và quan sát chính mình một cách trung thực và kiên định. Khi bắt đầu thấy vẻ ngoài của mình phản ánh đúng phần bên trong con người mình, đó chính là lúc bạn biết mình đang chăm sóc bản thân thực thụ”.

Nếu bạn từng cảm thấy mệt mỏi với những lời khuyên sáo rỗng về chăm sóc bản thân, thì những chia sẻ từ chuyên gia nhiều kinh nghiệm như Pooja Lakshmin sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn khác. Ở đó, Pooja Lakshmin không chỉ hướng dẫn bạn cách yêu thương bản thân mà còn tạo điều kiện cải thiện các mối quan hệ, môi trường làm việc và cộng đồng.

Pooja Lakshmin

Pooja Lakshmin là bác sĩ tâm thần được hội đồng chứng nhận, cộng tác viên lâu năm của tờ New York Times và là người có tiếng nói trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe tâm thần và giới tính. Cô theo đuổi sứ mệnh giúp phụ nữ và những người thuộc các cộng đồng bị thiệt thòi thoát khỏi sức ảnh hưởng của những phương pháp chăm sóc bản thân bóng bẩy, sáo rỗng. Năm 2020, Lakshmin thành lập nền tảng giáo dục Gemma để cung cấp kiến thức sức khỏe tâm thần cho phụ nữ. Hiện tại, cô đang thực hành lâm sàng tại phòng khám tư nhân của mình, nơi cô điều trị cho những phụ nữ phải vật lộn với tình trạng kiệt sức và bị mất niềm tin hoặc mắc những chứng bệnh lâm sàng như trầm cảm và lo âu.