24 Nov, 2018
Bạn Đang Nghịch Gì Với Đời Mình? - Bàn Về Nỗi Sợ
Bạn có biết thật ra nỗi sợ của chúng ta đều chịu ảnh hưởng từ các yếu tố văn hóa?
Chẳng hạn như đối với người dân sống ở thành thị, một con chuột cũng khiến mọi người khiếp đảm, nhưng đối với người dân sống ở nông thôn thì đến rắn cũng không khác giun đất vô hại là mấy. Hay đối với những nước tự do ngôn luận như Mỹ thì việc đứng nói trước đám đông thường không đáng sợ như ở châu Á – nơi người ta có xu hướng ngại thể hiện bản thân.
Khi đứng trước mối đe dọa, não sẽ giải phóng các hóa chất thần kinh và hormone làm tăng nhịp tim và hơi thở, máu dồn nhiều hơn tới các cơ bắp kích thích ta bỏ chạy hoặc chiến đấu. Hạch hạnh nhân (amygdala) trong thùy thái dương là khu vực kiểm soát nỗi sợ hãi của con người. Khi sự căng thẳng kích hoạt hạch hạnh nhân, nó tạm thời gạt bỏ suy nghĩ có ý thức của con người để cơ thể dồn toàn bộ năng lượng đối mặt với mối đe dọa.
Đó là cách cơ thể phản kháng với nỗi sợ có tác động từ bên ngoài, vậy còn nỗi sợ bên trong do chính chúng ta tạo ra thì sao?
Đó là nỗi lo sợ khi nghĩ đến tương lai, sợ mất việc, sợ cái chết, sợ bệnh tật, sợ khổ đau,… Nỗi lo sợ này bao hàm một tiến trình suy nghĩ về tương lai hay về quá khứ. Ta lo sợ về ngày mai và về những gì có thể xảy ra. Ta lo sợ về cái chết dù vẫn đang cách xa nó một khoảng nhất định. Vậy đâu là nguồn gốc của nỗi lo sợ, phải chăng là suy nghĩ trong ta?
Trong Bạn đang nghịch gì với đời mình, Krishnamurti cho rằng suy nghĩ dung dưỡng nỗi sợ. Nghĩ đến mình thất nghiệp hoặc có thể thất nghiệp, ta cảm thấy sợ. Nghĩ về căn bệnh mà mình từng mắc phải, ta sợ phải đối diện với cảm giác đau đớn đó lần nữa. Khi ta có một trải nghiệm xấu, việc nghĩ về nó và không muốn nó lặp lại đã tạo ra nỗi lo sợ. Vậy, ý nghĩ tạo ra nỗi sợ và người ta hoàn toàn có thể nhận ra điều này khi nhìn vào trải nghiệm thực tế.
Nỗi sợ vừa tự nó sinh sôi, vừa được tích lũy dần theo thời gian, vì nó liên hệ với quá khứ nên để suy nghĩ có thể tự do thì quá khứ phải được nhận thức thông qua hiện tại. Cái tôi ấy chính là căn nguyên của mọi nỗi lo sợ.
Nhìn ra được vấn đề như thế thì việc của chúng ta chính là ngăn chặn những ý nghĩ, bằng cách chú tâm. Krishnamurti chỉ ra khi đặt trọn tâm trí mình vào một việc nào đó thì ta chỉ biết đến việc mình đang làm chứ không còn để ý đến xung quanh hay cái tôi, vì vậy mà các ý nghĩ tạo nên nỗi sợ cũng sẽ không xuất hiện.
Nỗi sợ còn hiện diện khi có sự sở hữu. Như cách mà chúng ta yêu thương người khác, ta càng yêu thì càng muốn sở hữu và điều đó dẫn ta đến nỗi sợ mất họ. Việc sở hữu một thứ gì đó khiến chúng ta thấy vui sướng, ngay cả chuyện có một chú chó của riêng mình cũng mang lại cảm giác ấm áp và dễ chịu. Sự độc chiếm khiến chúng ta cảm thấy an toàn, chắc chắn về bản thân, và chúng ta bám víu vào trạng thái thấy mình là quan trọng này. Thậm chí việc nghĩ rằng chúng ta sở hữu không phải chỉ một cây bút chì hay cả một ngôi nhà, mà là sở hữu một con người khác khiến chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và thỏa mãn lạ thường. Khi không có gì để níu giữ, chúng ta sẽ thấy mất phương hướng, chúng ta luôn e sợ cảm giác cô đơn.
Quyển sách còn mang đến một cách nhìn mới về nỗi sợ chết. Krishnamurti lý giải rằng chúng ta không sợ chết, chúng ta chỉ sợ phải dang dở quá trình sống của mình. Bản thảo sách, nhân vật trong truyện, những cuộc gặp gỡ người thân, bạn bè, tạo ra của cải, địa vị,… đều là những việc chúng ta muốn hoàn thành trước khi thần chết gõ cửa. Vì vậy, nỗi sợ đối với cái chết chỉ tồn tại do ham muốn hoàn thiện bản thân. Nhưng nếu ta có thể hoàn thiện bản thân trong từng khoảnh khắc thì tuyệt nhiên cái chết không còn đáng sợ nữa.
Bạn đang nghịch gì với đời mình như một lời nhắc nhở của Krishnamurti dành cho độc giả: nỗi sợ luôn hiện hữu trong chính ta cho đến khi ta thôi trốn tránh nó và tận hưởng từng khoảnh khắc lướt qua trong đời. Sẽ không còn gì đáng sợ khi ta hiểu rõ bản chất của nỗi sợ - nó xuất phát từ ý nghĩ của ta. Và khi ta chú tâm vào từng khoảnh khắc, sẽ không còn chỗ để ý nghĩ đó xuất hiện.