13 Nov, 2019
Bài 1: Sức mạnh cho doanh nghiệp nhỏ khi áp dụng Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh
Chúng ta thường áp quan điểm của mình vào mọi việc. Những gì chúng ta nói và làm đều mang tính tự sự. Nếu muốn thì bạn có thể đọc Binh pháp để chiến thắng và thanh thản. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đọc để gây hấn.
Cả đời tôi là người luyện võ, nhà marketing, nhà quản lý kinh doanh nhỏ và người say mê về lịch sử. Tôi tôn trọng những “cuộc chiến chính nghĩa” và các binh sĩ tham chiến. Cũng giống như Tôn Tử, tôi tin rằng chiến tranh chỉ nên xảy ra trong trường hợp bất đắc dĩ. Khi theo dõi sát sao chính sách công trên đấu trường quốc tế, tôi hiểu mối hiểm họa và hiện thực của chiến tranh là một hằng số lịch sử. Người yếu bị kẻ mạnh lấn át. Con người ở mọi nơi luôn trong tư thế cạnh tranh lẫn nhau.
Xét trên nhiều phương diện, thương trường cũng như chiến trường. Những doanh nghiệp nhỏ nào cố gắng chống lại những quy luật do các doanh nghiệp lớn đặt ra thì chắc chắn sẽ bị đè bẹp, hoặc ít nhất là lãnh thương tích đầy mình. Nhưng nếu cẩn thận nghiên cứu và áp dụng tốt Binh pháp thì đây có thể là cẩm nang chiến thắng cho những doanh nghiệp nhỏ có hiểu biết, sáng tạo và đầy tham vọng.
Do Tôn Tử am hiểu cách dùng chiến lược để đánh bại đối thủ lớn và giàu mạnh hơn nhiều, rõ ràng là lời khuyên của ông rất thích hợp cho lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ đang phải cạnh tranh với địch thủ nặng ký hơn. Nó cũng phù hợp cho những doanh nghiệp nhỏ muốn tìm cách thống trị thị trường đầy cạnh tranh gồm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.
Tác giả của The Art of War: Spirituality for Conflict kiêm nhà sáng lập của trang web tài nguyên giáo dục Sonshi, Thomas Huynh, hiểu rằng đối tượng độc giả mà Tôn Tử nhắm đến khi viết Binh pháp là lực lượng yếu thế hơn. Bậc hiền nhân đang cố gắng dạy bảo cho những kẻ đang ở thế yếu cách chiếm được lợi thế. Và Marc Benioff, người viết lời tựa cho cuốn sách của Thomas Huynh, đồng thời là giám đốc điều hành của Salesforce.com cũng đồng ý điều đó. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về ông ấy trong những trang sau. Ông ấy viết: “Về cơ bản, cuốn sách giải thích cách giúp những đội quân nhỏ có thể đánh bại các đội quân lớn hơn”.
Lợi thế chính của doanh nghiệp nhỏ
Mức độ hiểu rõ và tận dụng các lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp sẽ quyết định thành công của nó. Mặc dù các doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động trong thị trường mang tính cạnh tranh thường gặp bất lợi lớn, tuy nhiên họ có những điểm mạnh chung mà họ cần phải nhận ra và vận hành xoay quanh chúng. Bất kể ngành nghề nào, những lợi thế phổ biến nhất của doanh nghiệp nhỏ so với doanh nghiệp lớn sẽ được tôi liệt kê sau đây.
• Xây dựng liên minh
• Nhanh nhẹn và linh động
• Dễ dàng xây dựng sự đồng thuận
• Ý tưởng, sự phấn khởi và nhiệt tình của những doanh nghiệp còn mới và trẻ.
• Quy trình và thủ tục làm việc linh hoạt
• Có tinh thần đả phá các quan điểm bảo thủ và sẵn sàng làm việc với bất cứ ai
• Có tính độc lập
• Gần gũi, thân mật với khách hàng
• Sáng tạo và nuôi dưỡng các ý tưởng mới
• Khai thác thị trường ngách
• Sẵn lòng chấp nhận rủi ro
• Có khả năng đối phó với những sự kiện bất ngờ
• Đoàn kết vì mục tiêu chung và tận tụy với nhiệm vụ
Bất lợi chính của doanh nghiệp nhỏ
Trong quãng thời gian làm chuyên viên tư vấn về truyền thông và tiếp thị chiến lược, cũng như khi làm việc với các công ty quảng cáo, tôi đã hỗ trợ hàng trăm lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ. Hết lần này đến lần khác, họ lại phạm phải những khuôn mẫu sai lầm tương tự mà Tôn Tử luôn cảnh báo nên tránh. Với những ai biết rõ về nghịch lý của các doanh nghiệp nhỏ, chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy một số điểm bất lợi được nêu dưới đây cũng nằm trong danh sách lợi thế.
• Cạnh tranh trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự do nhân viên dễ bị các công ty lớn dụ dỗ, lôi kéo
• Cạnh tranh trong việc tìm kiếm đối tác và nhà cung cấp do đối tác có xu hướng cung cấp những sản phẩm tốt nhất của họ cho những công ty hàng đầu trong ngành
• Ham muốn hoàn tất nhanh thương vụ, thậm chí đối với những sản phẩm và dịch vụ không sinh lời hay là một phần của kế hoạch dài hạn
• Khó tập trung lợi nhuận do thiếu định hướng lâu dài
• E ngại trở nên nổi bật hay bắt tay thực hiện điều gì đó mới mẻ, hoặc sợ trở nên “quá khác biệt”
• Thiếu mục đích chung
• Cơ cấu và hệ thống cấp bậc chưa hoàn chỉnh
• Sự lưu chuyển tiền tệ còn yếu
• Quy trình và hệ thống còn kém phát triển
• Thiếu kinh nghiệm quản trị và điều hành
• Nguồn lực hạn chế
• Kiến thức về lĩnh vực cạnh tranh còn giới hạn/non nớt
• Đưa ra quyết định dựa trên những giả định sai lầm nhưng gây ra hậu quả lâu dài
• Rủi ro thật sự khi giao dịch với doanh nghiệp nhỏ hơn
• Ít quan tâm đến tầm quan trọng của chiến lược
• Liên tục thay đổi mục tiêu ưu tiên khi theo đuổi các cơ hội khác nhau
• Không tạo được nhiều dấu ấn và có ít ảnh hưởng trong ngành
Doanh nghiệp nhỏ cần đến binh pháp tôn tử
Có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ dường như đang hoạt động mà không có hoặc quá ít tập trung vào chiến lược. Và khi nhìn kỹ vào những doanh nghiệp này, bạn sẽ hiểu điều đó thường là đúng. Họ hy sinh chiến lược dài hạn để thực hiện những bước đi mang tính chiến thuật ngắn hạn. Nhưng chiến lược để giành thắng lợi không thể đạt được khi áp dụng cùng phương pháp và hy vọng từ tuần này sang tuần kia, từ tháng này sang tháng nọ. Chiến thuật là yếu tố cần thiết, nhưng nếu những bước đi này không được tiến hành dựa trên chiến lược đúng đắn, thì nhiều hoạt động sẽ không tiến triển. Và điều đó đôi khi đúng với công ty của bạn, phải vậy không? Hay là nhiều hơn cả... “đôi khi” nữa?
Công ty của bạn phải có kế hoạch chiến lược thực tế được cân nhắc cẩn thận dựa trên tình hình thực tại của thị trường cạnh tranh. Với kế hoạch đúng đắn đó, mỗi phòng ban trong doanh nghiệp nên có chiến lược và chiến thuật phối hợp tốt nhằm hỗ trợ cho mục tiêu tối thượng của công ty. Mọi việc bạn làm cần được tính toán để triển khai và thúc đẩy chiến lược đó.
Trích sách Binh Pháp Tôn Tử trong kinh doanh.
Đặt mua sách tại đây.
Theo Một thế giới