09 Jan, 2019
5 Điểm Chết Trong Teamwork: Bí Quyết Thành Công Cho Mọi Đội Nhóm
Câu chuyện rất thực tại “tập đoàn Decision Tech ở Vịnh Half Moon, Thung lũng Silicon”. Đó là cách Patrick Lecioni, tác giả của “5 ĐIỂM CHẾT trong teamwork” tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn thú vị cho câu chuyện về thuật lãnh đạo của mình. Sức ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn trong môi trường công ty mà là cho tất cả mọi người, các huấn luận viên, giáo viên, học sinh… hay thậm chí là các thành viên trong gia đình.
Qua những trang viết của tác giả, tôi bắt gặp những hình ảnh, nhân vật rất quen thuộc. Nhiều lúc tôi phá lên cười vì cảm giác tác giả đang nói về các công ty mà tôi đã qua. Thấp thoáng hình ảnh người “luôn mở laptop và có vẻ liên tục check email trong suốt cuộc họp”, sự “e dè” của các thành viên, “nỗi sợ làm tổn thương người khác”, sự “im lặng” và “thiếu tranh luận”, sự “kiêu ngạo” của ai đó, “cái tôi” của mỗi người, sự “cô đơn” của người lãnh đạo,... Rồi những điều mà vị CEO mới của công ty, cô Kathryn nổ lực để xây dựng đội nhóm của mình. Chia sẻ về cá nhân, “sở thích thửa bé”, “công việc đầu tiên”, “thử thách trong quá trình trưởng thành”, tưởng chừng nghe như rất đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa “kết nối” của nó cho dù giữa những người lãnh đạo cấp cao.
Câu chuyện về thể thao đồng đội? Tác giả đã có sự liên tưởng tuyệt vời giữa teamwork trong môi trường công ty và teamwork trong các môn thể thao đồng đội. “Anh ấy là một huấn luận viên huyền thoại. Tất cả những gì anh ấy làm là hướng đến đội nhóm.... Các em thắng vì các em chơi bóng rổ đồng đội, và điều đó thường giúp các em thắng các đội bóng lớn hơn, nhanh hơn và tài năng hơn mình". Và “nếu anh có thể làm cho mọi người trong công ty đồng lòng hướng đến mục tiêu chung, thì anh có thể thống lĩnh bất cứ lĩnh vực nào, trong bất kỳ thị trường nào, với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào và tại bất kỳ thời điểm nào”. Sự dẫn dắt những mắc xích kết nối trong lối kể chuyện tuyệt vời của tác giả đã giúp người đọc liên tưởng đến mọi thứ trong đời thực, rất gần gũi và đã biến “thế giới phức tạp” của đội nhóm thành những điều giản đơn, dễ hiểu.
Mặc dù Patrick viết quyển sách này từ năm 2002 nhưng đến thời điểm hiện tại nó vẫn mang giá trị “thời sự” nguyên vẹn đặc biệt ở Việt Nam, nơi ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia và công ty startup xen lẫn yếu tố văn hóa phương Đông về sự “hòa hợp”. Có những đội nhóm được cho rằng có teamwork tốt vì nhìn bề ngoài mọi người vui vẻ, hòa nhã với nhau, tránh né việc làm người khác “tổn thương”, không bao giờ có tranh luận và che giấu những điều chưa tốt về đồng đội của mình. Liệu các thành viên trong đội nhóm này tin tưởng nhau thật sự? Đây có phải là “sự hòa hợp giả tạo”? Có khi nào “xung đột” là yếu tố tích cực? Liệu có sự cam kết không khi mọi thứ là “mơ hồ”? Khi nào con người có khuynh hướng tránh né trách nhiệm? Và họ có quan tâm đến kết quả chung của tập thể hay không? Sự tương quan giữa cái “tôi” và “cái chung” là gì? Tất cả điều này được tác giả dẫn dắt khéo léo xuyên qua câu chuyện ở Decision Tech, những buổi retreats của đội nhóm các nhà lãnh đạo, cách xử lý tình huống của Kathryn và hơn thế nữa là sự đổi mình của những thành viên trong đội nhóm. Đúc kết qua tổng quan về mô hình “5 ĐIỂM CHẾT trong teamwork" sẽ giúp người đọc hiểu rõ một cách có hệ thống, cụ thể về 5 điểm này.
Điều dễ bị ngộ nhận ở đây là năm điểm này có thể được giải quyết tách biệt. Tuy nhiên trên thực tế, nó gắn kết với nhau và “khi mắc phải một yếu tố có thể dẫn đến sự thành công của cả đội”. Trước khi tìm hiểu cách khắc phục 5 điểm này, bản câu hỏi đánh giá sẽ giúp cho các đội nhóm tìm hiểu nguy cơ mắc phải những điểm này của đội nhóm mình.
“Hãy nhớ rằng bất kể tổng số điểm đội nhóm đạt được bao nhiêu đi nữa, mọi đội nhóm đều cần nỗ lực liên tục, vì nếu không thì ngay cả những đội ngũ xuất sắc nhất cũng sẽ đi lệch hướng và xuất hiện các điểm “CHẾT”.
Các biểu hiện cũng như cách khắc phục các “ĐIỂM CHẾT” và vai trò của người lãnh đạo được tác giả chia sẻ từ những đúc kết kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc với vai trò là người tư vấn cho nhiều tập đoàn khác nhau. Vì vậy, một lần nữa, nó làm cho câu chuyện rất thực và gần gũi với mọi người cho dù bạn đang làm việc ở cương vị nào và ở đâu.
Vậy bạn còn chần chờ gì nữa?
Nguyễn Vũ Tú Uyên | Người dịch "5 điểm chết trong teamwork"