23 Nov, 2018
5 Bước Để Hiểu Thấu Về Bể Khổ Trong "Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất"
Chúng sinh trên đời đều không thể thoát khỏi ba nỗi khổ – lão, bệnh, tử. Ngay cả Đức Phật cũng không thể tránh được những sầu khổ này, dù Ngài hội đủ những phẩm chất tốt đẹp và tinh thần thông tuệ. Vì thế Ngài từng khuyên “ta cần phản ứng khác đi: hiểu thấu về bể khổ”.
Trong Hạnh phúc đến từ sự biến mất, sư Ajahn Brahm giải thích để hiểu thấu bể khổ, ta phải trải qua quá trình: quan sát, thấu hiểu, buông bỏ, thoát ly và biến mất.
Chừng nào còn chìm đắm trong bể khổ, chừng đó chúng ta còn cảm thấy bất an và bị cảm xúc chi phối. Nhưng nếu vì muốn thoát khỏi đó mà ta quay lưng với mọi sầu khổ thì lại càng sai lầm. Lúc này, giải thoát – thoát ly khỏi đời sống mới là phản ứng đúng. Cố thay đổi sự vật hiện tượng chỉ càng khiến ta dính dáng nhiều hơn với cuộc đời, trong khi chấp nhận sự đời cũng giữ ta liên quan.
Lời khuyên của sư Ajahn là hãy trở thành “người khả tri”, giống như nhân viên xếp chỗ trong rạp phim – chỉ nhìn bộ phim trên màn ảnh và không can dự vào bất kỳ diễn biến nào của bộ phim. Hãy tưởng tượng ta đang ngồi trong chính mình. Khi đó, ta sẽ tách rời khỏi những gì đang xảy ra, ta chỉ quan sát chúng. Không cần phải kích động hay thất vọng, không cần phải sợ sệt. “Cứ để kệ nó diễn ra. Con trâu sẽ chạy đi nhưng thể nào nó cũng dừng lại”.
Quan sát giúp ta xem xét, thu thập dữ liệu và thấu hiểu những sự việc đang diễn ra. Thấu hiểu từ nguyên nhân, quá trình cho đến kết quả. Từ đó, ta học hỏi nhiều thứ qua trải nghiệm của mình. Khi chấp nhận quy luật Nhân – Quả, ta sẽ tự do thoát khỏi những giận dữ, chán nản, sợ hãi. Khi ta không khao khát sự giải thoát thì giải thoát mới diễn ra.
Nếu gần gũi với những gì đang trải nghiệm, ta sẽ sở hữu nó, và ta trở thành nó. Khi “tôi” bắt đầu tham gia, ắt sẽ xuất hiện vấn đề. Hãy rèn luyện sự buông xả. Có tìm hiểu, ta mới nghiệm được mọi sự chán nản, cơn buồn ngủ, những bực tức nổi lên đều theo lẽ tự nhiên và không hề có người kiểm soát, thế thì cớ sao ta lại để cơn giận bùng lên?
Buông xả có nghĩa là cho đi mà không mong chờ được đền đáp. Chúng ta không hành thiền để nhận huy hiệu hay để được giải. Ta buông bỏ những chướng ngại cản trở mình – thế mới là hành thiền để tự do. Theo đó, chúng ta thoát ly khỏi mọi thứ, không vướng mắc.
Khi hành thiền, ta có thể lắng Tâm nhìn cuộc đời và nhận ra cuộc đời hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, vì vậy những diễn biến trong cuộc đời không phải việc của ta. Bất kể bạn đang trải nghiệm điều gì, đang tu tập trong thiền viện hay bất kỳ nơi nào, hãy nói “Không phải việc của tôi”. Bất kể ai đang làm gì và nói gì đều không liên quan đến ta. Nghiệp của họ từ đó cũng chẳng liên quan đến ta.
Tâm sẽ tự nhiên dứt bỏ vạn vật khi đã nhận đủ, khi ấy vạn vật sẽ biến mất. Bể khổ phai biến khi Nhân gây ra sầu khổ phai biến. Ý thức về thế gian bắt đầu biến đi khi chúng ta không băn khoăn đến việc thay đổi nó. Khi ta nhìn nhận thế giới đúng như bản chất thật của nó, ta sẽ di chuyển theo hướng khác, ngược với phần còn lại của thế giới.
Giống như việc ta cảm thấy mình bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn, càng đấu tranh ta càng giận dữ và bị tiếng ồn thu hút sự chú ý. Hãy ngừng lại, không phải tiếng ồn đang làm phiền ta mà chính ta đang làm phiền tiếng ồn. Khi suy nghĩ như vậy, ta sẽ yên lặng lắng nghe tiếng ồn, tránh làm phiền chúng. Và rồi theo tự nhiên, tiếng ồn trong Tâm ta biến mất.
Quá trình đi đến sự biến mất diễn ra một cách chậm rãi và nhẹ nhàng, nó không dẫn ta né tránh vấn đề, mà thực ra nó giúp ta nhìn thấu mọi thứ – Nhân, Quả, cách mọi thứ diễn ra. Ta thấu hiểu rồi để mặc nó tiếp diễn, ta không can thiệp, không phản ứng. Tâm của ta lúc này tựa dòng sông tĩnh lặng, vạn vật rơi vào và ta mặc chúng trôi cùng ta. Khi đó, ta làm chủ vạn vật, ta cho phép chúng ở đó chứ không phải bị chúng kéo đi.
Dần dần, từng chút một, ta sẽ chánh niệm, an ổn và phúc lành.