Cái hay của người Nhật là có thể dựa trên văn hóa, kiến trúc, bộ chữ… của đất nước khác để tạo ra những nét riêng không lẫn đâu được của mình.

Suốt nhiều năm viễn du xứ hoa anh đào, tác giả Nguyễn Chí Linh mới cảm được đầy đủ cái tinh thần “dù không là duy nhất nhưng luôn đặc biệt” ấy của Nhật Bản, để rồi đưa độc giả đến với tập sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang.

1. Hoa anh đào có mặt ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Việt Nam…Nhưng vì sao những đóa anh đào Nhật Bản lại khiến người ta động lòng đến vậy?

“Nếu những cánh anh đào không tồn tại

Thế giới này sẽ im lặng đến nhường nào?”

Trong cuốn du ký Bốn mùa trên xứ Phù Tang, tác giả Nguyễn Chí Linh cho rằng từ khi vần thơ trên của Ariwana ra đời, hoa anh đào mới thực sự “sống” trong văn hóa Nhật Bản. Anh đào hòa mình vào kiến trúc, lắng đọng trong âm nhạc và bừng nở trong những bức vẽ của Hokusai. Sự hòa hợp giữa nét đẹp dịu dàng của hoa anh đào với tính cách của người Nhật đã làm tâm hồn du khách lay động khi thưởng thức loài hoa này. 

2. Ngôi chùa Todai-ji là quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới


Nguồn: commons.wikimedia.org

Todai-ji được hoàn thành vào năm 743 và trở thành tổng hành dinh Phật giáo Nhật Bản. Ngôi chùa được nâng đỡ bởi 84 cây cột bằng gỗ tuyết tùng thân thẳng cao hơn 40 mét. Trong chánh điện có đại tượng Daibutsu cao 14,98 mét - một trong những tượng Phật cổ được đúc bằng hợp kim đồng - vàng lớn nhất Nhật Bản hiện nay. Sau hai trận cháy và một trận động đất kinh hoàng, những cột trụ trong chánh điện giờ đây đã được thay bằng gỗ thông đỏ to bằng vòng tay của hai người trưởng thành.

3. Quốc đạo của Nhật từng một thời là sự kết hợp Mật tông của người Hoa và Thần đạo sơ khởi.

Nếu Trần Huyền Trang là người đầu tiên đưa kinh điển Phật giáo từ Ấn Độ về Trung Hoa thì Đại sư Kukai (Không Hải) được xem là người đã khai sinh Phật giáo trên xứ Phù Tang. Năm 806, sư Không Hải đã sáng lập Henjo Kongo (Chân ngôn tông) kết hợp giữa Mật tông của người Trung Hoa và Thần đạo của người Phù Tang. Chân ngôn tông trở thành quốc giáo của Nhật Bản cho đến khi hoàng đế Meiji lên nắm quyền (1867). 

4. Lưu cầu – Vương triều bị quên lãng

Đến nay, đảo Okinawa vẫn được xem là “tiểu lục địa đen” trong mắt các chuyên gia quân sự nước ngoài lẫn những nhà nghiên cứu Nhật Bản. Các sử gia cũng không biết nguồn gốc thật sự của người Lưu Cầu trên đảo. Nền văn hóa của họ vừa có nét giống Đài Loan vừa pha lẫn Trung Hoa lại thêm một ít Phù Tang. Họ cũng có ngôn ngữ riêng dù bộ chữ viết vẫn là vay mượn từ người Trung Hoa. Người Lưu Cầu xưa còn nổi danh với nghề làm gốm và môn võ cổ truyền Karate.

5. Dù Sushi là món quốc hồn quốc túy của người Nhật và có mặt khắp nơi nhưng không đâu ngon bằng ở Hokkaido


Nguồn: savorjapan.com

Do ảnh hưởng bởi dòng biển lạnh từ vịnh Alaska giao thoa với Thái Bình Dương nên thủy hải sản ở Hokkaido chứa rất nhiều chất bổ dưỡng, thịt mềm và ngọt. Từ nhà hàng lớn cho đến quán ăn bình dân trong chợ hải sản Donburi Yokocho đều phục vụ Sushi đúng theo cách những thổ dân Ainu đã sáng tạo ra: Lớp cơm trắng dẻo mềm nằm trong những chiếc bát sứ men xanh - trắng , phủ bên trên là những lát hải sản thái mỏng. “Gọi là tuyệt hảo bởi hải sản không tanh (kể cả cầu gai), có mùi vị thơm rất riêng cho từng loại, vô cùng mềm mại và cứ tan chảy như bánh đậu xanh đã được đánh mịn trên đầu lưỡi.” – Tác giả Nguyễn Chí Linh viết. 

6. Khách sạn “tình yêu” ở Sapporo

Kinh doanh khách sạn “tình yêu” là nghề hợp pháp ở Nhật nhưng vì hấp thu văn hóa phương Đông nên người Nhật nghĩ ra cách quản lý khá hay. Phòng đại sảnh chỉ có những ô điện thoại giao dịch hay những ô chuồng cu kín cổng cao tường cùng một màn hình khoảng 20 inch hiển thị những phòng nghỉ trống với giá tiền tương ứng. Sau khi xác nhận giữ phòng và cân nhắc thời gian ở, khách sẽ gọi điện thoại để giao dịch. Cách làm việc theo kiểu “không biết mặt” này giúp người mua và người bán không phải khó xử.

7. Kiyomizu dera - ngôi chùa cầu duyên xứ Phù Tang


Nguồn: pinterest.com

Trong lòng núi nơi ngôi chùa tựa đầu vào, một dòng suối trong veo chảy róc rách được người dân xem là “nước Phật” thiêng liêng. Du khách đến nơi này để uống vài giọt “nước Phật” ngát mùi hoa cỏ dại với hi vọng mình và người thân sẽ gặp những điều may mắn. Ngoài ra, chùa Kiyomizu còn có một cặp đá tình yêu được đặt cách nhau 18 mét. Người cầu nguyện sẽ chạm vào hòn đá ở đầu này, nhắm mắt lại và đi về phía hòn đá phía kia. Tương truyền, nếu thực hiện thành công thì trong năm đó, họ sẽ có duyên lành. 

8. Geisha – một biểu tượng văn hóa đang dần bị thất truyền

Với người Phù Tang, Geisha là biểu tượng văn hóa truyền thống đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật “Karyukai” (Hoa Liễu Giới). Các Geisha đều được đào tạo bài bản về “công, dung, ngôn, hạnh, cầm, kỳ, thi, họa”. Nếu ở thế kỷ 18 - 19 có hơn 80.000 Geisha hoạt động trên xứ Phù Tang thì ngày nay chỉ còn lại khoảng 1.000 người. Thế nhưng, vài năm gần đây, giới trẻ Nhật có xu hướng mặc lại những bộ Kimono, dùng trâm cài tóc… mỗi khi năm mới đến như một cách trở về với văn hóa truyền thống.

9. Cả châu Âu phải kính nể nghệ thuật làm vườn của người Nhật Bản

Các khu vườn ở Nhật luôn được xây dựng dựa trên hai ý niệm: vườn đi dạo để thư thái và vườn để tĩnh tâm. 

Những khu vườn “Thiền” được thiết kế chỉ có cát trắng, màu trắng đục của đá vôi và màu đen của đất để giúp con người tĩnh lặng tâm hồn. Theo tác giả cuốn sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang, chúng được thiết kế tinh giản theo quan điểm của Thiền tông: “con người rồi cũng trở về với cát bụi, nên đừng để đánh mất nhân phẩm, tình yêu thương bằng sự đam mê vật chất và tham vọng quyền lực”. 

10. Tìm thấy “Đạo” qua chén “Trà”


Nguồn: theodysseyonline.com

Đối với người Nhật, thưởng trà là cách chiêm nghiệm cuộc đời qua vị chát, nhẫn, ngọt của chén trà thơm và hấp thụ tinh chất của lá chè xanh. Đây còn là hình thức hòa mình với thiên nhiên, tu dưỡng tâm tính để đạt tới sự giác ngộ.

Người ta có thể khen có thể chê đất nước mình nhưng với người Nhật, họ tự hào về đất nước đến mức khiến người lữ khách như Nguyễn Chí Linh chỉ sợ cuốn du ký 500 trang của mình chưa đủ để gợi tả sự bí ẩn đầy cuốn hút của Nhật Bản.