Gửi tặng các con, ∞ của tôi
5 PHẦN MỞ ĐẦU CÁI CÂN BỊP Tháng Mười năm 1974, võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali đã thực hiện một trong những cú lội ngược dòng vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao khi đánh bại George Foreman trong trận đấu mang tên “Cuộc thư hùng trong rừng già”. Với chiến thắng vang dội này, Ali đã giành lại vị thế vô địch quyền Anh hạng nặng, danh hiệu mà ông đã sở hữu từ một thập niên trước đó, vào năm 1964, sau khi soán ngôi Sonny Liston. Ali đã vượt qua những trở ngại và nghịch cảnh đến mức khó tin để có được chiến thắng trọng đại này. Năm 1967, ông bị tước danh hiệu vô địch hạng nặng sau khi từ chối phục vụ chiến tranh tại Việt Nam, dẫn đến bị tước cơ hội thi đấu trong ba năm rưỡi, dù đây lẽ ra là thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp của ông. Sau thời gian tạm dừng này, ông đã phải nỗ lực thi đấu lại từ đầu trong suốt bốn năm
ANNIE DUKE 6 để đến được trận chung kết tranh chức vô địch với George Foreman. Lúc đó, Ali đã gần bước sang tuổi ba mươi ba và đã đấu bốn mươi sáu trận chuyên nghiệp. Foreman lúc ấy đang chiếm thế thượng phong: trẻ hơn, vạm vỡ hơn, mạnh hơn, bất bại và còn được xem là tượng đài không thể lay chuyển. Trong hai trận so găng với Joe Frazier và Ken Norton, Ali kết thúc với chiến thắng không đồng thuận1 sau khi đã trải qua tất cả các hiệp đấu. Nhưng cả Frazier và Norton đều không trụ nổi hai hiệp khi đấu với Foreman. Khi chiến thắng Foreman, Ali một lần nữa khẳng định được danh hiệu võ sĩ “vĩ đại nhất mọi thời đại”. Muhammad Ali đã trở thành biểu tượng của lòng kiên định. Trước mọi trở ngại và vô số người nói rằng ông sẽ thất bại, Ali vẫn nhất quyết không bỏ cuộc và đã giành chiến thắng vẻ vang. Liệu còn có minh chứng nào hùng hồn hơn thế cho sức mạnh của lòng kiên trì và quyết tâm trong việc theo đuổi ước mơ của mình? Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Cũng chính quyết tâm cao độ ấy đã giữ Ali trên sàn đấu quyền Anh suốt bảy năm sau đó. Từ năm 1975 đến tháng Mười hai năm 1981, ông mải mê theo đuổi sự nghiệp dù đã có bao nhiêu dấu hiệu cảnh báo rõ ràng và lặp đi lặp lại rằng ông nên ngừng thi đấu. Vào năm 1977, sau khi bạn bè 1 Trong môn quyền Anh, điều này có nghĩa là hai trong ba trọng tài quyết định chiến thắng cho một đấu thủ, nhưng trọng tài còn lại muốn trao chiến thắng cho đấu thủ kia.
7 TỪ BỎ và giới báo chí để ý thấy thể trạng và tâm lý của ông dần suy yếu, Teddy Brenner, chuyên gia ghép cặp đối thủ tại nhà thi đấu Madison Square Garden (nơi diễn ra tám trận đấu của Ali) đã nài nỉ Ali nghỉ hưu. Ali vẫn do dự. Sau đó, Brenner đã thông báo rằng Madison Square Garden sẽ không nhận tổ chức trận đấu nào của Ali nữa. “Tôi không muốn có ngày anh ấy đến gặp tôi và hỏi: ‘Tên anh là gì thế?’. Bí quyết quan trọng nhất trong môn quyền Anh là giã từ nó vào đúng thời điểm, và mười lăm hiệp đấu tối qua [với Earnie Shavers] đã cho thấy thời điểm của Ali đã đến”. Một tuần sau đó, bác sĩ riêng của Ali là Ferdie Pacheco cũng cố gắng thuyết phục ông về hưu sau khi nhận được kết quả xét nghiệm tình trạng thận của Ali sau trận đấu. Không nhận được lời hồi đáp, chính Pacheco sau đó đã là người chọn từ bỏ vị trí bác sĩ riêng của Ali. Vào năm 1978, Ali mất danh hiệu vô địch vào tay Leon Spinks, một đấu thủ chỉ mới thi đấu chuyên nghiệp được bảy lần. Vào năm 1980, ông gần như không đủ điều kiện sức khỏe và chỉ được cấp giấy chứng nhận sức khỏe trong tình huống đáng ngờ ở Nevada để so găng với Larry Holmes, lúc đó là đương kim vô địch. Ali đã bị đánh tả tơi trong trận thua đó, đến nỗi Holmes đã bật khóc sau khi kết thúc trận đấu. Sylvester Stallone1 cũng có mặt để xem trận đấu tối hôm ấy và đã miêu tả về hiệp cuối là “như thể đang xem một 1 Một diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất phim hành động nổi tiếng người Mỹ.
ANNIE DUKE 8 quy trình khám nghiệm tử thi trên một người còn sống”. Vậy mà Ali vẫn không bỏ cuộc. Từ bỏ không phải là thứ giúp ông hạ đo ván George Foreman. Từ bỏ không phải là thứ đưa ông đến với danh hiệu vĩ đại nhất. Đến năm 1981, Muhammad Ali không thể xin được giấy phép thi đấu tại Mỹ nữa, dù đây thường là một quy trình mang tính hình thức, với những tiêu chuẩn ngày càng xuống dốc giữa các hội đồng tiểu bang nhằm tranh thủ bất kỳ trận đấu nào có thể sinh lợi. Khi cả thế giới dường như đang đồng thanh hét lên rằng “Đã đến lúc phải treo găng rồi!” thì coi như đã đến hồi kết. Nhưng Ali vẫn cố chấp và đến Bahamas để được thi đấu tiếp. Ông lại bại trận, trong một khung cảnh thảm hại, ngay cả với tiêu chuẩn vốn đã rất thấp của môn quyền Anh. Công tác tổ chức tệ hại đến nỗi người ta còn không tìm được chìa khóa mở cửa vào sàn đấu. Họ chỉ có hai cặp găng tay cho tất cả các cuộc so găng, nên thời gian trì hoãn càng bị kéo dài vì phải tháo dây buộc găng cho các đấu thủ để người khác dùng. Họ phải mượn chiếc chuông đeo cổ bò để gõ báo hiệu bắt đầu và kết thúc mỗi hiệp đấu. Muhammad Ali rõ ràng đã phải trả cái giá rất đắt khi cố chấp tiếp tục thi đấu cho đến gần bốn mươi tuổi. Ông đã có những dấu hiệu tổn thương thần kinh trong giai đoạn gần cuối sự nghiệp. Bấy nhiêu cú đấm ông hứng chịu sau khi đánh bại Foreman chắc chắn đã góp phần dẫn đến chẩn đoán bệnh Parkinson vào năm 1984 và sự giảm sút về thể chất cũng như tinh thần kể từ đó.
9 TỪ BỎ Kiên trì không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất, nhất là khi ta không xem xét hoàn cảnh. Mà hoàn cảnh thì luôn thay đổi. Sự bền bỉ đã giúp Ali trở thành một nhà vô địch vĩ đại – được tôn sùng và kính trọng, gần như không ai sánh bằng – nhưng cũng chính nó khiến ông lờ đi những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng mà bất kỳ ai nhìn từ bên ngoài cũng thấy rằng ông nên từ bỏ. Sự bền bỉ trớ trêu như thế đấy. Nó có thể thôi thúc bạn quyết chí theo đuổi một mục tiêu khó khăn và xứng đáng, nhưng cũng chính nó khiến bạn tiếp tục con đường khó khăn vốn không còn đáng theo đuổi nữa. Bí quyết ở đây là phân biệt được hai tình huống ấy. Bền bỉ và từ bỏ Chúng ta cho rằng bền bỉ và từ bỏ là hai cực đối lập nhau. Suy cho cùng, chúng ta luôn ở một trong hai tâm thế: quyết chí tiến lên hay từ bỏ hành trình. Bạn không thể làm cả hai cùng lúc, và khi đưa lên bàn cân thì quyết định từ bỏ rõ ràng là thua cuộc. Bền bỉ là tốt, từ bỏ là xấu. Lời khuyên của những nhân vật thành công nhất trong lịch sử thường mang cùng một thông điệp cốt lõi sau đây: Cứ một lòng một dạ theo đuổi điều gì đó và bạn sẽ thành công. Như Thomas Edison đã từng nói: “Điểm yếu lớn nhất của chúng ta nằm ở tâm lý muốn bỏ cuộc. Cách chắc chắn
ANNIE DUKE 10 nhất để có được thành công là chỉ cần luôn cố gắng thêm một lần nữa”. Một thế kỷ sau, huyền thoại bóng đá Abby Wambach cũng lặp lại ý kiến ấy: “Bạn không chỉ phải có tinh thần cạnh tranh, mà còn phải có khả năng không bao giờ từ bỏ bất kể đối mặt với hoàn cảnh nào đi nữa”. Những lời khuyên truyền cảm hứng như vậy cũng được các nhà vô địch và huấn luyện viên thể thao vĩ đại khác trong lịch sử nhắc đến, như Babe Ruth, Vince Lombardi, Bear Bryant, Jack Nicklaus, Mike Ditka, Walter Payton, Joe Montana và Billie Jean King. Bạn cũng có thể tìm thấy những trích dẫn gần như giống hệt từ các huyền thoại thành công trong kinh doanh qua nhiều thời đại, từ Conrad Hilton, Ted Turner đến Richard Branson. Bấy nhiêu người nổi tiếng, cùng vô số người khác, đã đồng lòng ủng hộ những biến thể khác nhau của câu nói: “Người từ bỏ không bao giờ thắng cuộc, và người thắng cuộc không bao giờ từ bỏ”. Rất hiếm khi ta bắt gặp một trích dẫn nổi tiếng nào ủng hộ quyết định từ bỏ, ngoại trừ câu nói được cho là của danh hài W. C. Fields: “Nếu lần đầu bạn không thành công, hãy thử lại và thử lại lần nữa. Rồi từ bỏ. Cứ theo đuổi nó như một tên ngốc thì chẳng có ích gì”. Fields không phải là một tấm gương mẫu mực. Từ những nhân vật của ông, người ta luôn nghĩ về ông như một người thích chè chén, ghét con nít và chó, cố sống lây lất ngoài lề xã hội. Ví dụ về ông chưa đủ “nặng ký” để làm đối trọng của tư tưởng tôn thờ sự bền bỉ… mà thật ra Fields cũng không nói câu đó!
11 TỪ BỎ Ai cũng cho rằng một người thành công ở lĩnh vực nào đó tức là họ đã kiên trì theo đuổi nó. Đây là một tuyên bố về sự thật, nó luôn đúng khi ta nhìn lại quá trình phát triển đã qua của họ. Nhưng không có nghĩa là điều ngược lại – rằng nếu kiên trì theo đuổi điều gì đó, bạn ắt sẽ đạt được thành công – cũng đúng. Khi nói đến tương lai thì đây không phải là một lời khuyên đúng đắn hay hữu ích. Đôi khi, nó có thể mang lại tai họa khôn lường. Nếu bạn vốn có một giọng hát không hay, thì dù có kiên trì theo đuổi nghiệp hát lâu dài đến đâu, bạn cũng không thể trở thành Adele1. Nếu bạn đã năm mươi tuổi mà lại đặt mục tiêu giành huy chương Thế vận hội bộ môn thể dục dụng cụ, thì dù nỗ lực hay bền chí đến đâu, bạn cũng không thể thành công. Nghĩ khác trong trường hợp này là một hành động ngớ ngẩn, chẳng khác nào đọc một bài báo nói rằng các tỷ phú có thói quen thức dậy trước 4 giờ sáng, rồi tưởng tượng rằng mình cũng sẽ trở thành tỷ phú nếu thức dậy trước 4 giờ sáng. Chúng ta không thể lẫn lộn giữa nhận thức quá khứ với đoán trước tương lai, giống như sự nhập nhằng trong những câu cách ngôn nói trên. Đôi khi mọi người bám chặt lấy một mục tiêu nào đó mà họ không thành công chỉ vì niềm tin rằng nếu kiên trì đủ lâu, họ chắc chắn sẽ thành công. Đôi khi họ chọn làm 1 Adele, tên đầy đủ là Adele Laurie Blue Adkins (1988), là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh. Cô có nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới như: Rolling in the Deep, Someone like you, Set Fire to the Rain.
ANNIE DUKE 12 như thế vì cho rằng người thắng cuộc không bao giờ từ bỏ. Dù nghĩ theo cách nào thì cũng vẫn có rất nhiều người đang đâm đầu vào ngõ cụt, với tâm trạng bứt rứt vì nghĩ rằng bản thân họ có vấn đề, chứ không phải lời khuyên mà họ đang nhất mực tuân thủ là sai. Thành công không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu, mà nằm ở việc lựa chọn mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại. Khi mọi người xung quanh bảo bạn hãy từ bỏ, hiển nhiên vẫn có khả năng là bạn đang nhìn thấy điều gì đó mà họ không sao hiểu được, thứ cho bạn lý do đúng đắn để kiên trì, ngay cả khi những người khác chối bỏ lý do đó. Nhưng khi cả thế giới đồng thanh hét lên rằng bạn phải từ bỏ mà bạn vẫn bỏ ngoài tai, thì có khả năng bền bỉ sẽ thành ra dại dột. Chúng ta từ chối lắng nghe, chúng ta làm vậy quá thường xuyên. Có lẽ một phần là vì từ bỏ luôn là một khái niệm tiêu cực đối với đa số mọi người. Nếu ai đó gọi bạn là kẻ bỏ cuộc, bạn có xem đó là một lời khen không? Câu trả lời là quá hiển nhiên. Từ bỏ là thất bại, là thua cuộc, là đầu hàng. Từ bỏ là biểu hiện của sự yếu đuối. Những người từ bỏ là kẻ thua cuộc (dĩ nhiên, ngoại lệ ở đây là khi từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc, rượu chè, nghiện ngập hoặc một mối quan hệ độc hại).
13 TỪ BỎ Bản thân ngôn ngữ cũng thiên vị sự bền bỉ, tiếng Anh mô tả những người kiên trì theo đuổi mục tiêu bằng những từ tích cực như dám đương đầu, không nao núng, trước sau như một, cương quyết, dám làm, táo bạo, không nản lòng, gan góc và cứng cỏi. Hoặc nói rằng đó là những người có nghị lực, sự can trường, khí khái, sự ngoan cường, hoặc sự kiên trì. Ngược lại, hễ nhắc đến những người quyết định từ bỏ, ngay lập tức sẽ xuất hiện những từ mang tính tiêu cực, bộc lộ sắc thái rằng những người bỏ cuộc là kẻ thất bại và không đáng được ngưỡng mộ, như thụt lùi, trẻ con, cam chịu thất bại, trốn chạy, rút lui, trốn tránh trách nhiệm, yếu đuối và bất lực. Họ bỏ cuộc và buông tay với mọi thứ, núng thế và dao động. Chúng ta coi họ là những người sống không có mục đích, thất thường, hèn nhát, được chăng hay chớ, không kiên định, dễ nản lòng, không thể trông đợi, không thể tin tưởng, thậm chí là không đáng tin cậy. Hoặc ta còn dùng một từ rất lệch lạc về chính trị như những kẻ lật mặt. Nói như vậy không có nghĩa là không có từ mang sắc thái tiêu cực nào dành cho sự bền bỉ (như cứng nhắc hay ngoan cố), hoặc từ mang sắc thái tích cực dành cho sự từ bỏ (như tỉnh táo hay linh hoạt). Nhưng nếu thử điền những từ vựng mang nghĩa tích cực và tiêu cực cho hai khái niệm này vào một bảng thống kê chia thành bốn ô, bạn sẽ nhận ra ngay rằng chúng thiếu cân đối. Sự thiên lệch về sắc thái tích cực khi nói về tính bền bỉ cũng không khác gì sự thiên lệch về sắc thái tiêu cực khi nói về những người quyết định bỏ cuộc. Không như sự bền bỉ (grittiness), không có nhiều từ mang nghĩa tích cực dành cho
ANNIE DUKE 14 sự từ bỏ (quittiness), minh chứng rõ ràng nhất là bản thân từ quittiness còn không tồn tại trong từ điển. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ngôn ngữ thiên vị sự bền bỉ hơn việc từ bỏ là sự bền bỉ được đồng nghĩa với đức tính anh hùng (heroism). Ngoài ra còn có dũng cảm, gan dạ và không sợ hãi. Khi hình dung về sự kiên trì, nhất là trong tình huống hiểm nguy, ta sẽ nghĩ đến một người anh hùng, một người đối diện với cái chết, nhìn xuống vực thẳm và vẫn kiên trì trong khi những người khác bỏ cuộc. Ngược lại, ai từ bỏ sẽ là kẻ hèn nhát. Trong một thế giới mà hầu hết mọi người đều xem kiên trì là con đường dẫn đến vinh quang và thành công, thì sự bền chí chính là siêu sao. Còn từ bỏ là nhân vật phản diện (một trở ngại cần phải vượt qua), hoặc thường thấy hơn là một nhân vật phụ (chỉ được nhắc tên chung chung ở cuối phim như “Tay sai thứ 3” hoặc “Người lính hèn nhát”). Bao bọc trong một uyển ngữ Tháng Hai năm 2019, Lindsey Vonn, một trong những vận động viên nổi tiếng nhất thế giới, tuyên bố trên Instagram rằng cô sẽ giã từ sự nghiệp thi đấu trượt tuyết. Bài viết có nội dung như sau: “Cơ thể tôi đã rệu rã sau những lần hồi phục chấn thương và nó không cho phép tôi tham gia mùa giải cuối cùng như tôi hằng mơ. Cơ thể tôi đang thét lên với tôi yêu cầu tôi DỪNG LẠI và đã đến lúc tôi phải lắng nghe nó”.
15 TỪ BỎ Sau khi liệt kê một loạt những chấn thương, những đợt phẫu thuật và tập luyện phục hồi mới nhất (hầu hết đều là thông tin chưa bao giờ được tiết lộ), cô viết thêm vài dòng sau đây: “Tôi luôn nói ‘Đừng bao giờ bỏ cuộc!’. Vậy nên tôi xin gửi lời đến tất cả các em nhỏ ngoài kia, đến những người hâm mộ đã gửi tin nhắn động viên tôi tiếp tục… Tôi cần nói với quý vị rằng tôi không hề bỏ cuộc! Tôi chỉ đang bắt đầu một chương mới”. Trong đoạn đầu tuyên bố của mình, Vonn đã nói rõ, bằng chữ in hoa, rằng cô sẽ ngừng thi đấu trượt tuyết. (Dịch nghĩa: Cô đang từ bỏ.) Nhưng đến đoạn sau, cô đã phủ nhận hoàn toàn chính sự từ bỏ mà mình vừa thông báo trước đó, thay vào đó, cô bao bọc nó trong một uyển ngữ là “bắt đầu một chương mới”. Nếu có ai được quyền từ bỏ một cách đầy tự hào mà không bị chất vấn về khí phách hay tính kiên định thì đó chính là Lindsey Vonn. Những câu chuyện phi thường về việc cô trở lại thi đấu sau những chấn thương nghiêm trọng cũng ấn tượng không kém thành tích vô song của cô. Sau khi được máy bay lên thẳng chuyển đến bệnh viện do một cú ngã kinh hoàng trong Thế vận hội năm 2006, cô đã tìm cách trốn khỏi bệnh viện trước khi bác sĩ cho phép xuất viện để tham gia thi đấu hai ngày sau đó. Vào năm 2013, sau khi chịu đựng chấn thương rách dây chằng chéo trước và dây chằng giữa gối cùng một vết nứt xương khác, cô phải trải qua phẫu thuật và quá trình tập luyện phục hồi đầy đau đớn, để rồi lại bị thương đúng ngay hai dây chằng vừa được nối và phải đối diện với
ANNIE DUKE 16 toàn bộ quá trình điều trị đó một lần nữa. Cô bỏ lỡ Thế vận hội Sochi và dành gần cả năm 2014 để hồi phục, nhưng đã tái xuất và giành chiến thắng trong hai mươi ba lượt đua Cúp Thế giới từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2018. Nếu Lindsey Vonn mà còn cảm thấy khó khăn khi nói rằng mình đang từ bỏ, hãy thử hình dung những người thường như chúng ta sẽ thấy thế nào. Ý tưởng từ bỏ là một viên thuốc đắng đến mức chúng ta phải nuốt nó kèm một thìa đường mới trôi. Hoặc trong trường hợp này là một thìa uyển ngữ ngọt ngào, và từ phổ biến nhất trong số các từ thay thế là “bước ngoặt”. Khi tìm kiếm trên bất kỳ trang web bán sách lớn nào, bạn sẽ nhận ra những tựa đề có chứa từ bước ngoặt phổ biến đến mức không ngờ. Nhiều cuốn sách đơn giản mang cái tên Bước ngoặt (và một cuốn nữa là Bước ngoặt!). Ngoài ra, còn có Bước ngoặt lớn, Bước ngoặt vĩ đại, Bước ngoặt có chủ ý, Bước ngoặt dẫn đến chiến thắng, Bước ngoặt để thành công, và vô số ví dụ khác nữa. Tôi chắc chắn không phê bình gì những cuốn sách trên. Dù bạn dùng từ “bước ngoặt” hay “bước sang một trang mới” hay “sắp xếp lại có chiến lược”, thì tất cả đều có cùng một ý nghĩa, đó là từ bỏ. Suy cho cùng, khi trút bỏ sắc thái tiêu cực, “từ bỏ” chỉ đơn thuần là lựa chọn ngừng làm một việc mà bạn đã bắt đầu trước đó. Chúng ta phải thôi cho rằng mình cần bao bọc ý nghĩ từ bỏ trong một màng bọc chống sốc để nó nhẹ nhàng đi. Dẫu sao, trên đời vẫn có đầy những hoàn cảnh mà từ bỏ là lựa chọn đúng đắn, nhất là khi tất cả mọi người đều khuyên ta
17 TỪ BỎ nên làm thế. Như khi hai quả thận của bạn đã suy nhược, hoặc bạn đang sắp đối mặt với thêm một loạt chấn thương nghiêm trọng đến mức phải chấm dứt sự nghiệp. Hoặc có thể bạn đang mắc kẹt với một cuộc hôn nhân khốn khổ, một công việc khiến bạn thấy bế tắc, một ngành học mà bạn còn chẳng ưa nổi. Tại sao chúng ta lại nói về nó như cái cách ta nói về Voldermort1 (Từ-mà-ai-cũng-biết-là-từ-gì-đấy)? Ngày trước, khi mà mọi người còn mua thịt tại hàng thịt địa phương, diễn viên hài nào cũng bông đùa về chuyện bị cân đểu. Một trong những vở nổi tiếng của diễn viên hài Milton Berle theo phong cách Borscht Belt2 có lời thoại như sau: “Tôi bắt đầu nghi ngờ độ chính xác của ông hàng thịt ở chỗ tôi. Một ngày nọ, có một con ruồi đậu lên chiếc cân của ông ta. Nó nặng đến hai kilôgam”. Cái mà Berle đang nói là một kiểu đùa phổ biến theo phong cách Borscht Belt về mấy tay hàng thịt cân “bịp”, họ thường lén đè ngón cái lên cân để lừa khách hàng. Một vòng xoay may mắn ở hội chợ cũng có thể được “bịp” theo cơ chế nào đó để nó dừng lại tại một điểm nhất định khi đang xoay, bảo đảm rằng nhà cái sẽ không bị thua lỗ. Vòng quay roulette trong những căn phòng mờ ám ở nhà sau cũng 1 Nhân vật phản diện trong loạt tiểu thuyết nổi tiếng Harry Potter, gieo rắc nỗi kinh hoàng đến mức không ai dám nói thẳng tên hắn mà phải gọi bằng biệt hiệu Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. 2 Một trường phái hài của người Do Thái. Borscht Belt là tên một vùng núi thuộc dãy Catskill ở phía Bắc của bang New York, từng là điểm đến quen thuộc của người Do Thái từ thập niên 1920 đến 1970.
ANNIE DUKE 18 có thể bị làm sai lệch theo cách tương tự. Hột xí ngầu trong một trò gieo xí ngầu ứng biến cũng có thể là một trò bịp. Khi nói đến việc từ bỏ, chiếc cân trong tâm lý chúng ta cũng lừa bịp như thế. Câu chuyện về Muhammad Ali, Lindsey Vonn, những câu cách ngôn phổ biến, sự thiên vị trong ngôn ngữ và cả lối uyển ngữ như trên đang chứng minh rằng có một ngón tay cái nhận thức và hành vi đang đè lên đĩa cân “kiên trì”, khiến nó nặng ký hơn mỗi khi ta phải cân nhắc giữa việc nên bền chí hay từ bỏ. Góc nhìn của khoa học Trước thực tế chiếc cân tâm lý con người luôn coi trọng sự bền chí, và chúng ta luôn ngưỡng mộ, coi những người kiên định là anh hùng, thì chẳng có gì bất ngờ khi những cuốn sách nói về sức mạnh của lòng kiên trì, như Grit (Vững tâm bền chí ắt sẽ thành công) của Angela Duckworth và Outliers (Những kẻ xuất chúng) của Malcolm Gladwell (với quy tắc mười ngàn giờ nổi tiếng) lại phổ biến đến vậy. Việc những cuốn sách như thế thu hút được lượng độc giả khổng lồ và nhiệt huyết cho thấy rằng con người vốn quá ít tính kiên trì. Tuy nhiên, nếu ai đọc Grit và rút ra bài học rằng tính kiên trì luôn là một phẩm chất tốt, mà không cần xét đến hoàn cảnh, thì người đó đã hiểu sai ý đồ của tác giả Angela Duckworth. Cô ấy không bao giờ tuyên bố rằng “Cứ theo đuổi mục tiêu, bạn ắt sẽ thành công”. Cô ấy cũng đã viết về tầm quan trọng của việc thử nhiều thứ
19 TỪ BỎ (tức là bạn phải từ bỏ nhiều thứ khác) để tìm ra điều mà bạn thực sự muốn theo đuổi. Duckworth, một người viết nên tác phẩm về tầm quan trọng của sự kiên trì, chắc chắn sẽ đồng tình rằng biết từ bỏ đúng lúc cũng là một kỹ năng cần được phát triển. Có thể sự bền bỉ đã chiếm ưu thế rõ rệt trong lòng công chúng, nhưng các trường hợp quyết định từ bỏ sớm hơn và thường xuyên hơn thật ra cũng có cơ sở vững chắc. Rất nhiều lĩnh vực khoa học đang tìm hiểu về khuynh hướng kiên trì quá lâu của con người, nhất là khi phải đối mặt với những tình huống tồi tệ. Các lĩnh vực này khá đa dạng, từ kinh tế, lý thuyết trò chơi đến tâm lý học hành vi, và bao quát nhiều chủ đề từ chi phí chìm (sunk cost), thiên kiến hiện trạng (status quo bias1), hiệu ứng ám ảnh về mất mát (loss aversion) đến leo thang cam kết (escalation of commitment2) và nhiều kiểu hành vi khác nữa. Trong số những công trình nghiên cứu sâu nhất về xu hướng kiên trì quá đà, đặc biệt là về những hoàn cảnh khiến chúng ta hành động như thế, có các công trình của Daniel Kahneman3 và Richard Thaler. Kahneman nhận giải Nobel Kinh tế vào năm 2002, còn Thaler nhận giải này vào năm 2017. 1 Xu hướng muốn giữ nguyên trạng, lựa chọn điều quen thuộc thay vì điều xa lạ (dù có thể có lợi hơn). 2 Xu hướng sửa chữa một quyết định kém hiệu quả hay phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho những hành động sai lầm. 3 Daniel Kahneman (sinh năm 1934) là nhà tâm lý học và kinh tế học người Mỹ gốc Israel, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về tâm lý học đánh giá và việc đưa ra quyết định, cũng như kinh tế học hành vi. Ông là tác giả của cuốn sách lừng danh Thinking, Fast and Slow (Tư duy nhanh và chậm).
ANNIE DUKE 20 Khi có hai nhân vật nhận giải Nobel cùng nghiên cứu về một chủ đề, thì nó chắc chắn phải rất đáng chú ý. Dẫn chứng khoa học cho thấy rằng mỗi ngày, từ việc nhỏ đến việc lớn, chúng ta luôn hành xử như Muhammad Ali, theo đuổi quá đà mọi thứ trong khi đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo ta nên từ bỏ. Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác nhân ngăn cản bạn đưa ra quyết định đúng đắn về việc nên từ bỏ cái gì và từ bỏ khi nào, đồng thời xác định những hoàn cảnh mà ta thường lưỡng lự trong việc cất bước ra đi, từ đó giúp tất cả chúng ta có được góc nhìn tích cực hơn về quyết định từ bỏ để có thể cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định của mình. Tôi đã chia cuốn sách này thành bốn phần, với ba đoạn chuyển tiếp. Trong Phần I, tôi sẽ đưa ra dẫn chứng để thuyết phục bạn rằng từ bỏ là một kỹ năng quyết định cần được trau dồi và phát triển. Chương 1 chỉ ra những lý do vì sao từ bỏ là công cụ tốt nhất để đưa ra quyết định trong hoàn cảnh bất định, bởi vì nó cho phép chúng ta chuyển hướng sau khi nhận được dữ liệu mới. Tôi cũng sẽ phân tích vì sao tính bất định khiến cho phương án từ bỏ là đáng giá nhưng cũng có thể khiến việc từ bỏ trở nên không hề dễ dàng chút nào. Chương 2 khám phá những nguyên do khiến ta có cảm giác mình đang từ bỏ quá sớm khi thật ra đang từ bỏ đúng lúc. Suy cho cùng, quyết định từ bỏ nằm ở khả năng dự báo, tức là thời điểm từ bỏ phụ thuộc vào việc tương lai của bạn có chuyển xấu hay không, chứ không phải hiện tại có đang quá tồi tệ hay không. Và lăng kính màu hồng
21 TỪ BỎ của hiện tại luôn là thứ khó lòng dứt ra triệt để. Chương 3 đào sâu vào các nghiên cứu khoa học về quyết định từ bỏ, đưa ra những bằng chứng cho thấy tất cả chúng ta đều có khuynh hướng cân đo rất kém giữa lựa chọn kiên trì/từ bỏ: Cụ thể là khi nhận đối mặt với tình huống xấu, ta có xu hướng kiên trì quá lâu, nhưng khi có được trạng thái tốt đẹp thì ta lại có xu hướng từ bỏ quá sớm. Trong Phần II, tôi chủ yếu bàn về tác động của hoàn cảnh có lợi hay bất lợi (“chịu lỗ”) đối với lựa chọn từ bỏ. Chương 4 giới thiệu về khái niệm leo thang cam kết, khi chúng ta phản ứng với diễn biến xấu bằng cách tăng thêm sự cam kết của mình với phương hướng hành động đang thất bại. Chương 5 nói về lý do tại sao các chi phí chìm khiến chúng ta thấy rằng việc cất bước ra đi là rất khó. Tôi sẽ đào sâu vào nỗi sợ lãng phí và việc ta đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức và những nguồn lực khác vào một phương hướng hành động có thể tác động tiêu cực như thế nào đối với quyết định có nên bước tiếp hay không. Chương 6 đề ra những chiến thuật nhằm cải thiện việc quyết định về thời điểm từ bỏ, trong đó nhắc đến tầm quan trọng của việc ưu tiên xử lý phần việc khó khăn nhất của một dự án, cũng như thiết lập những cột mốc, tiêu chuẩn và các dấu hiệu cảnh báo, gọi là tiêu chuẩn khai tử, để giúp bạn có thể từ bỏ sớm hơn khi mà việc kiên trì tiến bước không còn có lợi cho mình nữa. Trong Phần III, tôi sẽ phân tích kỹ lưỡng hơn nữa về những thiên kiến nhận thức can thiệp vào quyết định từ bỏ. Chương 7 khám phá về tác động tiêu cực của việc sở hữu (cả vật chất lẫn ý tưởng) đối với quyết định chuyển hướng,
ANNIE DUKE 22 đồng thời nhắc đến sức mạnh lôi kéo của hiện trạng. Tôi sẽ nhắc đến các tác động kép của nỗi sợ tính bất định và nỗi sợ mất mát liên quan đến việc chuyển hướng, khiến chúng ta không muốn vạch ra một con đường mới. Chương 8 cho thấy những nguyên do khiến căn tính của chúng ta – và khát khao hướng đến một căn tính nhất quán – trở thành rào cản đối với quyết định từ bỏ và có thể khiến ta rơi vào tình thế leo thang cam kết, dẫn đến những lựa chọn tai hại. Chương 9 đề xuất một chiến lược bổ sung để giảm nhẹ những thiên kiến nhận thức khiến lựa chọn ra đi trở nên khó khăn: tìm đến một chuyên gia tham vấn về quyết định từ bỏ, hoặc ai đó có góc nhìn khách quan với tình huống của bạn, để giúp bạn chuyển hướng khi thời điểm chín muồi. Trong Phần IV, tôi sẽ tìm hiểu vấn đề chi phí cơ hội. Bất cứ khi nào quyết chí theo đuổi một phương hướng hành động, theo mặc định ta sẽ cam kết không “ngó nghiêng” những phương án khác. Vậy, làm sao ta biết khi nào là thời khắc thích hợp để từ bỏ một lựa chọn và hướng về một phương án khác tốt hơn? Chương 10 nhấn mạnh những bài học rút ra khi ta rơi vào tình huống bắt buộc phải từ bỏ, và làm sao áp dụng những bài học ấy một cách chủ động. Chương 11 xem xét nhược điểm của việc đặt ra mục tiêu, với lập luận rằng mặc dù mục tiêu được đặt ra là để truyền động lực, nhưng chúng có thể xui khiến bạn kiên trì với những thứ không còn xứng đáng. Bản chất “được ăn cả, ngã về không” của các mục tiêu không phù hợp với một thế giới linh hoạt và bất định, và mong muốn đạt được mục tiêu có thể ngăn chúng ta nhìn thấy được những hướng đi hoặc cơ hội khác bày ra trước mắt mình. Tôi cũng sẽ đưa ra
23 TỪ BỎ lý do thuyết phục về việc tại sao chúng ta cần xác định các dấu hiệu cảnh báo, cũng như các mốc đánh dấu tiến độ cho mỗi mục tiêu của mình. Tôi hy vọng rằng sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu được vì sao quyết định từ bỏ nên được hoan nghênh và nó là một kỹ năng mà bạn nên phát triển và ứng dụng để cuộc sống của mình thêm phong phú, khuyến khích bạn trân trọng việc có nhiều lựa chọn, triển khai hiệu quả hơn những con đường bạn theo đuổi, và tiếp tục khám phá để có thể thay đổi linh hoạt (hoặc đón đầu) trước một thế giới không ngừng biến chuyển. Xin nói rõ rằng có rất nhiều mục tiêu đầy thách thức hoàn toàn xứng đáng để ta kiên trì theo đuổi, và sự vững tâm bền chí sẽ giúp bạn trong hành trình đó. Bạn không thể đạt được thành công nếu cứ gặp khó khăn là từ bỏ. Nhưng thành công cũng không đến từ việc cứ theo đuổi những thứ quá khó khăn nhưng không xứng đáng. Cái khó là xác định khi nào nên tiếp tục tiến bước và khi nào nên rời đi. Cuốn sách này sẽ giúp bạn xây dựng những công cụ để làm được điều đó. Ta hãy bắt đầu thôi. Đã đến lúc thay đổi cách nhìn nhận về việc từ bỏ.
398 Mục lục PHẦN MỞ ĐẦU ................................................................................. 5 PHẦN I: BÀN VỀ QUYẾT ĐỊNH TỪ BỎ..... 25 • CHƯƠNG 1: ĐỐI LẬP VỚI MỘT PHẨM CHẤT TỐT VẪN LÀ MỘT PHẨM CHẤT TỐT............................................... 27 • CHƯƠNG 2: TỪ BỎ ĐÚNG LÚC THƯỜNG CHO CẢM GIÁC TỪ BỎ QUÁ SỚM................................................... 57 • CHƯƠNG 3: NÊN ĐI HAY NÊN Ở? ..........................................96 PHẦN CHUYỂN TIẾP (I): TỪ BỎ KHI CẢ THẾ GIỚI ĐANG QUAN SÁT ....................... 123 PHẦN II: THẤT THẾ ............................... 131 • CHƯƠNG 4: LEO THANG CAM KẾT .....................................133 • CHƯƠNG 5: CHI PHÍ CHÌM VÀ NỖI SỢ LÃNG PHÍ..............150 • CHƯƠNG 6: CON KHỈ VÀ BỆ ĐỠ ..........................................184 PHẦN CHUYỂN TIẾP (II): HUY CHƯƠNG VÀNG HOẶC HOÀN TOÀN TRẮNG TAY .. 215
399 TỪ BỎ PHẦN III: CĂN TÍNH VÀ NHỮNG TRỞ NGẠI KHÁC ..................... 223 • CHƯƠNG 7: TA SỞ HỮU NHỮNG GÌ MÌNH MUA VÀ NHỮNG GÌ MÌNH NGHĨ: VỐN BỎ RA VÀ THIÊN KIẾN HIỆN TRẠNG ...........................225 • CHƯƠNG 8: TỪ BỎ BẢN THÂN LÀ ĐIỀU KHÓ NHẤT: CĂN TÍNH VÀ SỰ BẤT HÒA NHẬN THỨC.............................259 • CHƯƠNG 9: TÌM MỘT NGƯỜI YÊU QUÝ BẠN NHƯNG KHÔNG NGẠI LÀM BẠN TỔN THƯƠNG ..............292 PHẦN CHUYỂN TIẾP (III): KHÔNG PHẢI MỌI CON KIẾN ĐỀU ĐI THEO HÀNG ....... 317 PHẦN IV: CHI PHÍ CƠ HỘI .................... 323 • CHƯƠNG 10: BÀI HỌC TỪ VIỆC BỊ BẮT BUỘC PHẢI TỪ BỎ...... 325 • CHƯƠNG 11: SỰ THIỂN CẬN CỦA CÁC MỤC TIÊU ...........360 LỜI CẢM ƠN..................................................................................393
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==