Nhà giáo Ưu tú
Tái bản lần thứ 15 Nhà giáo Ưu tú
Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm. Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt biết vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt. Có như vậy đất nước ta mới sớm vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ mong muốn(*). Phạm Văn Đồng Nguyên Thủ tướng Chính phủ Cố vấn BCH Trung Ương Đảng CSVN (*) Nguyễn Ngọc Ký đã vinh dự 4 lần được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây là lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bộ phim tài liệu BÔNG HOA VÙNG BIỂN ghi lại quá trình học tập phấn đấu của Nguyễn Ngọc Ký do tỉnh đoàn cùng Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Hà Nam Ninh thực hiện năm 1992.
1 SAU CƠN SỐT BẠI LIỆT Hồi đó quê tôi bị giặc Pháp chiếm. Bọn chúng từ Đồng Mới, Đông Biên thường kéo về lùng sục càn quét. Thỉnh thoảng chúng lại câu đại bác từ Lạc Quần về. Nhân dân phải chịu biết bao nỗi cay cực. Có gia đình như gia đình bà Tốn đã tan nát cả nhà vì đạn đại bác của chúng. Gia đình Thủy ở cạnh nhà tôi cũng mất hai người. Hôm trước mẹ Thủy vừa mất vì sức ép, thì tối hôm sau bà Thủy lại tắt thở vì một mảnh đạn xuyên trúng ngực. Ngay chính Thủy cũng bị thương ở đầu gối đấy. Còn tôi lần đó suýt nữa cũng bị nguy rồi. May mà bố tôi đã kịp bế tôi chạy ra hầm khi tôi đang nhởn nhơ đuổi bắt một chú chuồn chuồn đậu ở hàng giậu trước nhà. Trận ấy nhà tôi bị đổ mấy gian nhà phụ và chết một con lợn sề. Thật tiếc quá. Con lợn sề to bằng chiếc cối xay lúa, lại hiền nữa chứ. Ngày nào theo mẹ vào xem nó ăn, tôi cũng nhảy lên lưng nó cưỡi làm ngựa. Từ đấy cứ nghe tiếng súng giặc là dân làng lại chạy tản ra những chiếc hầm ngoài đồng. Vào một đêm cuối đông, trong
10 - Tự truyện Nguyễn Ngọc Ký chiếc hầm giữa cánh đồng Cói trước làng tôi đã bị cảm. Sáng ra mẹ vội vàng bế tôi về nhà. Cơn sốt mỗi lúc một tăng, tôi mê man không biết gì nữa. Bố cuống cuồng lo sợ. Song không biết chạy đâu ra thuốc men cả, vì quanh vùng tôi bốn bên đều có đồn giặc đóng. Bọn chúng sẵn sàng bắn vào bất cứ ai qua đường. Không biết làm cách nào, bố tôi đành đi mời hết ông lang này đến ông lang khác trong các làng bên. Còn mẹ tôi thì đi cầu cúng. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, sau những giờ thoi thóp trên giường bệnh, tôi thấy mình đã tỉnh. Tôi ngồi dậy được, trong bụng thấy đói. Mẹ tôi đưa một quả cam đã bóc sẵn. Tôi thèm ăn quá, định đưa tay cầm lấy. Ôi, sao kỳ lạ thế này, hai cánh tay tôi bỗng trở nên nặng trịch. Tôi không còn đủ sức giơ nó lên nữa! Ít ngày sau người khỏe hẳn, tôi dậy đi được. Nhưng đôi tay của tôi đã chẳng còn nguyên vẹn. Nó như hai cục thịt lủng lẳng đeo vào hai bên mình tôi. Tôi cảm thấy nằng nặng như không phải chính tay của mình. Hồi đó tôi vừa tròn bốn tuổi.
2 ÔI, SAO TAY KÝ LẠI THẾ NÀY! Mẹ tôi kể lại, mấy hôm tôi ốm nằm liệt giường, ngày nào Bằng cũng đến lấp ló ngoài cửa sổ. Nó đứng thu lu ở đấy một lúc rồi lặng lẽ quay về. Chắc Bằng buồn lắm. Hôm nay thấy tôi ra ngõ chơi được, Bằng mừng quá. Nó vừa chạy đến chỗ tôi vừa gọi: - Ký ơi, ra sân đình đánh đáo với tao đi. Tôi chưa kịp nói gì thì Bằng đã ôm chầm lấy tôi. Nó cầm tay tôi định kéo đi. Bỗng nét mặt nó biến sắc. Nó chằm chằm nhìn vào tôi, hốt hoảng thốt lên: - Ôi, sao tay Ký lại thế này? - Chẳng biết nữa. - Tôi trả lời gọn mấy tiếng như vậy. Bọn trẻ chơi quanh đó thấy lạ liền ùa đến. Đứa sờ, đứa mó, có đứa tinh nghịch giật tay tôi một cái rồi bỏ chạy kêu lên: - A, Ký què rồi chúng mày ạ. Ký què... Ký què.
12 - Tự truyện Nguyễn Ngọc Ký Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn xuống đôi tay buông thõng của mình, mặc cho hai dòng lệ ứa trào từ lúc nào. Thế là từ nay hai tiếng “thằng què” sẽ là cái biệt danh của tôi ư? Sao có chuyện kỳ lạ thế này nhỉ! Mới cách đây mấy ngày thôi, đôi tay của tôi vẫn còn nguyên vẹn kia mà! Là con út, và cũng là đứa con trai duy nhất của bố mẹ nên tôi rất được chiều chuộng. Tôi vòi ăn gì, chơi gì là được ngay. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên quãng thời gian ngắn ngủi đáng yêu ấy, những ngày đôi tay của tôi còn lành lặn. Nhà tôi cách nhà Bằng một khu vườn nhỏ, trồng toàn dong riềng tốt um tùm như một khu rừng huyền bí, có lũy tre bao bọc. Bình thường muốn qua nhà nhau phải đi vòng ra đường qua 2 con ngõ, xa cả hơn 100 mét. Lũ trẻ chúng tôi không dại gì lại tốn công mất sức đi vòng vèo như thế cho mệt. Tôi bàn với Bằng dùng dao bí mật chặt luôn mỗi bên một khóm tre nhỏ để tạo ra một lối đi chỉ vừa cho con Vàng nhà tôi hoặc một chú nhóc như tôi và Bằng chui qua. Thế là mỗi lần muốn đến chơi nhà nhau, cùng nhau bày các trò chơi nơi khu vườn lý tưởng ấy chúng tôi chỉ cần ới một tiếng là ngay sau đó đã có mặt bên nhau. Để biến khu vườn dong riềng ấy thành một vương quốc kỳ thú, chúng tôi bí mật dựng ngay giữa vườn một “túp lều chú Tôm” thật hấp dẫn. Một loạt khóm dong riềng bị chúng tôi hạ xuống làm nền. Những khóm dong riềng cận kề được vin xuống buộc túm lại làm mái che. Những chiếc lá to như những manh vỉ được hái trải làm chiếu. Trong túp lều thơ mộng ấy tôi cùng Bằng và năm bảy đứa trẻ khác, trai có, gái có cùng nhau bày trò chơi chi chi chành chạnh, trò bán hàng, trò ù à ù ập. Nhớ nhất mỗi lần đứa nào có quà mẹ đi chợ về
TÔI ĐI HỌC - 13 là lại ới nhau, rủ nhau tụ họp nơi căn lều ấy cùng bày cỗ, cùng ăn chung, cùng vỗ tay hát hò cười vui hồn nhiên thích thú. Cũng bằng đôi tay ấy, tôi cùng Bằng và các bạn quanh xóm còn bày ra bao trò chơi đầy hấp dẫn và phiêu lưu khác. Nào trò rồng rắn lên mây. Trò mèo đuổi chuột. Trò nặn pháo bù. Trò đánh trận giả. Trò mang lửa, mang gậy đi săn lùng bắt những tổ ong muỗi về nướng ăn ở những bụi dứa quanh làng. Có lần ong đốt cho sưng tấy cả mặt mày bị bố mẹ la rầy vẫn không sao từ bỏ được. Những ngày đông giá buốt mấy đứa lại thi nhau khoét tường nhà Bằng ra (tường đắp bằng đất sét dày cả nửa mét) làm thành những cái bếp lò rất quyến rũ. Tìm hái, nhặt những quả phi lao khô, những khúc xương rồng chết chất vào hi hút nhóm lửa. Tất cả quây quần bên cái lò sưởi rất lý thú ấy vừa tìm hơi ấm vừa tha hồ nướng khoai, nướng sắn moi trộm ở vườn nhà ai đó cùng ăn thỏa thích, Ngày con Vàng nhà tôi còn nhỏ, có lần tôi và Bằng bắt trói chân nó lại, hai thằng xỏ gậy vào vừa khiêng đi quanh sân vừa rao lớn: Ai mua lợn nào…ào... Mẹ đang sàng gạo nghe tiếng Vàng ăng ẳng kêu, vội chạy ra la lớn. Hoảng quá tôi và Bằng liền quẳng luôn con Vàng xuống ao rồi bỏ chạy. Mẹ vội nhảy xuống, khá vất vả mới cứu được Vàng khỏi chết đuối. Bây giờ nhớ lại, tôi ước gì đôi tay được trở lại bình thường, dù chỉ đôi phút... Nhưng rồi… tất cả chỉ là ảo vọng. Từ đấy tôi phải sống những chuỗi ngày buồn tủi, gò bó với đôi tay hoàn toàn bất động như chú chim non đang lúc tập bay bị gãy cánh. Tôi không còn chơi được trò gì, không biết chơi với ai, ngoài con Vàng nhỏ và chú mèo Mướp. Suốt ngày quanh quẩn ở nhà, thấy chán, đôi lúc tôi cũng chạy ra sân đình đứng nhìn bọn trẻ chơi. Trông chúng nó
14 - Tự truyện Nguyễn Ngọc Ký đánh quay, đánh đáo, chơi rồng rắn, cười nói ầm ĩ, tôi cảm thấy chân tay ngứa ngáy muốn lao vào dự cuộc. Một góc sân kia có mấy đứa đang chơi ô ăn quan. Bằng cũng có mặt trong đám này. Tôi đến xem bọn chúng chơi. Được một lúc thèm chơi quá, tôi liền bảo Bằng: - Bằng ơi! Bằng để Ký chơi thay lần này nhé. - Ký chơi thế nào được? - Được, Bằng sẽ bốc quân rải hộ, Ký bảo ô nào, Bằng bốc ô ấy. Chơi như vậy nhiều lúc tôi cũng thắng cuộc. Song tôi vẫn không thỏa mãn và thấy tưng tức thế nào ấy. Tôi đánh liều bảo Bằng: - Thôi, lần này Bằng để Ký bốc quân nhé. - Ký lấy gì mà bốc? - Chân Ký! Nói rồi tôi liền thò chân vào bốc quân ở ô thứ nhất. Bỗng xòa một cái, số quân trong chân tôi rơi tung tóe khắp nơi. Cả bọn liền bò lăn ra cười như nắc nẻ. Còn tôi thì tưng hửng bỏ về nhà. Từ đấy tôi rất ít ra sân đình. Mọi sinh hoạt của tôi đều phải nhờ bố mẹ và các chị tôi. Đôi lúc bố tôi cũng đâm ra khó tính. Đó là những lần bố tôi đang làm việc mệt, tôi đòi ăn cơm, uống nước, cởi áo là bố lại nói dỗi: - Chỉ rầy thôi. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thương bố mẹ lắm. Lẽ ra ít nhất tôi cũng đỡ được bố mẹ chén nước, cái tăm. Thế mà tôi đã chẳng đỡ được gì, lại còn bắt bố mẹ hầu hạ đủ mặt. Như vậy
TÔI ĐI HỌC - 15 làm sao tránh khỏi những lúc phiền lòng của một người đã chịu nhiều đau khổ như bố tôi. Trong chiếc chăn len ấm áp, một đêm mùa đông bố đã kể lại cuộc đời mình cho tôi nghe. Chiếc chăn len này nhà tôi mới sắm hồi sau hòa bình đấy. Bố tôi nói trước đây có ai dám mơ đến một chiếc chăn như thế này. Năm lên tám tuổi, bố tôi đã mồ côi cha, phải đi ở chăn trâu cho địa chủ. Đêm lạnh không có chăn đắp, bố lấy rơm phủ lên người. Đã lạnh lại đói. Có lần bố đi đào trộm dong riềng của địa chủ về ăn. Chúng bắt được, dùng ba-toong đánh vào đầu, đến nay vẫn còn vết sẹo. Thấy cảnh đi ở không đủ nuôi thân, năm hai mươi tuổi bố về nhà ở với bà tôi. Nhưng cả nhà lại không có một tấc đất cắm dùi, biết sống bằng cách nào được? Thế là bố đành phải bỏ nhà ra Hòn Gai làm thợ mỏ. Mãi đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, bố tôi mới trở về. Được cách mạng chia ruộng, chia đất, từ đó đời bố mới đỡ vất vả. Mãi đến khi bố đã gần năm mươi, mẹ tôi mới sinh được tôi là con trai duy nhất (trước tôi chỉ có ba chị gái). Bố thương yêu, nâng niu chăm sóc tôi, mong một ngày kia tôi sẽ nên người. Có ngờ đâu tôi bị bệnh và hỏng cả hai tay. Đêm nằm, bố thường ôm tôi vào ngực, vuốt nhẹ tóc tôi, nâng tay tôi lên hôn hít và nghẹn ngào nói: - Thật ông trời không có mắt con ạ. Người ta có năm có mười thì tốt, mình có một thì trời lại bắt tội. Nói đến đây tiếng bố tôi nhỏ dần và ngừng hẳn. Chắc bố tôi khóc. Rồi bố tôi lại ôm chặt tôi hơn, nói tiếp, giọng nghẹn lại: - Sau này bố mẹ chết đi, con biết làm gì để sống!
MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU LỜI TỰ BẠCH 1- Sau cơn sốt bại liệt 9 2- Ôi, sao tay Ký lại thế này! 11 3- Những ngày mon men đến lớp 16 4- Những ngày tập viết 22 5- Từ mai cô không còn dạy em nữa 31 6- Việc học đã cho tôi niềm ham thích vô hạn 33 7- Môn học tôi gờm nhất nhưng mê nhất 36 8- Chiếc lồng chim ưng ý 41 9- Món quà bất ngờ 43 10- Bài thủ công điểm 10 46 11- Tôi đã học xong cấp I 53 12- Chuyện chiếc bàn học bị mất 55 13- Người bạn chưa biết tên 58 14- Chuyện tập bơi 60 15- Gắn mình với tập thể mới có niềm vui 64 16- Thầy hiệu trưởng mới 66 17- Không thể học hành như thế này mãi được 70 18- Thích chơi thể thao 73 19- Tìm nguồn giải trí ngay trong bài học 75 20- Tin vui bất ngờ 81 (Buồn vui nét chữ đầu đời)
21- Giấc mơ nhớ mãi 85 22- Phút giây xúc động 87 23- Ước mơ học giỏi toán 90 24- Chiếc com-pa của người bạn thân chưa quen 96 25- Thầy Châu mừng lắm 101 26- Làm cán sự toán 108 27- Niềm vui nối tiếp niềm vui 111 28- Tôi đã được gặp bác nếu như... 116 29- Nghiệp đen - người bạn mới 118 30- Chiếc bàn mới 121 31- Đừng để phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí 124 32- Những tấm lòng bốn phương 129 33- Cuốn sách làm thay đổi ước mơ 133 34- Những ngày sơ tán học đêm 136 35- Lớp 10B của tôi 149 36- Băn khoăn khó nghĩ quá 152 37- Kỳ nghỉ hè khó quên 158 38- Được tham gia lao động tôi vui lắm 165 39- Sắp xa rồi 170 Vài nét về Nhà Giáo Ưu Tú, Nhà Văn Nguyễn Ngọc Ký 172
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==