Thương vụ Facebook Thâu Tóm Instagram

facebook thâu tóm Thương vụ

no filter The Inside Story of Instagram SARAH FRIER Sự thật chưa được tiết lộ về tham vọng thống trị của Facebook facebook thâu tóm Thương vụ Phúc An dịch Business Book of the Year 2020 NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ

Đội ngũ Instagram ở Trụ sở Facebook năm 2015 - Ảnh: John Barnett

23 1 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH “Tôi muốn nói tôi đủ thông minh để biết lập trình và đủ khôn khéo để quyết định bán công ty của chúng tôi. Tôi nghĩ đó chính là tổ hợp hoàn hảo của người làm kinh doanh.” – Kevin Systrom, đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom không có ý định bỏ học, nhưng anh vẫn rất muốn gặp Mark Zuckerberg. Systrom cao 1,95 mét, tóc màu nâu sẫm, đôi mắt đen mơ màng và gương mặt chữ điền. Lần đầu tiên anh gặp Zuckerberg là thông qua những người bạn tại Đại học Stanford vào đầu năm 2005, khi họ đang nhâm nhi bia trong chiếc cốc nhựa màu đỏ tại một bữa tiệc ở San Francisco. Thời điểm đó, Zuckerberg là một doanh nhân khởi nghiệp ở địa phương,

NO FI LTER 24 đang bắt đầu trở thành hình mẫu của người trẻ tuổi tài năng trong ngành công nghệ nhờ những thành công anh đạt được với TheFacebook.com, mạng xã hội mà anh đã cùng bạn bè thành lập vào năm 2004 tại Đại học Harvard và sau đó phổ biến khắp các trường đại học ở Mỹ. Giới sinh viên truy cập trang web này để viết các dòng trạng thái về những việc họ đang làm và đăng lên “tường” Facebook của mình. Đó là một trang web đơn giản với nền trắng và viền xanh, không có các thiết kế phức tạp và phông chữ tùy chỉnh như mạng xã hội Myspace. TheFacebook.com phát triển nhanh đến mức Zuckerberg thấy anh không có lý do gì để quay lại trường học. Tại tiệm mì Zao trên Đại lộ University cách khuôn viên trường Stanford khoảng một cây số rưỡi, Zuckerberg đã cố thuyết phục Systrom đưa ra quyết định giống mình. Dù cả hai trạc tuổi nhau, nhưng Zuckerberg trông trẻ hơn nhiều với chiều cao kém Systrom khoảng 25 xăng-ti-mét, mái tóc xoăn nhẹ và làn da trắng hồng, luôn đi dép Adidas xỏ ngón, mặc quần jean suông và áo hoodie có khóa kéo. Zuckerberg muốn thêm trải nghiệm hình ảnh vào Facebook chứ không chỉ dừng lại ở ảnh hồ sơ thông thường, và anh muốn Systrom hợp tác phát triển mảng đó. Systrom rất vui khi có cơ hội đầu quân cho Zuckerberg, người mà anh cho là thông minh xuất chúng. Nhưng anh không nghĩ mình là một lập trình viên xuất sắc. Ở Stanford, anh thấy bản thân chỉ là một người bình thường giữa vô số thần đồng đến từ khắp nơi trên thế giới, và phải cố gắng lắm anh mới có được điểm B trong khóa học về khoa học máy tính đầu tiên và duy nhất của mình. Song, Systrom vẫn

THƯƠNG VỤ FACEBOOK THÂU TÓM INSTAGRAM 25 phù hợp với những tiêu chí cơ bản mà Zuckerberg đưa ra. Anh thích nhiếp ảnh, và một trong những dự án cá nhân của anh là Photobox - trang web cho phép mọi người tải lên các tệp ảnh có độ phân giải lớn và sau đó chia sẻ hoặc in chúng ra, nhất là sau các bữa tiệc tại Sigma Nu (hội nam sinh Systrom tham gia ở trường đại học). Photobox đã đủ để thu hút sự quan tâm của Zuckerberg, người không quá kén chọn vào thời điểm đó. Tuyển dụng luôn là phần khó nhất trong quá trình xây dựng một công ty khởi nghiệp và TheFacebook.com lúc bấy giờ đang phát triển nhanh đến mức anh cần tuyển thêm rất nhiều người. Đầu năm đó, nhiều người đã nhìn thấy Zuckerberg đứng trước tòa nhà khoa học máy tính của Stanford và giơ tấm áp phích quảng cáo về công ty của anh theo cách các câu lạc bộ trong trường vẫn thường chiêu mộ thành viên, hy vọng có thể thu hút được các lập trình viên đầu quân cho công ty. Zuckerberg đã xuất sắc hoàn thành màn thuyết trình của mình. Anh nói với Systrom rằng anh đang mang đến cho Systrom cơ hội “ngàn năm có một” để đặt nền tảng cho một cái gì đó thật lớn lao. Bước kế tiếp trong kế hoạch của anh là mang Facebook đến với học sinh trung học, cuối cùng là đến toàn thế giới. Công ty sẽ huy động được nhiều tiền hơn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, và một ngày nào đó nó có thể còn lớn hơn cả Yahoo!, Intel hay Hewlett-Packard. Sau buổi trò chuyện, khi nhân viên nhà hàng quẹt thẻ tín dụng của Zuckerberg, anh được thông báo rằng thẻ không còn đủ tiền để thanh toán. Anh quy trách nhiệm này cho chủ tịch của công ty, Sean Parker.

NO FI LTER 26 Vài ngày sau đó, Systrom đi dạo ở khu chân đồi gần khuôn viên Stanford với Fern Mandelbaum - vị cố vấn được chỉ định cho anh trong chương trình cử nhân kinh doanh anh đang theo học, người đồng thời cũng là một chuyên gia đầu tư mạo hiểm từng tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Stanford vào năm 1978. Bà lo rằng Systrom sẽ lãng phí tiềm năng của bản thân nếu từ bỏ mọi thứ để chạy theo ước mơ của người khác: “Đừng tham gia vụ Facebook này. Đó chỉ là trào lưu nhất thời. Nó sẽ chẳng đi đến đâu”. Systrom nghĩ bà nói đúng. Dù sao đi nữa, anh không đến Thung lũng Silicon để làm giàu nhanh chóng với một công ty khởi nghiệp. Anh muốn hoàn thành chương trình giáo dục đẳng cấp thế giới và tốt nghiệp Stanford. Anh gửi lời cảm ơn đến Zuckerberg vì đã dành thời gian cho anh, sau đó lên kế hoạch cho một cuộc phiêu lưu khác: du học ở Thành phố Florence của Ý. Zuckerberg và Systrom vẫn giữ liên lạc với nhau. ••••••••••••• Florence mang đến cho Systrom cảm giác hứng khởi mà TheFacebook.com không thể. Bản thân Systrom cũng không chắc là anh hợp với lĩnh vực công nghệ. Ban đầu khi đăng ký vào Stanford, anh đã nghĩ mình sẽ học ngành kỹ sư kết cấu và lịch sử nghệ thuật. Anh hình dung bản thân chu du khắp thế giới và khôi phục những thánh đường xưa hay những bức họa cổ. Anh yêu thích những kiến thức khoa học ẩn chứa đằng sau nghệ thuật và việc những sáng kiến đơn giản có thể thay đổi hoàn toàn cách con người chuyển tải thông tin, như

THƯƠNG VỤ FACEBOOK THÂU TÓM INSTAGRAM 27 ý tưởng đổi mới của kiến trúc sư Filippo Brunelleschi về phối cảnh tuyến tính thời Phục hưng chẳng hạn. Suốt một thời gian dài trong lịch sử phương Tây, các bức tranh đều được vẽ theo dạng hai chiều hoặc biếm họa; nhưng kể từ những năm 1400, phương pháp phối cảnh xa gần đã tạo chiều sâu cho tranh, khiến chúng trở nên chân thực và giàu cảm xúc. Systrom thích suy ngẫm về cách vạn vật được tạo tác, giải mã các hệ thống cũng như chi tiết đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Ở Florence, anh bắt đầu có hứng thú với việc nghiên cứu các ngành nghề thủ công của Ý: anh học quy trình làm rượu vang, cách tạo khuôn và đóng giày da, cũng như các kỹ thuật để pha chế một ly cappuccino ngon chuẩn vị. Ngay từ thời thơ ấu khi còn trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, cậu bé Systrom đã quan tâm đến khía cạnh kiến thức khi khám phá các sở thích cá nhân của mình để theo đuổi sự hoàn mỹ. Chào đời vào tháng Mười Hai năm 1983, Systrom lớn lên cùng chị gái Kate trong một ngôi nhà hai tầng có đường dẫn dài nằm trên một con phố rợp bóng cây thuộc vùng ngoại ô thị trấn Holliston, nằm ở phía tây Boston và cách thành phố này khoảng một giờ chạy xe. Người mẹ năng nổ của cậu, Diane - phó chủ tịch marketing của công ty Monster.com và sau đó là Zipcar - là người đã cho các con tiếp xúc với internet ngay từ lúc hệ thống kết nối này bắt đầu thay thế đường dây điện thoại. Cha của cậu, Doug, là giám đốc nhân sự của tập đoàn sở hữu các chuỗi cửa hàng giảm giá như Marshalls và HomeGoods. Systrom là một đứa trẻ nghiêm túc, tò mò, thích đến thư viện và chơi trò Doom II

NO FI LTER 28 trên máy tính - trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất với nội dung viễn tưởng về tiêu diệt các quái vật bí ẩn. Lần đầu tiên Systrom làm quen với lập trình máy tính là khi cậu tự mình tạo thêm các cấp độ cho trò chơi này. Cậu chuyển từ đam mê mãnh liệt này sang đam mê mãnh liệt khác, theo từng giai đoạn mà mọi người xung quanh cậu đều “nghe” đến, đôi khi là “nghe” theo đúng nghĩa đen. Vào cái thời Systrom theo đuổi sở thích chỉnh nhạc (DJ) khi còn đang học tại một trường nội trú ở hạt Middlesex, cậu đã mua hai chiếc bàn xoay đĩa và một chiếc ăng-ten; cậu cắm ăng-ten ngoài cửa sổ phòng ở ký túc xá để tự phát nhạc điện tử vốn chưa phổ biến vào thời điểm đó cho đài phát thanh của riêng mình. Dù còn trong độ tuổi vị thành niên, Systrom vẫn thường lẻn vào các câu lạc bộ dành cho người trên hai mươi tuổi để xem thần tượng của mình biểu diễn, nhưng cậu lại rất nguyên tắc và không uống rượu ở đó. Những người tiếp xúc với Systrom hoặc là ngay lập tức thích anh, hoặc là coi anh như một kẻ kiêu căng, hách dịch và thích thể hiện. Anh giỏi lắng nghe, nhưng cũng sẵn sàng huyên thiên về đâu là cách đúng để làm việc này việc kia. Anh thích gợi chuyện vì bản thân có rất nhiều mối quan tâm khác nhau, từ những đam mê cháy bỏng đến sở thích thoáng qua. Anh là kiểu người sẽ nói mình không đủ giỏi về điều anh thật sự giỏi, không đủ “chất” để làm việc anh thừa sức làm. Anh là kiểu người ở đâu đó giữa ranh giới của dễ gần và giả vờ khiêm tốn. Ví dụ, để chứng minh là mình phù hợp với Thung lũng Silicon, anh chỉ đề cập các thành tựu kiểu “mọt máy tính” thời trung học như các dự án

THƯƠNG VỤ FACEBOOK THÂU TÓM INSTAGRAM 29 cá nhân về trò chơi điện tử hoặc lập trình, chứ hiếm khi nào nhắc đến chuyện bản thân từng là đội trưởng đội bóng vợt hoặc từng phụ trách tổ chức những bữa tiệc vui bung nóc cho hội nam sinh Sigma Nu. Bạn bè trong hội rất nể tài sáng tạo của Systrom vì các video có tính lan truyền anh đã làm để thu hút hàng ngàn người tham dự. Một trong những sản phẩm đầu tay của Systrom là video nhạc đen trắng Moonsplash vào năm 2004, trong đó quay cảnh các thành viên hội Sigma Nu nhảy nhót trên nền nhạc “Drop It Like It’s Hot” của Snoop Dogg. Systrom luôn là người chỉnh nhạc trong những sự kiện như thế. Nhiếp ảnh là một trong những đam mê “dài hơi” nhất của Systrom. Anh từng viết trong một bài tập thời trung học là thích dùng nhiếp ảnh “để thể hiện quan điểm của bản thân về thế giới” và “truyền cảm hứng cho người khác nhìn thế giới theo một góc nhìn mới”. Trước chuyến đi đến Thành phố Florence, cái nôi của phong trào Phục hưng mà Systrom từng say mê tìm hiểu, anh đã nghiên cứu kỹ lưỡng và dành dụm để mua một trong những chiếc máy ảnh chất lượng nhất với những ống kính sắc nét nhất trong khả năng của mình. Anh định dùng nó trong lớp học nhiếp ảnh. Nhưng thầy Charlie của anh ở Florence không lấy làm ấn tượng. Ông nói: “Cậu không tới đây để tạo ra sự hoàn hảo. Đưa cái máy đó cho tôi nào”. Systrom nghĩ vị giáo sư chỉ định thay đổi cài đặt trên máy ảnh nhưng rốt cuộc, ông đã mang món đồ đắt giá vào văn phòng của mình và trở ra với một thiết bị nhỏ hơn trên tay. Đó là một chiếc máy ảnh hiệu Holga, chỉ có thể chụp ra những bức ảnh đen trắng

NO FI LTER 30 vuông vức và mờ nhòe. Nó bằng nhựa, giống hệt một món đồ chơi. Charlie nói Systrom không được phép sử dụng chiếc máy ảnh ưa thích của anh trong ba tháng tiếp theo, bởi một công cụ chất lượng cao hơn không nhất thiết sẽ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. “Cậu phải học cách yêu sự không hoàn hảo”, Charlie nói. Systrom đã dành cả mùa đông năm ba đại học (2005) để chụp ảnh trong các quán cà phê, cố gắng cảm thụ và trân trọng cái đẹp trong những bức ảnh mờ nhòe, mất nét. Ý tưởng về việc biến một bức ảnh vuông vức thành nghệ thuật thông qua chỉnh sửa bắt đầu ám ảnh tâm trí Systrom. Quan trọng hơn là anh đã hiểu được rằng một thứ phức tạp hơn về mặt kỹ thuật không có nghĩa là nó sẽ tốt hơn. Đồng thời, Systrom cũng bắt đầu lên kế hoạch cho mùa hè tiếp theo. Anh cần thực tập trong một công ty khởi nghiệp theo yêu cầu của Chương trình Mayfield Fellows tại Stanford mà anh suýt không được nhận vào. Như tất cả sinh viên Stanford, Systrom được “ngồi ở hàng ghế đầu” để chứng kiến sự hồi sinh của ngành công nghiệp internet. Thế hệ đầu tiên của hệ thống web tập trung vào việc chuyển thông tin và hoạt động kinh doanh lên mạng, thổi bùng làn sóng đầu cơ vào các công ty dot-com cuối những năm 1990 và tan vỡ vào năm 2001. Còn thế hệ mới này - được các nhà đầu tư gọi bằng thuật ngữ “Web 2.0” để phân biệt với thất bại của quá khứ - chú trọng việc làm cho các trang web có tính tương tác cao hơn và thú vị hơn dựa trên những thông tin do người dùng tự tạo ra, chẳng hạn như những trang blog hoặc bài đánh giá về các nhà hàng.

THƯƠNG VỤ FACEBOOK THÂU TÓM INSTAGRAM 31 Hầu hết các công nghệ mới nhất và hấp dẫn nhất đều nằm ở Palo Alto, khu bất động sản từng bị lãng quên đã được khôi phục sức sống khi các công ty với những cái tên như Zazzle hay FilmLoop đến đây để đặt văn phòng ở khu vực trung tâm, càng gần Stanford càng tốt để tiện tuyển dụng. Nhưng Palo Alto là một thành phố buồn tẻ vào mùa hè. Systrom từng đọc về trào lưu âm thanh trực tuyến trên New York Times và thấy tờ báo này đề cập đến một công ty tên là Odeo, đơn vị đã khởi tạo một thị trường dành cho các chương trình phát thanh (podcast) trên internet. Đó là công ty anh muốn đến thực tập. Và đó là công ty của Evan Williams (thường được gọi là Ev), doanh nhân vốn nổi tiếng trong giới công nghệ với việc bán nền tảng nhật ký trực tuyến Blogger cho Google. Systrom gửi email xin việc đến Evan Williams, người lúc này đã đầu tư cho Odeo được vài năm với trụ sở đặt tại Thành phố San Francisco, cách Palo Alto bốn mươi lăm phút lái xe về phía bắc. Kết quả là Systrom được nhận, và mỗi ngày anh đều bắt tàu hỏa sang San Francisco, nơi thú vị hơn Palo Alto nhiều với những quán rượu whisky chất lượng và sân khấu nhạc sống. ••••••••••••• Jack Dorsey - một kỹ sư mới gia nhập Odeo - tưởng mình sẽ không thể nào ưa nổi chàng sinh viên thực tập hai mươi hai tuổi mà anh phải ngồi cạnh suốt mùa hè. Trong hình dung của anh, cả chương trình kinh doanh hàng đầu lẫn trường nội trú ưu tú ở Bờ Đông đều là những nơi thiếu sự va chạm và mang tính công thức; bất kỳ ai được đào tạo trong hai môi trường đó đều sẽ không có tí sáng tạo nào.

NO FI LTER 32 Dorsey là người từng bỏ ngang chương trình của Đại học New York, khi đó hai mươi chín tuổi, có một hình xăm nổi loạn và một chiếc khuyên mũi. Anh tự cho mình là người có máu nghệ sĩ và thường mơ về việc trở thành một thợ may. Dù đang là một kỹ sư, nhưng Dorsey chỉ coi đó như một phương tiện để anh đạt được mục đích cuối cùng: sáng tạo ra thứ gì đó từ con số không, bằng mã lập trình. Đồng thời, đó cũng là phương tiện giúp anh trả tiền thuê nhà. Anh không phải kiểu người biết mình cần làm gì với một thực tập sinh. Trước sự ngạc nhiên của chính Dorsey, anh và Systrom nhanh chóng trở thành bạn của nhau. Trong văn phòng công ty đặt trên phố Brannan chỉ có vài nhân viên, mà hầu hết đều ăn chay trường, vì vậy Dorsey và Systrom thường cùng nhau tản bộ đến cửa hàng thức ăn nhanh gần đó vào giờ ăn trưa để ăn bánh mì kẹp. Hóa ra cả hai đều có gu âm nhạc rất riêng, đều yêu thích cà phê chất lượng cao và đều thích nhiếp ảnh. Không có mấy kỹ sư ở Thung lũng Silicon có thể trò chuyện với Dorsey về những chủ đề này. Và Systrom đã nịnh nọt Dorsey - người trước giờ đều tự học lập trình - bằng cách nhờ đàn anh giúp đỡ mình. Bản thân Systrom cũng có những điểm rất kỳ quái. Sau khi học hỏi để cải thiện khả năng lập trình JavaScript, anh luôn rất tỉ mỉ trong việc hoàn thiện các cú pháp và định dạng sao cho thành phẩm cuối cùng trông thật đẹp mắt. Điều này không có ý nghĩa gì với Dorsey, thậm chí là “điều tối kỵ” đối với văn hóa hacker ở Thung lũng Silicon vốn đề cao việc hoàn thành mọi thứ một cách nhanh chóng. Chẳng có vấn đề gì nếu bạn cố định các dòng văn bản bằng một dạng

THƯƠNG VỤ FACEBOOK THÂU TÓM INSTAGRAM 33 “băng dính” kỹ thuật số, miễn là sản phẩm bạn tạo ra vẫn hoạt động. Không ai quan tâm đến việc làm cho mã lập trình có cấu trúc đẹp, ngoại trừ Systrom. Systrom cũng nhuốm màu triết lý lên những sở thích cao siêu khác của anh, thứ mà Dorsey chưa từng có cơ hội khám phá. Dù vậy, Dorsey vẫn thấy một chút gì đó của bản thân anh ở tay thực tập sinh này, người có vẻ đủ hiểu về văn hóa để bình luận về nó, chứ không đơn thuần là cố trở thành bánh răng trong một cỗ máy hay trở nên giàu có như những sinh viên kinh doanh khác. Dorsey tò mò không biết điều gì sẽ đến với Systrom khi cậu sinh viên này bớt cứng nhắc một chút. Nhưng sau đó, anh phát hiện Systrom có ý định đầu quân cho Google và làm trong mảng tiếp thị sản phẩm sau khi tốt nghiệp. Hẳn là vì khoản lương cao chót vót, Dorsey nghĩ. Rốt cuộc, cậu ta cũng là một tay Stanford điển hình. ••••••••••••• Trong năm học cuối tại Stanford, khoảng thời gian Systrom chuyển tiếp giữa Odeo với Google, anh đã làm công việc pha chế espresso tại tiệm Caffé del Doge trên Đại lộ University ở Palo Alto. Một ngày, Zuckerberg bước vào, bối rối khi nhìn thấy chàng sinh viên anh từng muốn tuyển dụng giờ đang làm việc tại quán cà phê. Ngay cả khi đó, vị giám đốc điều hành này vẫn không phải là người dễ chấp nhận lời từ chối. Anh gượng gạo gọi món và bước tiếp. TheFacebook.com - thời điểm này đã được gọi đơn giản là Facebook - cuối cùng cũng ra mắt tính năng hình ảnh vào tháng Mười năm 2005 mà không có sự trợ giúp của Systrom.

NO FI LTER 34 Hai tháng sau đó, tính năng gắn thẻ (tag) bạn bè trong ảnh được bổ sung, mang đến thành quả thậm chí còn mỹ mãn hơn cho công ty. Những người chưa dùng Facebook bỗng dưng nhận được email thông báo rằng các bức ảnh có mặt của họ đang xuất hiện trên trang web này, khiến họ rất muốn nhấp vào đường link đính kèm để tìm hiểu. Chiến lược này trở thành một trong những mánh khóe quan trọng nhất của Facebook để thu hút thêm nhiều người dùng, dù nó khiến người ta có chút rờn rợn. Systrom cảm thấy tiếc nuối về cơ hội anh đã bỏ lỡ. Facebook đã có hơn 5 triệu người dùng, và Systrom nhận ra anh ắt hẳn đã dự đoán sai về khả năng phát triển của mạng xã hội này. Anh cố gợi lại lời đề nghị cũ và bắt đầu liên hệ với một trong những nhân viên vận hành dưới quyền Zuckerberg, nhưng người đó đã không trả lời email của Systrom. Anh nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy họ không còn muốn tuyển dụng mình. Trong khi đó, đội ngũ Odeo đã tung ra một sản phẩm cập nhật trạng thái mới có tên là Twttr, phát âm là “twitter”, do Dorsey giữ vai trò giám đốc điều hành. Systrom vẫn giữ liên lạc với bạn bè và đồng nghiệp cũ; nhằm ủng hộ nỗ lực của họ, anh thường sử dụng Twttr để đăng về bất cứ thứ gì mình đang nấu, đang uống hoặc đang xem, dù trang web này lúc đó chỉ có tính năng chia sẻ bằng từ ngữ. Một trong những thành viên Odeo nói với Systrom là sau này, người nổi tiếng và các thương hiệu trên khắp thế giới sẽ sử dụng Twttr để giao tiếp. Họ thật điên rồ, Systrom nghĩ. Sẽ không có ai muốn dùng thứ này. Anh không tưởng tượng nổi sản phẩm

THƯƠNG VỤ FACEBOOK THÂU TÓM INSTAGRAM 35 này có thể hữu ích cho việc gì. Dù sao đi nữa, Odeo đã không cố giữ anh lại. Hầu hết mọi người không có cơ hội gia nhập một công ty mang tính biểu tượng trong những ngày đầu khi nó được thành lập. Còn Systrom lại bỏ phí cả hai cơ hội của mình để chọn một việc làm khác ít rủi ro hơn. Đối với anh, việc đầu quân vào Google sau khi tốt nghiệp Stanford với tấm bằng quản trị kinh doanh và kỹ sư lập trình về cơ bản giống như đi học cao học. Systrom có mức lương khởi điểm khoảng 60.000 đô-la (chẳng đáng là bao so với khối tài sản đổi đời mà lẽ ra anh đã có từ Facebook), nhưng theo lô-gíc ở Thung lũng Silicon thì anh đã học được một bài học vỡ lòng. Được thành lập năm 1998, Google bắt đầu giao dịch trên thị trường đại chúng vào năm 2004 và tạo ra đủ số triệu phú để đưa Thung lũng Silicon thoát khỏi tình trạng u ám sau vụ sụp đổ dot-com. Khi Systrom gia nhập vào năm 2006, Google có gần 10.000 nhân viên. Google - tổ chức được chuyên môn hóa và có cấu trúc chặt chẽ hơn Odeo nhỏ bé - chủ yếu được dẫn dắt bởi các cựu sinh viên Stanford luôn ra quyết định dựa trên dữ liệu. Chính văn hóa này đã khiến Marissa Mayer - người phụ trách trang chủ của Google về sau trở thành giám đốc điều hành của Yahoo! - thực hiện cuộc thử nghiệm nổi tiếng để xác định màu nào trong bốn mươi mốt sắc xanh nước biển có thể giúp các đường dẫn của công ty được nhiều người nhấp vào nhất. Màu xanh pha chút sắc tím đã thắng thế so với các màu xanh dương đậm, giúp Google tăng 200 triệu đô-la doanh thu mỗi năm. Những thay đổi dường như không có gì đáng kể lại có thể tạo nên

NO FI LTER 36 sự khác biệt lớn khi nó được áp dụng trên hàng triệu hoặc hàng tỷ người. Công ty tìm kiếm này đã thực hiện hàng ngàn thử nghiệm như vậy (được gọi là thử nghiệm A/B) để xác định trải nghiệm sản phẩm khác nhau của nhiều phân khúc người dùng khác nhau. Tại Google, mọi vấn đề đều được cho là có một lời giải đáp, và lời giải đáp đó có thể được xác định thông qua phân tích định lượng. Phương pháp của công ty khiến Systrom nhớ đến những nhân vật “thần đồng” anh từng thấy trong lớp khoa học máy tính, luôn cố gắng làm những thứ quá phức tạp để gây ấn tượng. Trong những tình huống như vậy, họ dễ xác định sai vấn đề cần giải quyết. Ví dụ, nếu nghiên cứu về nhiếp ảnh, có thể nhân viên của Google sẽ nhắm đến việc chế tạo chiếc máy ảnh tốt nhất thay vì tạo ra bức ảnh nổi bật nhất. Thầy Charlie của anh có lẽ sẽ đứng ngồi không yên khi biết được chuyện này. Systrom nghĩ sẽ thú vị hơn nếu nhân viên Google có thể thoát khỏi các phương pháp đã được định sẵn và sử dụng trực giác của họ. Thời điểm đó, anh phụ trách viết nội dung marketing cho Gmail, và đội ngũ Gmail thì đang cố tìm cách giúp người dùng nhận được email nhanh chóng hơn. Họ đưa ra một giải pháp khá sáng tạo: khi ai đó truy cập vào Gmail.com và bắt đầu nhập tên tài khoản, Google sẽ bắt đầu tải dữ liệu hộp thư đến trong lúc người này nhập mật khẩu. Khi nhấp chuột vào nút đăng nhập, người này đã có sẵn một số email để đọc ngay, nhờ đó có được trải nghiệm người dùng tốt hơn mà không cần có kết nối internet nhanh hơn.

509 Mục lục Lưu ý của tác giả 5 Lời giới thiệu TÀI KHOẢN CÓ ẢNH HƯỞNG NHẤT 9 Chương 1 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH 23 Chương 2 RẮC RỐI SAU THÀNH CÔNG 73 Chương 3 QUYẾT ĐỊNH BẤT NGỜ 109 Chương 4 MÙA HÈ VÔ ĐỊNH 141 Chương 5 TIẾN NHANH VÀ PHÁ VỠ MỌI THỨ 171

NO FI LTER 510 Chương 6 THỐNG TRỊ 203 Chương 7 NGÔI SAO MỚI 237 Chương 8 THEO ĐUỔI GIÁ TRỊ INSTA 293 Chương 9 VẤN ĐỀ SNAPCHAT 327 Chương 10 ĂN THỊT ĐỒNG LOẠI 373 Chương 11 NHỮNG TIN GIẢ KHÁC 411 Chương 12 VỊ GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH 451 Phần kết CÁI GIÁ CỦA VỤ THÂU TÓM 491 Lời cảm ơn 501

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==