THỜI ĐẠI THỨ TƯ
NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ BYRON REESE Lương Trọng Vũ dịch THỜI ĐẠI THỨ TƯ
Lời nói đầu Người máy. Công việc. Tự động hóa. Trí tuệ nhân tạo. Máy tính có ý thức. Siêu trí tuệ. Sự giàu có. Một tương lai không có việc làm. Những con người “vô dụng”. Không còn sự thiếu thốn. Những cỗ máy sáng tạo. Người máy thống trị. Của cải không giới hạn. Không còn việc làm. Một tầng lớp vĩnh viễn ở đáy xã hội. Một số cụm từ và khái niệm trên có thể đã xuất hiện trong các bản tin trực tuyến bạn đọc hằng ngày. Đôi khi, đó là những câu chuyện tích cực và tràn đầy hy vọng về tương lai. Nhưng cũng có lúc, đó là những câu chuyện đen tối và đáng sợ. Sự đối lập này khiến chúng ta bối rối. Tất cả chuyên gia trong những bài viết đó đều là những người thông minh và nắm nhiều thông tin, nhưng những dự đoán họ đưa ra về tương lai không phải chỉ hơi khác nhau, mà là rất khác biệt và hoàn toàn đối lập với nhau. Tại sao Elon Musk, Stephen Hawking và Bill Gates sợ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và bày tỏ nỗi lo ngại AI sẽ trở thành mối đe dọa đối với sự tồn tại
6 - The Fourth Age của loài người trong tương lai gần? Trong khi đó, tại sao một nhóm chuyên gia cũng nổi tiếng không kém với những cái tên như Mark Zuckerberg, Andrew Ng và Pedro Domingos lại thấy quan điểm lo sợ trên xa vời đến mức không đáng để bàn luận. Mark Zuckerberg thậm chí đã gọi những người đang rao giảng về kịch bản ngày tận thế là những “kẻ vô trách nhiệm”, còn Andrew Ng – một trong những bộ óc thông minh nhất về AI hiện nay – gọi những lo lắng đó giống như lo “bò trắng răng”. Sau khi Elon Musk được trích dẫn rộng rãi với câu nói “AI là một mối đe dọa cơ bản đối với sự tồn vong của văn minh nhân loại”, Pedro Domingos – nhà nghiên cứu hàng đầu và tác giả nhiều quyển sách về AI – đã đăng lên Tweeter: “Một từ thôi: ngao ngán”. Cả bên lo sợ lẫn bên không lo sợ đều tràn đầy tự tin với quan điểm của mình và tỏ thái độ khinh miệt với phe đối lập. Trong cuộc luận bàn về rô-bốt và tự động hóa, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Các chuyên gia của lĩnh vực này cũng không thể đạt đến một sự đồng thuận. Một số người cho rằng tất cả việc làm sẽ bị hệ thống tự động hóa cướp mất, hoặc ít nhất là chúng ta sắp bước vào một thời kỳ Đại Suy thoái kéo dài, trong đó một bộ phận người lao động sẽ không thể cạnh tranh nổi với lực lượng lao động bằng máy, trong khi phần còn lại của xã hội sẽ sống trong sự xa hoa và dư dả với những công việc công nghệ cao của tương lai. Trước những lo ngại này, những chuyên gia khác chỉ cười khẩy và viện dẫn những thành tựu vang dội của quá trình tự động hóa trong quá khứ đã giúp gia tăng năng suất cũng như mức lương của công nhân. Dù hầu như không bao giờ “tranh luận bằng nắm đấm”,
Thời Đại Thứ Tư - 7 nhưng các nhóm chuyên gia này rất thường xuyên công kích, thóa mạ nhau. Sau cùng, khi xem xét câu hỏi liệu máy tính có trở nên có ý thức và sau đó là có sự sống hay không, giới chuyên gia lại tiếp tục bất đồng ý kiến với nhau. Một số người tin việc máy tính có thể có ý thức là một sự thật hiển nhiên, và bất cứ quan điểm nào khác đều chỉ là sự suy diễn ngớ ngẩn. Những người khác dứt khoát không đồng ý; họ nói rằng máy tính và thực thể sống là hai thứ rất khác nhau, rằng “cỗ máy sống” là một ý tưởng mâu thuẫn về mặt ngữ nghĩa. Đối với những người theo dõi toàn bộ cuộc tranh luận này, kết quả cuối cùng họ nhận được là sự bối rối và thất vọng. Nhiều người đã giơ tay đầu hàng trước những quan điểm tranh luận chói tai và kết luận nếu những người ở tuyến đầu của các lĩnh vực công nghệ này không thể đồng tình với nhau về những gì sẽ xảy ra, thì những người như chúng ta còn biết tin vào đâu? Họ bắt đầu nhìn về tương lai với nỗi lo sợ và hoang mang, chấp nhận rằng những câu hỏi đang khiến họ choáng ngợp vốn dĩ không có câu trả lời. Có con đường nào dẫn chúng ta thoát khỏi tình cảnh này không? Tôi nghĩ là có. Con đường đó bắt đầu khi chúng ta nhận ra những chuyên gia này bất đồng ý kiến không phải vì họ biết những thứ khác nhau, mà vì họ tin vào những điều khác nhau. Chẳng hạn, những người dự đoán chúng ta sẽ làm ra những chiếc máy tính có ý thức đưa ra nhận định đó không phải vì họ biết điều gì đó người khác không biết về ý thức và
8 - The Fourth Age nhận thức, mà vì họ tin vào một quan niệm gì đó rất phổ biến: con người cơ bản là những cỗ máy. Nếu con người là những cỗ máy, hoàn toàn hợp lý khi nói sớm muộn gì chúng ta cũng có thể tạo ra một con người bằng máy. Trái lại, những ai tin rằng máy móc sẽ không bao giờ có được ý thức thường kiên quyết giữ quan điểm này vì họ không bị thuyết phục bởi lập luận con người đơn thuần là những sinh vật cơ học. Và đó chính là những gì quyển sách này sẽ đề cập: giải mã những niềm tin cốt lõi vốn là nền tảng củng cố các quan điểm khác nhau về người máy, công việc, AI và ý thức. Mục tiêu của tôi là dẫn dắt độc giả qua những vấn đề hóc búa này, mổ xẻ tất cả những giả định đã hình thành nên các quan điểm được giới chuyên gia tuyên bố một cách đầy tự tin và chắc chắn. Quyển sách này hoàn toàn không nói về suy nghĩ của riêng tôi đối với những vấn đề này. Mặc dù tôi không cố tình che giấu nhưng quan điểm cá nhân của tôi hầu như cũng không quan trọng đối với quá trình bạn đọc quyển sách này. Mục tiêu của tôi là bạn sẽ đóng quyển sách này lại với sự hiểu biết thấu đáo về việc niềm tin của bạn có thể tác động thế nào đến cách bạn nhìn nhận những câu hỏi được đề cập. Sau đó, khi bạn nghe một gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon hoặc giáo sư nổi tiếng hoặc học giả từng đoạt giải Nobel đưa ra những tuyên bố đầy tự tin về rô-bốt hoặc công việc hoặc AI, bạn sẽ lập tức hiểu niềm tin nào đã khiến họ đưa ra những tuyên bố đó. Một hành trình khám phá như thế nên bắt đầu từ đâu? Tất nhiên là từ quá khứ, một quá khứ xa xôi của thời điểm
Thời Đại Thứ Tư - 9 ngôn ngữ được khai sinh. Những câu hỏi chúng ta sẽ tìm hiểu trong quyển sách này không xoay quanh những thuật ngữ về bán dẫn, tế bào thần kinh hay thuật toán… mà chính là về bản chất của hiện thực, nhân loại và tâm trí. Sự khó hiểu nảy sinh khi chúng ta bắt đầu với câu hỏi “Người máy sẽ cướp những công việc nào của con người?” thay vì “Con người là gì?”. Chỉ khi có thể trả lời câu hỏi thứ hai, chúng ta mới giải đáp được câu hỏi thứ nhất một cách đầy đủ. Mời bạn tham gia cùng tôi trong chuyến đi nhìn lại 100.000 năm lịch sử loài người, thảo luận những câu hỏi lớn xuyên suốt chuyến đi đó và khám phá tương lai phía trước. Quyển sách này là một hành trình. Cảm ơn độc giả cùng đồng hành với tôi. Byron Reese Thành phố Austin, bang Texas
PHẦN I HÀNH TRÌNH DÀI VÀ GIAN KHỔ CỦA CON NGƯỜI ĐỂ ĐƯỢC NHƯ HÔM NAY
CÂU CHUYỆN VỀ THẦN PROMETHEUS Câu chuyện về thần Prometheus là một câu chuyện cổ, đã tồn tại ít nhất 3.000 năm nay, cũng có thể lâu hơn. Chuyện kể rằng Prometheus và em trai Epimetheus là hai người khổng lồ (con của những vị thần đã xuất hiện trước cả các vị thần trên đỉnh Olympia mà chúng ta vẫn thường nghe tới) được giao nhiệm vụ tạo ra các sinh vật trên trái đất. Hai anh em họ đã thực hiện nhiệm vụ đó bằng đất sét. Epimetheus nhanh chóng tạo ra các loài thú bằng cách nặn ra hình hài rồi gán cho mỗi con những thuộc tính mà thần Zeus đã trao cho họ. Một số loài có tính gian xảo, một số loài có khả năng ngụy trang, một số loài có răng nanh hung tợn và một số loài biết bay. Trong khi đó, Prometheus lại rất cẩn thận và dành nhiều thời gian để tạo ra một loài duy nhất là con người, với hình dáng được nhào nặn theo hình ảnh của các vị thần, có dáng đi thẳng. Đến khi làm xong, Prometheus phát hiện Epimetheus đã gán hết các đặc tính cho những loài động vật ông tạo ra. Người nghe kể chuyện gần như có thể hình dung cảnh Prometheus nhìn vào chiếc hộp rỗng đã bị Epimetheus lấy hết các đặc tính
18 - The Fourth Age và thốt lên: “Em thật sự không chừa lại chút nào sao?”. Sau đó, Prometheus quyết định làm một việc cấm kỵ: trao lửa cho con người. Vì sự vi phạm nghiêm trọng này, Prometheus đã phải trả giá đắt: ông bị thần Zeus kết tội, trói vào một tảng đá và để một con đại bàng moi gan – bộ phận sẽ tự hồi phục vào mỗi đêm và lại bị moi tiếp vào ngày hôm sau. Prometheus đã phải chịu đựng hình phạt qua hàng ngàn năm, cho đến khi ông được giải thoát bởi Hercules.
1 Thời đại Thứ Nhất: LỬA VÀ NGÔN NGỮ Dù không ai biết lần đầu tiên có người biết sử dụng sức mạnh của lửa là khi nào, nhưng chúng ta có bằng chứng khá rõ ràng cho thấy khoảng 100.000 năm trước, hầu như con người đều đã biết cách tận dụng lửa. Và trong những câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Prometheus, thật dễ để nhận ra ngọn lửa đã thay đổi chúng ta nhiều đến thế nào. Lửa chính là công nghệ đa chức năng đầu tiên. Lửa cung cấp ánh sáng, và vì động vật sợ lửa nên lửa cũng giúp đảm bảo sự an toàn. Tính di động của lửa đồng nghĩa với việc con người có thể di cư đến những vùng lạnh hơn mà vẫn có thể giữ ấm. Nhưng nhìn chung, lợi ích lớn nhất của lửa chính là giúp con người nấu ăn. Tại sao công dụng này của lửa lại quan trọng đến vậy? Nấu ăn giúp chúng ta tăng đáng kể lượng ca-lo mà mình có thể hấp thu. Việc chế biến thịt không chỉ làm cho nó trở nên dễ nhai hơn,
20 - The Fourth Age mà quan trọng là còn giải phóng các protein chứa trong thịt và khiến nó dễ tiêu hóa hơn. Thêm vào đó, nhờ có lửa mà rất nhiều loại thực vật trước đó không ăn được bỗng trở thành nguồn thực phẩm, vì lửa có khả năng phân giải các chất xơ và tinh bột khó tiêu hóa trong thực vật. Nói cách khác, lửa có thể được con người “thuê ngoài” để xử lý một phần quá trình tiêu hóa. Ngày nay, rất khó để chúng ta hấp thu đủ lượng ca-lo nếu chỉ ăn thực phẩm tươi sống, vì có rất nhiều chất cơ thể chúng ta không tiêu hóa được. Chúng ta đã làm gì với toàn bộ lượng ca-lo mà mình vừa hấp thụ thêm nhờ lửa? Chúng ta sử dụng nguồn năng lượng mới đó để phát triển bộ não đến mức phức tạp chưa từng có. Chỉ trong một thời gian ngắn, con người đã tiến hóa và có số lượng tế bào thần kinh tăng gấp ba lần so với các loài khỉ hoặc tinh tinh. Nhưng một bộ não như vậy cũng giống như một chiếc siêu xe của Ý: có thể tăng tốc từ 0 lên 100 ki-lô-mét trên giờ chỉ trong nháy mắt, nhưng chắc chắn cũng tiêu thụ một lượng xăng đáng kể. Trên thực tế, con người chúng ta tiêu thụ một lượng ca-lo xa xỉ lên đến 20% những gì chúng ta hấp thu chỉ để nuôi dưỡng bộ não đã được nâng cấp của mình. Có rất ít loài sử dụng dù chỉ là phân nửa mức năng lượng đó để nuôi dưỡng phần trí tuệ của chúng. Xét trên quan điểm sinh tồn, đó là một sự đặt cược đầy táo bạo. Nói theo thuật ngữ của môn xì phé (poker), chúng ta đã “đặt hết” (all in) tiền cược vào bộ não và đã thắng, bởi bộ não tân tiến hơn của chúng ta đã tạo tiền đề cho sự ra đời của một công nghệ mới: ngôn ngữ. Ngôn ngữ là bước nhảy vọt mà nhà sử học Will Durant nói là “đã biến chúng ta thành con người”.
Thời Đại Thứ Tư - 21 Vậy nên, lửa chính là khởi nguồn của câu chuyện “lãng mạn” kéo dài đến tận hôm nay giữa chúng ta với công nghệ. Vậy công nghệ là gì? Xuyên suốt quyển sách này, tôi dùng thuật ngữ “công nghệ” để nói đến việc áp dụng kiến thức vào một vật, một quy trình hoặc một kỹ thuật. Công nghệ dùng để làm gì? Chủ yếu là để nâng cao khả năng của con người. Công nghệ tạo điều kiện cho chúng ta làm những việc trước đây ta không thể làm, hoặc làm tốt hơn những việc ta đã làm được. Tất nhiên, con người đã sử dụng những công nghệ đơn giản trước khi có lửa, chính xác là trước đó hơn 2 triệu năm. Nhưng lửa thì rất khác và đặc biệt. Lửa trông giống như một loại phép thuật. Ngay cả trong thời hiện đại, người đi cắm trại vẫn thường ngồi quanh đống lửa trại vào ban đêm và nhìn chăm chăm vào đó như bị thôi miên bởi những vũ điệu kỳ lạ của nó. Công nghệ ngôn ngữ mạnh mẽ hơn nhiều đã giúp chúng ta trao đổi thông tin. Chúng ta có thể dùng ngôn ngữ để tóm tắt những gì mình đã học được, ví dụ như “con hổ không thích bị kéo đuôi”, thành những kiến thức có thể được truyền đạt một cách rõ ràng từ người này sang người khác, thay vì dừng lại ở người đàn ông chỉ-còn-một-tay đã nắm đuôi con hổ. Bên cạnh đó, ngôn ngữ còn tạo cho chúng ta khả năng hợp tác – một trong những năng lực đặc biệt của loài người chúng ta. Nếu không có ngôn ngữ thì mười con người cũng không thể nào địch nổi một con voi ma mút. Nhưng nhờ có ngôn ngữ, những người đó có thể phối hợp với nhau theo một cách khiến họ gần như bất khả chiến bại.
22 - The Fourth Age Ngôn ngữ xuất hiện là vì bộ não của chúng ta đã trở nên to hơn; và trong một vòng lặp tích cực, chính ngôn ngữ đã khiến não bộ của chúng ta phát triển to hơn nữa, bởi có những loại ý nghĩ mà chúng ta sẽ không thể nào nghĩ ra nếu không có từ ngữ. Suy cho cùng, từ ngữ là những biểu tượng đại diện cho ý nghĩ, và khi không áp dụng công nghệ lời nói, chúng ta có thể kết hợp cũng như điều chỉnh những ý nghĩ đó theo những cách người khác không thể biết được. Một món quà khác của ngôn ngữ là câu chuyện. Các câu chuyện có vai trò rất quan trọng đối với nhân loại vì chúng giúp chúng ta hình thành trí tưởng tượng, điều kiện tiên quyết để tiến bộ. Các câu hò vè – phiên bản sơ khai của những bài thơ, tình ca, nhạc hip-hop ngày nay – chắc hẳn là những tác phẩm đầu tiên của loài người biết nói chuyện. Có một lý do để lý giải vì sao những gì có vần điệu lại dễ nhớ hơn những thứ không có, tương tự lý do vì sao chúng ta dễ nhớ lời của một bài hát hơn là một trang văn xuôi. Bộ não của con người được lập trình như thế, và chính thực tế này đã giúp những tác phẩm như The Iliad (Trường ca Iliad) và The Odyssey (Trường ca Odyssey) được bảo tồn dưới dạng truyền miệng trước khi chữ viết được phát minh. Cơ chế này của não bộ cũng là lý do vì sao tôi vẫn nhớ được bài hát mở đầu của những chương trình truyền hình kinh điển dù tôi đã không còn xem chúng hàng chục năm rồi. Đáng chú ý là bản thân những bài hát đó cũng là câu chuyện, thậm chí trong lời bài hát còn có những từ như “story” (câu chuyện) và “tale” (giai thoại). Nhiều người đoán rằng những câu chuyện xa xưa nhất – như The epic of Gilgamesh (Sử thi Gilgamesh) chẳng hạn – có thể đã tồn tại
Thời Đại Thứ Tư - 23 dưới dạng truyền miệng suốt hàng ngàn năm, cho đến khi chữ viết được phát minh thì mới được ghi chép lại. Chúng ta không biết nhiều về ngôn ngữ sơ khai nhất mà chỉ có thể phỏng đoán từ những ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng ngày nay. Ngôn ngữ đầu tiên của loài người đã mất từ lâu, và nhiều ngôn ngữ xuất hiện sau đó cũng vậy. Chúng ta phân loại ngôn ngữ hiện đại thành từng nhóm ngữ hệ được cho là bắt nguồn từ ngôn ngữ nguyên thủy. Một trong những ngữ hệ như thế là Ấn-Âu nguyên thủy (Proto-Indo-European – PIE), tiền thân của 445 ngôn ngữ ngày nay, bao gồm tiếng Hindi, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức và tiếng Punjab. Các nhà ngữ học nghiên cứu ngôn ngữ nguyên thủy bằng cách xem xét sự tương đồng giữa từ vựng của các ngôn ngữ. Năm 2013, những nhà nghiên cứu của Đại học Reading ở nước Anh đã áp dụng kiểu phân tích này để tìm ra những từ cổ nhất mà đến nay chúng ta vẫn còn sử dụng. Họ phát hiện ra 23 từ được “bảo tồn lâu nhất” với cách phát âm gần như không đổi suốt 15.000 năm, có nghĩa là những từ này có liên quan đến loại ngôn ngữ tồn tại trước cả PIE. Trong nhóm từ cổ xưa nhất đó có những từ như “man” (đàn ông), “mother” (mẹ), “two” (hai), “three” (ba), “five” (năm), “hear” (nghe), “ashes” (tro) và “worm” (giun). Từ cổ nhất có lẽ là “mama” (mẹ) hoặc một từ nào đó tương tự, vì phần lớn những từ có nghĩa là “mẹ” trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới đều bắt đầu bằng âm m – thường là âm đầu tiên mà một em bé có thể nói. Và thật thú vị, chúng ta cũng có những loại ngôn ngữ dường như không có bất kỳ một ngôn ngữ “tổ tiên” nào, có vẻ
24 - The Fourth Age như không bắt nguồn từ đâu. Tiếng Basque của những người sống ở khu vực miền núi giữa Tây Ban Nha và Pháp là một ví dụ. Ngôn ngữ này được cho là còn lâu đời hơn cả PIE, và tương truyền đó là ngôn ngữ được Adam và Eva nói với nhau trong Vườn Địa đàng. Tính linh hoạt và phức tạp của ngôn ngữ cũng khá thú vị. Tiếng Anh gần đây đã vượt qua con số 1 triệu từ vựng, dù hầu hết chúng ta chỉ sử dụng khoảng 25.000 từ. Cứ mỗi tiếng đồng hồ lại có thêm một từ tiếng Anh mới xuất hiện, dù tốc độ này đang dần chậm lại. Ngày xưa, một người như Shakespeare có thể sáng tạo ra ba từ trước khi ăn bữa sáng. Giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân làm giảm tốc độ sáng tạo từ mới trong thời gian gần đây chính là công cụ tự động kiểm tra lỗi chính tả trên các thiết bị điện tử, một tính năng đơn giản là không thỏa hiệp với các kiểu chơi chữ. Nếu không muốn gửi một email có nhiều đường gạch đỏ dưới những từ mình viết ra, tốt hơn hết là chúng ta chỉ sử dụng những gì đã được liệt kê trong từ điển. Trong Thời đại Thứ Nhất này (quãng thời gian xấp xỉ 100.000 năm mà chúng ta sống như những thợ săn và người hái lượm biết sử dụng cả ngôn ngữ và lửa), cuộc sống đã diễn ra như thế nào? Tổng dân số thời bấy giờ chỉ là khoảng 200.000, nên tuy con người không phải là loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng sự sống còn của chúng ta vẫn chưa có gì chắc chắn. Dù hiển nhiên là có nhiều tập quán khác nhau, nhưng đa số người thời đó đều sống theo tập thể, phần lớn là
Thời Đại Thứ Tư - 25 kiểu xã hội không phân cấp. Đến tận năm 1700, trên thế giới vẫn còn hơn 50 triệu người săn bắt và hái lượm sống rải rác khắp nơi, nhờ vậy chúng ta có dịp quan sát trực tiếp về những người săn bắt và hái lượm thời hiện đại. Ngay cả ở hiện tại, nhiều ước tính đáng tin cậy cho thấy trên toàn cầu vẫn còn tồn tại hơn 100 bộ lạc săn bắt hái lượm không tiếp xúc với thế giới hiện đại, với tổng số người có thể lên đến hơn 10.000. Nếu các bộ lạc săn bắt hái lượm thời hiện đại có thể cho ta biết bất cứ điều gì về cuộc sống của con người trước khi có nông nghiệp, thì đó chính là thực phẩm từng không phải là một cái gì đó hiển nhiên và mỗi người đều chỉ cách cái chết “vài ngày đổ bệnh”. Do vậy, chủ nghĩa tập thể có thể đã hình thành từ những cá nhân cảm thấy cần giúp đỡ người khác vì lợi ích của bản thân họ: ngay cả những người khỏe mạnh nhất trong một xã hội đều sẽ có lúc cần được giúp đỡ. Vì lý do này, những tập thể biết chia sẻ với nhau thường có khả năng thích ứng tốt hơn những quần thể người sống ích kỷ. Dù sao đi nữa, tích lũy của cải vào thời đại này liệu có ích gì? Người ta không có bất kỳ tài sản nào ngoài mớ ấu trùng họ vừa tìm được trong ngày, thậm chí nếu có của cải thì họ cũng không cách nào để cất trữ. Họ chật vật từng ngày, cố gắng kéo dài sự tồn tại yếu ớt của mình, khi mà chỉ một mùa đông tồi tệ hoặc một con ma mút nổi loạn cũng đủ để kết liễu họ. *
Mục lục Lời nói đầu 5 Lời giới thiệu 11 Phần I - HÀNH TRÌNH DÀI VÀ GIAN KHỔ CỦA CON NGƯỜI ĐỂ ĐƯỢC NHƯ HÔM NAY 15 Câu chuyện về thần Prometheus 17 1. Thời đại Thứ Nhất: Lửa và ngôn ngữ 19 2. Thời đại Thứ Hai: Nông nghiệp và đô thị 27 3. Thời đại Thứ Ba: Chữ viết và xe cộ 35 4. Thời đại Thứ Tư: Người máy và trí tuệ nhân tạo 41 5. Ba câu hỏi cơ bản 63 Phần II - TRÍ TUỆ NHÂN TẠO HẸP VÀ RÔ-BỐT 87 Câu chuyện về John Henry 89 6. Trí tuệ nhân tạo hẹp 91 7. Rô-bốt 99 8. Những thử thách về kỹ thuật 109 9. Rô-bốt có tước đoạt hết công việc của chúng ta? 127 10. Có loại công việc nào không dành cho rô-bốt không? 189 11. Những thử thách lớn 205 12. Rô-bốt trong chiến tranh 227
Thời Đại Thứ Tư - 479 Phần III - TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TỔNG QUÁT 233 Câu chuyện về phù thủy tập sự 235 13. Bộ não con người 237 14. AGI 253 15. Chúng ta có nên tạo ra AGI không? 271 Phần IV - Ý THỨC CỦA MÁY TÍNH 307 Tín ngưỡng sùng bái hàng hóa 309 16. Tri giác 311 17. Ý chí tự do 323 18. Ý thức 331 19. Tám giả thuyết về ý thức: Máy tính có thể trở nên có ý thức hay không? 357 20. Máy tính có thể được cấy vào não người không? 387 21. Tái định nghĩa nhân loại? 395 Phần V - CON ĐƯỜNG TƯƠNG LAI 401 Câu chuyện về Jean-Luc Picard 403 22. Cuộc sống trong Thời đại Thứ Tư 407 23. Giải quyết tất cả vấn đề kỹ thuật 421 24. Cái chết và sự bất tử 457 25. Điều tồi tệ gì có thể xảy ra? 465 26. Thời đại Thứ Năm 471
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==