Tâm Hồn CAO THƯỢNG Greatness is not found in possessions, power, position, or prestige. It is discovered in goodness, humility, service, and character. Sự vĩ đại không nằm trong tài sản, quyền lực, địa vị hay danh tiếng - mà được tỏa sáng từ lòng tốt, tính khiêm nhường, sự cống hiến và nhân cách. - William Arthur Ward
IN THE LAST FLIGHT, NO ONE IS ALLOWED TO BRING ANY LUGGAGE - EVEN CARRY-ON OR CHECK-IN BAGGAGE - BUT NOBLENESS. Ở chuyến bay cuối cùng, không một ai được mang theo hành lý - kể cả xách tay lẫn ký gửi - trừ lòng cao thượng. - Khuyết danh
First News Tái bản lần thứ 6 Biên dịch: First News
Cuore - Tâm Hồn Cao Thượng – bản ghi chép suy nghĩ của một cậu bé đang ngày ngày cắp sách đến trường. Điều kỳ diệu là tác phẩm kinh điển này thuật lại những ký ức sống động về cuộc sống trường lớp và gia đình, nhưng lại lấp lánh bên trong những nhân cách lớn lao, có giá trị vĩnh hằng. Cuốn sách không chỉ chứa đựng những bài học quý giá dành cho tuổi niên thiếu, không ít người thành đạt và nổi tiếng, khi được hỏi về cuốn sách yêu thích nhất và có ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành tuổi niên thiếu của họ, thì không hẹn mà gặp, cái tên thân quen được nhắc đến nhiều nhất trong số những tác phẩm kinh điển, chính là Tâm Hồn Cao Thượng (Cuore) của văn hào Ý Edmondo De Amicis. Henry Ford lúc sinh thời rất thích cuốn sách này và từng khẳng định: “Bất cứ ai thuở nhỏ đã từng đọc Tâm Hồn Cao Thượng sẽ không bao giờ trở thành người xấu!”. Không chỉ Henry Ford – rất nhiều người đã và đang giữ những vị trí quan trọng trên thế giới, vẫn đang mang dấu ấn sâu sắc từ cuốn sách đặc biệt này, theo cùng họ trong suốt hành trình cuộc đời. Chúng tôi tin vào điều đó! Thuở thiếu thời nhiều người trong chúng tôi cũng rất thích Tâm Hồn Cao Thượng, và cuốn sách đã giúp hình thành những tính cách đầu tiên, giúp chúng tôi có những quyết định, phản xạ trong gang tấc khi đối đầu với những tình huống, hoàn cảnh mà ứng xử của mình sẽ làm thay đổi rất nhiều điều trong cuộc sống. Cũng như Đắc Nhân Tâm (How to Win Friends and Influence People) của Dale Carnegie, Tâm Hồn Cao Thượng (Cuore) của Edmondo De Amicis là quyển sách của mọi thời đại, bất chấp những lớp bụi thời gian. Khi bụi thời gian càng phủ xuống dày thì những giá trị nhân văn của cuốn sách càng lấp lánh và tỏa sáng vĩnh hằng. Đó chính là lý do khiến chúng tôi quyết tâm cho ấn hành cuốn Tâm Hồn Cao Thượng với một phiên bản mới nhất, đầy đủ nhất. Cũng như chúng tôi từng làm điều đó với Đắc Nhân Tâm. Và đây chính là đáp án, lời giải đơn giản mà hiệu quả nhất cho một xã hội văn minh, công bằng và phát triển. Lướt qua các trang tin mỗi ngày, chúng ta đau lòng khi thấy tin xấu ngày càng nhiều hơn tin tốt - và các bạn trẻ bây giờ ngày càng thiếu hướng đi và niềm tin cuộc sống. Chúng tôi không muốn các bạn trẻ mất quá lâu để tìm ra con đường đi của chính mình. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam cuốn Tâm Hồn Cao Thượng lần đầu tiên được biên dịch đầy đủ, không cắt xén - khởi động cho một hành trình ý nghĩa: Người Việt và Tâm Hồn Cao Thượng. - First News - Trí Việt CUỐN SÁCH THỜI ĐẠI - TÂM HỒN VIỆT NAM
Tôi đã đọc Tâm Hồn Cao Thượng từ khi còn nhỏ và nó là cuốn sách gối đầu giường của tôi trong suốt thời gian tiểu học. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và đôi lúc muốn trở thành những nhân vật trong sách. Từ những bài học trong cuốn sách này, tôi ý thức được rất nhiều về việc rèn luyện đạo đức và nhân cách của một con người, về lòng hiếu thảo, tình thầy trò, tình bạn và bổn phận của một người công dân trong xã hội. Nhờ cuốn sách này, tôi biết rằng ngoài việc trau dồi kiến thức và kỹ năng trong lớp, một học sinh còn phải biết về những bổn phận, trách nhiệm trong gia đình và ngoài xã hội, vì chỉ khi có kiến thức phong phú và nhân cách vẹn toàn, sau này mới có thể làm nên sự nghiệp. Qua những bài học ngắn và giản dị nhưng đi sâu vào tâm hồn, chúng tôi hăng say nói về những nhân vật trong sách, như câu chuyện về lòng yêu nước của cậu bé thành Padua, chú hề con trong gánh xiếc, đứa trẻ con người bán than và nhà quý tộc, những câu hỏi về lòng ái quốc đã làm chúng tôi tự hào về quê hương đất nước của mình. Sau này khi lên trung học, thỉnh thoảng có dịp xem lại cuốn sách, tôi thường tự hỏi: Làm sao tác giả có thể viết được những câu chuyện tuyệt vời như thế? Làm sao những câu chuyện ngắn giản dị lại có thể ảnh hưởng đến tâm hồn non dại của chúng tôi đến vậy? Khi biết suy nghĩ hơn, tôi thấy rõ tác giả có ý nhấn mạnh phương diện nhân cách của một con người. Mặc dù cuốn sách nói về cả phương diện học vấn và nhân cách, nhưng tác giả nhấn mạnh rằng nền tảng nhân cách có giá trị hơn nền tảng học vấn nhiều. Người có học mà không có nhân cách sau này chỉ làm hại cho quốc gia, gây loạn lạc cho xã hội. Có thể nói, Tâm Hồn Cao Thượng là kim chỉ nam cho mọi học sinh để rèn luyện nhân cách, phục vụ cho nhân loại, đem lại lợi ích cho mọi người trong tương lai. Tôi thiết nghĩ Tâm Hồn Cao Thượng là cuốn sách mà mọi gia đình nên có, để cha mẹ và con cái cùng chia sẻ, và rút ra những bài học quý giá, những tấm gương hy sinh cao cả, những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, tình bạn và lòng yêu nước bất diệt - mà ngày nay đang quá hiếm - rất cần được nâng cao ở Việt Nam. - Giáo sư John Vu - Nguyên Phong ‘‘TÂM HỒN CAO THƯỢNG’’ CUỐN SÁCH CỦA MỖI GIA ĐÌNH
Tâm hồn cao thượng 6 ‘‘TÂM HỒN CAO THƯỢNG’’ KHÁT VỌNG CỦA NGƯỜI DÂN VIỆT Phải chăng hiện nay áp lực công việc, cuộc sống, giá trị vật chất khiến người Việt chúng ta đã băng quá nhanh trong nhịp sống mà quên đi những giá trị cốt lõi bên trong tốt đẹp vốn có? Tính Lương thiện, Lòng tốt, sự Cao thượng - nét tinh thần đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Việt đã trở thành hoài niệm? Không! Hiện nay, những con người mang Tâm Hồn Cao Thượng Việt – những tráng sĩ của dòng giống Lạc Hồng vẫn còn đang hiển hiện, vẫn đang âm thầm ngự trị và có sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết. Họ là ai? Họ là những anh hùng đang hóa thân, ẩn hiện đâu đó để gìn giữ những phẩm chất cao đẹp, những giá trị truyền thống của dân tộc được kết tinh suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử. Ai cũng có thể nhận biết, nơi nào ruộng lúa tốt tươi, nơi đó có bàn tay siêng năng vun xới. Tương tự, tổ chức nào thực sự phát triển mạnh mẽ bằng nội lực, được mọi người tin tưởng, nơi đó không chỉ có những người lãnh đạo tài ba mà còn ẩn chứa sức sống mãnh liệt của những Tâm Hồn Cao Thượng. Để trở thành người có Tâm Hồn Cao Thượng là một hành trình suốt cả cuộc đời. Người có Tâm Hồn Cao Thượng không chỉ sống lương thiện mà còn là người giàu lòng nhân ái, vị tha, biết cách hy sinh niềm vui, sự hưởng thụ cá nhân, biết cách chịu đựng nỗi vất vả, nhọc nhằn vì niềm vui, hạnh phúc, vì sự an nguy cho mọi người, chúng sanh - và khi cần - họ dám hy sinh cả tính mạng vì những điều cao cả. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phẳng hơn. Vậy khi giao lưu văn hóa thế giới hay hội nhập vào nền văn minh nhân loại chúng ta sẽ đóng góp gì? Phải chăng đó là những giá trị về Tâm Hồn Cao Thượng? Hãy bắt đầu ngay từ những nghĩa cử cao đẹp rất đời thường: biết trân trọng, tích lũy những giá trị cao đẹp, biết sống vì mọi người, sống đẹp như lời ca “Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở, chiều xuân”. Đó cũng là hoài bão của riêng tôi – Mong ước sao cho xã hội Việt Nam ngày càng thiện lương, cao đẹp; lòng tự hào dân tộc không bị tổn thương vì nỗi nhục nghèo nàn và lạc hậu. Hơn thế nữa, chúng ta hãy cùng nhau làm lành nhanh chóng những vết thương của dân tộc mình bởi những hành vi tham nhũng. “Nghèo cho sạch rách “Tôi tin tưởng những giá trị nhân văn của tác phẩm này sẽ thấm vào trái tim Người Dân Việt. Tôi sẽ đồng hành cùng hành trình Người Việt và Tâm Hồn Cao Thượng”. - Lê Viết Hải Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình
Edmondo De Amicis 7 cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề” là truyền thống cao đẹp của Tâm Hồn Cao Thượng Việt Nam. Với quyển sách Tâm Hồn Cao Thượng các bạn đang cầm trên tay, tôi hy vọng đây sẽ là một chương khởi đầu giúp người Việt chúng ta có được một cẩm nang chỉ dẫn để đạt đến các giá trị sống cao đẹp. Để trở thành người có Tâm Hồn Cao Thượng chúng ta phải biết tích lũy giá trị sống, luôn có mọi ứng xử bằng hành vi cao thượng. Muốn có một xã hội cao thượng trước hết phải có những con người cao thượng! Như thế mới hy vọng có được nền hòa bình bền vững. Cha ông ta thường dạy “Thói xấu như cây cỏ không trừ sẽ mọc nhanh – tính tốt như cây lúa có vun xới mới thành!”. Có thể nói, Tâm Hồn Cao Thượng là ước mơ, khát vọng của gần như tất cả người dân Việt. Triết lý của tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng quá cao đẹp, bình dị và gần gũi với những giá trị cốt lõi, phẩm chất, đạo lý ngàn đời của người dân Việt. Đọc và áp dụng Tâm Hồn Cao Thượng sẽ giúp nâng cao những giá trị tinh thần đã bị xói mòn, mai một qua thời gian. Tôi rất cảm kích việc làm của anh Nguyễn Văn Phước và các bạn ở Công ty First News – Trí Việt khi đã dành hết tâm huyết cho việc xây dựng tủ sách đồ sộ “Hạt Giống Tâm Hồn”. Tôi ước mong Trí Việt sẽ làm cho bộ sách này ảnh hưởng tích cực và lan tỏa sâu sắc đến từng nhà, từng người - góp phần xây dựng tinh thần Quốc đạo Việt Nam.
Tâm hồn cao thượng 8 Tâm Hồn Cao Thượng ra đời từ thế kỷ 19, là những câu chuyện nhỏ về cuộc đời được ghi lại vào lúc nhân loại chưa biết đến truyền hình, chưa có máy tính bảng hay điện thoại thông minh, thế nhưng, cuốn sách, vượt không gian và thời gian, vẫn đem lại một giá trị kỳ lạ cho người đọc. Nhà văn Edmondo De Amicis hẳn không thể biết rằng hơn trăm năm sau, trái tim người đọc vẫn đập dồn, vẫn xúc động vô ngần với những điều tưởng chừng giản đơn nhất về yêu thương, lòng trắc ẩn và nhân cách mà ông đã gửi gắm. Nhà văn Ý Edmondo De Amicis (1846 -1908), với tác phẩm gốc mang tên Cuore (tiếng Ý, có nghĩa là Trái tim), được chuyển dịch sang Việt ngữ lần đầu tiên vào năm 1948, với tựa đề Tâm Hồn Cao Thượng bởi dịch giả Hà Mai Anh, trở nên quen thuộc với người đọc đến mức trải qua nhiều phiên bản Việt ngữ, cái tên này vẫn được sử dụng lại. Vì quả thật, trong suốt các chương sách, điều mà người đọc nhận ra, đó là những bài học về sự cao thượng tuyệt đẹp, vẫn lấp lánh trong suy nghĩ và tâm hồn mỗi người ngay cả khi đóng sách lại. Khởi đầu, Edmondo De Amicis chỉ định viết quyền sách này cho thiếu nhi, nhưng sự thành công vang dội của tác phẩm này đã dẫn đến việc lan truyền ra hơn 50 ngôn ngữ, và cả người lớn cũng say mê với từng con chữ. Nhiều thế hệ đã đọc, học và dạy lại cho con em mình những bài học về lòng ái quốc, tính vị tha cũng như sự bao dung giữa thế giới đầy những phiền muộn này. Những câu chuyện trong sách kể về nước Ý, nhưng ai cũng có cảm giác gần gũi như chính cuộc sống của mình. Ở các nước châu Mỹ Latin, vào những năm 1960 và 1970, Tâm Hồn Cao Thượng phổ biến đến mức Mexico có cả một học viện mang tên của tác giả - học viện Instituto D’Amicis, nằm ở thành phố Puebla. Vào thập niên 1950, cuốn sách này là cẩm nang gối đầu giường của thanh niên Israel, bởi nó đem lại sự phấn khích mãnh liệt về lòng yêu nước. Tâm Hồn Cao Thượng không chỉ là những câu chuyện kể dịu dàng về thế giới này, nó còn tặng riêng cho mỗi người đọc những chiếc vé du hành vào cõi nhân ái, đầy ngẫu hứng cho mai sau. Qua từng trang sách, con người luôn được nhắc nhở họ ở đâu, đang làm gì trong cuộc sống này, nhất là khi nhân loại đang sống trong một thời đại dễ dàng lạc trong thịnh vượng, phai nhạt yêu thương, xử thế tình người. Hãy bắt đầu với một câu chuyện nào đó trong sách, bất kỳ, chuỗi ghi chép này sẽ sớm lôi người đọc vào một thế giới khác, mà khi bước ra khỏi đó, có thể bạn sẽ thấy mình được đánh thức bản thiện nguyên sơ, chữa lành những nông nổi hay vội vàng mà cuộc sống thế kỷ 21 đang bào mòn trái tim mình. Và chúng ta sẽ cùng mơ về những điều mà vật chất không bao giờ đánh đổi được, sự cao thượng của con người. CHIẾC VÉ VÀO CÕI NHÂN ÁI TÌNH NGƯỜI
Edmondo De Amicis 9 ĐIỀU KỲ DIỆU KHÔNG CHỈ DÀNH CHO TUỔI TRẺ Các con tôi từng có một thú vui xem đi xem lại bộ phim Thế giới phép thuật. Và trò duy nhất lúc đó có thể kéo ông bố khó tính, nghiêm khắc, ít cười như tôi với các con là đóng vai phù thủy để chơi với chúng. Mặc dù là trò chơi, nhưng không có đứa nào là không sợ phù-thủy-bố một cách thật sự. Bởi chỉ cần bố quát thôi đã đủ làm tụi nhỏ mặt không còn hột máu nào, huống hồ còn thêm sự độc ác của một mụ, à không, một cụ phù thủy. Nhớ có một lần chơi, lão phù thủy tôi lao vào cậu út Pooh, đòi ăn thịt bằng được. Thằng bé sợ hãi khóc ré lên, còn tôi, trong khoảnh khắc đó đầy bực tức vì ghét kiểu con trai nhát gan hơi tí mà đã rơi lệ, lúc đó, phần phù-thủy-thật-sự trong tôi bất ngờ trỗi dậy: - Đồ hèn nhát! Ngươi khóc ta lại càng thích, ta sẽ ăn thịt đứa yếu đuối nhà ngươi. Xem đâyyyyyyyyyyyy!!! - Không được ăn thịt em ta! Bất ngờ Bin bật dậy, dang hai tay nhỏ xíu ra che chắn cho em. Hơi sững lại, nhưng lão phù thủy vẫn tiếp tục hung hăng lấn tới: - Tránh ra! Nếu không ta sẽ ăn thịt ngươi! - Ta không sợ ngươi đâu!!! Chàng trai nhỏ bé nói như hét vào tôi nhưng vẫn bộc lộ chút run rẩy. Tôi gầm gừ làm bộ như nhe răng ra để hút máu, ánh mắt long lên man dại nhập vai như thật, kiểu gì như mọi lần cũng làm anh bạn nhỏ khiếp vía. Thế nhưng - thật ngạc nhiên - dù gần như giọt nước mắt sắp tràn ra má - song cậu con trai bé nhỏ của tôi vẫn kiên định không lùi bước. Mỉm cười, từ bỏ vai diễn, tôi ôm lấy hai thiên thần của mình vỗ về và hỏi: - Sao con không sợ phù thủy à? - Con sợ mà... - Sao con vẫn bảo vệ em? - Bố nói con không được hèn nhát mà! Tôi bất ngờ, nín lặng, chỉ biết ôm các con thật chặt và nghe len lỏi từ trong tim, từng dòng cảm xúc đặc biệt lan tỏa đi khắp cơ thể... Tôi đã làm tổn thương tâm hồn các thiên thần bé nhỏ bằng lời mắng con hèn nhát – yếu đuối vô tâm. Tưởng là hay nhưng một đứa trẻ có thể mang vết sẹo tâm lý đó cả đời với đầy uẩn ức. May sao cũng nhờ Bin của tôi với khí chất can đảm và lòng yêu thương đã vượt lên khỏi nỗi sợ của chính mình để hóa giải mũi tên vô tình mà bố đã bắn ra. Kể từ đó, tôi dần thay đổi. Mỗi ngày nhìn các con cư xử với nhau bằng sự hồn nhiên, trong trẻo, tinh khiết, tôi lại học được nhiều điều. Hóa ra trẻ con có lúc lại là thầy người lớn, nếu như chúng ta cũng mở lòng mình quan sát chúng, đọc chúng, như khi nghiền ngẫm, khám phá cuốn Tâm Hồn Cao Thượng này. Với tôi, Tâm Hồn Cao Thượng, hơn một cuốn sách hay, như một liều thuốc thanh lọc tâm trí kỳ diệu - và sau mỗi câu chuyện - nhắm mắt lại - trái tim ta - tâm hồn ta - chợt như tan ra, lan về những điều tử tế! Và điều kỳ diệu này sẽ là món quà xứng đáng để tôi trao tặng cho con, và cho những người bạn của mình!
THÁNG MƯỜI KINDNESS IS A LANGUAGE WHICH THE DEAF CAN HEAR AND THE BLIND CAN SEE. Lòng tốt là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy. - Mark Twain
Ngày Khai Trường Thứ Hai, ngày 17 Ba tháng hè thoảng qua như một giấc mơ, hôm nay đã là ngày khai trường cho một năm học mới. Sáng nay, mẹ đưa tôi đến trường Baretti để ghi danh nhập học lớp Ba. Thế nhưng, những ngày hè yên ả ở vùng quê vẫn còn vương trong tâm trí, tôi miễn cưỡng bước đi. Học sinh tràn ra khắp các ngả đường. Hai cửa hàng sách đông nghịt các bậc phụ huynh đang chọn mua cặp, sách vở và đồ dùng học tập. Người nối tiếp người kéo nhau đi về phía cổng trường, bác bảo vệ phải chật vật dọn lối vào. Khi tới gần cổng, một bàn tay chạm nhẹ lên vai tôi. A, là thầy chủ nhiệm lớp Hai! Vẫn mái tóc đỏ bù xù, vẫn vẻ hiền từ, vui vẻ, thầy bảo tôi: - Thế là từ nay thầy trò ta chia tay nhau rồi, Enrico nhỉ?
Tâm hồn cao thượng 12 Tôi đã biết rõ điều này lắm chứ, song khi nghe thầy nói những lời này, tôi vẫn nghe lòng mình nhói lại. Chúng tôi chật vật bước đi giữa đám đông, nào là đàn ông, đàn bà, nào là những người lao động và dân trí thức, người sang kẻ hèn, rồi cả các ông già bà cả hay người giúp việc, mỗi người đều dắt tay một đứa trẻ, tay cầm sổ học bạ, chen chân đứng ở phòng chờ, trên các bậc cầu thang, tạo nên một cảnh tượng hết sức náo nhiệt. Tôi sung sướng nhìn thấy lại sảnh phòng rộng thênh thang với những cánh cửa dẫn vào bảy lớp học ở tầng một, nơi ghi dấu chân tôi qua lại suốt ba năm qua. Ở đó, tôi thấy các thầy cô giáo cũng đang tất bật, hối hả. Cô chủ nhiệm lớp Một đứng trước cửa phòng học nhìn tôi buồn bã nói: - Enrico năm nay lên học tầng trên nhỉ? Vậy là cô sẽ không còn được nhìn thấy con đi qua đây nữa rồi! Đằng kia, thầy hiệu trưởng đang bị một nhóm phụ nữ vây quanh, họ lo lắng vì trường không còn đủ chỗ cho con mình. Tôi để ý thấy hình như râu thầy bạc hơn một chút so với năm ngoái. Đám học trò thì trông phổng phao hơn hẳn. Ở tầng một, việc phân lớp đã xong nhưng mấy em lớp Vỡ Lòng, lớp Một, vẫn ương bướng không chịu vào lớp. Người lớn phải lôi chúng đi xềnh xệch, vậy mà vẫn có đứa vừa bị ấn ngồi xuống ghế rồi còn cố vùng chạy; có đứa nhác thấy bố mẹ đi khỏi là khóc toáng lên, thế là bố mẹ đành quay lại dỗ dành, thậm chí dọa nạt đủ kiểu. Nhìn cảnh tượng ấy, các thầy cô chắc cũng không khỏi ngao ngán lòng. Em trai tôi được xếp vào lớp của cô Delcati, tôi thì vào lớp của thầy Perboni ở tầng trên. Tới mười giờ, tất cả đều yên vị
Edmondo De Amicis 13 trong lớp của mình. Lớp tôi có năm mươi tư học sinh, và hình như chỉ có khoảng mười lăm, mười sáu người là bạn cũ từ lớp Hai lên, trong số đó có Derossi, người luôn đứng đầu trong các kỳ thi. Hình ảnh những cánh rừng, những ngọn núi mà tôi đã rong chơi trong những ngày hè còn rõ nét trong trí óc, khiến trường học bây giờ có vẻ nhỏ bé hơn và có phần buồn chán. Lòng tôi vẫn mãi lưu luyến người thầy lớp Hai của mình. Thầy tốt lắm, với chúng tôi lúc nào thầy cũng dành sẵn một nụ cười. Vóc người thầy nhỏ tới nỗi khi đứng cùng chúng tôi, đố ai phân biệt nổi đâu là thầy, đâu là trò. Thật buồn khi không còn được trông thấy thầy đứng trước lớp với mái tóc đỏ bù xù và nụ cười hiền từ nữa. Ngược lại, thầy giáo mới dong dỏng cao, thầy không để râu, mái tóc muối tiêu để dài, trên trán hằn một nếp nhăn thẳng đứng. Thầy có giọng nói to và dùng ánh mắt nghiêm nghị nhìn từng đứa, từng đứa một như thể đang lục xem trong đầu chúng tôi nghĩ gì vậy. Và tôi hầu như không thấy thầy cười. Tôi ngán ngẩm nghĩ thầm: “Mới là ngày đầu tiên thôi đấy. Còn những chín tháng nữa kia. Học hành, thi cử, toàn là những thứ ngán ngẩm”. Tan học, tôi nôn nóng chạy ào đến bên mẹ và được vỗ về: - Can đảm lên nào, Enrico! Mẹ con ta sẽ cùng nhau học mà. Tôi về nhà, yên lòng hơn một chút. Nhưng tôi biết mình không còn người thầy cũ với mái tóc hoe đỏ hiền từ nữa và trường học bây giờ chẳng còn thú vị như xưa.
Tâm hồn cao thượng 14 Thầy Giáo Tôi Thứ Ba, ngày 18 Thế nhưng, ngay từ buổi học sáng nay, thầy giáo mới đã khiến tôi có cảm tình. Trong lúc chúng tôi đang lục tục vào lớp thì thầy đã yên vị rồi, thi thoảng lại thấy một vài học trò cũ của thầy năm ngoái chạy đến ló đầu vào cửa lớp rồi cung kính bước tới chào thầy: - Con chào thầy ạ! Có chị còn vào tận nơi nắm tay thầy, rồi cắm đầu chạy vụt đi. Rõ là thầy được học trò yêu mến và quyến luyến. Đáp lại, thầy chỉ nói: “Chào con”, thầy chìa tay ra bắt tay học trò, nhưng lảng tránh ánh mắt họ, thầy quay ra phía cửa sổ, lơ đãng nhìn mái nhà bên kia đường. Lúc này, khuôn mặt vẫn hiện rõ nét nghiêm nghị và trán thầy vẫn hằn rõ nếp nhăn thẳng đứng. Lẽ ra những lời thăm hỏi của học trò phải khiến thầy vui vẻ hơn, nhưng ngược lại, dường như chúng khiến thầy khổ sở. Rồi thầy quay sang trầm tư nhìn chúng tôi, từng đứa một. Giờ chính tả, thầy vừa đọc cho chúng tôi chép bài vừa đi đi lại lại giữa các dãy bàn. Chợt nhìn thấy một học trò nổi mẩn đỏ khắp mặt, thầy dừng lại hỏi han, sờ tay lên trán kiểm tra xem cậu có bị sốt không. Thừa lúc đó, một cậu bạn ở sau lưng thầy đứng lên diễn trò con rối. Thầy đột ngột quay người lại,
Edmondo De Amicis 15 khiến cậu chàng hốt hoảng ngồi thụp xuống, đầu cúi gằm ra vẻ sẵn sàng chịu phạt. Nhưng thầy chỉ khẽ đặt tay lên đầu cậu và nhắc: - Lần sau con đừng làm thế nữa nhé. Sau đó, thầy quay lên bục giảng đọc nốt bài chính tả. Xong xuôi, thầy im lặng nhìn chúng tôi một lúc, rồi giọng nói sang sảng nhưng đôn hậu của thầy chậm rãi cất lên: - Các con, thầy trò mình sẽ cùng nhau trải qua một năm học. Hãy cố gắng làm sao để có một năm thật tốt nhé. Các con hãy cố gắng học hành chăm chỉ và ngoan ngoãn. Thầy không có gia đình, các con chính là gia đình của thầy. Năm ngoái, thầy còn mẹ già, nhưng nay cụ mất rồi. Giờ thầy chỉ còn lại một mình, các con là tất cả những gì thầy có. Tất cả niềm yêu thương và suy nghĩ của thầy đều hướng về các con. Thầy coi các con như chính con thầy đẻ ra. Thầy chúc các con mọi sự tốt lành, và hãy yêu mến thầy như thầy yêu mến các con. Thầy không muốn phải phạt ai cả. Hãy cho thầy thấy rằng các con là những đứa trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, và các con sẽ là nguồn an ủi cũng như niềm tự hào của thầy. Thầy không bắt các con phải hứa hẹn điều gì cả, bởi thầy chắc chắn rằng trong thâm tâm các con đều đã nhất trí với thầy rồi, nên thầy xin cảm ơn các con. Thầy vừa dứt lời thì bác bảo vệ bước vào thông báo đã đến giờ tan trường. Chúng tôi lặng lẽ ra về. Cậu học trò khi nãy tự ý đứng lên nghịch ngợm tiến về phía thầy, run rẩy nói: - Thưa thầy, xin thầy tha lỗi cho con ạ. Thầy hôn lên trán cậu và âu yếm nói: - Mình về thôi, con trai.
Edmondo De Amicis 407 THÁNG MƯỜI 10 Ngày khai trường 11 Thầy giáo tôi 14 Một vụ tai nạn 16 Đón bạn mới 19 Bạn bè tôi 21 Một hành động cao thượng 23 Cô giáo cũ 26 Ở tầng áp mái 29 Lời khuyên của bố 31 Cậu bé yêu nước thành Padua 33 THÁNG MƯỜI MỘT 36 Cậu bé nạo ống khói 37 Lời khuyên của mẹ nhân ngày của những người đã khuất 40 Garrone 42 Bác bán than và ông quý tộc 45 Cô giáo của em tôi 48 Mẹ tôi 51 Coretti 53 Thầy hiệu trưởng 57 Những người lính 60 “Hộ vệ” của Nelli 63 Người đứng đầu lớp 65 Chú bé trinh sát ở Lombardy 67 Lòng thương người 73 THÁNG MƯỜI HAI 75 Gã nhà buôn 76 Thói khoe của 79 Tuyết đầu mùa 82 Chú thợ xây con 85 Quả bóng tuyết tai hại 88 Các cô giáo trường tôi 91 Thăm “nạn nhân” của Garoffi 94 Cậu bé chép thuê thành Florence 97 Nghị lực 105 Lòng biết ơn 108 THÁNG MỘT 110 Thầy trợ giảng 111 Thư viện của Stardi 113 Con trai bác thợ rèn 116 Bạn đến chơi nhà 119 Tang lễ Vua Vittorio Emanuele 121 Franti bị đuổi học 123 Chú trống thủ đảo Sardinia 126 Tình yêu Tổ quốc 136 Thói đố kỵ 138 Mẹ của Franti 141 Niềm hy vọng 143 THÁNG HAI 145 Một chiếc huy chương xứng đáng 146 Lòng quyết tâm 149 Đoàn tàu đồ chơi 151 Thói tự mãn 155 Những vết thương của lao động 158 Người tù 161 Người y tá của bố 165 Xưởng rèn 176 Chú hề nhí 179 Ngày cuối cùng của lễ hội 184 Những học trò mù 187 Thầy ốm 195 Thành phố của con 198 THÁNG BA 201 Trường học buổi tối 202 Một trận đánh nhau 205 Bố mẹ học trò 208 Người tù số 78 210 Đám tang người bạn nhỏ 213 Trước ngày 14 tháng Ba 215 Lễ trao phần thưởng học sinh giỏi 217 Một vụ xích mích 223 Chị tôi 226 Cháu yêu bà 228 Chú thợ xây con bị ốm 237 Bá tước Cavour 241 THÁNG TƯ 244 Mùa xuân 245 Vua Umberto 248 Trại trẻ mồ côi 255 Giờ thể dục 260 Thầy giáo cũ của bố 264 Tôi bị ốm 276 Tình bạn giữa những người lao động 278 Mẹ Garrone qua đời 280 Nỗi đau mất mẹ 283 Công dân dũng cảm 286 THÁNG NĂM 292 Những đứa trẻ còi xương 293 Sự hy sinh 296 Một vụ hỏa hoạn 299 Sáu ngàn dặm tìm mẹ 303 Mùa hè 343 Thơ ca 346 Trường học cho trẻ câm điếc 350 THÁNG SÁU 361 Garibaldi 362 Quân đội 364 Italy 367 Hè về 369 Bố tôi 372 Một cuộc du ngoạn 374 Lễ phát thưởng cho những người lao động 378 Cô giáo tôi qua đời 381 Những lời cảm ơn 384 Một vụ đắm tàu 386 THÁNG BẢY 394 Lá thư cuối cùng của mẹ 395 Kỳ thi cuối năm 397 Ngày thi cuối 400 Tạm biệt 403 Mục Lục
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==