BAD BOSS NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ Thanh Thảo dịch BAD BOSS MICHELLE GIBBINGS Làm gì khi bạn có một người sếp tồi, phải quản lý sếp tồi, hay chính bạn là sếp tồi? WHAT TO DO IF YOU WORK FOR ONE, MANAGE ONE OR ARE ONE
BAD BOSS NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ Thanh Thảo dịch BAD BOSS MICHELLE GIBBINGS Làm gì khi bạn có một người sếp tồi, phải quản lý sếp tồi, hay chính bạn là sếp tồi? WHAT TO DO IF YOU WORK FOR ONE, MANAGE ONE OR ARE ONE
LỜI CẢM TẠ Không ai có thể đơn độc hoàn thành một quyển sách. Một quyển sách là sự kết tinh của những hiểu biết sâu sắc, những ý tưởng và cảm hứng xuất phát từ nhiều nguồn. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến rất nhiều người đã hiện diện trong suốt sự nghiệp của tôi, những người đã giúp tôi định hình tầm nhìn lãnh đạo và đạt tới những tầm cao mà tôi chưa từng nghĩ mình có thể vươn đến! Xin cảm ơn các khách hàng của tôi vì đã liên tục kết nối và truyền cảm hứng cho tôi, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được làm việc cùng các bạn. Xin cảm ơn anh rể Warwick Parer vì đã gợi ý cho tôi tựa đề ban đầu của quyển sách. Xin chân thành cảm ơn biên tập viên Kelly Irving vì đã xuất sắc giúp tôi giữ cho quá trình viết sách đi đúng hướng và cũng xin cảm ơn đội ngũ Wiley vì sự hỗ trợ liên tục của họ trong suốt quá trình xuất bản. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến chồng tôi, anh Craig Salisbury. Khi tôi tuyên bố sẽ viết quyển sách thứ ba này, một lần nữa anh ấy đã toàn tâm toàn ý ủng hộ tôi. Cảm ơn anh, vì em không thể hoàn thành quyển sách này nếu không có tình yêu, sự quan tâm và ủng hộ của anh.
LỜI NÓI ĐẦU Có một hiện tượng thường được phóng đại trên phim ảnh nhưng lại vô cùng phổ biến trong các văn phòng, nhà máy và các nơi làm việc trên toàn thế giới, đó là tất cả chúng ta đều từng làm việc cho một người sếp tồi. Đó là những người sếp làm việc vô tổ chức, cư xử bất thường hoặc không thể kiểm soát được tâm trạng của họ. Họ đánh cắp ý tưởng của bạn và hiếm khi thừa nhận hoặc đánh giá cao nỗ lực của bạn. Tệ nhất là kiểu sếp thích bắt nạt hoặc đe dọa bạn và nói chung là khiến cho cuộc đời đi làm của bạn chẳng khác gì địa ngục. Từ nhân vật Gordon Gekko trong phim Wall Street (Phố Wall) cho đến ông Burns trong The Simpsons (Gia đình Simpson), câu chuyện về những người sếp xấu tính tạo nên những tình huống hay ho và thậm chí là hài hước trên màn ảnh. Nhưng chuyện lại chẳng hề vui vẻ như vậy trong đời thực, mà ngược lại, những người sếp tồi có thể khiến bạn hết sức khốn khổ. Có lẽ bạn còn nhớ bộ phim The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu), trong đó Meryl Streep đã xuất sắc hóa thân thành nhân vật chính là bà sếp kinh khủng Miranda Priestly suốt ngày hành hạ cô trợ lý Andy do Anne Hathaway thủ vai.
6 - BAD BOSS Câu chuyện này (cũng giống như rất nhiều bộ phim khác) dựa trên một quyển sách, và vào thời điểm đọc quyển sách đó, tôi thấy đồng cảm sâu sắc với Andy bởi vì sếp của tôi khi ấy giống như một phiên bản nam của Miranda Priestly và ông ta đã gây tổn hại đến sức khỏe tổng thể của tôi. Một người sếp tồi khiến bạn sợ hãi khi phải đi làm, tổn thương lòng tự trọng của bạn và dần dần gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của bạn. Tuy nhiên, điều kỳ quặc là tôi sẽ không thể đạt đến vị trí hiện tại nếu không trải qua những tháng ngày đầy sóng gió đó. Tôi đã rất may mắn vì có những người xung quanh giúp đỡ tôi vượt qua mọi thách thức. Rốt cuộc, trải nghiệm làm việc với một người sếp tồi lại đóng vai trò then chốt trong việc định hình và nâng tầm các lựa chọn nghề nghiệp của tôi. (Và giờ đây trải nghiệm đó cung cấp những nội dung tuyệt vời cùng những bài học quý giá để tôi viết nên quyển sách này!) Lời thú tội của một người sếp tồi Tôi cũng từng rất may mắn được làm việc với những nhà lãnh đạo xuất sắc, những người đã trở thành tiêu chuẩn cho hình mẫu lãnh đạo mà tôi muốn trở thành. Họ đã thúc đẩy tôi đánh giá lại các quan điểm lãnh đạo của mình và truyền cảm hứng để tôi phấn đấu làm tốt hơn. Không phải tất cả các nhà lãnh đạo
SẾP TỒI - 7 đều là kẻ xấu và một người sếp tồi không phải lúc nào cũng cư xử tệ. Nhưng tôi thật sự muốn nói ra một lời thú tội. Chuyện là, tôi đã từng là một trong những người sếp kinh khủng như vậy. Tôi không la hét hay ném túi xách hoặc đồ vật vào người khác (như Miranda đã làm), nhưng tôi đã khiến các nhân viên của mình vô cùng khổ sở. Tôi thường đặt ra cho cả nhóm những kỳ vọng vô lý cùng khối lượng công việc khổng lồ. Tôi giữ khoảng cách với các thành viên trong nhóm, tôi không dành đủ thời gian cho họ và tôi cũng không cố gắng tìm hiểu họ. Khi được thăng chức lên làm quản lý – nếu tôi tự gọi mình là một nhà lãnh đạo trong thời kỳ đó thì quả là bóp méo sự thật – tôi hoàn toàn không biết mình đang làm gì. Tôi thích đóng vai trò một nhân vật được mọi người tìm đến để xin chỉ đạo, nhưng đơn giản là tôi đã không trang bị cho mình các kỹ năng lãnh đạo để thật sự trở thành một người như thế. Tôi đã làm sếp một cách ngẫu hứng và không có kế hoạch rõ ràng, vậy nên tôi chỉ đạt được một vài thành công nhưng lại chuốc lấy rất nhiều thất bại. Giống như đa số những người khác, tôi không cố tình trở thành một người sếp tồi… Chỉ là tôi không biết cách nào để làm tốt hơn.
8 - BAD BOSS Tôi đã trở nên cực kỳ tệ hại khi kết hợp tính cầu toàn với tham vọng của mình. Tôi không muốn thừa nhận với cấp trên của mình rằng tôi không thể làm được một việc gì đó hoặc tôi không hoàn thành được nhiệm vụ đúng mức kỳ vọng, nên lúc nào tôi cũng chịu áp lực phải thể hiện vượt trội trong công việc và tôi phải cố duy trì tốc độ làm việc nhanh đến mức chóng mặt. Khi đối diện với áp lực trong môi trường làm việc, tôi đã chuyển áp lực đó xuống cấp dưới của mình và thế là cả nhóm cũng phải chịu áp lực ngày càng lớn. Các thành viên trong nhóm bị kiệt sức và đáng buồn là tôi chẳng hề nhận ra rằng phong cách lãnh đạo của mình đã gây ảnh hưởng như thế nào. Một ngày nọ, ngay sau khi cùng cả nhóm hoàn thành một dự án lớn, tôi ngồi tại bàn làm việc và lẩm bẩm, gần như tự nói với chính mình: “Mừng quá, cuối cùng cũng xong việc. Mệt mỏi quá rồi”. Nghe thấy thế, một thành viên trong nhóm liền đáp: “Tạ ơn trời vì cô cũng biết mệt”. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước phản ứng đó nên hỏi cô ấy nói vậy là có ý gì. Cô ấy trả lời: “Động lực làm việc và mức năng lượng của cô quá cao. Cô còn có khả năng làm việc hăng say không ngừng nghỉ nữa. Cả nhóm không thể nào theo kịp cô được, nên tôi thấy nhẹ nhõm khi biết cô cũng có lúc mệt mỏi”. Bây giờ nhìn lại thì đáng ra tôi phải sớm nhận thấy ảnh hưởng của mình đối với tinh thần làm việc của cả nhóm, thế nhưng lúc bấy giờ tôi thật sự rất bất ngờ khi biết điều đó. Thật may mắn là nhờ không ngừng nỗ lực và học hỏi, tôi đã cải thiện được kỹ năng lãnh đạo. Đó không phải là việc
SẾP TỒI - 9 xảy ra trong một sớm một chiều. Đó là một quá trình bắt đầu từ việc nhận thức về tác động mình gây ra cũng như từ khao khát muốn trở nên tốt hơn, và sau đó là nhờ mọi người xung quanh giúp tôi tự nhìn nhận bản thân mình rõ hơn. Qua nhiều năm, tôi đã học được cách giải thích rõ ràng với cả nhóm về phong cách làm việc của tôi, cũng như yêu cầu họ giúp tôi giảm thiểu xu hướng cầu toàn và tham vọng quá mức. Tôi đã học được rằng càng giao tiếp cởi mở với cả nhóm về những hạn chế và thế mạnh của mình thì chúng tôi càng giúp nhau phát huy được những điểm tốt nhất. Tôi cũng học được rằng cả nhóm càng kết nối chặt chẽ với nhau thì chúng tôi càng cộng tác với nhau tốt hơn. Tôi đã xây dựng được những mối quan hệ bạn bè gắn bó lâu dài với nhóm của mình và điều đó cho phép chúng tôi làm được nhiều việc hơn cũng như đạt được nhiều thành tựu hơn. Lý do và thời điểm ra mắt quyển sách này Từ khi rời bỏ công việc văn phòng, tôi đã làm việc với hàng trăm nhà lãnh đạo ở đủ mọi cấp bậc, từ giám đốc điều hành cấp cao đến quản lý cấp trung, của các tổ chức thuộc tư nhân lẫn chính phủ. Tôi thường xuyên chứng kiến chuyện các cá nhân tài giỏi phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn (hay thậm chí là kinh khủng). Họ liên tục gặp phải nhiều thách thức trong mối quan hệ với sếp của họ. Khi tôi trò chuyện với những người sếp thì họ cũng cho rằng bản thân họ liên tục gặp phải nhiều thách thức trong
10 - BAD BOSS mối quan hệ giữa họ với sếp của họ, khó khăn xoay quanh việc quản lý nhóm nhân viên đi kèm với nhiệm vụ đáp ứng thời hạn công việc khắt khe, những kỳ vọng cao ngất ngưởng cùng khối lượng công việc khổng lồ. Khi tôi nói chuyện với các sếp của sếp thì họ thường nhắc đến các dấu hiệu của những mối lo ngại tiềm ẩn đang nảy sinh trong tổ chức, và một lần nữa tôi lại được nghe về những thách thức của một môi trường làm việc khắc nghiệt (ở mức ít nghiêm trọng nhất) hoặc tệ hại (ở mức nghiêm trọng nhất). Đó là môi trường mà họ phải đối mặt với những nỗi lo trên nhiều phương diện, không chỉ liên quan đến khả năng bị sa thải, hiệu suất làm việc, thành tích và danh tiếng, mà còn là những nỗi sợ cùng sự thất vọng về các mối quan hệ của họ tại nơi làm việc. Mỗi người đều phải báo cáo với một cấp trên nào đó và mỗi người đều phải đối mặt với những thách thức! Quyển sách này không phải một tuyển tập những lời phàn nàn về các lãnh đạo xấu xa hay một bộ sưu tập những câu chuyện tiêu cực về những người sếp tồi tệ. Thay vào đó, đây là một quyển sách viết về hy vọng. Thế giới tha thiết cần những nhà lãnh đạo giỏi. Đó là những lãnh đạo sẽ thách thức tiêu chuẩn chính thống về phương pháp lãnh đạo trong các tổ chức. Đó là những lãnh đạo
SẾP TỒI - 11 sẵn lòng giải quyết các vấn đề quan trọng mà toàn nhân loại đều phải đối mặt. Đó là những lãnh đạo muốn phát huy hết tiềm năng của các cá nhân trong đội nhóm của mình bởi vì họ biết rằng khi các thành viên đều phát triển thì cả nhóm đều được hưởng lợi. Đồng thời, thế giới cũng cần những nhân viên hạnh phúc, khỏe mạnh và gắn kết, những người mà mỗi ngày đều phát huy tối đa và trọn vẹn khả năng của mình ở nơi làm việc, những người luôn cống hiến hết mình và luôn ở trạng thái tốt nhất. Hãy cứ gọi tôi là kẻ lạc quan tếu hoặc ngây thơ, nhưng tôi tin rằng hầu hết những người bị xếp vào hàng ngũ sếp tồi hoặc lãnh đạo dở đều không cố tình muốn bản thân họ tệ hại như vậy (tất nhiên trừ khi họ là những kẻ tâm thần thích tìm niềm vui trên nỗi đau của người khác và thích khiến cho cuộc đời đi làm của người khác trở nên khốn khổ, nhưng không có nhiều kẻ như vậy lắm đâu!). Cách sử dụng quyển sách này Việc tạo ra một môi trường tích cực để các nhân viên và lãnh đạo có thể “thăng hoa” là một nỗ lực tập thể. Vậy nên bất luận vai trò của bạn là gì – dù là nhân viên, sếp hay lãnh đạo, sếp của sếp hay lãnh đạo của lãnh đạo – quyển sách này khuyến khích bạn làm thật tốt vai trò đó. Nó thúc đẩy bạn nghiêm túc tự xem xét vai trò của bạn trong guồng máy của tổ chức và chủ động làm những gì cần thiết để cải thiện các mối quan hệ tại nơi làm việc. Trọng tâm không phải là thách thức hay
12 - BAD BOSS trả thù mà là thực hiện những thay đổi một cách hiệu quả và tích cực. Quyển sách này giúp bạn xây dựng nhận thức về một môi trường làm việc tích cực, tạo ra và áp dụng những chiến lược làm việc hiệu quả, đồng thời liên tục đánh giá và điều chỉnh các chiến lược đó. Không ai muốn mình bị gắn mác “sếp tồi”. Nếu bạn đang làm việc cho một người mà bạn nghĩ là sếp tồi, có thể bạn sẽ khó tránh khỏi suy nghĩ: “Quyển sách này toàn viết về họ chứ không liên quan gì đến mình”. Đừng vội kết luận như vậy! Việc định hình các mối quan hệ là nỗ lực của cả cá nhân lẫn tập thể. Hãy nhìn vào bất cứ đội thể thao nào để thấy cách mọi người thể hiện vai trò của họ: bất kể họ nắm giữ vị trí hay chức danh gì, bất kể họ ở trong hay ở ngoài sân đấu, cách hành xử của họ đều góp phần hình thành trải nghiệm chung theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Thế giới công sở cũng vận hành theo cách thức tương tự như vậy. Trong quyển sách này, bạn sẽ được đọc những câu chuyện đời thực về các nhân viên đã thay đổi hoàn cảnh của họ, các vị sếp đã thay đổi phương pháp lãnh đạo của họ và các nhà lãnh đạo cấp cao hơn đã nhận ra vai trò mà họ cần đảm nhận nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng tốt hơn. Bạn sẽ thấy “người tốt, kẻ xấu và tên vô lại1”. Để bảo vệ những người vô tội, tên của các nhân vật trong mục Trường hợp thực tế đã được thay đổi. 1 Nguyên văn là “the good, the bad and the ugly”, tựa đề một bộ phim điện ảnh đề tài sử thi Viễn Tây của Ý ra mắt năm 1966 và do Sergio Leone đạo diễn. (Tất cả chú thích là của người dịch và ban biên tập, trừ khi có ghi chú khác.)
SẾP TỒI - 13 Bạn sẽ thấy rằng sự thay đổi là điều khả dĩ, các mối quan hệ có thể được cải thiện và các lựa chọn cũng như hy vọng vẫn luôn hiện diện quanh bạn. Có thể môi trường làm việc có những khía cạnh mà chúng ta không thích (hoặc không thấy tự hào về nó), nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm nhìn nhận vai trò của mình, học hỏi từ trải nghiệm của chính mình và cởi mở với sự phát triển cũng như thay đổi. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ thúc đẩy và hướng dẫn bạn áp dụng một lối suy nghĩ và lối sống mới, bất kể bạn nắm giữ cương vị nào trong tổ chức. Có thể bạn chỉ muốn tập trung đọc phần liên quan đến hoàn cảnh hiện tại của bạn, nhưng tôi thật sự khuyến khích bạn hãy đọc cả ba phần chính trong quyển sách. Ví dụ, với tư cách là một nhân viên, có lẽ bạn không quản lý người khác nên có khuynh hướng chỉ muốn đọc Phần I; tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng việc đọc về những gì đang xảy ra với sếp, quản lý hoặc người lãnh đạo của bạn ở Phần III sẽ giúp bạn cải thiện tình hình. Hoặc có lẽ bạn nhận thấy mình đang lãnh đạo một nhà quản lý làm việc không hiệu quả nên bạn bỏ qua những phần còn lại để đọc Phần II, thế nhưng nếu đọc Phần III thì bạn có thể khám phá ra rằng hành vi của bạn đang góp phần gây ra tình trạng tồi tệ này; và vì không nhận ra điều đó nên bạn đã trở thành “người sếp tồi” của nhà quản lý đó; điều này nghĩa là trước khi muốn cấp dưới của bạn thay đổi, bạn sẽ phải tự cải thiện bản thân bằng cách áp dụng các hướng dẫn trong Phần III.
14 - BAD BOSS Để đạt được thành công cũng như cải thiện được tình hình hiện tại của mình, bạn cần phải hiểu rõ những thách thức và cơ hội tại nơi làm việc từ cả ba góc nhìn. Điều đó nghĩa là bạn cần tư duy cởi mở để xem xét lại quan điểm của chính bạn về những chuyện đang thật sự diễn ra, trước khi bạn có thể xác định những chiến lược tốt nhất để giải quyết vấn đề và thực hiện chúng. Đó là lý do quyển sách này chứa nhiều phần Phút tự vấn để giúp bạn suy ngẫm về một vài câu hỏi có liên quan đến vấn đề. Hãy đọc quyển sách này và tự chiêm nghiệm, và trên hết hãy tiếp cận quá trình hoàn thiện bản thân bằng thái độ tích cực cùng khiếu hài hước! Đôi lúc chúng ta cảm thấy sợ hãi khi tự suy ngẫm và nhận thấy rõ ràng rằng chúng ta đã góp phần tự tạo ra các vấn đề của chính mình, nhưng điều đó đâu phải là tận thế. Thực tế việc bạn đang đọc quyển sách này chứng tỏ rằng bạn muốn làm điều gì đó để cải thiện tình hình. Việc tạo nên thay đổi thật sự là một quá trình đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và hành động, vì vậy nếu bạn cần được hỗ trợ và hướng dẫn thêm trong lúc thực hiện quá trình đó thì bạn có thể tìm kiếm các nguồn tài liệu bổ sung tại trang web michellegibbings.com/resources. Còn bây giờ, hãy bắt tay vào hành động để tạo nên môi trường làm việc thuận lợi cho chính mình!
PHẦN I LÀM GÌ KHI BẠN CÓ MỘT NGƯỜI SẾP TỒI? Tôi từng làm việc với một người sếp cực kỳ dễ thương. Ông ấy tử tế, tốt bụng và hay giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, ông lại là người cực kỳ thiếu ngăn nắp và vô tổ chức. Văn phòng của sếp tôi lúc nào cũng ngập trong đống giấy tờ, hồ sơ, sách vở, còn bàn làm việc thì chất đầy những tập tài liệu; điều đó khiến tôi hết sức khổ sở khi làm việc với ông. Thời đó chưa có email (phải rồi, đúng là tôi già như vậy đó!) nên giấy tờ cứ ồ ạt tràn vào văn phòng và tồn đọng ở đó. Các bản ghi nhớ và đơn thư yêu cầu thường bị thất lạc trong tình trạng hiếm khi được xử lý hay bàn giao. Thời hạn hoàn thành công việc thường xuyên bị dời lại rồi… tiếp tục dời lại. Các lãnh đạo cấp cao thường gọi đến và hỏi mấy câu kiểu như: “Bản báo cáo đó đâu? Sao tôi còn chưa nhận được dữ liệu này vậy?”. Những yêu cầu khẩn cấp cần được hoàn thành ngay trong ngày thường “hạ cánh” trên bàn làm việc của tôi. Thế là tôi phải dành cả một ngày dài hoảng loạn chạy quanh văn phòng để thu thập mọi tài liệu cần thiết. Tất nhiên là các tài liệu đó nằm ở chỗ những người khác trong tổ chức, vậy nên tôi buộc
50 - BAD BOSS phải làm gián đoạn công việc của họ để lấy được chúng. Tôi cảm nhận được tác động của chuyện này bởi vì trong mắt người khác thì tôi mới là người làm việc không có kế hoạch, và tôi đã rất lo rằng điều đó ảnh hưởng đến danh tiếng của tôi. Một lần nọ khi sếp của tôi đi nghỉ mát, ông ấy nhờ tôi quản lý giúp các hồ sơ của ông. Đó là một chuyện cực kỳ tuyệt vời, bởi vì nhờ vậy mà tôi kiểm soát được hồ sơ nào đến hạn phải xử lý. Khi sếp trở về, tôi vẫn tiếp tục làm công việc đó. Tôi gần như tiếp quản luôn việc xử lý hết các tài liệu của sếp và mỗi ngày tôi đều kiểm tra cũng như phân loại xem giấy tờ nào tôi có thể tự giải quyết còn hồ sơ nào tôi phải chuyển cho sếp. Chắc hẳn bạn đang nghĩ rằng công việc đó không thuộc trách nhiệm của tôi, và đúng là như vậy thật. Nhưng tôi không thể thay đổi cách làm việc của sếp mà chỉ có thể thay đổi cách làm việc của tôi để cải thiện tình hình. Vấn đề mà bạn phải đối mặt có thể không đơn giản như vậy. Tuy nhiên, điểm chung ở đây là chúng ta đều có quyền lựa chọn thụ động chờ sếp của mình thay đổi hoặc chủ động tìm cách giải quyết vấn đề. Bạn đóng vai trò rất lớn trong việc giải quyết vấn đề. Đây là sự nghiệp của bạn. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn những việc bạn sẽ làm và sẽ không làm. Việc bạn chọn đọc quyển sách này cho thấy bạn muốn tìm cách phát triển sự nghiệp. Các chương tiếp theo sẽ giúp bạn thực hiện điều đó.
CHƯƠNG 1 ĐÁNH GIÁ VỊ TRÍ CỦA BẠN Loạt phim lịch sử Chernobyl của HBO phơi bày một chuỗi các sự kiện thảm khốc dẫn đến thảm họa hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986. Bộ phim thể hiện nhân vật kỹ sư phó Anatoly Dyatlov – người phụ trách giám sát cuộc thử nghiệm đã châm ngòi cho phản ứng dây chuyền gây ra thảm họa tại nhà máy – như một trong những vai phản diện chính, cùng với hai lãnh đạo cấp trên của ông ta. Trong phim, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được lên lịch thực hiện một cuộc thử nghiệm an toàn vốn đã bị trì hoãn mười giờ đồng hồ. Dyatlov nôn nóng tiến hành thử nghiệm để đáp ứng kỳ vọng của các lãnh đạo cấp cao bao gồm giám đốc nhà máy Viktor Bryukhanov và kỹ sư trưởng Nikolai Fomin. Lúc bấy giờ là tối muộn, đã quá nửa đêm và nhân viên nhà máy vừa đổi ca làm. Dyatlov đã ra lệnh cho các kỹ thuật viên phòng điều khiển – trong đó có một người chưa có kinh nghiệm vận hành nhà máy và đang học việc – tiến hành cuộc thử nghiệm, bất chấp việc vi phạm các quy chuẩn an toàn. Trong các tập phim, người xem thấy Dyatlov lớn tiếng la hét các thành viên trong đội của mình, mắng nhiếc họ là đồ ngu ngốc, đe dọa họ và phớt lờ những lo ngại của họ khi họ đề nghị hủy cuộc thử nghiệm. Thế là cuộc thử nghiệm vẫn
52 - BAD BOSS được tiến hành, các máy bơm nước bị ngắt điện, năng lượng trong lò phản ứng tăng vọt lên rất cao, và khi quy trình vô hiệu hóa khẩn cấp được kích hoạt thì một lỗi thiết kế trong các thanh điều khiển lò phản ứng đã đẩy nguồn năng lượng lên cao hơn nữa dẫn đến hậu quả là lò phản ứng phát nổ. Rõ ràng các nhà biên kịch đã sáng tạo thêm một số khía cạnh nhất định nhằm khắc họa một số nhân vật nhất định, nhưng bộ phim đã minh họa hết sức sống động về thảm họa do những người sếp tệ hại gây ra – những người sếp hay la hét, xem thường, bắt nạt và không lắng nghe nhân viên của họ. Tuy nhiên, những người sếp tệ hại đó cũng phải làm việc trong một môi trường mà họ buộc phải hoàn thành trách nhiệm nếu không muốn gánh chịu hậu quả khủng khiếp, và rất có thể chính những hậu quả này đã ảnh hưởng đến các quyết định của họ. Điều này không thể biện minh cho hành vi của họ nhưng nó cũng giúp giải thích nguyên nhân dẫn đến hành vi đó. Chúng ta rất dễ phân loại và dán nhãn người khác là tốt hay xấu, anh hùng hay tiểu nhân, nạn nhân hay thủ phạm. Điều đó làm chúng ta thấy dễ chịu và có thể giúp chúng ta thoát khỏi trách nhiệm trong nhiều vấn đề. Nhưng thực tế không bao giờ phiến diện hay đơn giản như vậy. Cuộc sống rất phức tạp. Con người cũng phức tạp, nên hiếm có ai là người xấu xa hoàn toàn. Các trường hợp cực đoan chẳng hạn như những kẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội cũng không phải là điều phổ biến ở nơi làm việc. Mỗi câu chuyện luôn có ít nhất hai mặt.
SẾP TỒI - 53 Thực tế và hư cấu Khi bạn đi làm về, bước vào nhà và người bạn cùng phòng hoặc bạn đời của bạn hỏi “Hôm nay đi làm sao rồi?”, liệu bạn có tuôn ngay một tràng dài nhận xét về những điều mà sếp của bạn đã nói hoặc đã không nói, đã làm hoặc đã không làm không? Có thể sếp đã không ghi nhận những đóng góp của bạn hoặc đánh cắp ý tưởng của bạn và nói với cấp trên rằng đó là ý tưởng của chính họ. Có thể bạn cảm thấy sếp phớt lờ hoặc không đánh giá cao nỗ lực của bạn. Có thể bạn thấy sếp quan tâm và khen thưởng quá mức đối với những nhân viên mà bạn cho là được sếp “ưu ái”. Có thể bạn đã phải dành suốt mấy tiếng để hoàn thành một bản báo cáo nhưng chỉ nhận được phản hồi tiêu cực của sếp. Có thể sếp đã gửi cho bạn một email dài lê thê liệt kê các nhiệm vụ khẩn cấp được giao cho bạn mà chẳng thèm xét đến khối lượng công việc vốn đã quá tải của bạn. Bạn có cảm giác như thể sếp đang gài bạn vào thế phải thất bại hoặc đang tạo ra một môi trường làm việc tệ hại mà ở đó bạn bị buộc phải đối đầu với các thành viên khác trong nhóm. Cũng có thể sếp chỉ đơn giản gây rắc rối và bạn có cảm giác bạn phải dọn dẹp đống hỗn độn của họ một mình. Bất kể tình huống hay nguyên nhân khiến bạn kích động là gì đi nữa, bạn bắt đầu diễn giải mọi hành động của sếp. Bạn sẽ trầm tư và nghĩ ngợi mãi không thôi về việc: • tại sao họ lại nói vậy • tại sao họ lại làm vậy
54 - BAD BOSS • điều đó có ý nghĩa gì với bạn • điều đó cho thấy họ nghĩ gì về bạn • điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cách bạn nhìn nhận họ và mối quan hệ của bạn với họ • điều đó thật không công bằng, không mang tính hợp tác và thật điển hình cho cách cư xử thông thường của họ • điều đó càng củng cố niềm tin của bạn rằng họ là một người sếp tồi Có lẽ bạn đã gán cho sếp của mình những “nhãn dán” như một người làm việc kém hiệu quả, vô đạo đức, hám quyền, một kẻ bắt nạt, một tên phát xít, một người cầu toàn, một con quái vật thích kiểm soát những việc nhỏ nhặt hay bất cứ từ ngữ tiêu cực nào khác nói lên cách bạn nhìn nhận về họ. Rất có thể sếp của bạn thật sự đúng như bạn mô tả và thậm chí còn tệ hơn thế nữa, nhưng cũng có thể bạn chưa nhận thức đầy đủ được những yếu tố khác ảnh hưởng đến cách hành xử của sếp. Cái nhìn chủ quan của bạn quyết định điều gì là thực tế và điều gì là hư cấu. Bạn sẽ có cách diễn giải của riêng mình về những gì đang diễn ra, và rất có thể sếp của bạn lại nhìn nhận mọi việc theo cách khác. Sự thật thường nằm đâu đó ở khoảng giữa của những quan điểm này. Làm chủ tầm ảnh hưởng của mình Việc tìm ra sự thật đó bắt đầu bằng việc nhìn vào bên trong chính BẠN. Có thể bây giờ bạn đang nghĩ: “Chết tiệt, mình đang hy vọng có thể đổ lỗi cho sếp vì như vậy thì dễ hơn nhiều”. Rất tiếc là bạn phải thấu hiểu, thử thách, chấp nhận và rất
SẾP TỒI - 55 có thể phải điều chỉnh vai trò của mình để cải thiện được tình hình. Nếu bạn không nhận thức được vai trò của mình trong những việc đang diễn ra thì bạn gần như không thể đánh giá tình hình chính xác được. Bạn có thật sự phát huy hết khả năng của mình trong công việc hằng ngày không? Câu trả lời có thể là “có”, “chắc là có”, “không biết” hoặc “không”. Khi tình hình ở chỗ làm có chiều hướng không ổn, có thể là do bạn đang đảm nhiệm sai vai trò hoặc do sếp hay tổ chức của bạn không giúp bạn phát huy được hết khả năng. Điều đó không biến bạn thành người xấu. Nhưng có lẽ các thói quen làm việc của bạn chưa phải là lý tưởng và chúng đang ảnh hưởng xấu đến năng suất làm việc, các mối quan hệ công việc cũng như uy tín nghề nghiệp của bạn, và cuối cùng ảnh hưởng đến cách sếp bạn đối xử với bạn. Bạn phải thành thật với bản thân, đặc biệt là khi tự đánh giá hiệu suất công việc và hành vi của bạn. Những thói quen làm việc xấu có thể khiến các mối quan hệ nghề nghiệp trở nên căng thẳng và cuối cùng là rạn nứt. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về một số thói quen đó. Bạn có đang làm việc quá sức không? Các khoảng nghỉ và kỳ nghỉ là điều cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tâm thần và sức khỏe tổng thể của bạn. Đó là những lúc bạn có cơ hội tái kết nối với bạn bè và gia đình, đồng thời suy ngẫm về cuộc sống, về nơi bạn đang hướng đến cũng như về điều tiếp theo mà bạn muốn làm.
MỤC LỤC LỜI CẢM TẠ 4 LỜI NÓI ĐẦU 5 Lời thú tội của một người sếp tồi 6 Lý do và thời điểm ra mắt quyển sách này 9 Cách sử dụng quyển sách này 11 LỜI GIỚI THIỆU 15 Thiếu sót trong công tác lãnh đạo 18 Công tác lãnh đạo tốt quan trọng với tất cả chúng ta 21 Tám lầm tưởng trong môi trường làm việc ngày nay 23 Đến với sự tự do và viên mãn 35 Chiếc nồi áp suất của nhà lãnh đạo 37 PHẦN I LÀM GÌ KHI BẠN CÓ MỘT NGƯỜI SẾP TỒI? 49 Chương 1 - Đánh giá vị trí của bạn 51 Chương 2 - Lập chiến lược về các lựa chọn 79 Chương 3 - Hành động có chủ đích 107 Chương 4 - Chiêm nghiệm về sự tiến bộ 141
358 - BAD BOSS PHẦN II LÀM GÌ KHI BẠN PHẢI QUẢN LÝ SẾP TỒI? 157 Chương 5 - Đánh giá tình hình thực tế 161 Chương 6 - Lập chiến lược giải quyết vấn đề 193 Chương 7 - Hành động có mục đích 213 Chương 8 - Chiêm nghiệm về kết quả 229 PHẦN III LÀM GÌ KHI CHÍNH BẠN LÀ SẾP TỒI? 247 Chương 9 - Đánh giá cách lãnh đạo hiện tại 251 Chương 10 - Lập chiến lược phát triển 287 Chương 11 - Hành động với sự chính trực 315 Chương 12 - Chiêm nghiệm về sự cải thiện 335 CÔNG VIỆC TIẾP THEO 353 THÔNG ĐIỆP TỪ MICHELLE 355
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==