Sài Gòn Một Thuở - Dân Ông Tạ Đó! - Tập 2

Tập 2 SÀI GÒN một thuở “Dân Ông Tạ ó!”

CÙ MAI CÔNG Tập 2 “Dân Ông Tạ ó!” SÀI GÒNmột thuở

Thay lời tựa Vội vã những tiếng chim gọi đàn “Tôi là cháu nhà bánh gai Ba Khoan, dân Nghĩa Hòa, bà tôi xưa bán ở ngã ba Ông Tạ…” - Bánh gai nhà bạn rất dẻo và thơm, xưa tôi chờ bánh ra để mua. “Mẹ tôi bán bún riêu cua…” - Bún riêu mẹ bạn vô đối, ngon nhất Sài Gòn! “Ai nhớ ngõ Cổng Bom?” - Ngõ ấy dân Ông Tạ nào không biết, có công xi heo, có chùa Khuông Việt… “Tôi từng giúp lễ An Lạc…” - Lứa giúp lễ đầu tiên là anh em nhà văn Đinh Tiến Luyện và hai con cụ lý Sóc. “Tôi ở ngõ Con Mắt…” - Có cà phê Ngự Uyển, nhà Ông Chủ Đất…, ai lạ gì!

6 CÙ MAI CÔNG Hơn hai năm nay (từ tháng 8-2020), hàng vạn tiếng gọi nhau đẫm ký ức yêu thương như vậy đã vang lên trong group “Đồng hương vùng Ông Tạ” hơn 14.000 thành viên trong, ngoài nước và trên trang Facebook của tôi. Người Ông Tạ, từng ở Ông Tạ, rối rít gặp lại nhau, gọi tên nhau, kể chuyện mình, chuyện gia đình, bạn bè, hàng xứ, đường xưa lối cũ… Họ nhớ rất rõ về nhau: “Mẹ bạn rất đẹp”, “Bố bạn thường chạy chiếc Honda dame, phì phèo thuốc Con Mèo”, “Nhà bạn có anh X chị Y em Z…”, “Nhà ông A có mấy con chó mình rất ghét”, “Ông giáo Hậu hiền, hay cho bánh kẹo học trò ngoan khi tan học”… Họ bỗng thèm món ăn Ông Tạ: bún chả Ngọc Hà ở ngã ba, phở Phú Vinh cuối nhà thờ An Lạc, giò chả bà Nghĩa - Tân Chí Linh, bún cuốn ốc trước phòng khám Ông Tạ, chè ba màu Ngọc Ngoan bên trường Thánh Tâm, bún mọc bà Tý ngõ Con Mắt, xôi Nam Thái, kẹo lạc Quế Hương, Thủ Đô… Họ nhắc về trường lớp, thầy cô giáo yêu thương xưa ở Thánh Tâm, Mai Khôi, Nghĩa Hòa, Văn Đức, An Lạc, Thánh Giuse, Khuông Việt, Thánh Thomas, Tân Sơn Hòa - Ngô Sĩ Liên, Tân Bình - Nguyễn Thượng Hiền… Họ kể đêm Noel tíu tít gọi nhau đi lễ; không quên Tết Trung thu vang tiếng vỗ bánh cồm cộp khu ngã ba Ông Tạ; nôn nao Tết Nguyên đán ngập tràn lá dong, bánh chưng, dưa hấu, giò chả, kẹo lạc, thèo lèo cứt chuột… Họ bồi hồi niềm yêu một thời lội nước tắm mưa, bắt dế, thả diều, đánh cù, đá cá, hớt lăng quăng, bo bo…

7 Sài Gòn một thuở - “DÂN ÔNG TẠ ĐÓ!” - Tập 2 Ở xứ người, chỉ một cơn mưa, họ cũng “nhớ quê nhà, nhớ chợ Ông Tạ, nhớ những hàng quà…”; chỉ một con nắng, họ quay cuồng với thuở đầu trần chân đất, theo mẹ gánh gồng ra chợ, lê la vỉa hè… Họ nhớ cả những ngày buồn, rất buồn trong cuộc chiến hai mươi năm. Và cả những tháng ngày bao cấp, chiến tranh biên giới Tây - Nam, cải tạo, vượt biên, định cư ở nước ngoài, đi kinh tế mới, giải tỏa kinh rạch, mồ mả... Dân Ông Tạ ly tán, “kẻ mất người còn”… * Thuở Ông Tạ ấy… “Mình dân Ông Tạ, thuộc giáo xứ Tân Chí Linh, khu Hải Dương. Hồi đó mình còn nhỏ nhưng cũng đủ để ghi nhớ lại những hình ảnh đẹp của Sài Gòn thu nhỏ này. Ông Tạ có rất nhiều nhà thờ, nhà chùa; dân cư hiền hòa, nhưng không kém phần cứng cỏi khi đứng lên chống tham nhũng trước năm 1975. Bà con chỗ tôi chất phác, làm rất nhiều nghề: đậu hũ miến chiên giòn, bánh bi don don anh Chương, kẹo dừa nhào đường mật ông Tĩnh, quạt tay ông Dụng, bột sắn và cau trầu bà An, giò chả bà Phán, thuốc lào 888 Giang Ký, bún bò bà Ri, bánh ướt ông Thi… Mùa Noel thuở ấy, ngã ba Ông Tạ là nơi gần gũi nhất cho những ai cần mua đồ trang trí cây thông, hang đá… Đêm Chúa giáng sinh, gió may lành lạnh, khắp nơi tiếng chuông nhà thờ ngân vang mang đến sự yên bình đáng sống.

8 CÙ MAI CÔNG Rồi cũng rất đặc biệt, độ xuân về Tết đến, ngã ba Ông Tạ là nơi rất đặc sắc cho nét văn hóa bánh chưng xanh của Bắc kỳ 54. Phố phường náo nhiệt từ trường Thánh Tâm lên đến ngã tư Bảy Hiền: nào là lá dong, lạt buộc, nào là dưa hấu, hàng hoa… Những chiếc xe ngựa từ hướng Hóc Môn - Bà Điểm, ngã ba Cây Me (Bà Quẹo) trĩu nặng hàng bông đưa về… Vô cùng sống động, thanh bình. Tuổi thơ tôi lẽo đẽo theo mẹ là như thế (người mẹ Bắc kỳ 54), tần tảo, chịu thương chịu khó…”. (Đăng Mạnh, cư dân Tân Chí Linh) * “Nếu không đọc loạt bài của nhà báo Cù Mai Công về vùng ngã ba Ông Tạ, nơi có tuổi ấu thơ và hoa niên của tôi, hẳn tôi cũng không tin rằng mình cũng đã từng sống và lớn lên ở đấy. Những bức hình xưa trong loạt bài khiến tôi nhìn lại và rợn cả người. Nhiều nhân vật của bức hình hơn nửa thế kỷ mà tôi từng biết, từng gặp, từng là anh chị, bố mẹ của lứa bạn bè tôi nay đã khuất bóng. Rợn người vì thời gian qua quá nhanh tới nỗi nếu không có những bức hình ấy, những nhân vật ấy, tôi không tin nó là một phần đời có thật của mình. Như chuyện ma; huyền ảo trữ tình hơn một chút, như chuyện Từ Thức về trần. Năm nào tôi cũng tìm về xóm đạo cũ, im lặng đi xe qua từng con hẻm đã quá quen thuộc thời niên thiếu. Cảnh vật thay đổi, trừ kẻ về hoàn toàn không nhớ rằng đã hơn nửa thế kỷ rồi, khi ở đấy còn là thằng bé lê la bụi đất, bắn bi, đánh đáo, đánh lộn tưng bừng và cũng vừa kịp lớn để nhớ nhung một

9 Sài Gòn một thuở - “DÂN ÔNG TẠ ĐÓ!” - Tập 2 mái tóc, gương mặt, khuôn ngực của một cô bé cũng mười sáu tuổi trong xóm ngõ bên nhà… Khi tôi trở về, có ngôi nhà bạn bè thơ ấu đã đổi chủ chừng năm bảy lần; bạn cũ hầu hết đã lưu lạc vì biến động cuộc đời, chiến tranh, vượt biên hay bệnh tật. Bàng hoàng khi nghe tin có đứa đã không còn… … Dù gì, tôi vẫn cứ trở lại. Im lặng và cô đơn tìm lại tuổi hoa niên đã mất của mình. Cho đến khi nào không trở lại được nữa…” (Nhà thơ Đỗ Trung Quân, cư dân ngõ Con Mắt giai đoạn 1955 - 1972) * Kể sao cũng thiếu, viết bao nhiêu cho vừa… Xin cảm ơn vô cùng hàng ngàn anh em, bạn bè các nơi - không chỉ Ông Tạ; các anh chị em đã giúp đỡ, chia sẻ vốn sống, tư liệu, tình cảm... của cả một thời Ông Tạ của mình. Nếu không, khó lòng tôi có thể viết được như vậy. Xin cảm ơn hàng ngàn anh chị, bạn bè vùng Ông Tạ đã bên tôi, chung lòng góp ý cho tôi trong những trang viết này. Xin cảm ơn hàng trăm bậc trí giả, nhà báo tài danh tên tuổi, văn nghệ sĩ nổi tiếng, các nhà nghiên cứu, viết sách Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn uyên bác… trong và ngoài vùng Ông Tạ đã động viên những dòng chữ của tôi, “ép” tôi viết.

10 CÙ MAI CÔNG Xin trân trọng cảm ơn anh em First News - Trí Việt, nhất là anh Nguyễn Văn Phước đã tâm huyết, từng ngày từng giờ cùng tôi hoàn thành tập sách. Đặc biệt với mẹ tôi, người dặn dò tôi trước lúc ra đi: “Làm báo cả đời, sao con không viết cho Ông Tạ của mợ một dòng?!”. Ông Tạ không phải của riêng tôi hay của ai đó. Ông Tạ của chúng ta, của bao nhiêu bà con Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn cố cựu; của những bước chân đầu tiên Bắc 54 đến đây, rồi những bước chân Bắc - Trung - Nam sau này…; của tất cả những gương mặt, thế hệ Ông Tạ hôm nay. Và của Sài Gòn một thuở. Nhớ đến nhói tim Ông Tạ một thời… Cù Mai Công

1 TẾT Ở ÔNG TẠ Đã thành thói quen từ năm 1954, trên vùng đất, quê hương mới của bao thế hệ Ông Tạ, từ trung tuần tháng Chạp, những sạp lá dong, khuôn gỗ gói bánh chưng lại được bày xung quanh trường Tân Bình (trước năm 1975 là trường Thánh Tâm). Từ sáng sớm, đã thấy dưa hành, kẹo lạc Quế Hương, giò chả Ông Tạ… bày dọc các cung đường, lối ngõ khu Ông Tạ. Quá nửa đêm, hai cửa hàng Tơ Hồng (tiệm ảnh Á Đông cũ), Ngọc Vân ngay ngã ba Ông Tạ vẫn giăng đèn kết hoa rực rỡ; chợ lá dong trước trường Tân Bình thì chong đèn suốt đêm. Không chỉ vậy, mấy chục “shop” lá dong vỉa hè vẫn ngồn ngộn lá trải dài từ hai bên cầu Ông Tạ ra đến ngã ba. Nửa đêm, trên đường Phạm Văn Hai, tôi về qua, tiệm Hồng Thắm thuở nào, xéo chợ Ông Tạ cũ, với bột sắn, trà Bắc, thuốc lào 888… vẫn mở đèn bán Tết. Như hồi chợ vẫn còn, trước năm 1989… Thoáng bùi ngùi một thuở, khi chợ Ông Tạ chưa dời về chợ Phạm Văn Hai hiện nay; khi cầu Ông Tạ chưa bị phá bỏ năm 1999 để làm hai cầu mới hai bên mang tên số 2, 3 mà tới giờ, gần hai mươi năm rồi nhiều người vẫn chưa thuộc tên cầu…

12 CÙ MAI CÔNG Ông Tạ thuở ấy, trước Tết là một trời vui Trước năm 1975, từ 23 Tết, con đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), đoạn từ ngõ Cổng Bom (nay là hẻm chùa Khuông Việt, 202 Phạm Văn Hai), cổng ấp Hàng Dầu (nay là đường Lưu Nhân Chú) đến ngã ba Ông Tạ đã bị đóng mấy thanh gỗ ngang ngăn xe cộ qua lại, tạo thành một cái chợ ngay trên mặt đường. Nhà lồng chợ Ông Tạ cũ (nay là đường vào trường tiểu học Phạm Văn Hai) không còn chứa nổi sức mua bán, hàng hóa Tết ê hề của khu Ông Tạ. Xe cộ qua lại buộc phải đi ngõ Con Mắt (nay là 766 Cách Mạng Tháng Tám), ngõ Cổng Bom… lúc ấy còn rộng, hai xe cam-nhông (camion) qua lại thoải mái, không chật chội, ứ hự như bây giờ. Không chỉ giò chả, những mặt hàng hầu như chỉ làm và bán dịp Tết mà nhiều gia đình khu Ông Tạ coi là món Tết không thể thiếu như kẹo lạc, “thèo lèo cứt chuột”… cũng được hàng chục lò cho ra hàng tấn mỗi ngày. Nghĩa Hòa có một loạt lò kẹo ông Xót, ông bà chánh Chuyên, lò chú Thi,

13 Sài Gòn một thuở - “DÂN ÔNG TẠ ĐÓ!” - Tập 2 lò chú Xuyên… Đặc biệt là hai lò Hòa Thành, Thủ Đô với hai anh em ông Hòa, ông Thủ làm chủ. Nam Thái có lò Quế Hương cho tới giờ vẫn bọc kẹo vuông vức thành từng ký. Lò Quế Hương gốc trong hẻm bánh mì Nam Thành Phong, gần nhà thờ Nam Thái; miếng kẹo giòn thanh, để cả tháng vẫn giòn tan… tới giờ vẫn là mặt hàng kẹo lạc chủ yếu ở Ông Tạ. Lò nào cũng đầy thợ và… trẻ con. Đám trẻ con vừa coi vừa chực ăn mấy rìa kẹo chủ lò dúi cho. Hàng chục tiệm bánh kẹo, tạp hóa lớn nhỏ dọc đường Thoại Ngọc Hầu khu ngã ba Ông Tạ như Quang Minh, Tiến Thành, Lan Hương…, không tiệm nào không bày bán kẹo lạc, bánh xu xê, bánh in… Rồi ngồn ngộn măng khô, bóng bì, trà B’lao… từ Gia Kiệm, Long Khánh, Bảo Lộc đưa về. Rồi bột sắn, miến dong có nhà tự mua hàng tấn sắn dây, củ dong… về ngâm, làm suốt ngày đêm cho kịp chợ Tết. Gạo nếp, đậu xanh từ miệt Bà Quẹo, miền Tây đưa lên để nấu xôi, làm bánh chưng… vun đầy các cửa hàng. Xe chở gạo đậu ở ngã ba, thợ vác hàng tấn đi thoăn thoắt hoặc kéo xe kéo, đẩy xe ba gác bỏ mối cho các sạp. Gà vịt trong từng bu (lồng) tre đan chen chật đường vô hẻm Gà… Bên ngoài khu ngã ba Ông Tạ, cơ man hàng hoa, chợ hoa, chợ lá dong, quầy dưa hấu trải suốt từ hồ tắm Cộng Hòa đến nhà sách Ngọc Lan, gần đầu đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân). Hàng hoa từ Hóc Môn, Bà Điểm đưa xuống. Hàng củ quả như su hào, súp lơ... từ Hố Nai đưa lên. Xe tải đổ hàng liên tục, vun hàng đống hai bên đường…

14 CÙ MAI CÔNG Chợ Tết Ông Tạ trước năm 1975 họp cả trên đường. Ảnh đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai, giáp Tết Mậu Thân 1968. - Ảnh: Harold Boehlert Những con hẻm thông từ ngõ Con Mắt, đường Thánh Mẫu ra Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)… người người qua lại tấp nập suốt ngày đêm. Học trò đi học qua cũng vui tươi chen lấn – trẻ con nào không thích đông vui, trẻ con Bắc càng vui sướng lắm. Tôi và chúng bạn ngồi học chỉ mong về, ra chợ Tết chơi, lượm cọng lá dong làm súng, làm gươm. Cha mẹ thấy con vắng là biết chúng đi đâu, làm gì. Đang tối mày tối mặt làm, buôn bán hàng Tết không ngơi tay ngớt miệng nên cũng chẳng buồn gọi về… Những đêm cuối năm ấy, không biết bao nhiêu nồi bánh chưng sôi sùng sục khắp đường ngang ngõ tắt, hẻm hóc khu Ông Tạ. Nhà nào cũng con đàn cháu đống. Để nhà ăn, biếu hàng xóm, láng giềng và đặc biệt bà con, làng mạc cùng quê Bắc xưa, anh em, họ hàng vốn sống quần tụ quanh đấy,

15 Sài Gòn một thuở - “DÂN ÔNG TẠ ĐÓ!” - Tập 2 gần đấy – khi vào Nam, nhiều nhà đi gần cả làng, cả họ, cả nhà. Những chiếc bánh chưng được gói chăm chút. Cả nhà xúm vào làm. Riêng gói bánh, cột bánh thường là chuyện của đàn ông thanh niên khỏe tay để bánh chắc. Trẻ con bu quanh cũng được ông bà, cha mẹ gói cho những chiếc bánh tí hon để chúng có phần Tết đem khoe chúng bạn, khỏi quẩn chân. Chợ lá dong ở ngã ba Ông Tạ đã hoạt động hơn sáu mươi năm nay. - Ảnh: Cù Mai Công Anh Nguyễn Ninh, một dân Ông Tạ quả quyết: “Bánh chưng Ông Tạ ngon không đâu bằng. Mở chiếc bánh ra: nếp, đậu, thịt thơm phưng phức – đúng hương vị Bắc 54 mang từ quê nhà, không lẫn vào đâu được. Màu lá dong xanh biếc trong những cọng lạt mềm buộc chặt”. Lạt phải chẻ thật mỏng, ngâm nước, buộc mới chặt tay. Đêm 30, cứ cách vài nhà lại có một nồi bánh chưng đầu nhà cuối sân. Chuyện canh nồi bánh thường của nam thanh nữ tú, trải chiếu ngồi,

16 CÙ MAI CÔNG nằm canh; chuyện trò, chọc phá nhau ran như pháo Tết. Tình làng nghĩa xóm quyện bay trong khói nồi bánh chưng đêm se lạnh cuối năm, trong tiếng pháo lẻ của trẻ con không biết nhà nào đốt trong xóm… “Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui”, đông đủ; tứ xứ vùng miền mà như một nhà.

Mục lục Thay lời tựa - Vội vã những tiếng chim gọi đàn 5 1 - TẾT Ở ÔNG TẠ 11 Ông Tạ thuở ấy, trước Tết là một trời vui 12 Ông Tạ vẫn còn đây, để nhớ để thương 17 Giao thừa, năm hết, Tết đến 21 2 - NHỮNG NGẢ ĐƯỜNG ÔNG TẠ 29 Khu trung tâm Ông Tạ “thời hoàng kim” nửa thế kỷ trước 29 “Lời cảm ơn”: đêm giã từ của một người Ông Tạ 54 3 - ĐẤT ÔNG TẠ ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 59 Ngõ Con Mắt “khác thường” 59 Tình thân hữu của các gia đình trong ngõ Con Mắt 81 “Rồng vàng” Thánh nhạc Việt 91 Một người tài hoa ở quán cà phê xưa nhất Ông Tạ 101 Cánh đồng nhà thơ Đỗ Trung Quân thuở bé thả diều ở đâu? 112

287 Sài Gòn một thuở - “DÂN ÔNG TẠ ĐÓ!” - Tập 2 4 - NHỮNG KHUNG TRỜI TUỔI THƠ TÔI 117 Khung trời “long tàng hổ phục” 117 “Rồi những đêm thế trần đón Noel” 142 Doanh nhân lớn trong hẻm nhỏ 149 5 - NGÕ CỔNG BOM “ĐƯỜNG MÒN XƯA DANG NẮNG DẦM MƯA” 153 6 - BÊN CẦU ÔNG TẠ LÀ NHỮNG XÓM CẦN LAO 167 Hẻm 158 - hẻm Cấp Tiến xưa có tiến sĩ Nguyễn Nhã, ca sĩ Phương Dung và “trùm” Sơn Đảo 172 Vài “bí ẩn” trong con hẻm 148 bình yên 180 7 - XÓM ĐẠI LỢI 185 Xóm Đại Lợi của tôi nửa thế kỷ trước 185 “Bác Giảng” của Ai về sông Tương 209 Hoài An, nhạc sĩ mùa xuân 222 Những ngày cuối của rạp hát Đại Lợi 232 8 - CÁC CƯ XÁ XUNG QUANH ÔNG TẠ 235 Cư xá Tự Do 236 Cư xá Thoại Ngọc Hầu nho nhỏ, kín đáo 253 Cư xá Bắc Hải 263 Cư xá có công viên ở giữa 277 Thay lời bạt 284

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==