Ông Tướng Tình Báo Bí Ẩn Và Những Điệp Vụ Siêu Hạng

HOÀNG HẢI VÂN - TẤN TÚ

5 LỜI GIỚI THIỆU Năm 2004, tờ Thanh Niên chạy ba mươi sáu số báo: “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” của hai tác giả Hoàng Hải Vân - Tấn Tú. Tác phẩm này mô tả quãng thời gian hơn hai mươi năm ông Ba Quốc trong địch hậu, những điểm nhấn trong quá trình hoạt động của ông, từ đó tạo nên hình tượng một điệp viên siêu hạng với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Loạt bài này, dù dung lượng không nhiều, thời gian thực hiện cũng rất gấp, liên tục phải “chạy” để kịp xuất bản trên các số báo hằng ngày, thậm chí có số phải dừng vì báo ra đúng ngày ông Ba Quốc từ trần, nhưng qua đó, độc giả có thể hình dung cuộc đời hoạt động của ông Ba Quốc thời địch hậu, cùng với đó là những mối quan hệ

ÔNG TƯỚNG TÌNH BÁO BÍ ẨN VÀ NHỮNG ĐIỆP VỤ SIÊU HẠNG 6 thấm đậm tình người, tình đồng chí, những niềm vui, nỗi buồn và cả những lát cắt trong cuộc đời riêng của ông Ba. Sau khi những bài báo được đăng tải, có nhiều độc giả và ngay cả hai tác giả Hoàng Hải Vân - Tấn Tú, cũng như những người ruột thịt trong gia đình ông Ba đặt ra câu hỏi: “Cuộc đời hoạt động trong địch hậu kéo dài hơn hai mươi năm thì như vậy, còn đoạn đời sau năm 1975, khi ông đảm nhiệm lần lượt các cương vị ‘nóng’ nhất trong ngành Tình báo thì sao?”. Đoạn đời sau năm 1975 của ông Ba trải dài theo cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, mười năm giúp nước bạn Campuchia xây dựng hòa bình, và sau đó là những năm đầu giai đoạn Đổi mới của đất nước. Dù bị “màn sương” lịch sử che lấp, nhưng nó ẩn chứa những điệp vụ, chiến công vô cùng to lớn, không kém giai đoạn ông hoạt động địch hậu trong kháng chiến chống Mỹ. Chính tôi cũng từng đặt câu hỏi tương tự với ông Ba. Mỗi lần như vậy, ông chỉ cười: “Tôi sẽ không nói về cuộc đời hoạt động của mình!”. Ngay lúc ấy, tôi hiểu cần phải có độ lùi nhất định về thời gian, cũng như những nhân chứng phù hợp để “giải mật” về cuộc đời của ông Ba những năm sau này. Cách đây gần hai mươi năm, khi vĩnh biệt ông Ba, tôi tự nhủ với bản thân rằng một khi đã hoàn thành hành trình phụng sự Tổ quốc và Quân đội của mình, về với đời thường, tôi sẽ viết lại quãng đời của ông Ba sau năm

7 LỜI GIỚI THIỆU 1975 mà tôi được trực tiếp chứng kiến và cùng ông trên mọi nẻo đường, suốt hai mươi năm cho đến ngày ông mất. Và đến hôm nay, khi đặt bút viết cuốn sách Người Thầy, tôi lại nhớ về loạt bài báo của Hoàng Hải Vân - Tấn Tú. Những câu chuyện đó như tiếng vọng của quá khứ mỗi khi tôi hồi tưởng về chặng đường mà thầy trò chúng tôi từng đi qua, từ Campuchia, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tới vùng biên giới phía Bắc. Vì vậy, tôi đề nghị hai tác giả tập hợp và tái bản ba mươi sáu bài báo dưới dạng một cuốn sách, kèm theo một số thông tin mới cùng những suy ngẫm của họ sau hai mươi năm nhìn lại. Hết sức trân trọng những tâm huyết và tình cảm của hai nhà báo dành cho ông Ba Quốc – một tấm gương hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách chân thực và đầy ý nghĩa này. - Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XI, XII) Tổng cục trưởng Tổng cục II (2000-2009) Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2009-2021)

PHẦN 1 HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG

16 Bước chân vào nghề Năm 2002, khi thu thập thông tin để viết thiên ký sự về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi có dịp “thâm nhập” vào các mạng lưới tình báo và được gặp nhiều điệp viên siêu hạng. Chúng tôi bị cuốn hút bởi các chiến công và những câu chuyện ly kỳ của họ, đã đành là như vậy rồi. Nhưng càng thâm nhập sâu, càng hiểu nhiều hơn về họ, chúng tôi càng bị một sức cuốn hút khác, mạnh mẽ hơn. Đó là những nhân cách lớn được tạo ra từ lòng yêu nước và tâm hồn trong trẻo của họ. Ai trong số họ cũng có một cuộc đời đầy sóng gió nhưng tất cả đều sống thầm lặng. Họ không háo danh. Đức tính đó cuốn hút mạnh mẽ chúng tôi, nhưng cũng gây cho chúng tôi không ít khó khăn, bởi họ không muốn nói về mình. Lần đầu tiên chúng tôi biết về ông Ba Quốc là từ câu chuyện với ông Mười Nho, một cán bộ chỉ huy tình báo lão thành. Trong những lần nói chuyện với chúng tôi về Phạm Xuân Ẩn, ông Mười Nho có kể chuyện về ông Ba Quốc và “hứa” sẽ giới thiệu chúng tôi gặp ông – người mà ông Mười Nho cho là cũng rất “lừng lẫy”. Nhưng đến lần gặp sau thì ông Mười Nho lắc đầu, ông nói ông đã “cố gắng hết sức mình” để thuyết phục, nhưng ông Ba Quốc không đồng ý để ai viết về mình. Chúng tôi đem câu chuyện này nói với một sĩ quan tình báo quân đội, người hay lui tới chỗ ông. Anh này cũng lắc đầu:

HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG 17 “Khó lắm. Ông ấy sống âm thầm, vĩnh viễn không muốn ai biết về những chuyện của ông ấy”. Cuối cùng, chúng tôi phải nhờ đến người chỉ huy cao nhất của cơ quan tình báo quốc phòng. Đó là một vị tướng trẻ, từng làm trợ lý cho ông Ba Quốc. Vị tướng trực tiếp dẫn chúng tôi đến giới thiệu với ông Ba Quốc bằng một lời “bảo lãnh” khiến chúng tôi hơi bất ngờ: “Thưa chú, báo Thanh Niên là tờ báo nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn tội ác Năm Cam và những kẻ bảo kê cho Năm Cam, chú có thể yên tâm”. Và hoàn toàn không giống như chúng tôi hình dung, Thiếu tướng Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam Đặng Trần Đức không phải là một ông già nghiêm nghị, khó tánh và lập dị. Ông trả lời vị tướng trẻ bằng một nụ cười cực kỳ hiền từ. Trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn nhưng đầy thần sắc của ông vừa lộ rõ khí phách, vừa ẩn chứa những nét bao dung đôn hậu. Sau này chúng tôi mới biết, ngày xưa khi làm sĩ quan trong Đặc ủy Trung ương Tình báo Sài Gòn, ông mang tên Nguyễn Văn Tá, biệt hiệu là Tá “bụt”, vì trong mắt mọi người, ông “hiền như bụt”. “Anh Ba Quốc thâm nhập vào cơ quan an ninh địch lúc Pháp còn chiếm Hà Nội. Sau Hiệp định Genève, anh theo Pháp di cư vào Nam, làm việc rất sớm ở Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội (Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm), sau đó là sĩ quan tình báo của Phủ Đặc ủy Trung ương

ÔNG TƯỚNG TÌNH BÁO BÍ ẨN VÀ NHỮNG ĐIỆP VỤ SIÊU HẠNG 18 Tình báo... Mỗi tháng anh có hai lần báo cáo, mỗi báo cáo có khoảng 50-70 tin chính trị, có khi trên 100 tin. Anh viết tin ra xong rồi mã hóa bằng chữ tốc ký. Phải nói cường độ lao động của anh rất lớn, hoạt động trong vùng địch với tinh thần tận tụy, dũng cảm... Anh Ba Quốc là một điển hình cơ cán tình báo đi sâu làm việc trong cơ quan an ninh tình báo cấp trung ương của địch, là mục tiêu tình báo lý tưởng của bất cứ tình báo quốc tế nào, vì cơ quan này tập trung nhiều cơ mật cấp cao và đa dạng của địch. Nhờ bình phong này, anh tồn tại trong cơ quan an ninh địch từ 1950 đến 1974...”. Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí, nguyên Thủ trưởng Cơ quan Tình báo Miền về ông. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn sau đây là vài dòng tiểu sử trước khi ông “thâm nhập vào cơ quan an ninh địch”: Tháng 5-1945 ông là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng xã Thanh Trì (Hà Nội). Sau khi củng cố chính quyền xã, ông huy động nhân dân lên tham gia cuộc mít tinh ngày 19-8 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sau đó được điều về Hà Nội làm công an tham gia phá một số vụ án, trong đó có vụ án Ôn Như Hầu. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông là đoàn trưởng mặt trận Khâm Thiên, đánh nhau với Pháp một tháng, sau đó được lệnh rút vào Đô Lương (Nghệ An), làm trưởng khu Đức Hòa. Tháng 5-1949, ông chuyển sang ngành tình báo quân sự và được giao nhiệm vụ vào hoạt động tại Hà Nội. Ông vào Hà Nội

HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG 19 với danh nghĩa là đi tìm vợ con bị thất lạc. Và ông đã tận dụng tất cả các quan hệ để tìm chỗ đứng trong lòng địch. Ông nhờ một người quen, là con rể của một nhân vật rất có thế lực ở Hà Nội. Người này đưa ông đến giới thiệu với bố vợ của ông ta là Đàm Y, quận trưởng Quận 1 (Hàng Trống) và là tay chân đắc lực của Tổng trấn Bắc Việt Nghiêm Xuân Thiện. Ông đã thiết lập được mối quan hệ thân tình đặc biệt với Đàm Y và chính mối quan hệ này đã tạo một bước ngoặt cho cuộc đời hoạt động tình báo của ông sau này. Từ đây, ông bước chân vào cơ quan công an của Pháp...

20 Bài học đầu tiên: lòng dân Ông Ba Quốc nhớ lại: “Theo quy ước, sau khi thiết lập quan hệ với ông Đàm Y, tôi phải bắt liên lạc với cấp trên. Hộp thư mật đặt tại 80 Hàng Bạc. Nhưng khi tôi đến gặp cô gái cần gặp thì có một chuyện lạ. Cô ta trông thấy tôi thì lập tức quay vào nhà. Tôi biết ngay là có người đang theo dõi. Hộp thư coi như bị hủy bỏ. Tôi mất liên lạc. Mà mất liên lạc, không có chỉ đạo thì tôi không biết tiếp theo phải làm gì. Suốt cả một tuần lễ tôi rủ em vợ của ông Đàm Y và người lái xe lấy ô tô của ông ta đi chơi la cà các phòng trà và quán bia, hết nơi này đến nơi khác, đi đâu tôi cũng được giới thiệu là cháu của Đàm Y ở quê ra. Mục đích của tôi là tìm người quen để nối liên lạc. Nhưng làm cách này không được. Tôi làm quen một người phụ nữ làm công ở nhà Đàm Y. Tôi quan sát và biết người này có cảm tình với kháng chiến. Đó là bác Năm Gái. Tôi liều nói thật với bác và quả đúng như nhận định của tôi. Tôi nhờ bác ra căn cứ bắt liên lạc cho tôi. Bác đi, nhưng không hiểu sao mất tích luôn, không bao giờ trở lại nữa. Hết cách. Cuối cùng tôi phải xin ông Đàm Y đưa tôi vào làm công an và sau đó xin làm luôn Đồn trưởng Công an Từ Sơn, với lý do là làm ở vị trí đó tôi mới có điều kiện tìm được vợ con. Ông Đàm Y rất có thế lực, nên việc của tôi được chấp nhận dễ dàng. Đây là đồn

HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG 21 kiểm soát bắt hàng lậu trên các chuyến xe tuyến Hà Nội - Bắc Giang. Mục đích của tôi lúc này là tìm cho được người tin cậy để bắt liên lạc. Tôi quan sát, phát hiện trong xóm phía sau đồn có một cô gái, tên là Quỳ, có thể là người liên lạc của ta, nhưng không dám tiếp cận. Tôi dùng một phương pháp khác. Từ khi làm đồn trưởng, tôi lệnh cho nhân viên không được bắt hàng, tất cả hàng lậu cho đi hết. Không ai hiểu vì sao tôi làm như vậy. Dân buôn thấy tôi dễ quá, đâm ra sợ, đến mức họ phải mang hàng vào đồn bảo tôi phải làm biên bản, họ sợ tôi dễ quá sẽ bị cấp trên chuyển đi nơi khác. Thời gian này tôi tập trung nghiên cứu những tay trùm chở hàng lậu qua đây, phát hiện thấy vợ tên Đồn trưởng Bảo An (đóng cách đồn của tôi khoảng 1,5 km) cũng là trùm buôn lậu. Đến một hôm, tôi ra lệnh bắt toàn bộ hàng của tên Đồn trưởng Bảo An”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông cười, nói tiếp: “Các anh có biết tôi làm như vậy để làm gì không? Là để tạo ra một sự cố, may ra tìm được người của mình, vì tôi đợi lâu quá. Và quả như tôi dự đoán. Hôm sau, tên đồn trưởng dẫn một tốp lính tấn công đồn của tôi. Quân của tôi chỉ có mấy người thì làm gì được nó, nên bỏ chạy hết. Còn một mình tôi, chúng đánh tôi một trận tơi bời. Tôi không chạy, vì mục đích của tôi là để cho chúng đánh mà. Lúc ấy nhiều dân buôn đè lên người để đỡ đòn cho tôi, nhưng tôi cũng bị một trận đau ê ẩm,

ÔNG TƯỚNG TÌNH BÁO BÍ ẨN VÀ NHỮNG ĐIỆP VỤ SIÊU HẠNG 22 cả người bê bết máu. Khi chúng bỏ đi, cô Quỳ mà tôi đã kể ở trên đến đưa tôi về nhà, lấy lá thuốc rịt các vết thương cho tôi. Nhờ chuyện đó tôi mới biết chắc cô Quỳ là người tốt, nhưng cũng không biết chắc cô ấy có phải là người bên mình hay không. Tôi đành phải liều một lần nữa. Tôi nói với cô tôi là người của cách mạng, cần phải bắt liên lạc gấp. Tôi nhờ cô ra căn cứ tìm cách liên lạc với anh Văn Tùng, lúc đó là người chỉ huy của tôi. Cô Quỳ nhận lời đi theo đề nghị của tôi. Ba ngày sau cô trở lại, bảo tôi đến số 3 Hàng Khoai gặp người cần gặp. Tôi đến gặp anh Văn Tùng, báo cáo tình hình và nhận chỉ thị. Anh Văn Tùng yêu cầu tôi ra lại vùng giải phóng một thời gian để bàn cụ thể cách thức hoạt động lâu dài sau này, thời gian và địa điểm đón tôi được hẹn trước. Tôi giao công việc cho đồn phó, nói rằng tôi phải dành một thời gian đi đón vợ con. Đến giờ hẹn, tôi được cậu giao thông ra đón. Lúc tôi và cậu ấy đang đi trên đê Đáp Cầu của sông Đuống để ra vùng giải phóng thì phát hiện một toán lính Pháp đi tuần bên kia bờ đê. Cậu ta đưa tôi xuống vệ đê để tránh toán lính, vừa đi một đoạn thì cậu giao thông giẫm phải một quả mìn, mìn nổ làm cậu ta chết tại chỗ, còn tôi thì bị ngất đi. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy có bàn tay đụng vào người. Mở mắt ra, tôi nghe ngay giọng một cô gái: ‘U ơi, u ơi... Anh ấy tỉnh rồi!’. Tôi chưa hiểu gì cả, thì một cụ già chạy vào ôm lấy tôi khóc nức nở: ‘Ôi con ơi... con của mẹ sống

HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG 23 rồi, ơn trời phật...’. Chuyện gì vậy? Tôi vẫn không hiểu. Tôi có quen bà này đâu. Nhưng khi tỉnh hẳn, tôi lập tức hiểu ngay, thì ra là người dân đã cứu tôi. Bà cụ biết chắc tôi là Việt Minh, nên đã nhận tôi là con, nói với bọn địch rằng con của bà ngẫu nhiên đi gần chỗ nổ mìn, không quen biết người vừa chết. Nhờ lòng dân mà tôi thoát nạn. Sau đó bà cụ đưa tôi vào bệnh viện điều trị vết thương. Một tháng sau tôi trở lại nhà ông Đàm Y và nói dối rằng trên đường đi tìm vợ con tôi đã bị bệnh sốt rét…”. Câu chuyện ông kể thật là giản dị. Bác Năm Gái làm công, cô Quỳ, hai mẹ con bà cụ... Họ ở khắp nơi, bây giờ kẻ mất người còn, nhưng thế hệ kế tiếp thế hệ, tấm lòng của dân là biển cả, là thiên la địa võng. Bất kể anh là ai, hễ anh chống ngoại xâm, anh yêu nước, anh làm những chuyện ích nước lợi dân thì được đùm bọc chở che, ngược lại thì anh không có đường thoát. Dân tộc Việt Nam này là như vậy, thời nào cũng vậy. Bài học đó đã thấm tự nhiên vào máu thịt của người chiến sĩ tình báo. Nhưng mọi chuyện chưa phải đã thuận buồm xuôi gió. Ông Đàm Y có thể tin ông, nhưng cơ quan mật vụ của Pháp thì không đơn giản. Vũ Đình Lý, Trưởng Công an Hà Nội lúc đó biết rõ ông là Việt Minh được “đánh” vào Hà Nội để hoạt động nên muốn ra lệnh bắt ông...

24 Câu chuyện về kho vàng Xung quanh câu chuyện quan hệ với gia đình ông Đàm Y có nhiều uẩn khúc, liên quan đến những vấn đề riêng tư nhạy cảm của gia đình ông sau này. Đó là một bí mật, nhưng không phải là bí mật của ngành tình báo, mà là bí mật về số phận của những người thân của ông, có lẽ “người ngoài” không nên biết. Ông chỉ nói rằng ông Đàm Y không có con trai, ông ta muốn lo mọi chuyện cho ông Ba Quốc để sau này ông Ba Quốc lo cho ông ta lúc tuổi già. Câu chuyện đó mang nhiều tình tiết hết sức tế nhị, nhưng đại khái là hai bên có một sự thỏa thuận... Trở lại chuyện rắc rối từ cơ quan Công an Hà Nội. Mặc dù ông Đàm Y có nghi ngờ ông Ba Quốc là Việt Minh, nhưng ông ta vẫn can thiệp không cho Vũ Đình Lý ra lệnh bắt ông Ba Quốc. Vì vậy ông mới được yên ổn. Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Địch tổ chức một đợt di cư ào ạt vào Nam. Ông được lệnh theo quân Pháp vào Nam tiếp tục hoạt động. Nhưng có một vấn đề gay cấn không biết làm sao giải quyết được. Đó là hồ sơ nghi vấn ông làm Việt Minh vẫn đang ở chỗ Vũ Đình Lý. Với hồ sơ đó, khi vào Nam chắc chắn ông sẽ bị bắt ngay. Chỉ có cách duy nhất là nhờ ông Đàm Y. Và ông Y đã giúp ông. Với thế lực của mình, ông Đàm Y đã nói với Bạch Văn Luy, là Chánh án Tòa án Tối cao

HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG 25 lúc đó, rút toàn bộ hồ sơ nghi vấn của ông ra khỏi cơ quan công an, chỉ để lại hồ sơ hành chánh. Và ông đã vào Nam với tư cách là người trong ngành công an của Pháp cùng một bản lý lịch hoàn toàn “trong sạch”, không dính đến Việt Minh. Ông bảo, khi nhận nhiệm vụ làm tình báo quân sự, vào hậu phương của địch ông phải làm hai chức năng: thứ nhất là báo tin tức về địch, thường xuyên và đột xuất; thứ hai là “hành động cách mạng”, bằng cách vô hiệu hóa âm mưu thủ đoạn của địch chống phá ta, phát hiện cán bộ của ta làm tay sai cho địch và kích động, khai thác mâu thuẫn nội bộ địch. Muốn làm được “hai chức năng” đó, phải “chui” thật sâu, “leo” thật cao vào các cơ quan cơ mật của đối phương. Đó là việc hoàn toàn không dễ chút nào. Ông nghĩ mãi chuyện đó trong đầu. Khi xuống Hải Phòng để lên tàu vào Nam, ông tìm cách làm quen với những người “có máu mặt”. Tình cờ ông gặp được một người Tây lai, đó là Ginard, Trưởng phòng nhì của Pháp. Anh ta nói với ông rằng anh ta biết người Pháp đang có kế hoạch chuyển một số vàng rất lớn về Pháp. Anh ta gợi ý: “Nếu ông quen ai có thế lực, tôi sẽ cho biết cụ thể về kế hoạch đó. Tôi muốn có tiền hoa hồng”. Thế là tự nhiên ông có được một “bửu bối”. Vào Sài Gòn, ông làm việc ở Nha Công an Nam phần, nhiệm vụ là làm kế toán. Tất nhiên ông không hài lòng với việc đó. “Làm kế toán thì không thể có

ÔNG TƯỚNG TÌNH BÁO BÍ ẨN VÀ NHỮNG ĐIỆP VỤ SIÊU HẠNG 26 điều kiện làm đại sự được”, ông nghĩ. Ông cố tìm cách làm sao có thể vào sâu các cơ quan cơ mật của địch. Và ông nhớ đến “vụ vàng” của Ginard. Để khai thác được vụ này, việc đầu tiên là phải tìm xem ở đây ai là người có thế lực nhất bên cạnh gia đình Ngô Đình Diệm. Qua nhiều người, ông biết người đó là Trần Kim Tuyến, Trưởng ban công tác đặc biệt Phủ Tổng thống (Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội). Nhưng tiếp cận với Trần Kim Tuyến không phải dễ. Ông lại phải tìm hiểu những ai là người thân của Trần Kim Tuyến. Biết được Kiều Văn Lân, chủ nhiệm báo Tự Do là bạn thân của Trần Kim Tuyến, ông đến làm quen với ông Lân. Khi quen biết rồi, ông nói với ông Lân về “vụ vàng”. Và ông Lân báo ngay việc đó với Trần Kim Tuyến. Ngay ngày hôm sau, Trần Kim Tuyến gọi ông cùng ông Lân đến. Ông nhớ lại: “Sau khi nghe tôi nói chuyện này, bác sĩ Tuyến bảo tôi dẫn Ginard đến gặp ông ta. Tôi tới cư xá Pháp tìm Ginard và đưa Ginard đến gặp bác sĩ Tuyến. Kết quả là, sau khi nghe Ginard nói cụ thể, bác sĩ Tuyến báo cáo với Ngô Đình Nhu, rồi giao nhiệm vụ cho tôi cùng với Ginard tới ngân hàng tìm hiểu và theo dõi xem bao giờ thì người Pháp chuyển vàng xuống tàu và vàng sẽ được chuyển như thế nào. Tôi mang theo ba ‘đàn em’ _ những người lính commando cũ, theo tôi từ Hà Nội _ đó là Châu ‘gối’, Quạ ‘đen’ và Thạch Sanh. Lúc đó lại xảy ra một sự cố...”.

HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG 27 Ông kể tiếp: “Trên đường đi tới ngân hàng, tôi và ba người của tôi đột nhiên bị bắt. Người bắt chúng tôi là đại úy Nguyễn Đức Xích, Trưởng phòng nhì của Lữ đoàn An ninh Phủ Tổng thống. Người ra lệnh bắt là trung tá Lữ đoàn trưởng Lý Thái Như. Tôi bị giam ở một buồng trên lầu, còn ba người của tôi bị giam ở dưới trại giam. Tôi rất phân vân, không hiểu vì sao mình bị bắt. Tôi đi làm việc cho Phủ Tổng thống mà bị người của Phủ Tổng thống bắt. Tôi nghĩ thế là hết rồi, chắc là địch đã phát hiện ra tung tích, tôi đã bị lộ...”.

231 MỤC LỤC Lời giới thiệu 5 Lời dẫn 9 PHẦN 1 HAI MƯƠI NĂM TRONG CƠ QUAN MẬT VỤ TỐI CAO CỦA ĐỐI PHƯƠNG 15 PHẦN 2 VĨ THANH – HAI MƯƠI NĂM NHÌN LẠI 173

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==