Nỗi đau này không thuộc về bạn

Dành tặng cha mẹ của con, Marvin Wolynn và Sandra Lazier Wolynn Miller. Cảm ơn vì mọi thứ cha mẹ đã trao cho con.

“Kẻ nhìn ra bên ngoài thì mộng tưởng, người nhìn vào bên trong thì tỉnh thức.” – Carl Jung, Letter, tập 1

7 DẪN NHẬP NGÔN NGỮ BÍ MẬT CỦA NỖI SỢ HÃI "Lúc tăm tối, mắt ta bắt đầu nhìn thấy rõ..." – Theodore Roethke, In a Dark time Quyển sách này là thành quả từ một sứ mệnh – sứ mệnh đã dẫn tôi đi khắp thế giới, rồi quay về với nguồn cội của mình, sau đó đưa tôi vào con đường sự nghiệp mà tôi chưa bao giờ hình dung nổi lúc bắt đầu hành trình. Trong hơn hai mươi năm, tôi đã làm việc với những cá nhân từng phải vật lộn với chứng trầm cảm, lo âu, các căn bệnh mạn tính, chứng ám ảnh sợ hãi, những ý nghĩ ám ảnh, chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (Post-Traumatic Stress Disorder, viết tắt là PTSD) và nhiều tình trạng gây suy nhược cơ thể khác. Nhiều người tìm đến tôi trong trạng thái chán nản, ngã lòng sau nhiều năm tham gia nào là liệu pháp trò chuyện, nào là

MARK WOLYNN 8 thuốc men và các biện pháp can thiệp khác mà vẫn không truy ra được căn nguyên các triệu chứng hay cải thiện được tình trạng khốn khổ của họ. Từ kinh nghiệm cũng như quá trình đào tạo và thực hành lâm sàng của bản thân, tôi biết rằng câu trả lời cho vấn đề này không nằm trong câu chuyện cá nhân của mỗi bệnh nhân nhiều như trong câu chuyện của cha mẹ, ông bà, thậm chí là ông bà cố của họ. Công trình nghiên cứu khoa học mới nhất, hiện đang là một đề tài nóng trên báo chí, cũng cho thấy tác động của các sang chấn tâm lý có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Di sản” này được gọi là “sang chấn gia đình liên thế hệ”, và các bằng chứng khoa học gần đây cho thấy đây là một hiện tượng hoàn toàn có thật. Không phải lúc nào nỗi đau cũng tự nhạt nhòa hoặc nguôi ngoai theo thời gian. Kể cả khi người chịu sang chấn ban đầu đã qua đời, hay câu chuyện của họ đã bị vùi lấp sau nhiều năm câm lặng, song những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh của các trải nghiệm sống, ký ức và cảm giác cơ thể của họ có thể vẫn sống mãi, như đang cố vươn đến từ quá khứ để tìm cách hóa giải nỗi đau thông qua tâm trí và cơ thể của những người đang sống ở hiện tại. Những gì bạn sẽ đọc trong những trang tiếp theo là tổng hợp các quan sát thực tế của tôi trong thời gian tôi làm giám đốc Viện Chòm sao Gia đình (Family Constellation Institute) tại San Francisco, cũng như những khám phá mới nhất trong ngành khoa học thần kinh, di truyền học biểu sinh và khoa học ngôn ngữ. Nội dung quyển sách này cũng phản ánh quá

NỖI ĐAU NÀY KHÔNG THUỘC VỀ BẠN 9 trình đào tạo chuyên môn của tôi với thầy Bert Hellinger, nhà trị liệu tâm lý lừng danh người Đức. Phương pháp trị liệu gia đình của ông đã cho thấy rõ những tác động về mặt tâm lý lẫn thể chất lên nhiều thế hệ trong gia đình đến từ các sang chấn được di truyền. Phần lớn nội dung của quyển sách này tập trung vào việc nhận diện những khuôn mẫu chung của các sang chấn gia đình – những nỗi sợ hãi, cảm xúc và hành vi ta đã thừa kế từ đời trước mà không hề hay biết, khiến hết thế hệ này sang thế hệ khác lẩn quẩn mãi trong nỗi thống khổ – đồng thời tập trung vào cách phá vỡ vòng lẩn quẩn này. Đây chính là công việc chuyên môn chính của tôi. Cũng như tôi, bạn có thể sẽ nhận ra rằng những khuôn mẫu chung này vốn không thuộc về bản thân chúng ta, mà được ta tiếp nhận từ những người khác trong lịch sử gia đình mình. Tại sao lại như thế? Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng đó là bởi những gì cần được tỏ bày rõ ràng cuối cùng rồi cũng sẽ được đưa ra ánh sáng. Trước tiên, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Tôi chưa từng tự đặt mục tiêu phải tìm ra một phương pháp điều trị chứng sợ hãi và lo âu. Mọi chuyện bắt đầu vào thời điểm tôi bị mất thị lực, năm tôi ba mươi bốn tuổi. Lúc ấy tôi đang vật vã vì cơn đau nửa đầu ảnh hưởng mắt* đầu tiên. Tôi không bị đau theo nghĩa đen, mà gặp phải một cơn lốc xoáy kinh hoàng đen kịt khiến tầm nhìn của tôi trở nên mờ mịt. Tôi mò mẫm trong phòng làm việc tối om, lần tìm * Đau nửa đầu ảnh hưởng mắt (Ocular migraine) là một tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi hiện tượng mất thị lực tạm thời hoặc thậm chí mù tạm thời ở một mắt.

MARK WOLYNN 10 điện thoại bàn để bấm số gọi cấp cứu. Một chiếc xe cấp cứu lập tức lên đường. Đau nửa đầu ảnh hưởng mắt nhìn chung không phải là bệnh nghiêm trọng. Tầm nhìn của người bệnh bị mờ đi, nhưng thường sẽ trở lại bình thường sau khoảng một tiếng. Chỉ có điều không phải lúc nào ta cũng biết điều này khi các triệu chứng ập đến. Song với tôi, chứng đau nửa đầu ảnh hưởng mắt chỉ mới là khởi đầu. Trong vòng vài tuần, thị lực mắt trái của tôi mất hẳn. Những khuôn mặt và bảng hiệu giao thông trên đường chẳng mấy chốc đều trở thành một đám mây mờ xám xịt. Bác sĩ thông báo tôi bị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, một chứng bệnh vô phương cứu chữa mà họ vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể. Dịch bị đùn lên phía dưới võng mạc rồi rỉ ra ngoài, làm mờ đục trường thị giác. Khoảng 5% bệnh nhân, trong đó bao gồm tôi, mắc chứng này ở dạng mạn tính và sẽ bị mù vĩnh viễn. Bác sĩ nói rằng cứ đà này thì tình trạng mất thị giác sẽ lan ra cả hai mắt. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Các bác sĩ không biết nguyên nhân lẫn cách điều trị chứng mất thị giác của tôi. Tất cả những gì tôi tự mình thử – các loại vitamin, chế độ ăn kiêng chỉ dùng nước trái cây hay liệu pháp chữa lành bằng bàn tay (hands-on healing) – dường như chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Tôi rơi vào hoảng loạn. Nỗi sợ hãi lớn nhất đang dần trở thành sự thật ngay trước mắt mà tôi lại không thể làm gì để ngăn nó lại. Mù lòa, không tự lo được cho bản thân, hoàn toàn đơn độc – tôi sẽ

NỖI ĐAU NÀY KHÔNG THUỘC VỀ BẠN 11 hoàn toàn sụp đổ. Đời tôi sẽ nát như tương và tôi sẽ mất hết ý chí sống. Tôi cứ chiếu đi chiếu lại hình dung khủng khiếp ấy trong đầu. Tôi càng nghiền ngẫm, cảm giác vô vọng lại càng ăn sâu vào cơ thể tôi. Tôi đang chìm dần xuống một vũng lầy. Mỗi lần tôi cố sức thoát ra, những ý nghĩ lẩn quẩn về việc mình sẽ trở nên đơn độc, không tự lo được cho bản thân, rằng cuộc đời tôi đã bị hủy hoại, lại quay trở lại. Lúc ấy, tôi không biết rằng những từ như đơn độc, không tự lo được cho bản thân, bị hủy hoại chính là một phần ngôn ngữ của nỗi sợ hãi ẩn sâu trong tôi. Chúng là tiếng vọng của những sang chấn đã diễn ra trong lịch sử gia đình tôi từ trước khi tôi ra đời. Được tháo cũi sổ lồng, tự tung tự tác, những ý nghĩ ấy quay cuồng không ngừng trong đầu tôi và khiến cơ thể tôi cứ mãi bức bối không yên. Tôi tự hỏi tại sao mình lại bị những ý nghĩ này tác động nhiều đến vậy. Có rất nhiều người gặp phải những nghịch cảnh tồi tệ hơn tôi, nhưng họ không hề rơi vào hố sâu tuyệt vọng như thế này. Tôi gặp vấn đề gì mà cứ chìm sâu trong nỗi sợ hãi như vậy? Phải mất nhiều năm tôi mới trả lời được câu hỏi này. Thời điểm đó, tất cả những gì tôi có thể làm là bỏ đi. Tôi rời bỏ tình yêu, gia đình, công việc và thành phố của mình – tất cả những gì thân quen với tôi. Những câu trả lời tôi đang tìm kiếm không nằm trong thế giới quen thuộc mà trước giờ tôi vẫn sống, nơi nhiều người dường như vẫn đang vẫy vùng trong nỗi bất hạnh và hoang mang. Tôi chỉ toàn thấy những câu hỏi chưa có

MARK WOLYNN 12 lời giải đáp và không còn hứng thú tiếp tục cuộc sống cũ của mình. Sau khi bàn giao lại công việc kinh doanh (một công ty tổ chức sự kiện khá thành công) cho một người mà tôi thật sự chỉ mới tiếp xúc không lâu, tôi rời đi – đến nơi xa nhất có thể – và dừng lại ở Đông Nam Á. Tôi muốn được chữa lành. Tôi chỉ không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Tại môi trường mới, tôi đọc sách và trực tiếp nghiên cứu với các vị thầy đã viết ra những quyển sách ấy. Bất cứ khi nào nghe nói có người có thể giúp được mình – một bà cụ sống trong một túp lều lụp xụp nào đó hay một người đàn ông tính tình vui vẻ trong bộ áo thụng – tôi luôn chủ động tìm đến gặp họ. Tôi tham gia các chương trình đào tạo và cầu kinh cùng các vị guru*. Một guru từng nói với những người tập trung lại nghe ông thuyết giảng rằng ông chỉ muốn ở gần những “người tìm thấy”, bởi những “người tìm kiếm” thì suốt đời vẫn cứ như thế mãi – cứ mãi loay hoay kiếm tìm. Tôi muốn trở thành “người tìm thấy”, thế nên mỗi ngày tôi đều hành thiền hàng tiếng đồng hồ. Tôi nhịn ăn nhiều ngày liền theo từng đợt. Tôi ủ các loại thảo dược để loại bỏ những chất độc hung hãn mà tôi hình dung là đang xâm chiếm các mô trong cơ thể mình. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực, thị lực của tôi ngày một tệ hơn và chứng trầm cảm của tôi cũng trở nên ngày một trầm trọng hơn. Thời điểm đó, tôi chưa nhận thức được rằng khi cố sức kháng cự nỗi đau, thật ra ta đang kéo dài thêm chính * Guru là một từ tiếng Phạn chỉ các vị thầy tâm linh hoặc những người thông tuệ một lĩnh vực nào đó nói chung.

NỖI ĐAU NÀY KHÔNG THUỘC VỀ BẠN 13 cơn đau mà mình muốn tránh. Kháng cự chính là cách thức tạo nên những nỗi thống khổ triền miên. Bản thân quá trình tìm kiếm giải pháp thường cản trở ta tìm thấy cái mình muốn tìm. Khi cứ mãi tìm kiếm câu trả lời ở bên ngoài bản thân, ta thường không biết đâu là lúc mình đến đích. Những thay đổi có giá trị có thể đang diễn ra ngay bên trong ta, nhưng nếu không hướng vào chính mình, ta có thể không nhận ra chúng. “Đâu là những điều các bạn không sẵn lòng nhìn thấy?”, những vị thầy chữa lành khích lệ chúng tôi, khơi gợi để chúng tôi nhìn sâu hơn. Nhưng làm sao tôi biết được? Tôi đang ở trong bóng tối mà. Thế rồi, một guru ở Indonesia đã giúp mọi chuyện sáng tỏ với tôi hơn một chút bằng câu hỏi: “Con nghĩ mình là ai mà lại không thể bị bệnh mắt chứ?”. Ông nói tiếp: “Vì tai của Johan cũng có thể không nghe rõ như tai của Gerhard, có thể phổi của Eliza không được khỏe như phổi của Gerta. Và Dietrich thì không đi đứng được ngon lành như Sebastian”. (Những người tham gia khóa đào tạo này không phải là người Hà Lan thì là người Đức, và dường như ai cũng đều đang khổ sở vì một chứng bệnh mạn tính nào đó.) Một điều gì đó chợt sáng tỏ trong tôi. Ông ấy nói đúng. Tôi là ai mà nhất định sẽ không bị bệnh về mắt chứ? Kháng cự thực tại, như những gì tôi vẫn làm, là việc làm hết sức ngạo mạn. Dù muốn hay không thì võng mạc của tôi cũng bị tổn thương và tầm nhìn của tôi vốn đã mờ, nhưng tôi – cái “tôi” ở bên dưới tất cả – đang bắt đầu cảm thấy thanh thản. Dù tình trạng mắt

MARK WOLYNN 14 của tôi có thế nào đi chăng nữa, nó cũng không còn là nhân tố quyết định chuyện tôi sống trên đời này ra sao. Để giúp chúng tôi tìm tòi sâu hơn, vị guru này đã bảo chúng tôi dành bảy mươi hai tiếng – ba ngày ba đêm – ngồi thiền định trên một chiếc gối nhỏ trong tình trạng bịt kín mắt và nút chặt tai. Mỗi ngày, chúng tôi được cho một chén cơm nhỏ để ăn và nước lọc để uống. Chúng tôi sẽ không ngủ, không đứng dậy, không nằm xuống, không trò chuyện; khi muốn đi vệ sinh chúng tôi sẽ giơ tay lên để được dẫn đến một chiếc hố đào trên mặt đất trong lúc mắt vẫn bị bịt kín. Mục đích của bài thực hành điên rồ này là để hiểu tường tận sự điên rồ của tâm trí thông qua quan sát. Nhờ đó mà tôi nhận ra rằng tâm trí liên tục quấy nhiễu tôi bằng những ý nghĩ về viễn cảnh tồi tệ nhất và lời nói dối rằng nếu lo lắng đủ nhiều, tôi sẽ có thể tự cách ly mình khỏi những nỗi sợ hãi to lớn nhất của bản thân. Sau trải nghiệm này, cũng như nhiều trải nghiệm khác tương tự như thế, tầm nhìn nội tại của tôi bắt đầu sáng rõ hơn đôi chút. Tuy vậy, tình trạng mắt của tôi vẫn không được cải thiện; dịch vẫn rỉ và tầm nhìn vẫn mờ. Theo nhiều cấp độ, việc gặp vấn đề thị lực này là một phép ẩn dụ thú vị. Cuối cùng tôi đã hiểu được rằng vấn đề không nằm ở chỗ tôi nhìn thấy hay không nhìn thấy, mà nằm ở cách tôi nhìn nhận mọi thứ. Nhưng tôi chỉ nhận ra được điều này khi gặp phải một bước ngoặt lớn. Đến năm thứ ba trong quãng thời gian tôi gọi là “hành trình tìm kiếm tầm nhìn”, cuối cùng tôi cũng chạm đến được

NỖI ĐAU NÀY KHÔNG THUỘC VỀ BẠN 15 điều mình khao khát. Đến lúc này, tôi đã thực hành thiền định được một thời gian dài. Chứng trầm cảm cũng đã dần thuyên giảm. Tôi có thể ngồi im lặng, tập trung vào hơi thở hoặc cảm thức của mình trong suốt nhiều tiếng đồng hồ một cách dễ dàng. Một hôm, tôi xếp hàng đợi đến lượt satsang của mình; đó là từ diễn tả một cuộc gặp gỡ với một đại sư tâm linh. Trong bộ áo thụng trắng giống với mọi người đang xếp hàng đợi xung quanh, tôi chờ đợi suốt nhiều tiếng đồng hồ và cuối cùng cũng đến lượt. Tôi hy vọng đại sư sẽ cảm nhận được lòng thành của mình. Nhưng không, ông đã nhìn thấu con người tôi và thấy được những gì mà tôi không có đủ khả năng nhận ra. “Về đi”, ông nói. “Về gọi điện cho cha mẹ anh đi.” Gì chứ? Tôi giận tím người. Người tôi run lên vì tức giận. Rõ ràng ông ấy đã hiểu sai tôi. Giờ tôi không cần đến cha mẹ nữa. Tôi đã trưởng thành hơn cả họ. Tôi đã rời bỏ họ từ rất lâu, đổi họ lấy những bậc cha mẹ tốt hơn, cha mẹ thánh thần, cha mẹ tâm linh – đó là tất cả các vị thầy, guru và những người thông tuệ, cả nam lẫn nữ, đang dẫn dắt tôi đến những cấp độ thức tỉnh cao hơn. Chưa hết, sau mấy năm trời dùng những “liệu pháp” sai lầm, như đấm vào gối hay xé nát các hình nhân làm từ bìa các-tông có in hình cha mẹ, tôi cứ tưởng mình đã “chữa lành” được quan hệ giữa mình với họ. Tôi quyết định phớt lờ lời khuyên của vị đại sư. Thế nhưng, một điều gì đó như đang rung lên từ nơi sâu thẳm trong tôi. Tôi không thể cứ vậy bỏ qua những lời

MARK WOLYNN 16 đại sư nói. Cuối cùng, tôi cũng bắt đầu hiểu rằng không có trải nghiệm nào là vô bổ. Tất cả những gì xảy đến với ta đều có giá trị, dù ta có nhận ra được ý nghĩa trên bề mặt của chúng hay không. Mọi thứ trong đời ta, xét đến cùng, đều dẫn ta đến đâu đó. Tuy vậy, tôi vẫn kiên quyết giữ nguyên ảo tưởng về con người mình. Trở thành một người hành thiền tựu thành là mục tiêu duy nhất mà tôi hướng đến. Vì thế tôi đã tìm cách gặp gỡ một bậc thầy tâm linh khác, vị mà tôi tin chắc sẽ hiểu đúng con người tôi. Vị đại sư này vẫn ngày ngày lan tỏa tình yêu thương ấm áp của mình cho hàng trăm con người. Nhất định ngài sẽ nhận ra tôi là một con người tâm linh sâu sắc, giống như những gì tôi tưởng tượng về bản thân. Tương tự lần trước, tôi lại phải chờ cả ngày mới đến lượt mình. Khi tôi đứng ở đầu hàng, chuyện đó lại xảy ra một lần nữa – vẫn cùng những lời đó. “Hãy gọi điện cho cha mẹ. Hãy về nhà giải hòa với họ.” Lần này tôi đã nghe ra được những thông điệp thật sự. Các đại sư nhìn thấu câu chuyện. Họ không quan tâm bạn có tin vào lời dạy của họ hay không. Họ trao cho bạn chân lý, rồi để bạn tự mình khám phá ra chân lý của bản thân. Adam Gopnik đã viết về sự khác nhau giữa một guru và một người thầy trong quyển sách Through Children’s Gate (tạm dịch: Qua cánh cổng trẻ thơ) của mình: “Một guru trao cho ta bản thân ông rồi sau đó là phương pháp của ông; một người thầy thì trao cho ta chủ thể của ông rồi giúp ta nhận ra chính bản thân mình”.

NỖI ĐAU NÀY KHÔNG THUỘC VỀ BẠN 17 Các đại sư hiểu rằng xuất phát điểm sẽ có ảnh hưởng đến đích đến của mỗi người, và những gì chưa được hóa giải trong quá khứ sẽ có ảnh hưởng đến những gì đang diễn ra ở hiện tại. Họ biết rằng cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi người, bất kể họ có phải là cha mẹ tốt hay không. Ta không có cách nào trốn tránh việc này: lịch sử gia đình ta là câu chuyện của chính ta. Dù ta có muốn hay không, những câu chuyện đó vẫn là một phần con người ta. Dù có chuyện gì xảy ra giữa ta và cha mẹ, ta cũng không thể chối bỏ hoặc xóa họ ra khỏi cuộc đời mình. Họ ở trong ta và ta là một phần của họ, kể cả khi ta chưa gặp họ bao giờ. Chối bỏ cha mẹ chỉ khiến ta thêm xa cách với chính mình và tạo ra thêm nhiều đau khổ. Hai vị đại sư kia đã nhìn thấu điều đó. Tôi thì không. Tôi mù lòa vừa theo nghĩa đen vừa theo nghĩa bóng. Giờ đây tôi bắt đầu thức tỉnh, chủ yếu là thức tỉnh trước sự thật rằng tôi đã để lại một mớ hỗn độn ở nhà mình. Suốt nhiều năm, tôi đã phán xét cha mẹ mình một cách khắc nghiệt. Tôi cho rằng mình giỏi giang hơn, nhạy cảm hơn và nhân văn hơn cha mẹ. Tôi đổ lỗi cho cha mẹ về mọi chuyện không như ý trong đời mình. Lúc này đây, tôi phải quay về gặp cha mẹ để khôi phục lại những gì còn thiếu trong tôi – tính dễ tổn thương. Tôi đang trong quá trình nhận thức được rằng khả năng đón nhận tình yêu thương từ người khác có liên hệ mật thiết với khả năng đón nhận tình yêu thương từ mẹ. Thế nhưng, đón nhận tình yêu thương của mẹ là việc không hề dễ dàng với tôi. Tôi từng trải qua một sự rạn nứt

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==