Như Ta Là

Đào Hữu Nghĩa dịch

4 - J. Krishnamurti n “Nếu ta muốn tìm thấy điều gì đó là sự thật, ta phải hoàn toàn thoát khỏi mọi tôn giáo, mọi sự quy định, mọi giáo điều, mọi tín điều, mọi quyền uy khiến ta phải tuân thủ. Nghĩa là, về căn bản, ta phải hoàn toàn đứng một mình, và đó là việc rất khó khăn...” n

Lời nói đầu Đứng một mình là thanh khiết, là hồn nhiên, là thoát khỏi mọi truyền thống, giáo điều, quan điểm, thoát khỏi mọi điều kẻ khác nói, vân vân. Một trí não như thế không cần tìm kiếm, bởi vì không có gì để tìm kiếm; vì đã tự do nên một trí não như thế hoàn toàn tĩnh lặng, không ham muốn, không động đậy. Nhưng trạng thái ấy không phải để đạt được; nó không phải là thứ bạn có thể mua được thông qua kỷ luật, nó không đến do bạn từ bỏ tình dục, hay luyện tập một loại yoga nào. Nó chỉ đến khi ta thấu hiểu đường đi nước bước của cái “tôi”, của bản ngã, vốn tự biểu hiện thông qua ý thức trong hoạt động thường ngày, cũng như trong vô thức. Điều quan trọng là tự mình thấu hiểu, chứ không nhờ sự chỉ dẫn của người khác, toàn bộ nội dung của tâm thức, vốn bị quy định, vốn là kết quả của xã hội, của tôn giáo, của nhiều tác động, ấn tượng, ký ức khác nhau - thấu hiểu mọi sự quy định và thoát khỏi đó. Nhưng không có “cách” nào để được tự do giải thoát cả. Nếu bạn hỏi làm cách nào để được tự do giải thoát, thì bạn đang không lắng nghe.

6 - J. Krishnamurti Những lời lẽ này thách thức sự chuyển động của tâm thức nhân loại - tâm thức bị truyền thống quy định nên chấp nhận cái ý tưởng về sự tiến bộ tinh thần, về thành tựu qua thời gian và các phương pháp để đạt tới đó. Nó thách thức tình trạng quy định sâu sắc về cách để đạt được trong đời sống nội tâm cùng các hệ quả tất yếu của nó: quyền lực tinh thần, niềm tin, sự tuân thủ, ý niệm tìm kiếm chính nó. Các cuộc nói chuyện này cốt yếu chỉ ra sự thấu hiểu ta là như thế nào, như chính ta là, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống thường ngày - không phải ta nên là thế nào, như được định nghĩa bởi các giá trị văn hóa, những lý tưởng tôn giáo và những tương lai tự phóng chiếu ra. Những khám phá như thế này đòi hỏi chính ta phải thấu hiểu chứ không phải chấp nhận những lời được ghi ở đây là đúng. Ở bài nói chuyện cuối cùng được ghi lại trong quyển sách này, một người đã lâm vào chỗ bế tắc đặt ra câu hỏi: “Giờ phải làm sao?”. Khi dấn thân vào một vùng biển không có trên hải đồ, thì đây là câu trả lời để suy ngẫm: Bạn thử nghiệm giáo lý của tôi hay bạn thử nghiệm chính mình? Tôi hy vọng bạn thấy được chỗ khác biệt. Nếu bạn thử nghiệm những điều tôi nói thì bạn phải đi đến câu hỏi “Giờ phải làm sao?”, bởi vì khi đó bạn đang cố gắng đạt được một kết quả mà bạn nghĩ là tôi có. Bạn nghĩ tôi có điều gì đó mà bạn không có, và rằng nếu bạn thử nghiệm điều tôi nói, bạn cũng sẽ có được điều đó, đa phần chúng ta nghĩ thế. Ta tiếp cận những điều này với một tinh thần mua bán - tôi sẽ làm việc này để đạt được điều kia. Tôi sẽ sùng bái, thiền định, hiến tế để đạt được điều gì đó. Bây giờ, bạn không phải thực hành theo giáo lý của tôi. Tôi không có gì để nói cả. Hay đúng hơn, tất cả những gì tôi muốn

như ta là - 7 nói là: Hãy quan sát trí não của chính bạn, hãy nhìn thấy những tầng sâu mà trí não có thể vươn tới; do đó, bạn mới quan trọng, chứ không phải giáo lý. Điều quan trọng đối với bạn là khám phá đường đi nước bước trong tư duy của chính bạn và tư duy đó hàm ý gì, như tôi đang cố gắng chỉ ra trong sáng nay. Và nếu bạn thật sự quan sát tư duy của chính mình, nếu bạn theo dõi, thử nghiệm, khám phá, buông bỏ, để chết đi mỗi ngày mọi điều mà bạn đã góp nhặt, thì bạn sẽ không bao giờ đặt câu hỏi “Giờ phải làm sao?”. Tám cuộc nói chuyện này đã diễn ra mà không có ghi chép gì cả, chỉ nói một cách ngẫu hứng, trong bóng râm của một rừng sồi nhỏ nơi thung lũng Ojai, California, vào mùa hè năm 1955, trước khoảng vài trăm người. Krishnamurti ghé thăm thung lũng này lần đầu tiên vào năm 1922 và đã sống ở đó khi không có lịch nói chuyện ở nơi nào trên thế giới, cho đến khi ông qua đời vào năm 1986. Ông mất năm 91 tuổi tại Pine Cottage (tên ngôi nhà của ông), hiện nay nằm kế bên nhà lưu trữ Krishnamurti (Krishnamurti Archives) ở Ojai, dưới chân vách núi thẳng đứng Topa Topa. Ông đã thành lập nhiều cơ sở trên khắp thế giới để lưu giữ các bài nói chuyện, các tác phẩm viết và các cuộc đối thoại của ông. Cho đến thời điểm xuất bản tập sách này, nhiều thông tin cũng như băng hình, băng tiếng và tài liệu đã có sẵn trên website jkrishnamurti.org.

8 - J. Krishnamurti n “Khi trí não thoát khỏi tất cả sự quy định, bạn sẽ thấy xuất hiện tính sáng tạo của thực tại, của Thượng đế, hay bất cứ điều gì bạn sẽ thấy, và chỉ duy nhất một trí não như thế, một trí não không ngừng trải nghiệm tính sáng tạo này, mới có thể tạo ra một cách nhìn khác, những giá trị khác, một thế giới khác.” n

Cuộc nói chuyện thứ nhất ở rừng sồi Ngày 6 tháng Tám năm 1955 Khắp nơi trên thế giới, ta có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng và ngay cả khi có được những trạng thái hạnh phúc và các chính trị gia có thể đem lại một nền hòa bình trên bề mặt của sự chung sống - với sự thịnh vượng kinh tế trong một đất nước kiểu này, nơi có sự sản xuất bùng nổ và hứa hẹn một tương lai hạnh phúc - tôi cũng không nghĩ rằng các vấn đề của chúng ta có thể dễ dàng được giải quyết. Ta muốn các vấn đề được giải quyết và ta trông mong người khác giải quyết chúng - các bậc thầy tôn giáo, các nhà phân tích, các lãnh tụ - nếu không, ta dựa vào truyền thống, hoặc ta quay sang các loại sách vở, các triết lý khác nhau. Và tôi

10 - J. Krishnamurti cho rằng vì thế nên bạn mới có mặt ở đây - để được bảo ban phải làm gì. Hoặc bạn hy vọng rằng nhờ nghe những lời giải thích, bạn sẽ thấu hiểu những vấn đề mà mỗi người chúng ta đều phải đối mặt. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ mắc phải một sai lầm nghiêm trọng nếu trông mong rằng bằng việc ngồi nghe một cách thoải mái một, hai cuộc nói chuyện, không cần phải chú tâm nhiều lắm, bạn sẽ được hướng dẫn để thấu hiểu vô số vấn đề của ta. Tôi hoàn toàn không có ý định đơn thuần giải thích bằng ngôn từ hoặc về mặt kiến thức các vấn đề mà ta đang đối mặt; trái lại, nỗ lực ta sẽ thực hiện xuyên suốt các cuộc nói chuyện này là thâm nhập sâu hơn vào yếu tố nền tảng đã khiến cho tất cả các vấn đề này trở nên quá phức tạp, gây đau đớn và phiền não vô tận. Xin các bạn hãy nhẫn nại lắng nghe, đừng để bị cuốn theo từ ngữ, hoặc phản đối một vài cách nói hay ý tưởng. Ta phải hết sức nhẫn nại để khám phá cái gì là chân thực. Phần đông chúng ta không nhẫn nại để đi tiếp, để tìm thấy kết quả, để đạt được một thành công, một mục đích, một trạng thái hạnh phúc nào đó, hay để trải nghiệm điều gì đó mà trí não có thể bám vào. Nhưng tôi nghĩ điều cần thiết là sự nhẫn nại và kiên trì tìm kiếm mà không nhắm vào một đích đến. Đa số chúng ta đang tìm kiếm, thế nên ta mới có mặt ở đây, nhưng trong cuộc tìm kiếm, ta muốn thấy điều gì đó, một kết quả, một mục tiêu, một tâm thái sống mà trong đó ta có thể hạnh phúc, bình an. Vậy là công cuộc tìm kiếm của ta đã được xác định trước rồi, phải không? Khi tìm kiếm, ta tìm điều ta muốn, đã được thiết lập, xác định trước, cho nên nó không còn là một sự tìm kiếm. Tôi nghĩ rất cần phải hiểu điều này. Khi trí não tìm kiếm một

như ta là - 11 trạng thái cụ thể nào đó, một giải pháp cho vấn đề, khi trí não tìm kiếm Thượng đế, sự thật hay muốn đạt được một trải nghiệm nào đó, dù là một trải nghiệm thần bí hay một kiểu nào khác, nó đã hình dung ra trước điều nó muốn; và bởi vì nó đã hình dung, đã hình thành trước điều nó tìm kiếm, nên cuộc tìm kiếm đó hoàn toàn chẳng đem lại kết quả. Một trong những điều khó khăn nhất là giải thoát trí não khỏi ham muốn tìm kiếm kết quả. Tôi cho rằng nhiều vấn đề của ta không thể giải quyết được, trừ khi có một cuộc cách mạng nền tảng của trí não, bởi vì chỉ có một cuộc cách mạng như thế mới có thể đem lại nhận thức rằng đâu là sự thật. Cho nên điều quan trọng là phải thấu hiểu sự vận hành của trí não chúng ta, không phải bằng cách phân tích chính mình hay quan sát bên trong, mà bằng cách nhận thức toàn bộ tiến trình của trí não. Và đó là điều tôi muốn đưa ra thảo luận trong các cuộc nói chuyện này. Nếu ta không thấy chính mình như ta là, nếu ta không thấu hiểu người tư duy - cái thực thể tìm kiếm, không ngừng yêu cầu, đòi hỏi, chất vấn, ra sức khám phá, cái thực thể tạo ra vấn đề, cái “tôi”, cái ngã, cái ta - thì khi đó tư tưởng của ta, cuộc tìm kiếm của ta, sẽ là vô nghĩa. Chừng nào công cụ tư duy của ta còn chưa sáng tỏ, còn lầm lạc, còn bị quy định, thì bất cứ suy nghĩ nào của ta cũng bị hạn chế, nhỏ hẹp. Vì thế, vấn đề của ta là làm sao giải thoát trí não khỏi mọi sự quy định chứ không phải làm sao để quy định nó tốt hơn. Bạn hiểu chứ? Phần lớn chúng ta đều tìm kiếm một sự quy định tốt đẹp hơn. Những người Công giáo, Tin Lành và những giáo phái khác nhau trên khắp thế giới, kể cả Hindu giáo và Phật giáo, đều đang tìm cách để quy định trí não

12 - J. Krishnamurti theo một khuôn mẫu cao quý hơn, đạo đức hơn, bao dung hoặc tôn giáo hơn. Chắc chắn tất cả mọi người trên khắp thế giới đều đang cố gắng quy định trí não theo một cách tuyệt vời hơn, và không bao giờ thắc mắc về việc giải phóng trí não khỏi mọi sự quy định. Nhưng đối với tôi, khi nào trí não còn chưa thoát khỏi mọi sự quy định, tức là chừng nào trí não còn bị quy định là một tín đồ Công giáo, tín đồ Phật giáo, Hindu, hay bất cứ gì, thì còn phải có vấn đề. Chắc chắn, chỉ có thể khám phá cái gì là thực tại, hoặc liệu có điều gì là Thượng đế hay không khi nào trí não thoát khỏi mọi sự quy định. Sự bận tâm đơn thuần của một trí não bị quy định với Thượng đế, với sự thật, với tình yêu thật sự không có ý nghĩa gì cả, bởi vì một trí não như thế chỉ có thể vận hành trong phạm vi sự quy định của nó. Người không tin vào Thượng đế nghĩ một đằng, còn người tin vào Thượng đế, đầu óc chứa chấp tín điều của mình, thì nghĩ một nẻo; nhưng cả hai trí não ấy đều bị quy định, cho nên không trí não nào có thể suy nghĩ một cách tự do, và mọi phản kháng, lý thuyết hay tín điều của họ đều chẳng có ý nghĩa gì. Thế nên, tôn giáo không phải là đến nhà thờ, đền, chùa, chấp nhận một số tín điều và giáo điều. Tôn giáo có thể là một cái gì đó hoàn toàn khác; tôn giáo có thể là sự giải phóng hoàn toàn trí não khỏi cái đầm lầy truyền thống mênh mông tồn tại hàng mấy trăm năm, bởi vì chỉ có một trí não tự do giải thoát mới có thể tìm thấy sự thật, thực tại, điều gì đó vượt ra khỏi những dự phóng của chính nó. Đây không phải là lý thuyết của riêng tôi, nếu ta có thể thấy những gì đang diễn ra trên thế giới. Những người Hindu giáo muốn giải quyết vấn đề của cuộc sống theo cách này,

như ta là - 13 còn người Kitô giáo muốn giải quyết theo cách khác, vậy là trí não họ đều bị quy định. Trí não bạn bị quy định như một tín đồ Kitô giáo, dù bạn có thừa nhận hay không. Dù bạn có thể phá bỏ truyền thống Kitô giáo trên bề mặt, nhưng những tầng lớp sâu thẳm của vô thức vẫn tràn ngập truyền thống đó, chúng đã bị quy định bởi nhiều thế kỷ giáo dục theo một khuôn mẫu cụ thể. Và chắc chắn một trí não muốn tìm thấy điều gì vượt ra khỏi đó, nếu quả thật có điều đó, thì trước hết nó phải thoát khỏi mọi quy định. Vì vậy, trong những buổi trò chuyện này, ta không thảo luận về việc cải thiện bản thân theo bất kỳ phương hướng nào, ta cũng không quan tâm đến việc cải thiện một khuôn mẫu nào, tức là ta không tìm cách quy định trí não theo một khuôn mẫu cao quý, có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn. Trái lại, ta đang cố gắng tìm ra cách nào để giải thoát trí não, toàn bộ tâm thức, khỏi mọi sự quy định, bởi vì nếu điều đó không xảy ra thì không thể có sự trải nghiệm thực tại. Bạn có thể nói về thực tại, bạn có thể đọc vô số sách vở nói về nó, đọc hết mọi kinh sách của phương Đông và phương Tây, nhưng chừng nào trí não còn chưa nhận thức được tiến trình của chính nó, chừng nào nó còn chưa tự thấy mình đang vận hành theo một khuôn mẫu cụ thể và thoát ra khỏi đó, thì rõ ràng mọi công cuộc tìm kiếm đều vô ích. Thế nên đối với tôi, điều quan trọng nhất là phải bắt đầu với chính ta, nhận thức được sự quy định của chính ta. Và việc biết được rằng ta bị quy định là một việc khó khăn lạ thường! Trên bề mặt, ở các tầng lớp phía trên của trí não, ta có thể nhận thức rằng ta bị quy định; ta có thể phá vỡ một khuôn mẫu và thay bằng một khuôn mẫu khác, từ bỏ

14 - J. Krishnamurti Công giáo và gia nhập một nhóm khác cũng chuyên quyền không kém, và nghĩ rằng ta đang tiến hóa, đang vươn đến thực tại. Nhưng ngược lại, đó chỉ là thay đổi nhà tù. Tuy nhiên, đó lại là điều mà đa phần chúng ta muốn - tìm thấy một nơi chốn an toàn trong đường lối tư duy của ta. Ta muốn theo đuổi một khuôn mẫu cố định và không bị quấy nhiễu trong tư tưởng của ta, trong hành động của ta. Nhưng chỉ trí não nào đủ khả năng nhẫn nại quan sát sự quy định của chính mình và thoát khỏi sự quy định đó - một trí não như thế mới đủ khả năng có một cuộc cách mạng, một sự biến chuyển tận gốc và nhờ đó khám phá cái vượt lên trí não đến vô cùng, vượt lên mọi ham muốn, những thứ hư ảo, những sự theo đuổi. Nếu không tự biết mình, không biết bản thân ta như ta là - chứ không phải như con người ta muốn là, vốn chỉ là một ảo tưởng, một sự lẩn tránh duy tâm - không biết đường lối tư duy của mình, mọi động cơ, tư tưởng, vô số những phản ứng của chính ta, thì sẽ không thể thấu hiểu và vượt ra khỏi toàn bộ tiến trình tư duy. Bạn đã trải qua nhiều khó khăn phiền phức mới đến được đây vào một buổi chiều oi bức để nghe nói chuyện. Và tôi tự hỏi không biết bạn có lắng nghe không. Lắng nghe là gì? Tôi nghĩ ta cần đi sâu vào đó một chút, nếu bạn không phiền. Bạn có thật sự lắng nghe không, hay bạn chỉ đang diễn dịch những điều đang được nói ra dưới dạng hiểu biết của riêng bạn? Bạn có thể lắng nghe ai đó không? Phải chăng trong chính quá trình lắng nghe, nhiều tư tưởng, ý kiến khác nhau khởi lên để chính kiến thức và kinh nghiệm của riêng bạn xen vào giữa điều đang được nói với điều bạn hiểu về nó?

MỤC LỤC Lời nói đầu 5 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ NHẤT Ở RỪNG SỒI 9 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ HAI Ở RỪNG SỒI 25 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ BA Ở RỪNG SỒI 43 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ TƯ Ở RỪNG SỒI 61 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ NĂM Ở RỪNG SỒI 81 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ SÁU Ở RỪNG SỒI 99 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ BẢY Ở RỪNG SỒI 117 CUỘC NÓI CHUYỆN THỨ TÁM Ở RỪNG SỒI 139 Phụ lục - THIỀN 159

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==