Người lạ với chính ta
Tâm trí bất ổn và những câu chuyện định hình chúng ta RACHEL AVIV Bùi Trần Ca Dao dịch STRANGERS TO OURSELVES
Mở đầu: RACHEL “Ai đó tốt hơn tôi” Khi mới vào lớp Một, tôi kết thân với một cô bạn tên là Elizabeth. Đó là học sinh lớn tuổi nhất lớp chúng tôi nhưng người lại bé xíu, chân tay gầy gò, xương xẩu. Chúng tôi quen nhau qua trò ô ăn quan. Trò này người chơi phải thả những viên bi vào mười bốn cái lỗ nông choèn trên một tấm ván gỗ. Tôi từ chối các bạn học khác để luôn rảnh khi chị Elizabeth rủ chơi cùng. Vì lẽ nào đó mà chị luôn làm vậy thật. Tôi cảm giác tình bạn của chúng tôi đúng là thứ “cầu được ước thấy”. Tôi hỏi mẹ tại sao nhà Elizabeth ở Bloomfield Hills, một khu ngoại ô giàu có của Detroit, lại có mùi rất khác với nhà chúng tôi. Và tôi không thỏa mãn khi mẹ trả lời: “Là do mùi bột giặt”. Thế thì có gì đáng nói đâu. Nhà Elizabeth rộng đến nỗi tôi dám chắc chị ấy từng bị lạc trong đó. Chị có một chiếc giường treo màn trướng màu vàng, một căn phòng riêng để chứa quần áo và có hẳn một bể bơi. Chị còn cho tôi thấy mái tóc vàng của chị óng lên như thế nào mỗi khi chị chải nó. Nhà Elizabeth có một tủ lạnh dưới tầng hầm chỉ dành riêng cho nước ngọt và có lần, chị còn đề nghị chúng tôi thử cho đầu gối
12 - STRANGERS TO OURSELVES uống Coca. Chúng tôi đã thử nghiệm trò này trong xe hơi của người giữ trẻ và bật cười khi Coca nhỏ tong tong xuống ghế. Làm gì có chuyện chỉ có mỗi một cách uống Coca chứ. Ở nhà, đôi khi tôi giả vờ mình là chị Elizabeth. Tôi bước vào các phòng và tưởng tượng mình không biết nó sẽ dẫn tới đâu. Việc tôi sinh ra là tôi chứ không phải là Elizabeth có vẻ là một vận xui. Đã có lần tôi mơ thấy mình có cơ hội trở thành Elizabeth nếu chọn đúng chỗ ngồi trên xe buýt của trường. Thế mà đi qua mười ba hàng ghế, quá choáng ngợp trước cơ hội này, tôi đã chọn nhầm chỗ. Và tôi vẫn còn nhớ mình đã tuyệt vọng thế nào khi tỉnh dậy. Tôi vừa tròn sáu tuổi nên ranh giới giữa người với người còn mờ nhạt. Trong giờ học nhạc, tôi được xếp ngồi giữa hai cậu bạn: Một bên là Sloan, cậu bạn cao nhất lớp, quanh năm mắc chứng thò lò mũi xanh. Bên kia là Brent, người mũm mĩm và hít thở nặng nhọc đến nỗi thỉnh thoảng tôi lại ngó xem liệu có phải cậu ta đang ngủ không. Những đặc điểm cơ thể của hai cậu bạn này có vẻ rất dễ lây nhiễm, nên để bảo vệ bản thân, tôi cố ngồi ở vị trí ngay chính giữa, cách cả hai cậu càng xa càng tốt. Nếu nhích về phía Sloan, tôi sẽ thấy mình cao lên quá. Nếu nhích về phía Brent, tôi nghĩ mình sẽ béo lên. Tôi và chị Sari của tôi đã từng xem tin tức về một người đàn ông béo phì đang ở trên giường thì lên cơn đau tim, sau đó người ta phải dùng cần cẩu đưa ông ta ra khỏi căn hộ. Chúng tôi đã thử hình dung về quá trình thực hiện: Họ có phải phá dỡ các bức tường không? Họ cột giữ người đàn ông ấy vào chiếc cần cẩu bằng cách nào? Tôi quyết định nghiêng về phía Sloan.
NGƯỜI LẠ VỚI CHÍNH TA - 13 Vào giờ ăn trưa, mọi học sinh trong lớp đều được yêu cầu phải lấy ít nhất một mẩu cho mỗi món – một sợi mì, một hạt đậu. Nhiều năm sau, cô Calfin, giáo viên lớp Một của tôi đã nói với tôi rằng “Em cứ ngồi im, trầm ngâm ngắm những mẩu thức ăn của mình, còn cô thì cứ hò hét ‘Ăn nhanh nào các em! Chúng ta chỉ có hai mươi phút thôi! Hãy ăn tiếp đi!’. Nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra rất chậm”. Vào năm học mới được hai tuần, một hôm, tôi xin phép đi vệ sinh sau bữa trưa. “Em cần ‘đi nặng’ sao?”, cô Calfin hỏi. Cô kể tôi đã trả lời rằng tôi chỉ muốn soi gương. Vài ngày sau, tôi không đụng đến những mẩu thức ăn mà cô Calfin để lên dĩa của tôi nữa. Cô đề nghị tôi thử đến quầy salad – thỉnh thoảng tôi có ăn bánh mì crouton ở đó. Tôi cố giấu miệng cười khi nói không. Cô nhìn tôi chăm chú với một vẻ mặt mà tôi không biết gọi là gì, vừa giống một cái cau mày mà cũng vừa giống một nụ cười. Tôi có thể cảm thấy cô đang suy nghĩ xem tôi là người thế nào và cái vẻ tập trung của cô trông thật ngộ. Tôi yêu quý cô và lo rằng tình cảm của mình không được đáp lại. Theo tôi thấy, có vẻ như cô thích những học trò điềm tĩnh có mẹ làm tình nguyện ở trường hơn. Trong hai ngày tiếp theo, tôi hầu như không chịu ăn uống. Tôi không còn nhớ lý do là gì, chỉ nhớ được phản ứng của người lớn và cảm giác tự hào mơ hồ của mình. Việc này là tôi học được từ lễ chuộc tội Yom KippurI mà chúng tôi vừa tổ chức vào tuần trước. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình I Ngày thiêng liêng nhất của người Do Thái giáo. Vào lễ này, tín đồ sẽ kiêng ăn trong 25 giờ và cầu nguyện chuyên tâm để chuộc tội cho bản thân và gia đình.
14 - STRANGERS TO OURSELVES có thể nói không với đồ ăn. Quyết định này là để giữ lại tinh thần tôn giáo của ngày lễ ấy và mang hơi hướng tử đạo. Tôi đi học tiếng Do Thái ba buổi mỗi tuần và thích thú với ý tưởng rằng mình có một vài kênh liên lạc vô hình với Chúa. Mỗi ngày vài lần, tôi cầu nguyện gia đình mình được khỏe mạnh cho đến “tám mươi bảy tuổi hoặc hơn”, tôi lặp lại “con và mẹ” nhiều lần, vì cảm thấy sự tồn tại của chúng tôi là quan trọng nhất. Tôi nhớ mình đã bước đi trên lối rải sỏi ở sân sau nhà bạn gái của cha và nhận ra rằng mọi bước đi đều đã được Chúa định trước. Nhưng sự khai ngộ ấy đã bị sự tự ý thức lấn át; tôi cảm thấy có lẽ mình đang trải qua khoảnh khắc “bụi gai bốc cháy”I. Đối với tôi khai ngộ điều gì thì cũng không quan trọng bằng khao khát khẳng định mình là người có khả năng đạt được sự khai ngộ đó. Ngày 30 tháng Chín năm 1988, tôi nói với mẹ rằng tôi chóng mặt đến mức cảm thấy như sắp va vào tường. Tôi hầu như đã không ăn gì suốt ba ngày trời. Mẹ đưa tôi đến gặp bác sĩ nhi. Sau này mẹ kể: “Mẹ cứ nghĩ, ừ thì họ sẽ truyền cho con một loại dịch nào đó rồi mẹ sẽ đưa con về nhà”. Mẹ kể rằng tôi khi ấy là một đứa trẻ sáu tuổi hồ hởi và hồn nhiên. Nhưng bạn gái của cha tôi là Linda, sau này trở thành mẹ kế của tôi, lại nhớ rằng trong những lần cô có mặt thì tôi là đứa trẻ buồn bã nhất mà cô ấy từng biết. Mỗi khi cô giới thiệu cho tôi những hoạt động mà cô nghĩ tôi sẽ thích thì tôi thường chỉ I Trong kinh Torah của Do Thái giáo và sách Xuất hành của Kinh Thánh Cựu Ước có ghi lại sự kiện này: Khi đang dẫn đàn chiên băng qua sa mạc, ông Moses nhìn thấy Thiên Chúa hiện ra giữa bụi gai đang cháy bừng bừng nhưng không bị thiêu rụi.
NGƯỜI LẠ VỚI CHÍNH TA - 15 trả lời bằng cùng một câu: “Cái đó thì có gì quan trọng chứ?”. Linda thấy tôi có khả năng bất thường là ngồi im phăng phắc trong khi đang lặng lẽ khóc, thường là bên bàn ăn. Cha sẽ bảo tôi ăn và tôi sẽ cự tuyệt, cảnh đó có khi kéo dài hơn cả giờ đồng hồ cho đến khi cha bỏ cuộc rồi chở tôi đến trường. Bác sĩ ghi chú rằng tháng trước tôi đã bị sụt gần hai ký. Cho đến gần đây tôi vẫn theo chế độ ăn uống bình thường, như ông viết: “chủ yếu là pizza, thịt gà và ngũ cốc”. Ông mô tả “những việc đã hoàn thành gần đây” của tôi là “chạy, nhảy, đạp xe”. Về phần “đời sống cá nhân/xã hội”, ông ghi rằng tôi bị buồn chán. Ông khuyên mẹ đưa tôi đến Bệnh viện Nhi Michigan, ở Detroit. Ở đó, người ta cho tôi nhập viện vì “không ăn được”. Một bác sĩ tâm thần tại bệnh viện này mô tả tôi là “một bé gái phát triển tốt nhưng rất gầy và không trải qua sự đau buồn sâu sắc nào”. Một bác sĩ tại bệnh viện, sau khi phỏng vấn cha mẹ tôi – họ vốn đã ly hôn từ một năm trước và vẫn đang tranh chấp quyền nuôi chị em tôi – đã viết: “Mẹ đứa trẻ nói người cha cười nhạo những người béo phì và người cha không phản đối tuyên bố này”. Mặt khác, cha lại cho rằng vấn đề của tôi bắt nguồn từ mẹ, một người “lo lắng thái quá về thực phẩm”. Mẹ dự trữ nhiều bánh mì nguyên hạt đến mức thỉnh thoảng những ổ bánh mì mẹ mua ở chợ nông sản quanh Detroit đổ ùa ra khi chúng tôi mở cửa tủ đông. Nhưng thái độ của mẹ đối với đồ ăn tương đối bình thường, thậm chí có thể gọi là đam mê. Giống như nhiều người phụ nữ cùng độ tuổi, thỉnh thoảng mẹ cũng cố gắng ăn kiêng nhưng ngày càng không tin vào việc ấy.
16 - STRANGERS TO OURSELVES Một tuần trước khi tôi nhập viện, mẹ viết nhật ký cho tôi – tôi chưa biết viết nên mẹ chép lại những gì tôi nói – nhưng tôi không chia sẻ chi tiết nào về tâm trạng của mình, chỉ kể lại những sự kiện trong ngày theo trình tự thời gian, thỉnh thoảng xen vào những câu hỏi như: “Con rắn bị tiêu chảy thì đi nặng thế nào?” và “Tại sao con người không có đuôi?”. Thời điểm đó, mẹ tôi vừa chia tay bạn trai, mẹ cũng viết nhật ký cho riêng mình. Tuần đó, mẹ ghi lại một giấc mơ, như mẹ vẫn luôn làm thế, trong mơ, bà nhờ một người làm vườn dỡ ngôi nhà của chúng tôi ra, từng viên, từng viên gạch một. “Tất cả những gì còn lại là đất và khung xi măng của ngôi nhà”, mẹ viết. Buổi tối đầu tiên ở bệnh viện, y tá đưa cho tôi một khay thức ăn nhưng tôi không chịu ăn. Mẹ tôi đang đói nên bà đã ăn phần ăn đó. “Họ nổi điên với mẹ”, mẹ kể lại. “Mẹ không được lẫn lộn đồ mẹ ăn với đồ con ăn.” Ngày hôm sau, các y tá truyền dịch qua tĩnh mạch cho tôi vì tôi bị mất nước. Hồ sơ bệnh án của tôi không thể hiện được một bức tranh mạch lạc về lý do tại sao tôi không ăn, không uống. Một nhà tâm lý học đã viết: “Rõ ràng, các triệu chứng của đứa trẻ này là một sự biểu hiện bệnh lý trong mối quan hệ giữa người cha và người mẹ”. Một người khác nhận xét: “Rachel cố gắng nhìn vào bên trong bản thân để hiểu và giải quyết những cảm xúc mãnh liệt liên quan đến thế giới bên ngoài của cô bé”, nhưng lại phải vật lộn với “quá trình suy nghĩ phức tạp thái quá”, dẫn đến “thái độ tự lên án (ví dụ: Chắc là tại mình)”. Mặc dù mô tả như thế có thể đúng với hầu hết mọi người, nhưng các bác sĩ lại kết luận tôi là “một ca chán ăn tâm thần bất thường”.
NGƯỜI LẠ VỚI CHÍNH TA - 17 Chứng biếng ăn (anorexia) thường được mô tả là một “chứng rối loạn đọc hiểu”1, gây ra bởi việc tiếp thu thiếu suy xét những bài viết miêu tả sự gầy gò là vóc dáng lý tưởng của phụ nữ. Nhưng tôi chỉ mới bắt đầu học đọc. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến chứng biếng ăn. Khi mẹ nói kết quả chẩn đoán cho tôi nghe, tôi thấy từ đó nghe như tên một loài khủng long. Học giả người Nhật Takayo Mukai, một người mắc chứng biếng ăn, cũng từng có cảm giác mơ hồ tương tự khi gặp từ này vào thập niên 1980, trước khi chứng biếng ăn trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản: “Cái từ có tám chữ cái ấy chỉ là một phong bì trống rỗng, không tem, không địa chỉ”2. Cha tôi và cô Linda đến thư viện địa phương và đọc quyển sách duy nhất họ có thể tìm được về chủ đề này: The Golden Cage (tạm dịch: Lồng vàng) của Hilde Bruch, xuất bản năm 1978. Bruch là một nhà phân tâm học nổi tiếng với biệt danh “Lady Anorexia” (Quý bà Biếng ăn)3. Bà bắt đầu viết về chứng này từ thập niên 1960, khi nó còn chưa được biết đến nhiều. Bà đặt ra giả thuyết rằng tính mới lạ là yếu tố thiết yếu đối với chứng bệnh mà bà mô tả là “sự tìm kiếm mù quáng một cảm giác về căn tính và tính cá nhân”4. Bà dự đoán (không chính xác) rằng đến một lúc nào đó, số phụ nữ mắc chứng biếng ăn đủ nhiều thì tỷ lệ mắc bệnh có thể giảm vì nó sẽ không còn tạo ra cảm giác đặc biệt nữa. Bà viết: “Chứng bệnh này từng là thành tích của một cô gái bị cô lập, cô ấy cảm thấy đã tìm được con đường cứu rỗi cho riêng mình. Theo một nghĩa nào đó, mỗi người đều là người đầu tiên phát minh ra con đường lầm lạc dẫn đến sự độc lập này”5.
18 - STRANGERS TO OURSELVES Mẹ tôi cũng đã đọc về chứng biếng ăn, chủ yếu từ góc độ phân tâm học vốn đang thịnh hành vào thời điểm đó, và đã nhiễm vào đầu một thông điệp chung: chính người mẹ là nguyên nhân. “Chính mình đã gây ra toàn bộ nỗi đau này – và cả tổn thương ban đầu”, câu này xuất hiện trong quyển nhật ký đóng gáy lò xo mà mẹ thường để trong xắc. Rồi mẹ biến nhận thức này thành một lời cáo buộc đối với tính cách của bản thân: “Mình phải thừa nhận là mình có thiên hướng xấu tính và gây tổn thương người khác. Đôi khi, những gì mình làm với các con thật xấu xa – dù mình nghĩ mình đã cố hết sức để bảo vệ chúng”. Chị em tôi đều không nhớ mẹ từng làm điều gì có vẻ xấu xa, nhưng mẹ lại đi tin lời mấy quyển sách kia nói về bản thân mẹ. Trong nhật ký nói về một cuộc trò chuyện với các bác sĩ của tôi, mẹ tự nhắc mình phải “khiêm tốn” và không được “tự cho là mình hiểu điều gì đang xảy ra”. Tôi cảm thấy từ “biếng ăn” đầy uy lực đến mức tôi sợ phải nói ra. Tôi đang học cách phát âm các chữ cái và tôi cảm giác các từ ngữ giống như những thực thể hữu hình bằng cách nào đó có thể hiển hiện ý nghĩa của chúng ra ngoài. Tôi không nói ra tên bất kỳ món ăn nào vì cảm giác nói ra cũng giống như đang ăn vậy. Một nhà tâm lý đã ghi lại: “Nếu có ai nói những từ ngữ như vậy trước mặt cô bé, bé sẽ bịt tai lại”. Tôi không nói “tám” vì cách phát âm con số này giống như “đã ăn”I. Tôi rất khó chịu khi một người y tá, do quá nản lòng trước sự bướng bỉnh của tôi, đã bảo tôi là một “cục kẹo cứng đầu”. Mẹ tôi thì nhạy cảm hơn với những vấn đề của tôi và khi tôi hỏi I Số tám trong tiếng Anh là eight (/eit/) có cách phát âm giống ate (/eit/) nghĩa là “đã ăn”.
NGƯỜI LẠ VỚI CHÍNH TA - 19 về căn bệnh của người bạn nằm cùng phòng, cô bé ấy mắc bệnh tiểu đường, mẹ tôi đã tránh dùng từ “đường”. Bà giải thích: “Nó là kiểu bệnh trái ngược với bệnh của con”. Người phụ trách theo dõi ca bệnh của tôi là một nhà tâm lý trẻ tuổi ân cần và có giọng nói nhẹ nhàng, tên là Thomas Koepke. Tôi trả lời những câu hỏi của chú ấy ngắn gọn hết mức có thể và mơ hồ sợ rằng ngay cả khi im lặng, những suy nghĩ của tôi vẫn sẽ được ghi lại và in ra phía sau đầu, giống như những trang giấy chui ra từ một chiếc máy in. Trong một đánh giá mà hiện tại có thể khiến tôi khá ngượng ngùng về nghề nghiệp mình chọn, một nhà tâm lý khác viết: “Rachel cư xử theo kiểu tỏ ra cô bé ý thức rất rõ khả năng của mình trong việc kiểm soát cuộc phỏng vấn”. Koepke nói với cha mẹ tôi rằng các bác sĩ trong nhóm của ông chưa có bằng chứng nào cho thấy từng có một đứa trẻ mới sáu tuổi mà lại được chẩn đoán mắc chứng biếng ăn. Tuy nhiên, họ vẫn chuyển tôi ra khỏi phòng bệnh chung với cô bé mắc bệnh tiểu đường và đưa tôi lên tầng năm của bệnh viện, nơi mà theo như tôi thấy là được phân chia phòng theo chủng tộc. Ở cuối hành lang là những đứa trẻ da đen bị bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm. Ở khoảng giữa, nơi tôi được đưa vào, là một nhóm nhỏ các cô bé da trắng, tất cả đều lớn tuổi hơn tôi. Do suy dinh dưỡng, mặt và cánh tay của một số đứa được phủ một lớp lông tơ như da trẻ sơ sinh. Mỗi sáng, chúng tôi đều mặc áo bệnh viện để cân, lưng quay về mặt cân. Các cô bé thường nói về “phần thưởng” của mình. Nếu ăn hết một suất ăn, đặt khay lên giường mà các y tá không
20 - STRANGERS TO OURSELVES thấy một mẩu vụn lớn nào bị rơi rớt trên đùi thì chúng tôi có thể gọi điện cho cha mẹ. Nếu chúng tôi ăn được hai bữa một ngày, cha mẹ có thể đến bệnh viện thăm một giờ đồng hồ. Nhưng nếu không chịu ăn thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng: Bỏ hai bữa là bị buộc phải nằm trên giường nghỉ ngơi. Muốn sử dụng nhà vệ sinh, chúng tôi phải gọi một y tá, người này sẽ ghi chép lại “đầu ra” của chúng tôi. Chúng tôi không được tự do xem ti-vi hoặc đến phòng giải trí để chơi đùa như những bệnh nhi khác. Chiếc ống truyền thức ăn – hình phạt cho việc sụt cân quá nhiều – luôn lơ lửng đe dọa trong đầu chúng tôi vào mỗi bữa. Tôi không hề biết rằng cái ống đó sẽ được luồn qua lỗ mũi của mình. Tôi tưởng tượng ra một cái ống khổng lồ, giống như cầu trượt có mái che, và tôi sẽ phải sống ở trong đó. Ở khoa điều trị biếng ăn, tôi có một người bạn cùng phòng mới. Chị ấy tên Carrie, mười hai tuổi, có mái tóc màu vàng rơm. Tôi hỏi “Chị có thấy em kỳ quặc không?” nhiều lần đến mức cuối cùng chị ấy cũng trả lời: “Nếu em mà hỏi chị một lần nữa thì chị sẽ nói có”. Carrie biết tất cả các y tá ở tầng của chúng tôi và chị cũng kết thân với những bệnh nhân khác. Tôi xem chị và bạn của chị là Hava nằm ở phòng kế bên như những người cố vấn. Hava cũng mười hai tuổi, xinh đẹp, với những đường nét sắc sảo và mái tóc nâu dài mà chị ấy không buồn chải. Ở chị có điều gì đó thô dại và hoang dã khiến tôi nhớ đến những nhân vật nữ chính trong các sách nói về quá trình định cư của những người Mỹ tiên phong. Chị viết nhật ký chi tiết về thời gian nằm viện, mang hơi hướng ngôn ngữ trị liệu, thứ ngôn ngữ mà chị đang học cách sử dụng để
NGƯỜI LẠ VỚI CHÍNH TA - 21 cố hiểu bản thân. Là một cô bé nhạy cảm trước tuổi với môi trường xung quanh, vừa gặp tôi chị đã thấy thương cảm: “Ôi lạy Chúa, cô bé này chỉ mới sáu tuổi”, chị viết. “Nhìn cô bé mà xem!” Chị tiếp tục: “Hãy để cô bé tin tưởng một người lớn và giải phóng những hành vi hồn nhiên trẻ con ẩn giấu đâu đó bên trong cơ thể căng thẳng và cứng đơ đó. Mình dám cá cô bé chỉ đang đợi ai đó chìa tay ra để nắm lấy!”6. Có thể Hava cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tinh thần lễ Yom Kippur. Chị theo học một trường ngoại trú Do Thái và chị đã ghi trong nhật ký là vô cùng sợ sẽ không “được ghi vào sổ sự sống” – quyển sổ mà Thiên Chúa dùng để ghi lại những người xứng đáng được sống thêm một năm nữa. Chị tự trách móc bản thân vì đã “không đạt được trạng thái toàn thiêng toàn thánh”. Giữa chúng tôi còn có những điểm tương đồng khác: Cha mẹ của Hava cũng vướng vào một cuộc ly hôn kéo dài và đầy thù hận, họ cũng cười cợt những người bạn của gia đình bị béo phì. Hava viết: Họ “luôn chế giễu gia đình Ornstein và gọi gia đình ấy là OinksteinsI”. Chị cũng có một người bạn giống như Elizabeth, chị không chỉ ngưỡng mộ người bạn này mà còn muốn trở thành giống như bạn. Trong nhật ký, chị viết, khi đến chơi nhà người bạn ấy, chị thích tưởng tượng rằng mình sống ở đó và không bao giờ về nhà nữa. Chữ viết tay của chị giống chữ của tôi đến mức mới đây, khi đọc một số đoạn trong nhật ký của chị, tôi đã thoáng nhầm tưởng là đang đọc những dòng chữ của chính mình. I “Oink” là từ chỉ tiếng lợn kêu.
Mục lục Lời giới thiệu 5 Mở đầu: RACHEL 11 RAY 45 BAPU 97 NAOMI 159 LAURA 233 Phần kết: HAVA 287 Ghi chú 313 Tri ân 341
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==