Nghệ Thuật Sống Vững Vàng

BRAD STULBERG Nghệ thuật SỐNG VỮNG VÀNG THE PRACTICE OF GROUNDEDNESS Con đường dẫn đến thành công bền vững và một cuộc sống trọn vẹn Thanh Thảo dịch NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ

BRAD STULBERG Nghệ thuật SỐNG VỮNG VÀNG THE PRACTICE OF GROUNDEDNESS Con đường dẫn đến thành công bền vững và một cuộc sống trọn vẹn Thanh Thảo dịch NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ

7 Xin gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, nhà văn, triết gia, nhà thơ, các vị thánh, tu sĩ và tất cả những nhà tiên phong khác vì đã cống hiến cho nhân loại những tư tưởng vĩ đại. Quyển sách này đã kế thừa nhiều ý tưởng và công trình nghiên cứu của họ. Nguyện vọng của tôi là quyển sách này có thể trở thành một đóng góp nhỏ bé cho thư viện tri thức vốn đã đồ sộ và trường tồn của nhân loại. Trong suốt quá trình biên soạn, tôi vẫn luôn suy ngẫm làm sao để quyển sách này có thể trở thành một tác phẩm khiến con trai Theo của tôi cảm thấy tự hào. Tôi dành tặng quyển sách này cho thằng bé. Đây cũng là món quà tôi dành tặng cho tất cả các bạn.

9 Phần I NGUYÊN TẮC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THÀNH CÔNG VỮNG CHẮC

11 1 ĐỨNG VỮNG TRƯỚC KHI VƯƠN CAO Mùa hè năm 2019, tôi bắt đầu nhận thấy nhiều khách hàng của mình – dù là nhà điều hành cấp cao, doanh nhân thành đạt, bác sĩ hàng đầu hay các vận động viên ưu tú – đều cùng gặp phải một vấn đề. Trước đây, chúng tôi từng dành phần lớn thời gian để thảo luận về những thói quen và nếp sinh hoạt giúp mang lại hiệu quả cao trong công việc, nhưng trong vài năm trở lại đây, tôi lại được nghe họ nói về một vấn đề hoàn toàn khác. Một trong các khách hàng của tôi là Tim, bác sĩ trưởng khoa tại một hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn, đã tâm sự: “Tôi thật sự muốn được nghỉ ngơi vài ngày. Nhưng mỗi lần cố dành ra dù chỉ một ngày cuối tuần để thư giãn thì tôi lại không thể kiềm được mà cứ liên tục kiểm tra email công việc. Về mặt lý trí, tôi biết mình không cần phải làm thế và cũng không thật sự muốn làm thế, nhưng tôi không cưỡng lại được. Sự thật là tôi sẽ bắt đầu trở nên bồn chồn và bất an nếu không liên tục kiểm tra email công việc”.

12 THE PRACTICE OF GROUNDEDNESS Những khách hàng khác của tôi thì cảm thấy hết sức lo lắng khi không có “công việc tiếp theo” trong lịch trình, mà thậm chí dù có đi nữa thì họ vẫn sợ thiếu. Họ cảm thấy bản thân có một nhu cầu sâu kín, đó là phải luôn thúc đẩy mình chinh phục một mục tiêu nào đó để không cảm thấy đời mình trống rỗng. Samantha, nữ doanh nhân sở hữu một công ty công nghệ có mức tăng trưởng cao, chia sẻ với tôi: “Tôi từng cho rằng sau khi gọi được vốn và đưa công ty đi vào hoạt động thì tôi sẽ cảm thấy hài lòng, nhưng tôi đã lầm. Giờ thì tôi bắt đầu thấy lo sợ, vì nếu như thế vẫn là chưa đủ làm tôi thỏa mãn thì tôi không chắc phải thế nào mới là đủ nữa”. Một số khách hàng cũng chia sẻ rằng lúc nào họ cũng thấy mình đang ở trong trạng thái rệu rã, thiếu tập trung – về mặt thể chất hoặc tinh thần – bởi luôn mất quá nhiều thời gian nhìn lại quá khứ, suy tính tương lai, nghi ngờ các quyết định của bản thân hoặc bị cuốn vào các tình huống giả định. Ben, giám đốc điều hành của một công ty phần mềm lớn, đã miêu tả trạng thái này như sau: “Từ lâu rồi tôi vẫn thường dễ bị xao nhãng và có khuynh hướng nghiêm trọng hóa vấn đề. Thế nhưng giờ đây tình trạng đó đã trở nên trầm trọng hơn, giống như tôi đã mắc phải chứng ‘xao nhãng thái quá’ vậy. Việc tập trung vào hiện tại trở nên khó hơn bao giờ hết. Tôi vẫn có thể đối phó với tình trạng này, nhưng tôi không thích nó chút nào”. Hầu hết những cá nhân này – bao gồm Tim, Samantha và Ben – đều là những người dám nghĩ dám làm. Họ rất quyết đoán, hành động có mục tiêu rõ ràng và rất để tâm tới

13 NGHỆ THUẬT SỐNG VỮNG VÀNG công việc cũng như đời sống cá nhân của mình. Họ đã quá quen với việc đương đầu với nghịch cảnh. Với các vận động viên, nghịch cảnh đó là những chấn thương nghiêm trọng trong lúc thi đấu; với các giám đốc điều hành đến từ nhóm thiểu số, khó khăn mà họ phải đối mặt chính là thành kiến và nạn phân biệt đối xử; các doanh nhân thì phải chống chọi với những thời khắc cam go trên thương trường. Ai cũng từng phải đối mặt với chứng căng thẳng trầm trọng, đặc biệt là các bác sĩ, những người phải đối mặt với lằn ranh sống-chết gần như mỗi ngày. Thế nhưng sau khi đã vượt qua tất cả những trở ngại ấy, các khách hàng của tôi – những người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ – vẫn tiếp tục phải vùng vẫy trong khổ sở. Cảm giác trống rỗng và tình trạng thiếu tập trung này không chỉ là vấn đề nổi cộm nơi những khách hàng của tôi, mà nó còn nhiều lần xuất hiện trong quá trình nghiên cứu cũng như các bài viết mà tôi thực hiện, vốn tập trung vào hiệu quả, sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như cảm giác hài lòng với cuộc sống nói chung. Nhờ công việc này mà tôi đã có cơ hội cộng tác với nhiều vận động viên thể thao, các học giả và những nhà sáng tạo hàng đầu; và tôi biết nhiều người trong số họ cũng chịu đựng cùng một nỗi bất mãn như vậy. Xét theo những tiêu chuẩn thông thường, họ là những người cực kỳ thành công. Nhưng sâu bên trong, họ vẫn thường cảm thấy có điều gì đó bất ổn, điều gì đó chưa trọn vẹn. Điều thú vị là rất nhiều người trong số họ nói với tôi rằng nếu không ở trong trạng thái căng thẳng thì họ sẽ lại rơi vào cảm giác chán nản. Họ không bị trầm cảm; họ chỉ thường xuyên cảm thấy một nỗi bất mãn kinh niên. Một vận động viên tầm cỡ

14 THE PRACTICE OF GROUNDEDNESS thế giới từng chia sẻ với tôi: “Sau mỗi trận đấu, dù cho tôi có giành chiến thắng đi nữa, nhưng nếu không ngay lập tức hướng đến mục tiêu tiếp theo, tôi sẽ bắt đầu rơi vào nỗi chán nản ủ ê. Phải chi tôi có được cảm giác bình yên lâu hơn và sâu hơn một chút”. Chắc chắn là tất cả những cá nhân này đều trải qua những thời khắc hạnh phúc và hân hoan, nhưng cũng chỉ có thế – chúng chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua rồi nhanh chóng vụt tắt. Họ thường cảm thấy như thể mình đang bị cuốn theo những mong muốn nhất thời trong cuộc sống, liên tục thay đổi từ thứ này sang thứ khác, đánh mất đi quyền tự chủ và khả năng kiểm soát. Họ thường nói với chính mình (và với tôi) rằng họ rất muốn dẹp bỏ hết những thứ đó – tất cả tin tức, cảm giác bận rộn, email, các thông báo trên mạng xã hội và cả việc liên tục nghĩ về tương lai. Thế nhưng khi thử làm vậy thì họ lại cảm thấy bất an, liên tục dao động giữa tình trạng vô định và cảm giác lo âu. Họ biết rõ là lúc nào cũng bận rộn không phải là giải pháp, nhưng đồng thời lại cảm thấy không yên tâm khi được thảnh thơi. Đàn ông thường diễn tả điều này như một nhu cầu to lớn và nặng nề về việc trở nên bất khả chiến bại. Phụ nữ thì chia sẻ rằng họ cảm thấy bản thân phải giỏi mọi thứ vào mọi lúc, và do đó không tránh khỏi cảm giác liên tục thất vọng vì không thể đáp ứng được những kỳ vọng bất khả thi. Tôi tạm gọi đây là chủ nghĩa cá nhân anh hùng, một trò chơi giành vị thế không hồi kết, không mang lại lợi ích gì cho chính bạn lẫn những người xung quanh và thường đi đôi với niềm tin hạn hẹp rằng các thành tựu đo lường được là thước đo duy nhất

15 NGHỆ THUẬT SỐNG VỮNG VÀNG của thành công. Ngay cả khi bạn có thể che giấu kỹ cảm giác này, không để nó lộ ra bên ngoài, sâu bên trong, chủ nghĩa cá nhân anh hùng vẫn sẽ dần khiến bạn cảm thấy như thể mình không bao giờ chạm được đích đến cuối cùng – cảm giác thỏa mãn dài lâu. Chủ nghĩa cá nhân anh hùng không phải là một vấn đề chỉ xuất hiện trong quá trình tư vấn khách hàng, các nghiên cứu hay những bài viết của tôi, mà nỗi khổ do nó gây ra còn là chủ đề chung trong nhiều cuộc trò chuyện của tôi cũng như của người thân, bạn bè, đồng nghiệp với những người xung quanh. Đối với rất nhiều người, cảm thấy bản thân không bao giờ có đủ gần như đã trở thành một trạng thái thường trực trong cuộc sống, bất kể tuổi tác, chủng tộc, giới tính, nghề nghiệp hay nơi sinh sống của họ. Đây không hẳn là một vấn đề mới mẻ. Ngay từ buổi đầu lịch sử nhân loại, con người đã luôn khao khát cảm giác vững vàng và trọn vẹn, dù ngoài kia cuộc sống vẫn không ngừng biến động. Nhưng cảm giác ấy ngày càng trở nên mãnh liệt hơn. Chủ nghĩa cá nhân anh hùng đang hiện diện khắp nơi và được duy trì nhờ nền văn hóa hiện đại mà trong đó bạn liên tục được dạy rằng mình phải trở nên giỏi giang hơn, cảm thấy vui vẻ hơn, suy nghĩ tích cực hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn và phải tối ưu hóa cuộc sống của mình – để rồi chỉ mang lại cho bạn những giải pháp nông cạn, hời hợt mà nếu áp dụng thì khả năng cao nhất là bạn lại càng ham muốn nhiều hơn. Bạn không phải là người duy nhất cảm thấy những mô tả nói trên nghe có vẻ quen thuộc. Có thể trường hợp của bạn

16 THE PRACTICE OF GROUNDEDNESS có những chi tiết khác với các ví dụ mà tôi vừa nêu. Có thể bạn không thích công việc của mình hoặc đang phải đối mặt với những thử thách cam go. Có thể bạn là sinh viên mới ra trường hoặc là nhân viên có hai mươi năm kinh nghiệm trong nghề. Cũng có thể bạn đang sắp đến tuổi hưu hoặc đã nghỉ hưu. Dù thế nào đi nữa, thực tế là rất nhiều người trong chúng ta, bao gồm cả tôi, đều đang trải nghiệm những “triệu chứng” thường gặp của chủ nghĩa cá nhân anh hùng như cảm giác bồn chồn, cảm thấy bị hối thúc, lo âu, phân tâm, kiệt sức, trống rỗng, cảm thấy mình phải liên tục theo đuổi các mục tiêu mới và cảm giác thiếu thốn thường trực. Tất cả những dấu hiệu này sẽ được minh chứng rõ ràng qua những số liệu đa dạng mà chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn trong những chương tiếp theo. KHI MẶT ĐẤT SỤP ĐỔ DƯỚI CHÂN TA Trong quyển sách đầu tiên của mình, Peak Performance (tạm dịch: Thành tích đỉnh cao), tôi đã giới thiệu những nguyên tắc cần thiết giúp chúng ta đạt được sự tiến bộ bền vững trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Còn trong quyển sách thứ hai, The Passion Paradox (tạm dịch: Nghịch lý đam mê), tôi đã bàn về tình trạng liên tục thúc ép bản thân bằng mọi giá mà nhiều người gặp phải, đồng thời hướng dẫn độc giả cách phát triển đam mê của bản thân và hướng đam mê ấy theo những con đường có thể tạo ra lợi ích. Khi đó, tôi cho rằng công thức tạo nên một cuộc đời thành công và hạnh phúc là nuôi dưỡng những đam mê có tiềm năng sinh lợi,

17 NGHỆ THUẬT SỐNG VỮNG VÀNG sau đó áp dụng các nguyên tắc được nêu trong quyển Peak Performance để điều hướng đam mê đó và từng bước đạt đến trình độ bậc thầy. Đó chính là phương pháp mà tôi và nhiều khách hàng của tôi vẫn luôn áp dụng – nhờ đó thường gặt hái được những thành công to lớn trong cuộc sống. Thúc đẩy, thúc đẩy và tiếp tục thúc đẩy. Tiến lên, tiến lên và không ngừng tiến lên. Không bao giờ được phép thỏa mãn. Không bao giờ được cảm thấy đủ. Không ngừng nỗ lực và luôn tập trung cao độ vào những mục tiêu tiếp theo, bất kể chúng là gì. Thế rồi sau khi quyển Peak Performance lọt vào danh sách sách bán chạy và bản thảo đầu tiên của quyển The Passion Paradox được hoàn thành, tôi bàng hoàng nhận được chẩn đoán mình mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessivecompulsive disorder, viết tắt là OCD), một căn bệnh thường bị hiểu lầm và xem nhẹ. Không chỉ dừng lại ở khuynh hướng ngăn nắp hoặc cẩn thận thái quá, người mắc chứng OCD lâm sàng có những biểu hiện đặc thù như bị ám ảnh và chi phối bởi những suy nghĩ và cảm xúc tai hại. Bạn mất rất nhiều thời gian cố tìm hiểu xem những suy nghĩ đó có nghĩa là gì và làm thế nào để chúng không làm phiền bạn nữa, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích, chúng vẫn trở lại hết lần này đến lần khác và ngày càng trở nên mãnh liệt hơn. Những suy nghĩ ám ảnh đó khiến bạn thấy lo lắng và bất an đến tê dại. Bạn ép mình không nghĩ đến chúng nữa, nhưng chúng vẫn luôn ở đâu đó trong tâm trí bạn và chiếm dụng mọi khoảng thời gian trống trong ngày của bạn. Chúng len lỏi trong tâm trí và cơ thể bạn cả lúc bạn lên giường đi ngủ lẫn khi bạn thức dậy

18 THE PRACTICE OF GROUNDEDNESS vào sáng hôm sau. Chúng ở đó khi bạn ăn uống. Chúng hiện diện lúc bạn đang làm việc. Chúng xuất hiện ngay cả khi bạn cố gắng dành thời gian và tâm trí cho gia đình mình. Chúng thậm chí còn ám ảnh những giấc mơ của bạn khi bạn đang chìm trong giấc ngủ. Những ý nghĩ và cảm xúc không mời mà tới ấy đeo bám dai dẳng đến nỗi bạn bắt đầu tự hỏi có phải mình nên tin vào chúng hay không. Trong trường hợp của tôi, những ý nghĩ và cảm xúc phiền toái (hay những nỗi ám ảnh) chủ yếu tập trung vào cảm giác tuyệt vọng, sự trống rỗng, khuynh hướng tự tổn thương bản thân và nỗi bất an khi nghĩ về cuộc sống. Mặc dù sống với chứng OCD không được kiểm soát thật sự rất căng thẳng, nhưng tận sâu bên trong, tôi biết mình không muốn làm tổn hại bản thân – nhưng tâm trí không để tôi được yên. Nỗi sợ cứ xoay vần trong đầu tôi, hỗn độn và dai dẳng. Tôi phải sống trong tình trạng như vậy mỗi ngày trong gần một năm trước khi bắt đầu thấy được một số hiệu quả tích cực từ các liệu pháp điều trị, giúp cuộc sống và công việc của tôi chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tôi mắc chứng OCD không phải vì những đặc điểm tính cách bẩm sinh của mình – chẳng hạn như mong muốn giải quyết mọi vấn đề, nỗ lực không ngừng và hoạt động liên tục, thái độ luôn hướng về phía trước và không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được. Nhưng chứng bệnh này đã khiến tôi phải dừng lại và suy ngẫm về những nét tính cách này của bản thân. Theo một cách nào đó, dường như chúng có liên quan với nhau. Cứ như thể tất cả những

19 NGHỆ THUẬT SỐNG VỮNG VÀNG động lực thúc đẩy tôi tiến lên phía trước đồng thời cũng khiến tôi cảm thấy bất định và chơi vơi. Cứ như thể chứng OCD chính là phiên bản cực đoan của trạng thái sống bình thường của tôi – chỉ có điều phiên bản này lại hướng tôi đi về phía tăm tối. HIỂM HỌA KHI KHÔNG NGỪNG TỐI ƯU HÓA BẢN THÂN Sau khi bài viết của tôi về những trải nghiệm chung sống với chứng OCD được đăng tải trên tạp chí Outside, tôi đã nhận được hàng trăm lời nhắn từ những độc giả cũng đang phải chịu đựng chứng OCD, cảm giác lo âu, các chứng rối loạn cảm xúc khác hay đơn giản là cảm giác bứt rứt nói chung. Nhiều người trong số đó chia sẻ rằng chính họ cũng mang trong mình một nỗi khao khát không bao giờ được thỏa mãn mà trước khi biết về bệnh tình của bản thân, họ đã từng lầm tưởng đó là một dấu hiệu đáng mừng. Chính khát vọng này, cùng với nguồn năng lượng không ngừng thúc đẩy họ tiến lên, đã giúp họ đạt được những thành tựu tuyệt vời. Chúng từng mang đến cho họ niềm vui và cảm giác phấn khích. Thế nhưng giờ đây, giống như tôi, họ cũng bắt đầu tự hỏi liệu cảm giác không thể thỏa mãn và sự tập trung thái quá của họ vào sự phát triển và tiến bộ không ngừng đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến tâm trí họ luôn ở trong tình trạng quá tải một cách không thể kiểm soát hay không – một tâm trí không thể giảm tải, không thể tìm được một điểm tựa vững vàng.

334 Mục lục Lời khen tặng 4 Phần I - NGUYÊN TẮC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THÀNH CÔNG VỮNG CHẮC 9 1 ĐỨNG VỮNG TRƯỚC KHI VƯƠN CAO 11 2 CHẤP NHẬN VỊ TRÍ HIỆN CÓ ĐỂ ĐẾN ĐƯỢC VỊ TRÍ MONG MUỐN 41 3 CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI ĐỂ LÀM CHỦ SỰ CHÚ Ý VÀ NĂNG LƯỢNG CỦA BẢN THÂN 83 4 KIÊN NHẪN ĐỂ ĐẾN ĐÍCH NHANH HƠN 125

335 NGHỆ THUẬT SỐNG VỮNG VÀNG 5 CHẤP NHẬN TÍNH DỄ TỔN THƯƠNG ĐỂ PHÁT TRIỂN SỨC MẠNH VÀ SỰ TỰ TIN ĐÍCH THỰC 165 6 XÂY DỰNG TÍNH CỘNG ĐỒNG SÂU SẮC 197 7 VẬN ĐỘNG CƠ THỂ ĐỂ TÂM TRÍ VỮNG VÀNG 239 Phần II - SỐNG CUỘC ĐỜI VỮNG VÀNG 279 8 TỪ NGUYÊN TẮC ĐẾN HÀNH ĐỘNG 281 9 TẬP TRUNG VÀO QUÁ TRÌNH, KẾT QUẢ SẼ TỰ ĐẾN 317 Lời kết 329 Lời cảm ơn 332

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==