Proof of Heaven
ngày trải nghiệm thế giới bên kia của một bác sĩ giải phẫu thần kinh 7 Eben Alexander, M.D. First News dịch Proof of Heaven Lời giới thiệu: Giáo sư John Vu
Lời giới thiệu của Giáo sư John Vu Ở góc nhìn của khoa học thực nghiệm, mọi hiện tượng xảy ra đều có thể giải thích bằng các định luật khoa học; không thể có những hiện tượng “tâm linh” và đó chỉ là sự mê tín mà thôi. Như hầu hết các nhà khoa học, tiến sĩ Eben Alexander, một nhà phẫu thuật thần kinh nổi tiếng, cũng từng có suy nghĩ như thế. Ông đã tin rằng bộ óc chỉ là một cỗ máy siêu việt với những tế bào thần kinh hoạt động, nên cần được nghiên cứu và giải thích bằng các định luật vật lý và hóa học. Là một nhà khoa học tại Đại học Y khoa Harvard, ông đã nghiên cứu, giảng dạy và là tác giả của rất nhiều tài liệu nghiên cứu về thần kinh não bộ và được coi là một người có uy tín trong ngành này. Khi trải qua một cơn bệnh hiểm nghèo rất ít ai có thể sống sót, tiến sĩ Eben đã mê man trong nhiều ngày và được coi như đã chết, nhưng ông lại hồi sinh (hiện tượng mà giới khoa học gọi là trải nghiệm cận tử - Near Death Experience
| 5 - NDE). Với hiểu biết của một nhà khoa học, ông đã bối rối, nghi ngờ, và cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra với chính mình. Ông đưa ra một số giả thuyết để tìm cách giải thích sự hồi sinh của mình bằng kiến thức khoa học nhưng không thể giải thích được điều này. Trải nghiệm cận tử này đã khiến ông chấp nhận và thay đổi thế giới quan khoa học mà ông đã áp dụng để nghiên cứu và giảng dạy trong bao năm qua. Sau đó, tiến sĩ Eben chuyển qua nghiên cứu các hiện tượng không thể giải thích bằng khoa học. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh có uy tín, ông đã đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu về trải nghiệm cận tử. Công trình nghiên cứu của ông đã được các nhà khoa học có uy tín khen ngợi vì sự giản dị, đúng đắn và chân thật của nó. Sau khi viết ra toàn bộ những gì đã xảy ra với mình trong bảy ngày trải nghiệm giữa sự sống và sự chết, ông cũng đã tìm đọc về một số trải nghiệm cận tử đã được công bố và đối chiếu với trải nghiệm của chính mình để đưa ra những đúc kết mà ông đã đưa vào quyển sách Minh Chứng Thiên Đường. Tiến sĩ Eben tin rằng ông đã bước vào một thế giới rất mầu nhiệm và thật sự đã ở trong sự hiện diện của Thượng đế. Bằng sự hồi tưởng của mình, tiến sĩ Eben Alexander nhận thức được rõ thế giới mà chúng ta sống thông qua trải nghiệm sự chuyển tiếp giữa sống và chết và tiếp đó đến một thế giới khác hoàn toàn tốt đẹp, an lạc mà chúng ta có thể gọi đó là “Thiên đường”.
6 | Ông viết: “Tôi không có một cơ thể - tức là một cái gì đó mà tôi ý thức được về sự hiện hữu của nó. Tôi chỉ đơn giản là đang... ở đó…”. Ông viết tiếp: “Tôi đã ở trong thế giới đó bao lâu? Tôi không biết. Khi bạn đến một nơi mà ở đó không có khái niệm thời gian như cách chúng ta trải nghiệm đời sống trong thế giới thông thường, thì việc miêu tả chính xác những điều bạn cảm nhận là gần như bất khả”. Ông diễn tả cảm nhận của mình khi vừa rời bỏ thân xác, đến Cảnh Giới Tầm Nhìn Của Giun Đất: “Đen tối, bẩn thỉu, nhầy nhụa, ghê rợn với những âm thanh máy móc, chát chúa như tiếng búa gõ…”; cho đến khi ông thấy một luồng ánh sáng từ xa xuất hiện: “Có cái gì đó xuất hiện trong bóng tối. Chầm chậm xoay vòng, tỏa ra những sợi ánh sáng mảnh như tơ màu vàng trắng, và những vòng xoay của nó khiến bóng tối xung quanh vỡ vụn… Rồi tôi nghe thấy một âm thanh mới: một âm thanh sống, như bản nhạc đẹp đẽ nhất, phức tạp nhất, phong phú nhất mà bạn từng nghe thấy. Trong khi thứ ánh sáng tinh khiết màu trắng đang phủ xuống, âm thanh này càng lúc càng lớn hơn và rồi lấn át hoàn toàn tiếng đập đơn điệu, máy móc… Ánh sáng đó càng lúc càng đến gần hơn, không ngừng xoay và không ngừng tạo ra những sợi tơ ánh sáng trắng tinh khiết mà giờ đây, tôi nhìn thấy thấp thoáng những sợi ánh vàng xen kẽ trong đó”. Ông diễn tả thế giới của bầu ánh sáng đó: “Rực rỡ, sống động, ngây ngất, choáng ngợp... Tôi có thể nghĩ ra rất
| 7 nhiều từ để diễn tả thế giới đó trông như thế nào và cảm nhận của tôi ra sao, nhưng tất cả những từ đó đều không lột tả hết được. Tôi cảm thấy như mình đang được sinh ra. Không phải là tái sinh hay được sinh ra lần nữa. Chỉ là... được sinh ra”. Ông diễn đạt thông điệp phi ngôn từ mà ông đã cảm nhận được trong thế giới đó: “Nếu tôi phải sử dụng ngôn ngữ của loài người trên trái đất thì thông điệp đó đại khái là như thế này: ‘Anh luôn được yêu thương và trân trọng, vô cùng, một tình yêu vĩnh cửu’; ‘Không có gì phải sợ hãi’; ‘Anh không thể làm điều gì sai’”. Ông tự đặt câu hỏi và tự mình đi đến câu trả lời: “Liệu có một sức mạnh siêu việt hay trí tuệ nào đó đang dõi theo tất cả chúng ta, quan tâm đến chúng ta bằng một tình yêu thật sự? Nếu tôi phải tóm gọn toàn bộ thông điệp này trong một câu, nó sẽ đơn giản chỉ là hai chữ ‘Yêu Thương’”. Và tiến sĩ Eben Alexander đưa ra kết luận: “Rõ ràng, tình yêu thương là nền tảng của mọi thứ. Không phải là kiểu tình yêu trừu tượng, khó hiểu; là tình yêu thương mà ta thấy hằng ngày - tình yêu mà ta cảm thấy khi nhìn vợ hay chồng mình, hay các con, hay cả loài vật. Ở dạng thuần khiết và mạnh mẽ nhất, tình yêu ấy cũng không ghen tuông hay ích kỷ, mà vô điều kiện. Đây là thực tế của mọi thực tế, là chân lý của mọi chân lý, vượt trên mọi vẻ đẹp và sự hiểu biết của chúng ta. Tình yêu ấy sống và thở ở phần cốt lõi của vạn vật hiện hữu trong hiện tại và cả tương lai, và không một ai có thể đạt đến một sự hiểu biết rốt ráo rằng
8 | mình là ai và là gì, nếu không biết đến và không thể hiện tình yêu ấy trong mỗi hành động của họ”. Minh Chứng Thiên Đường là một quyển sách đặc biệt mà người đọc, dù tin hay không tin vào “Thiên đường”, cũng sẽ ngạc nhiên, thích thú về sự diễn tả chi tiết hình thái duy vật của thế giới chúng ta đang sống trong sự đối chiếu với hình thái của một thế giới khác đẹp đẽ, rộng lớn, bao la, tràn đầy tình thương. Quyển sách này có thể giúp người đọc nhận ra được một thông điệp rằng “Trải nghiệm cận tử chính là một trải nghiệm về sự thức tỉnh trong một thế giới an lành bất tận với tình thương yêu vô điều kiện”. Quyển sách là một bằng chứng hiển nhiên rằng tất cả chúng ta đều là một phần của một ý thức vĩ đại, một phần của cái gì đó cao cả, siêu việt và trong đó không có sự chia rẽ cá nhân mà tất cả chỉ là một tình thương rộng lớn. - Giáo sư John Vu Nguyên Giám đốc Chương trình Đổi mới Công nghệ sinh học và Tính toán tại Đại học Carnegie Mellon, nguyên kỹ sư trưởng Boeing
1 Cơn đau Lynchburg, bang Virginia - ngày 10 tháng Mười Một, năm 2008 T ôi bất chợt mở mắt. Trong bóng tối của căn phòng ngủ, mắt tôi bị hút về phía ánh sáng đỏ của chiếc đồng hồ ở cạnh giường: 4 giờ 30 phút sáng - sớm hơn một tiếng so với giờ tôi thức dậy thường ngày để chuẩn bị lái xe suốt bảy mươi phút từ nhà ở Lynchburg, Virginia đến nơi làm việc, Viện Phẫu thuật Siêu âm Hội tụ ở Charlottesville. Holley, vợ tôi, vẫn đang ngon giấc kế bên tôi. Sau gần hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu giải phẫu thần kinh tại vùng Boston, cách nay hai năm, vào năm 2006, tôi và Holley cùng cả gia đình chuyển đến vùng cao nguyên thuộc Virginia. Holley và tôi gặp nhau vào tháng Mười năm 1977, hai năm sau khi cả hai chúng
26 | tôi tốt nghiệp đại học. Vào thời điểm đó, Holley đang theo học thạc sĩ chuyên ngành mỹ thuật, còn tôi đang học trường y. Lúc đó Holley đang hẹn hò với Vic, bạn cùng phòng của tôi. Một ngày nọ, Vic đưa cô ấy đến giới thiệu với tôi, có lẽ để khoe. Khi họ sắp rời đi, tôi nói với Holley là cô ấy có thể trở lại thăm tôi bất cứ lúc nào, còn nhắn nhủ thêm rằng cô ấy không nhất thiết phải đến cùng Vic. Trong buổi hẹn hò thật sự đầu tiên, chúng tôi lái xe đến một bữa tiệc ở Charlotte, Bắc Carolina, mỗi chiều đi và về mất hai tiếng rưỡi đồng hồ. Hôm đó, Holley đang bị viêm thanh quản nên tôi phải lãnh nhiệm vụ nói đến 99% thời gian, cả chuyến đi và về. Tôi thấy nhiệm vụ đó thật dễ dàng. Chúng tôi cưới nhau vào tháng Sáu năm 1980 tại Nhà thờ Giám nhiệm Thánh Thomas ở Windsor, Bắc Carolina và sau đó một thời gian, chúng tôi chuyển đến sống ở khu căn hộ Royal Oaks (tạm dịch: Cây sồi Hoàng gia) ở Durham, nơi tôi đang theo học chương trình nội trú chuyên ngành phẫu thuật của trường Đại học Duke. Nơi ở của chúng tôi còn xa mới gọi là đầy đủ tiện nghi và tôi cũng không nhớ ở đó có cây sồi nào không. Chúng tôi thường xuyên cạn túi nhưng cả hai đều quá bận rộn, và quá hạnh phúc bên nhau, nên chẳng mấy bận tâm. Một trong những kỳ nghỉ đầu tiên của chúng tôi là một chuyến du lịch cắm trại vào mùa xuân tại các bờ biển của bang Bắc Carolina. Mùa xuân là mùa sinh sôi của ruồi “no-seeum” (có nghĩa là: không nhìn thấy chúng), một loài ruồi hút máu họ dĩn, ở khu vực Carolina, mà cái lều của chúng tôi thì chẳng ngăn chặn được chúng bao nhiêu. Tuy vậy,
| 27 chúng tôi vẫn cảm thấy rất vui. Khi đang bơi cùng những con sóng vào một buổi chiều ở Ocracoke, tôi đã nghĩ ra một cách để bắt những con cua mai xanh đang chạy cuống cuồng tìm chỗ trốn dưới chân tôi. Chúng tôi mang một mẻ cua đầy ắp về nhà nghỉ Pony Island, nơi chúng tôi đang ở cùng mấy người bạn, và đem nướng chúng trên vỉ. Số cua đủ cho tất cả mọi người ăn thoải mái. Mặc dù luôn chi tiêu dè sẻn, chẳng bao lâu sau chúng tôi đã cạn túi. Lúc đó, chúng tôi đang ở cùng hai người bạn thân là Bill và Patty Wilson. Vào một đêm nọ, trong một phút cao hứng, chúng tôi quyết định theo họ đến chỗ chơi lô tô. Trong suốt mười năm, cứ vào mùa hè và mỗi thứ Năm, Bill đều đi chơi trò này nhưng cậu ấy chưa bao giờ thắng. Đó là lần đầu tiên Holley chơi lô tô. Có thể vì người mới chơi lần đầu thường gặp may, hoặc cũng có thể nhờ thánh nhân phù hộ mà cô ấy đã thắng được hai trăm đô-la. Đối với chúng tôi lúc đó, số tiền này như năm ngàn đô vậy. Nhờ vận may này mà chuyến đi được kéo dài hơn và chúng tôi cũng được vui chơi thoải mái hơn. Tôi lấy bằng tiến sĩ y khoa vào năm 1980; Holley cũng lấy bằng thạc sĩ cùng năm đó và bắt đầu sự nghiệp với nghề giáo viên và cả họa sĩ. Lần đầu tiên tôi phụ trách mổ chính là trong một ca phẫu thuật não ở Đại học Duke vào năm 1981. Đứa con đầu lòng của chúng tôi, Eben IV, chào đời vào năm 1987 tại Bệnh viện Phụ sản Princess Mary ở Newcastle-Upon-Tyne, ở miền bắc xứ Anh (Anh quốc) khi tôi đang theo học chương trình nghiên cứu sinh về mạch máu não. Con trai thứ hai của chúng tôi, Bond,
28 | ra đời tại Bệnh viện Brigham & Women’s ở vùng Boston vào năm 1998. Mười lăm năm làm việc tại Trường Y khoa Harvard và Bệnh viện Brigham & Women’s là quãng đời đáng nhớ đối với tôi. Gia đình tôi trân trọng những năm tháng sống tại vùng Boston đó. Nhưng đến năm 2005, Holley và tôi đồng ý với nhau rằng đã đến lúc chúng tôi nên chuyển về lại miền nam. Chúng tôi muốn được sống gần đại gia đình hơn và tôi cũng thấy đó là một cơ hội tốt để tôi phần nào có quyền tự chủ hơn so với cuộc sống ở Harvard. Vì vậy, vào mùa xuân năm 2006, chúng tôi bắt đầu lại cuộc sống mới ở Lynchburg, thuộc vùng cao nguyên của bang Virginia. Chúng tôi sớm ổn định và nhanh chóng thích nghi trở lại với một cuộc sống thư thái hơn mà cả hai chúng tôi đều từng được tận hưởng khi trải qua thời niên thiếu ở miền nam. * Tôi cứ nằm yên trên giường thêm một lúc, vừa mơ màng vừa cố nghĩ xem điều gì đã khiến tôi thức giấc sớm. Ngày hôm trước - một ngày Chủ nhật - là một ngày nắng, quang đãng và khá hanh khô - kiểu thời tiết cuối thu điển hình của vùng Virginia. Tôi cùng Holley và Bond (mười tuổi) sang nhà hàng xóm để dự một bữa tiệc nướng. Tối hôm đó, chúng tôi trò chuyện điện thoại với Eben IV (hai mươi tuổi), khi đó đang là sinh viên năm đầu của trường Đại học Delaware. Điều khó chịu duy nhất trong ngày hôm ấy là một cơn cảm cúm nhẹ kéo dài từ tuần trước khiến cả Holley, Bond và tôi đều bị ảnh hưởng. Ngay trước giờ đi ngủ,
| 29 lưng tôi đã bắt đầu đau nhức nên tôi chỉ tắm sơ qua, và hình như nhờ vậy mà cơn đau dịu xuống. Tôi tự hỏi có phải tôi tỉnh giấc quá sớm như vậy là do con virus cúm này vẫn còn lẩn quất trong cơ thể mình hay không. Tôi trở mình thật khẽ trên giường và nghe đau nhói ở cột sống - đau hơn gấp nhiều lần so với đêm hôm trước. Rõ ràng con virus cúm vẫn còn ở đó, và ắt hẳn là không chỉ có một con. Tôi càng tỉnh táo, cơn đau càng rõ rệt. Vì không thể ngủ tiếp mà lại còn một tiếng nữa mới bắt đầu ngày làm việc, tôi quyết định đi tắm nước ấm lần nữa. Tôi ngồi dậy trên giường, đưa hai chân xuống sàn, rồi đứng dậy. Ngay lập tức, cơn đau quặn lên hẳn một nấc - một cảm giác đau nhức khó tả gây điếng người xuyên thấu qua phần cuối cột sống của tôi. Để không đánh thức Holley, tôi nhón từng bước đi dọc hành lang về phía phòng tắm chính ở lầu trên. Tôi để nước chảy một lúc rồi nhẹ nhàng ngâm mình vào bồn tắm, tự trấn an rằng nước ấm sẽ phần nào làm dịu cơn đau. Nhưng tôi đã phán đoán sai. Khi nước chảy được đến nửa bồn thì tôi biết mình đã lầm to. Cơn đau không chỉ tệ hơn mà nó trở nên dữ dội đến nỗi tôi e rằng mình sẽ phải hét to lên gọi Holley để cô ấy đỡ tôi ra khỏi bồn tắm. Nghĩ rằng mình đang ở trong tình cảnh hơi kỳ cục, tôi bèn rướn người, với lấy cái khăn tắm treo trên giá ngay phía trên đầu tôi. Tôi nhích chiếc khăn sang một bên để tránh làm bung cái giá ra khỏi tường rồi nhẹ nhàng tự kéo mình dậy.
30 | Một cơn đau buốt khác chạy dọc sống lưng tôi, đến nỗi tôi phải thở dốc. Chắc chắn đây không phải là bệnh cảm cúm. Nhưng tôi bị gì mới được chứ? Sau một hồi chật vật và bước ra được khỏi cái bồn tắm trơn ướt rồi mặc vào người cái áo choàng tắm bằng vải bông xù màu đỏ, tôi chậm rãi đi về phòng ngủ và ngồi phịch xuống giường. Người tôi ướt đẫm mồ hôi. Holley cựa mình, trở người lại và hỏi: “Chuyện gì vậy? Mấy giờ rồi anh?”. Tôi trả lời: “Anh không biết. Lưng anh đau quá”. Holley bắt đầu xoa lưng tôi. Thật ngạc nhiên, tôi thấy đỡ đau hơn một chút. Các bác sĩ nói chung đều xem nhẹ việc mình bị ốm. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Trong một lúc, tôi liên tục tự nhủ rằng cơn đau, cùng với bất kỳ nguyên nhân gì gây ra nó, sẽ từ từ biến mất. Nhưng cho đến 6 giờ 30 phút sáng, tôi vẫn oằn mình trong cơn đau đớn và gần như nằm bất động. Bond đi vào phòng ngủ của chúng tôi lúc 7 giờ 30 phút, thắc mắc tại sao giờ này tôi vẫn còn ở nhà. “Chuyện gì xảy ra vậy ạ?” “Cha con không khỏe, con trai à”, Holley đáp. Tôi vẫn nằm yên trên giường, kê cao đầu trên gối. Bond lại gần, rướn người tới và đưa tay xoa thật nhẹ hai bên thái dương của tôi. Khi Bond vừa chạm tay vào đầu tôi, tôi cảm thấy như thể một tia chớp giáng xuống đầu mình - cơn đau dữ dội
| 31 nhất từ trước đến giờ. Tôi thét lên. Bất ngờ trước phản ứng của tôi, Bond nhảy lùi về phía sau. “Không sao đâu”, Holley nói với Bond, nhưng cô ấy rõ ràng không nghĩ như thế. “Không phải tại con đâu. Cha chỉ đau đầu khủng khiếp thôi.” Rồi sau đó tôi nghe cô ấy nói: “Em có nên gọi xe cứu thương không nhỉ?”, như thể cô ấy đang nói với chính mình hơn là nói với tôi. Điều các bác sĩ ghét nhất, còn hơn cả việc bị bệnh, là phải ở trong phòng cấp cứu trong vai trò một bệnh nhân. Tôi hình dung ra trong đầu cảnh những nhân viên cấp cứu đến đầy nhà, phải trả lời họ hàng chục câu hỏi, rồi nằm trên xe cứu thương, rồi làm thủ tục nhập viện... Tôi nghĩ tới lúc mình sẽ cảm thấy khá hơn và phải hối tiếc vì đã quá vội gọi xe cấp cứu. “Không, không sao đâu”, tôi nói. “Hiện giờ anh còn đau lắm nhưng một lát nữa sẽ đỡ hơn. Em cứ lo cho Bond đi học đi.” “Eben à, em thật sự nghĩ là...” “Anh sẽ ổn thôi”, tôi ngắt lời vợ, trong khi vẫn vùi mặt vào gối. Cơn đau vẫn khiến tôi nằm bất động. “Thật mà, đừng gọi cấp cứu. Anh không bị gì nghiêm trọng đâu. Chỉ là một cơn co thắt ở phần cơ thắt lưng và anh bị đau đầu thôi.” Sau một chút lưỡng lự, Holley đưa Bond xuống dưới nhà, cho thằng bé ăn sáng, rồi thằng bé sẽ đi bộ đến nhà một đứa bạn cùng lớp ở cùng con phố để cùng bắt xe đi
32 | đến trường. Khi Bond bước ra đến cửa, tôi chợt nghĩ nếu tôi bị bệnh gì đó nghiêm trọng và cuối cùng phải đi bệnh viện, tôi có thể sẽ không gặp được thằng bé khi nó đi học về chiều hôm đó. Tôi ráng hết sức và thều thào: “Chúc con một ngày vui vẻ ở trường, Bond”. Khi Holley trở lên lầu để xem tôi thế nào thì tôi đã chìm vào trạng thái hôn mê. Nghĩ rằng chắc tôi đang ngủ, cô ấy để cho tôi nằm nghỉ, rồi đi xuống dưới nhà gọi điện cho vài đồng nghiệp của tôi để nghe ý kiến của họ xem may ra có biết được chuyện gì đang xảy ra với tôi không. Hai tiếng sau, có lẽ nghĩ rằng tôi đã nghỉ đủ lâu, cô ấy lại đi trở lên để xem tôi ra sao. Khi vừa đẩy cửa phòng ngủ, cô ấy thấy tôi vẫn nằm trên giường y như trước đó. Nhưng khi nhìn gần hơn, cô ấy thấy cơ thể tôi không thả lỏng như trước mà cứng đơ như một tấm ván. Cô ấy bật đèn lên và thấy tôi đang bị co cứng dữ dội. Hàm dưới của tôi đưa ra một cách bất thường, còn mắt tôi thì mở to và trợn ngược. “Eben, nói gì đi anh!”, Holley thét lên. Khi không thấy tôi phản ứng gì, cô ấy liền gọi cấp cứu. Đội cấp cứu đến trong vòng mười phút. Họ nhanh chóng khiêng tôi lên xe cứu thương, đến thẳng phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Lynchburg. Giá như lúc đó tôi vẫn còn ý thức, tôi đã có thể nói với Holley đích xác chuyện gì đang diễn ra với tôi khi tôi nằm trên giường trong suốt những phút giây kinh hoàng mà cô ấy đã phải trải qua trong khi chờ xe cứu thương đến: một
| 33 cơn co giật toàn thân, hay còn gọi là động kinh nặng, chắc chắn là do một tình trạng sốc rất nghiêm trọng ở não. Nhưng dĩ nhiên, tôi đã không thể làm điều đó. Trong bảy ngày sau đó, đối với Holley và mọi người trong gia đình, tôi chỉ còn là một thân xác thuần túy. Giờ đây tôi chẳng có ký ức gì về những chuyện đã xảy ra trong thế giới này trong suốt một tuần đó, nên đành phải lượm lặt từ những gì mọi người kể lại để liên kết các phần thành diễn tiến những sự việc đã xảy ra trong suốt thời gian tôi hôn mê. Tâm trí tôi, linh hồn tôi - nói chung là phần cốt lõi, phần người của tôi, bạn thích gọi là gì cũng được - thì đã không hiện diện ở đó.
Mục lục Lời giới thiệu của Giáo sư John Vu 4 Lời mở đầu 9 1 Cơn đau 25 2 Bệnh viện 35 3 Không rõ nguyên nhân 43 4 Eben IV 47 5 Thế giới bên dưới 53 6 Cái neo vào sự sống 59 7 Giai Điệu Xoay Vòng và Lối Vào 65 8 Israel 73
294 | 9 Cốt Lõi 79 Điều thật sự quan trọng 87 Kết thúc vòng xoáy đi xuống 101 Cốt Lõi 115 Thứ Tư 125 Một dạng trải nghiệm cận tử đặc biệt 129 Món quà của sự lãng quên 135 Cái giếng 145 N bằng 1 149 Nhớ và quên 157 Chỉ còn cách đối mặt 159 Cánh cổng đang đóng 165 Cầu vồng 169 Sáu gương mặt 173 Đêm cuối cùng, sáng đầu tiên 177 Trở lại 183 Chưa trở lại hoàn toàn 191 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
| 295 Loan tin 197 Về nhà 201 Siêu thực 205 Trải nghiệm của nhiều người 207 Trở về từ cõi chết 215 Ba trường phái tâm linh 221 Trở lại nhà thờ 231 Bí ẩn về ý thức 233 Vướng mắc sau cùng 251 Bức ảnh 257 Eternea 267 Lời cảm ơn 269 Phụ lục A: Xác nhận của tiến sĩ Scott Wade 275 Phụ lục B: Các giả thuyết khoa học thần kinh đã được tôi xem xét để lý giải trải nghiệm của mình 277 Tài liệu tham khảo 283 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==