Miền Đất Hứa

A PROMISED LAND MIEN DAT HUA

Miền Đất Hứa | iii A PROMISED LAND BARACK OBAMA MIEN DAT HUA Đỗ Hùng dịch

Lời đề tặng Dành cho Michelle – tình yêu và người bạn đời của tôi cùng Malia và Sasha – với ánh sáng chói lọi làm mọi thứ rạng ngời

Trang trích thơ Ôi, hãy bay lên và đừng bao giờ mệt mỏi Hãy bay lên và đừng bao giờ mệt mỏi Hãy bay lên và đừng bao giờ mệt mỏi Có một cuộc họp mặt nơi Miền đất hứa. - TỪ MỘT BÀI CA TÂM LINH CỦA NGƯỜI MỸ GỐC PHI Đừng hạ thấp sức mạnh của chúng ta Chúng ta đã vươn xa Tới vô cùng - BÀI THƠ KITTY HAWK, ROBERT FROST

Lời tựa TÔI BẮT ĐẦU VIẾT cuốn sách này ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống – sau khi tôi và Michelle lên chuyên cơ Không lực Một lần cuối và bay về hướng tây để bắt đầu thời gian nghỉ ngơi vốn đã bị trì hoãn quá lâu. Tâm trạng trên chuyến bay đầy xốn xang. Cả hai chúng tôi đều kiệt quệ, cả sức lực lẫn cảm xúc, không chỉ bởi tám năm lao động miệt mài vừa qua mà còn bởi kết quả bầu cử không như mong đợi, khi một người hoàn toàn chống lại mọi thứ mà chúng tôi ủng hộ đã được chọn làm người kế nhiệm tôi. Dù thế, sau khi đã hoàn tất chặng đua của mình, chúng tôi chọn cách hài lòng khi biết rằng mình đã làm hết sức – và rằng dù có bao nhiêu điều chưa đạt được trên cương vị tổng thống đi nữa, dù có những dự án tôi đã đặt nhiều hy vọng nhưng đã không hoàn thành, đất nước này cũng đã mang một dáng vóc tốt hơn so với thời điểm tôi bắt đầu công việc. Trong suốt một tháng, tôi và Michelle dậy muộn, ăn tối thư thả, dạo bộ thật lâu, đi tắm biển, ngẫm lại đường đời, vun vén lại tình thân, khám phá lại tình yêu và lên kế hoạch cho hồi sau tuy ít sự kiện hơn nhưng hy vọng sẽ không kém mãn nguyện. Cho tới lúc tôi sẵn sàng trở lại làm việc và ngồi xuống cùng với một cây bút và sổ ghi chép màu vàng (tôi vẫn thích dùng bút viết ra mọi thứ, vì nhận thấy máy tính biến những bản nháp thô nhất của tôi trở nên quá trơn tru và khoác lên những ý nghĩ chưa thấu đáo lớp

| Barack Obama x mặt nạ của sự tinh tươm), trong đầu tôi đã có một dàn ý mạch lạc cho cuốn sách. Đầu tiên và trên hết, tôi hy vọng có thể kể lại một cách chân thực thời gian tại nhiệm của tôi – không chỉ là một ghi chép có tính lịch sử về những sự kiện quan trọng diễn ra dưới sự giám sát của tôi và về những nhân vật quan trọng tương tác với tôi mà còn có cả những dòng chảy chính trị, kinh tế và văn hóa đan chéo nhau đã giúp định hình nên những thách thức mà chính quyền của tôi đã phải đối mặt và những lựa chọn mà tôi cùng với đội ngũ của mình đã thực hiện để đối phó. Những lúc có thể, tôi muốn truyền cho bạn đọc cảm giác làm tổng thống của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là như thế nào; tôi muốn vén tấm màn lên một chút và lưu ý với mọi người rằng, với tất cả quyền lực và sự hào nhoáng, làm tổng thống vẫn chỉ là một công việc và chính quyền liên bang của chúng ta là một tổ chức của con người giống như bất kỳ tổ chức nào khác, những người làm việc trong Nhà Trắng cả nam lẫn nữ đều trải nghiệm cùng những sự thỏa mãn, nỗi thất vọng, những va chạm chốn công sở, những chuyện ngớ ngẩn và những thắng lợi nho nhỏ như các công dân đồng bào khác. Cuối cùng, tôi muốn kể một câu chuyện cá nhân hơn, qua đó có thể truyền cảm hứng cho lớp trẻ đang cân nhắc con đường phụng sự công quyền: sự nghiệp chính trị của tôi thực sự đã bắt đầu như thế nào với việc tìm kiếm một nơi chốn phù hợp, một giải thích về những khía cạnh khác nhau trong di sản pha trộn của tôi, và quá trình chỉ bằng cách gắn mình với những gì lớn lao hơn bản thân, cuối cùng tôi đã có thể tìm được một cộng đồng và mục đích cho cuộc đời mình. Tôi đã hình dung mình có thể làm tất cả những điều đó trong phạm vi có lẽ là năm trăm trang. Tôi đã dự tính có thể làm xong trong một năm. Công bằng mà nói thì tiến trình viết lách không đi đúng như những gì tôi đã lên kế hoạch. Bất kể những dự định sát sao nhất

Miền Đất Hứa | xi của tôi, cuốn sách cứ mỗi ngày một dày lên và có quy mô lớn hơn – lý do tại sao cuối cùng tôi quyết định tách ra làm hai tập. Tôi đau khổ nhận ra rằng một người viết tài năng hơn có thể đã tìm ra cách kể cùng câu chuyện đó khúc chiết hơn (hóa ra, phòng làm việc riêng của tôi tại Nhà Trắng nằm kế bên Phòng ngủ Lincoln, nơi một bản sao có chữ ký của bài Diễn văn Gettysburg dài 272 từ nằm trong tủ kính). Nhưng mỗi lần tôi ngồi viết – dù là diễn tả các giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, hay việc chính quyền đối phó khủng hoảng tài chính, hay đàm phán với người Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân, hay những lực lượng đã dẫn tới Mùa xuân Ả-rập – tôi chợt thấy như mình cứ cưỡng lại cái lối kể tuyến tính đơn điệu. Rất thường xuyên, tôi thấy mình có nghĩa vụ cung cấp bối cảnh dẫn tới các quyết định mà tôi và những người khác đã chọn, và tôi không muốn dồn các thông tin nền ấy vào những chú thích ở cuối trang hoặc cuối sách (tôi ghét cả hai loại chú thích này). Tôi phát hiện ra rằng không phải lúc nào cũng có thể giải thích các động cơ hành động của tôi chỉ bằng cách tham khảo hàng loạt dữ liệu kinh tế hoặc gợi nhớ lại một cuộc họp giao ban xem xét mọi khía cạnh tại Phòng Bầu dục, do các động lực đó được hình thành nhờ một cuộc đối thoại giữa tôi với một người lạ trên hành trình tranh cử, trong một chuyến thăm bệnh viện quân y, hay trong một bài học tuổi thơ tôi nhận được từ mẹ mình. Một cách lặp đi lặp lại, ký ức tôi cứ tung tẩy với những chi tiết có vẻ ngẫu nhiên (loay hoay tìm một chỗ kín đáo để kéo vài hơi thuốc vào buổi tối; tôi và nhân viên cười sảng khoái khi chơi bài trên chiếc Không lực Một) đã ghi lại những trải nghiệm sống của tôi trong tám năm ở Nhà Trắng, theo cách mà các thư khố không bao giờ có được. Bên cạnh cuộc vật lộn để xếp chữ lên một trang giấy, điều mà tôi không hề tiên liệu đầy đủ là những sự việc xảy ra trong suốt khoảng thời gian ba năm rưỡi sau chuyến bay cuối cùng trên chiếc Không lực Một ấy. Khi tôi ngồi đây, đất nước vẫn đang trong vòng xoáy của một đại dịch toàn cầu và cuộc khủng hoảng kinh tế

| Barack Obama xii đi kèm, với hơn 178.000 người Mỹ tử vong, các doanh nghiệp đóng cửa và hàng triệu người mất việc. Khắp đất nước, người dân thuộc mọi tầng lớp đã đổ xuống đường để phản đối việc những người đàn ông và phụ nữ Da đen(1) không mang vũ khí chết trong tay cảnh sát. Có lẽ đáng lo ngại nhất là nền dân chủ của chúng ta dường như đang loạng choạng bên bờ vực khủng hoảng – một cuộc khủng hoảng có căn nguyên từ va chạm giữa hai cách nhìn đối lập nhau về vấn đề nước Mỹ là gì và nó nên như thế nào; một cuộc khủng hoảng đã khiến cơ thể chính trị bị chia rẽ, giận dữ và mất lòng tin, rồi từ đó cho phép xảy ra hành vi vi phạm liên tục các chuẩn mực thể chế, các biện pháp bảo vệ theo thủ tục và sự tôn trọng đối với các thực tế cơ bản mà cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ từng coi là đương nhiên. Tất nhiên cuộc tỉ thí này không hề mới. Trên nhiều phương diện, nó thể hiện đặc tính của trải nghiệm Mỹ. Nó thấm sâu vào các văn kiện lập quốc vừa tuyên bố tất cả mọi người đều bình đẳng lại vừa coi một nô lệ chỉ bằng ba phần năm một con người. Nó biểu lộ trong các ý kiến sớm nhất của tòa án, khi mà chánh án Tòa án Tối cao thẳng thừng giải thích với người Mỹ bản địa(2) rằng quyền của bộ tộc họ trong chuyển nhượng tài sản là không thể thi hành vì tòa án của kẻ chinh phục không thể công nhận yêu sách chính đáng của kẻ bị chinh phục. Đó là cuộc xung đột đã diễn ra trên các chiến trường Gettysburg và Appomattox và cả trong nghị trường Quốc hội, trên cây cầu ở Selma, tại khắp các vườn nho ở California và trên đường phố New York – một cuộc tỉ thí của các binh sĩ, nhưng thường xuyên hơn đó là cuộc tỉ thí của những nhà tổ chức công đoàn, người ủng hộ mở rộng quyền bầu cử, công (1) Tác giả viết hoa chữ “Black” (đen, da đen) khi đề cập đến văn hóa, chủng tộc, trong khi viết thường chữ “white” (trắng, da trắng). Lựa chọn này được coi là xuất phát từ cuộc vận động viết hoa chữ Negro (cách gọi cũ chỉ người Da đen) của W.E.B. Du Bois và đến nay được nhiều tổ chức, cá nhân tại Mỹ (như hãng tin AP, The New York Times…) hưởng ứng. (2) Chỉ người dân “da đỏ” bản địa của châu Mỹ (Tất cả các chú thích trong sách đều của bản dịch tiếng Việt).

Miền Đất Hứa | xiii nhân đường sắt Pullman, thủ lĩnh sinh viên, các làn sóng người nhập cư và những người hoạt động LGBTQ(1), họ không được trang bị gì ngoài biểu ngữ bãi công, tờ rơi hoặc một đôi giày để tuần hành. Ở trung tâm của cuộc chiến trường kỳ này là một câu hỏi giản đơn: Chúng ta có quan tâm tới việc làm cho hiện thực nước Mỹ trở nên tương xứng với lý tưởng của nó? Nếu vậy, chúng ta có thực sự tin rằng quan niệm của chúng ta về quyền tự quản và tự do cá nhân, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước pháp luật, áp dụng cho tất cả mọi người? Hay là thay vì thế, chúng ta theo đuổi, nếu không bằng quy định thì cũng bằng thực tiễn, việc dành những thứ đó cho một số ít người có đặc quyền? Tôi nhận ra có những người tin rằng đã đến lúc xóa bỏ đi huyễn tưởng – rằng xem xét quá khứ nước Mỹ hay thậm chí chỉ cần lướt qua những nhan đề báo chí hôm nay là có thể thấy lý tưởng quốc gia này luôn là thứ yếu so với chinh phục và nô dịch hóa, một hệ thống đẳng cấp chủng tộc và chủ nghĩa tư bản tham tàn, và rằng cứ giả vờ khác đi chính là đồng lõa trong một trò chơi đã bị gian lận ngay từ đầu. Và tôi thú nhận là có những thời điểm trong quá trình viết cuốn sách này, tôi đã chiêm nghiệm về thời gian làm tổng thống và những gì xảy ra kể từ đó, tôi đã phải tự hỏi bản thân liệu tôi có quá sốt sắng nói ra sự thật như mình nhìn thấy hay không, có quá cẩn trọng trong lời nói và hành động, vì đã tin rằng bằng cách cầu đến cái mà Lincoln gọi là những thiên thần thiện lương trong bản chất của chúng ta, tôi đã có cơ hội lớn hơn trong việc dẫn dắt chúng ta đi theo hướng đến một nước Mỹ mà chúng ta từng được hứa hẹn. Tôi không biết nữa. Điều tôi có thể nói một cách chắc chắn là tôi chưa sẵn sàng để từ bỏ tính khả thể của nước Mỹ – không chỉ vì các thế hệ người Mỹ tương lai mà vì toàn bộ nhân loại. Bởi tôi tin chắc rằng đại dịch mà chúng ta đang trải qua hiện nay vừa là sự biểu hiện vừa là sự gián đoạn của hành trình không ngừng (1) Chỉ những người đồng tính, chuyển giới hoặc có những dị biệt về giới tính và luyến ái kèm theo.

| Barack Obama xiv nghỉ tới một thế giới hỗ liên, một thế giới mà trong đó các dân tộc và các nền văn hóa không thể không va đập. Trong thế giới ấy – thế giới của những chuỗi cung ứng toàn cầu, của những dòng chuyển giao vốn tức thời, của truyền thông xã hội, của các mạng lưới khủng bố liên quốc gia, của biến đổi khí hậu, của di cư hàng loạt và của phức tính ngày một tăng – chúng ta sẽ học được cách chung sống, hợp tác cùng nhau, công nhận phẩm cách của nhau, hoặc là diệt vong. Và vì vậy mà thế giới dõi theo nước Mỹ – đại cường quốc duy nhất trong lịch sử được tạo nên từ những con người đến từ mọi nẻo của hành tinh, bao gồm mọi chủng tộc, tín ngưỡng và tập quán văn hóa – để xem thể nghiệm dân chủ của chúng ta có phát huy hiệu quả hay không. Để xem liệu chúng ta có thể làm những điều mà không quốc gia nào khác từng làm hay không. Để xem liệu chúng ta có thực sự sống đúng với ý nghĩa của tín điều mà mình theo đuổi hay không. Vẫn chưa có câu trả lời. Vào lúc tập đầu tiên của bộ sách này được xuất bản, một cuộc bầu cử Mỹ lại diễn ra, và dù tin rằng hiểm họa đang rất lớn, tôi cũng biết không có cuộc bầu cử đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề. Sở dĩ tôi vẫn còn hy vọng, đó là bởi tôi đã học được cách đặt niềm tin vào đồng bào của mình, đặc biệt là những người thuộc thế hệ kế tiếp, mà niềm tin của họ vào giá trị bình đẳng của tất cả mọi người dường như xuất phát từ bản chất thứ hai và họ là những người luôn kiên quyết hiện thực hóa những nguyên tắc ấy, những nguyên tắc mà cha mẹ và thầy giáo của họ nói với họ là đúng nhưng có lẽ bản thân những người ấy chưa bao giờ tin tưởng hoàn toàn. Hơn ai hết, cuốn sách này là dành cho những người trẻ tuổi đó – một lời mời gầy dựng lại thế giới một lần nữa, và mang đến một nước Mỹ sau rốt sánh ngang với tất cả những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta, bằng sự cần cù, quyết tâm và trí tưởng tượng phong phú. Tháng 8 năm 2020

Phần Một ĐÁNH CƯỢC

Chương 1 TRONG TẤT CẢ PHÒNG ỐC, sảnh đường và những điểm nhấn tạo nên Nhà Trắng và khuôn viên, tôi yêu nhất là Hiên Tây. Trong suốt tám năm, lối đi bộ ấy đóng khung ngày làm việc của tôi, chỉ đi mất một phút, với không gian mở thoáng, nối từ nhà tới văn phòng và quay trở lại. Đấy là nơi vào mỗi buổi sáng tôi cảm nhận cơn gió lạnh đầu tiên của mùa đông táp vào mặt hoặc hơi nóng mùa hè phả tới, là nơi tôi tập hợp những suy nghĩ, rà soát lịch họp hành, chuẩn bị lý lẽ để tranh biện với những vị dân biểu đa nghi hay những cử tri lo lắng, chuẩn bị cho quyết định này hoặc cuộc khủng hoảng đang từ từ tiến tới kia. Thuở ban sơ của Nhà Trắng, các phòng điều hành và nơi ở của Đệ nhất Gia đình nằm chung dưới một mái nhà, và lúc bấy giờ Hiên Tây chủ yếu là lối dẫn tới chuồng ngựa. Nhưng rồi đến lúc Teddy Roosevelt nhậm chức, ông nhận thấy rằng một tòa nhà duy nhất không thể chứa nổi đội ngũ nhân sự hiện đại, sáu đứa trẻ hiếu động, cùng sự thoải mái cho bản thân. Thế là ông ra lệnh xây nên những công trình rồi đây sẽ trở thành Cánh Tây và Phòng Bầu dục, rồi qua mấy thập niên và nhiều đời tổng thống tiếp nối

| Barack Obama 4 nhau, cấu trúc lối hiên như hiện nay đã hình thành: như một khung viền bao lấy Vườn Hồng ở hướng bắc và hướng tây – bức tường dày phía bắc, trầm mặc và không trang trí gì ngoại trừ các ô cửa sổ hình bán nguyệt trên cao; hàng cột màu trắng uy nghi phía tây như đội vệ binh danh dự đứng gác cho lối đi này. Thông thường, tôi là người đi chậm – kiểu đi bộ của dân Hawaii, Michelle thường bảo thế, đôi khi có chút thiếu kiên nhẫn. Thế nhưng, mỗi khi đi qua lối hiên này, tôi bước đi khác hẳn, vì ý thức về lịch sử được tạo dựng nơi đây và về những người đi trước. Sải chân tôi dài hơn, nhịp bước nhanh hơn, tiếng giày khua trên nền đá hòa cùng tiếng bước chân đội Mật vụ đang đi cách sau tôi vài thước. Đến chỗ dốc cuối hàng hiên (một di sản thời Franklin D. Roosevelt và việc đi lại bằng xe lăn của ông – tôi mường tượng cảnh ông đang cười, chìa cằm ra, tẩu thuốc kẹp chặt giữa hai hàm răng trong khi đang vận hết sức bình sinh để vần chiếc xe lên dốc), tôi vẫy chào anh lính mặc quân phục đứng gác ngay phía sau cửa ra vào lắp kính. Thỉnh thoảng anh lính gác phải chặn một nhóm du khách đang ngạc nhiên. Nếu có thời gian, tôi sẽ dừng lại bắt tay và hỏi họ từ đâu tới. Thế nhưng, thông thường thì tôi rẽ trái, đi dọc theo tường bên ngoài Phòng Nội các và lách vào cửa hông Phòng Bầu dục, chào nhân viên, xem lịch làm việc trong khi dùng trà nóng rồi bắt đầu công việc trong ngày. Vài lần mỗi tuần, tôi tranh thủ bước ra ngoài hiên gặp các nhân viên dọn dẹp, cắt tỉa thuộc Cục Công viên Quốc gia đang làm việc tại Vườn Hồng. Hầu hết họ đều là nam giới lớn tuổi, bận đồng phục ka ki xanh lá, đôi khi đội mũ rộng vành để chống chọi ánh nắng chói chang, hoặc mặc áo khoác để giữ ấm. Nếu không xong việc quá muộn, tôi sẽ nán lại, khen họ về luống cây mới trồng hoặc hỏi về những hư hại do cơn dông đêm qua gây ra, và họ giải thích công việc của mình với một niềm tự hào thầm kín. Họ là những người đàn ông kiệm lời; ngay cả khi trao đổi với nhau thì họ cũng thường ra dấu hoặc gật đầu; mỗi người đều chăm chú vào công việc nhưng tất cả đều dịch chuyển rất

Miền Đất Hứa | 5 nhịp nhàng. Một trong những người lớn tuổi nhất là ông Ed Thomas, một người Da đen dong dỏng cao, lanh lợi với gò má hóp đã làm việc ở Nhà Trắng suốt bốn mươi năm. Lần đầu tiên gặp mặt, ông ấy đã lôi từ túi ra chiếc khăn để lau bụi bẩn trước khi bắt tay tôi. Tay ông thô ráp, nổi gân và chai sần như rễ cây, ôm trùm lấy tay tôi. Tôi hỏi ông tính làm ở Nhà Trắng tới bao giờ thì nghỉ hưu. “Thưa Tổng thống, tôi không rõ,” ông nói. “Tôi thích làm lụng. Đôi khi cũng đau nhức xương khớp chút đỉnh. Nhưng tôi tính sẽ tiếp tục công việc chừng nào ngài còn ở đây. Để cho vườn tược đâu ra đấy.” Ồ, khu vườn trông mới ổn làm sao! Những cây mộc lan sum suê vươn cao ở mỗi góc vườn; bao quanh là dãy hàng rào dày và xanh mướt; đám cây táo được cắt tỉa gọn gàng. Hoa được ươm ở nhà kính cách đây vài dặm mang đến sắc màu rực rỡ – đỏ, vàng, hồng, tía; mùa xuân, hoa tuy líp nở rộ, búp hoa vươn mình về phía mặt trời; mùa hè thì có cây vòi voi tím, phong lữ và huệ tây; còn mùa thu có các loài cúc và hoa dại. Và luôn có hoa hồng, nhiều nhất là hồng đỏ, đôi khi có hồng vàng hoặc hồng trắng cùng đua sắc. Mỗi lần bước dọc Hiên Tây hoặc nhìn qua cửa sổ Phòng Bầu dục, tôi thường bắt gặp hình ảnh làm việc tay chân của những người đang cắm cúi ngoài vườn. Họ khiến tôi liên tưởng tới bức tranh nhỏ của Norman Rockwell mà tôi treo trên tường, cạnh chân dung George Washington và phía trên tượng bán thân Tiến sĩ Martin Luther King Jr.: năm con người nhỏ bé khác màu da mặc đồ bảo hộ đang được kéo lên bằng dây thừng để lau ngọn đuốc Nữ thần Tự do giữa nền trời xanh thẳm. Các nhân vật trong bức họa cũng như công nhân ngoài vườn kia, tôi thầm nghĩ, đều là người canh giữ, những giáo sĩ lặng thầm của một dòng tu tôn nghiêm và thiện lành. Tôi luôn tự nhủ rằng mình cần làm việc chăm chỉ nhất, chu đáo nhất như những con người kia.

| Barack Obama 6 Theo thời gian, những lần rảo bước qua Hiên Tây của tôi lại được đắp bồi thêm nhiều kỷ niệm. Có các sự kiện lớn – những tuyên cáo được thực hiện trước một rừng ống kính máy ảnh và máy quay, các buổi họp báo với lãnh đạo nước ngoài. Nhưng cũng có những khoảnh khắc chỉ một vài người chứng kiến – Malia và Sasha đua nhau ào tới gặp tôi bất ngờ vào một buổi chiều, hoặc hai chú chó Bo và Sunny nhởn nhơ chạy qua chỗ tuyết, chân lún sâu đến mức cằm chúng như được khoác thêm bộ râu tuyết trắng. Những lần chúng tôi chơi ném bóng cùng nhau trong một ngày thu quang đãng hoặc khoảnh khắc an ủi một trợ lý gặp chuyện không vui. Những hình ảnh ấy thường lướt qua tâm trí tôi, cắt ngang bao ngổn ngang toan tính. Chúng nhắc nhở tôi về thời gian thoi đưa, đôi lúc nhen lên trong tôi những nỗi niềm – một khát khao được đảo ngược thời gian để bắt đầu lại. Chuyện này đương nhiên không thể xảy ra vào buổi sáng, lúc mũi tên thời gian chỉ lao về phía trước; một ngày làm việc đang vẫy gọi; tôi cần phải tập trung vào những gì sắp tới. Buổi đêm thì lại khác. Mỗi tối khi đi bộ về nơi ở, cặp táp đựng đầy tài liệu, tôi thường cố ý bước chậm rãi hơn, thậm chí đôi lúc dừng lại. Tôi hít căng lồng ngực mùi hương của đất, của cỏ và phấn hoa, và lắng nghe tiếng gió hoặc tiếng mưa lộp độp. Thỉnh thoảng tôi chăm chú nhìn ánh sáng hắt lên hàng cột bên hiên và nét uy nghi của Nhà Trắng, nhìn lá cờ tít trên nóc, được chiếu sáng, hoặc hướng mắt về Tượng đài Washington nhô lên trên bầu trời đêm phía xa, thảng hoặc bắt gặp ánh trăng hoặc những vì sao sáng phía trên ngọn tháp, hoặc ánh đèn nhấp nháy của một máy bay phản lực đang lướt qua. Trong những thời khắc ấy, tôi thường không khỏi ngạc nhiên về lộ trình kỳ lạ – và ý tưởng – đã đưa tôi tới chốn này. TÔI KHÔNG SINH RA trong một gia đình có truyền thống chính trị. Ông bà ngoại tôi là dân miền Trung Tây có gốc gác

Miền Đất Hứa | 7 Scotland-Ireland. Họ được coi là những người có khuynh hướng tự do, đặc biệt là xét theo chuẩn mực thời Đại Khủng hoảng của các thị trấn bang Kansas, nơi họ chào đời, và họ rất chăm theo dõi tin tức. “Đấy là một phần của một công dân hiểu biết,” bà ngoại, mà chúng tôi gọi là Toot (lối gọi ngắn của Tutu, nghĩa là bà theo tiếng Hawaii), thường bảo tôi như thế trong khi lần giở các trang báo Honolulu Advertiser số phát hành buổi sáng. Nhưng ông bà ngoại tôi không có một ý thức hệ chắc chắn hoặc một thiên hướng đảng phái nào để bày tỏ, ngoại trừ các giá trị mà họ gọi là lẽ đời. Họ nghĩ về công việc – bà ngoại tôi là phó chủ tịch phụ trách(1) ủy thác chuyển nhượng tại một ngân hàng địa phương, còn ông ngoại bán bảo hiểm nhân thọ – và về các khoản phải chi trả mỗi tháng, cũng như những thú tiêu khiển nhỏ nhoi mà cuộc đời dành cho họ. Mà họ lại ngụ tại đảo Oahu, nơi chẳng có gì cấp bách cả. Sau những tháng ngày sống qua các bang Oklahoma, Texas và Washington, cuối cùng họ đã chuyển tới Hawaii vào năm 1960, một năm sau khi bang này được thành lập. Đại dương mênh mông tách biệt họ với biểu tình, bạo loạn và những thứ đại loại như thế. Câu chuyện chính trị duy nhất mà tôi nhớ mình đã nghe lỏm được từ ông bà hồi tôi mới lớn liên quan tới một quán rượu gần biển: thị trưởng thành phố Honolulu đã ra lệnh phá dỡ quán rượu yêu thích nhất của ông ngoại tôi để chỉnh trang lại mặt tiền phần cuối bãi Waikiki. Ông ngoại tôi không bao giờ tha thứ cho ông thị trưởng về điều đó. Mẹ tôi là Ann Dunham lại khác hẳn, luôn có ý kiến mạnh mẽ về nhiều vấn đề. Là người con duy nhất của ông bà ngoại, mẹ tôi nổi loạn chống lại các quy chuẩn trường trung học: bà đọc (1)Tiếng Anh là “vice president”, là chức danh nghề nghiệp dành cho các nhân viên có thâm niên trong hệ thống các tổ chức tài chính, ngân hàng của Mỹ, khác với chức danh “phó chủ tịch” mà chúng ta thường biết tới tại các ngân hàng Việt Nam hoặc các tổ chức phi tài chính.

| Barack Obama 8 tác phẩm của thi sĩ beatnik(1) và các nhà hiện sinh Pháp, lên ô tô đi phượt nhiều ngày cùng một người bạn tới San Francisco mà chẳng hề báo với ai. Hồi nhỏ, tôi đã nghe mẹ tôi nói về các cuộc tuần hành dân quyền và tại sao Chiến tranh Việt Nam là một thảm họa lầm lạc; về phong trào nữ quyền (vâng, về trả lương công bằng, nhưng không hào hứng bằng chuyện không cạo lông chân) và về cuộc chiến chống nghèo đói. Khi chúng tôi chuyển tới Indonesia sống cùng cha dượng, bà luôn cố gắng giải thích rõ các tội ác của một chính phủ tham nhũng (“Là ăn cắp đấy, Barry ạ!”), dù có vẻ như ai cũng dính tới tội này. Về sau, vào đận hè mà tôi tròn mười hai tuổi, khi gia đình đang trong kỳ nghỉ một tháng để đi khắp nước Mỹ, mẹ khăng khăng bắt chúng tôi dành thời gian theo dõi vụ điều trần Watergate vào mỗi tối, thỉnh thoảng xen vào bình luận (“Trông mong gì một kẻ theo chủ nghĩa McCarthy?”). Mẹ tôi không chỉ chăm chú vào tin tức. Dịp nọ, khi phát hiện tôi tham gia vào một nhóm trêu chọc một cậu bé ở trường, mẹ bắt tôi ngồi xuống trước mặt mẹ, môi mẹ mím chặt đầy thất vọng. “Con biết đấy, Barry,” mẹ nói (đây là cái tên mà mẹ và ông bà ngoại đặt cho tôi, thường gọi tắt là “Bar” nhưng phát âm giống “Bear” [con gấu]), “trên thế giới này có những kẻ chỉ nghĩ về bản thân. Họ không cần biết điều gì xảy ra với người khác miễn là họ đạt được điều mình muốn. Họ đạp những người khác xuống để thấy mình quan trọng.” “Nhưng lại có những người làm ngược lại, họ luôn có khả năng hình dung người khác cảm thấy thế nào, và đảm bảo rằng mình sẽ không làm điều tổn thương người khác.” “Vậy thì,” mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi, “con muốn trở thành loại người nào?” Tôi cảm thấy khổ sở. Đúng như chủ ý của mẹ, câu hỏi ấy đã đọng lại trong tôi rất lâu. (1) Beatnik là một trào lưu xã hội thịnh hành giai đoạn hậu Thế chiến II, trải dài qua các thập niên từ 1940 đến 1960, tiền thân của phong trào hippie.

Mục lục Lời đề tặng.............................................................................. V Lời tựa.................................................................................... IX Phần Một: ĐÁNH CƯỢC....................................................... 1 Chương 1................................................................................. 3 Chương 2............................................................................... 29 Chương 3............................................................................... 57 Chương 4............................................................................... 97 Phần Hai: CHÚNG TA CÓ THỂ......................................... 119 Chương 5............................................................................. 121 Chương 6............................................................................. 163 Chương 7............................................................................. 197 Chương 8............................................................................. 231 Chương 9............................................................................. 261 Phần Ba: KẺ ĐẢO NGŨ..................................................... 309 Chương 10........................................................................... 311 Chương 11........................................................................... 351 Chương 12........................................................................... 403 Chương 13........................................................................... 463

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==