Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa

Tặng Marcus, Dustin và Scottie

Lời nói đầu Có một điều kỳ lạ là chúng ta luôn báo tin tức quan trọng cho những người thân yêu của mình lúc họ đang bị hôn mê, như thể họ hôn mê chỉ vì họ thiếu niềm vui thú trong cuộc sống. Mẹ tôi đang nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện. Bác sĩ nói bà ấy chỉ còn sống được bốn mươi tám giờ nữa. Bà ngoại, ông ngoại và cha tôi đang ở ngoài phòng chờ, gọi điện cho họ hàng và ăn đồ ăn nhẹ mua từ máy bán hàng tự động. Bà tôi nói ăn bánh quy Nutter Butters giúp bà bớt lo lắng. Tôi đứng cạnh thân hình nhỏ bé, đang hôn mê của mẹ cùng ba người anh của tôi – Marcus (người anh Ổn Định), Dustin (người anh Thông Minh) và Scott (người anh Nhạy Cảm). Tôi lau khóe mắt nhắm nghiền của mẹ bằng một cái khăn nhỏ, và chuyện đó bắt đầu. Người anh Ổn Định cúi xuống thì thầm vào tai mẹ: “Mẹ ơi, con sắp chuyển về California sống rồi”.

6 - I’M GLAD MY MOM DIED Tất cả chúng tôi đều tràn trề hy vọng, hồi hộp chờ xem liệu mẹ có bất ngờ tỉnh dậy không. Không có gì xảy ra. Rồi người anh Thông Minh bước tới. “Mẹ ơi. Ừm… mẹ ơi, Kate và con sắp kết hôn.” Một lần nữa, tất cả chúng tôi lại hy vọng. Vẫn không có gì. Người anh Nhạy Cảm bước tới. “Mẹ…” Tôi không nghe những gì người anh Nhạy Cảm nói để cố đánh thức mẹ vì tôi đang mải nghĩ về kế hoạch của riêng mình. Và bây giờ thì đến lượt tôi. Tôi đợi đến khi mọi người xuống dưới lầu mua đồ ăn để có thể ở lại một mình với mẹ. Tôi kéo chiếc ghế kêu cọt kẹt đến gần giường mẹ và ngồi xuống. Tôi cười. Tôi đã chuẩn bị một tin rất hệ trọng để nói với bà. Quên chuyện đám cưới đi, quên chuyện chuyển nhà đi. Tôi có chuyện quan trọng hơn nhiều để nói. Chuyện mà tôi chắc là mẹ quan tâm hơn bất cứ thứ gì trên đời này. “Mẹ ơi. Con… dạo này rất ốm. Cuối cùng con cũng giảm còn được bốn mươi ký.” Tôi đang ở phòng chăm sóc đặc biệt với người mẹ đang hấp hối của mình, và điều mà tôi chắc chắn sẽ khiến bà tỉnh dậy chính là chuyện trong những ngày mẹ nhập viện, nỗi sợ hãi và buồn bã trong tôi đã khiến tôi mắc chứng biếng ăn. Chính nhờ nó mà giờ đây tôi đã đạt được mục tiêu cân nặng mẹ từng đặt ra cho tôi. Bốn mươi ký. Tôi chắc chắn tin này sẽ khiến mẹ tỉnh dậy, chắc đến nỗi tôi đã ngả

LÒNG TÔI NHẸ KHI MẸ RỜI XA - 7 người ra sau ghế, vắt chéo chân và tự tin chờ đợi. Tôi chờ mẹ tỉnh dậy. Tôi chờ đợi. Và chờ đợi… Nhưng mẹ tôi vẫn không tỉnh dậy. Không một chút động tĩnh. Tôi không thể hiểu được. Nếu chuyện cân nặng của tôi mà không thể khiến mẹ tỉnh dậy, chẳng chuyện gì có thể. Nếu không chuyện gì có thể đánh thức bà ấy, điều đó có nghĩa là bà ấy thật sự sắp ra đi. Và nếu bà ấy thật sự sắp ra đi, tôi phải làm gì với chính mình đây? Mục đích sống của tôi trước giờ luôn là làm cho mẹ vui, trở thành người mà mẹ muốn. Nếu không có mẹ, tôi biết làm gì bây giờ?

TRƯỚC ĐÓ

1 Món quà trước mặt tôi được gói bằng giấy gói quà Giáng sinh, dù lúc đó chỉ mới là cuối tháng Sáu. Nhà chúng tôi còn dư rất nhiều giấy gói quà từ mùa Giáng sinh trước vì ông tôi đã mua cả lốc mười hai cuộn giấy gói từ cửa hàng Sam’s Club, dù mẹ tôi đã nói với ông hàng triệu lần rằng mua sỉ như vậy cũng chẳng lợi hơn bao nhiêu so với mua lẻ. Tôi bóc lớp giấy gói – chứ không xé – vì tôi biết mẹ thích giữ lại giấy gói từ mọi món quà, và nếu tôi xé thay vì cẩn thận bóc từng chút một thì miếng giấy sẽ không còn nguyên vẹn đúng ý mẹ. Dustin nói mẹ là “người bị ám ảnh tích trữ”, nhưng mẹ thì nói đó chỉ là do mẹ thích lưu giữ những kỷ niệm. Vậy nên tôi từ từ bóc gói quà. Tôi ngước lên, thấy mọi người đang nhìn mình. Bà tôi đứng đó, với bộ tóc uốn xù, chiếc mũi nhỏ tròn và sự tập trung tuyệt đối – kiểu tập trung bà luôn có khi quan sát ai đó mở quà. Bà cực kỳ quan tâm đến chuyện những món quà được mua từ đâu, có giá bao nhiêu và có được giảm giá hay không. Bà phải biết những thông tin này.

LÒNG TÔI NHẸ KHI MẸ RỜI XA - 11 Ông tôi cũng đang quan sát tôi, và ông còn chụp hình nữa. Tôi rất ghét bị chụp hình, nhưng ông tôi thì lại thích chụp. Và không có gì có thể ngăn cản một người ông thích làm một điều gì đó. Giống như khi mẹ tôi bảo ông đừng cứ ăn cả tô kem Tillamook hương vani mỗi đêm trước khi đi ngủ vì việc này không tốt chút nào cho trái tim vốn đã suy yếu của ông, nhưng ông vẫn mặc kệ. Ông sẽ không ngừng ăn tô kem Tillamook của mình, và ông cũng sẽ không ngừng chụp hình. Nếu tôi không yêu ông nhiều đến thế thì có lẽ tôi đã nổi cáu rồi. Cha tôi đang có mặt ở đó, nửa tỉnh nửa mơ như mọi khi. Mẹ tôi cứ liên tục huých ông và thì thầm với ông rằng bà thật sự không tin tuyến giáp của ông không có vấn đề; cha tôi bực bội nói: “Tuyến giáp của tôi vẫn ổn”, rồi năm giây sau ông lại quay về trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Đây là cách cha mẹ tôi tương tác với nhau. Hoặc là theo kiểu này, hoặc là cãi vã và gào thét. Tôi thích kiểu này hơn. Marcus, Dustin và Scottie cũng có mặt ở đó. Tôi yêu cả ba người họ vì những lý do khác nhau. Marcus rất có trách nhiệm, rất đáng tin cậy. Tôi đoán điều này cũng hợp lý vì Marcus cơ bản đã là một người trưởng thành – anh ấy mười lăm tuổi – thậm chí ở anh ấy dường như còn có một sự cứng rắn mà tôi không thấy ở nhiều người trưởng thành khác xung quanh tôi. Tôi yêu Dustin dù hầu như lúc nào anh ấy cũng có vẻ khó chịu với tôi. Tôi thích việc anh ấy giỏi vẽ, giỏi lịch sử và địa lý – ba môn tôi dở kinh khủng. Tôi cố khen ngợi anh ấy thật nhiều về những điều anh ấy giỏi, nhưng anh ấy lại

12 - I’M GLAD MY MOM DIED gọi tôi là “đồ nịnh hót”. Tôi cũng không chắc “đồ nịnh hót” có nghĩa là gì, nhưng qua cái cách anh nói, tôi có thể đoán đó là một lời xúc phạm. Mặc dù vậy, tôi khá chắc là anh ấy luôn thầm thích những lời khen của tôi. Tôi yêu Scottie vì anh ấy hoài cổ. Tôi đã học được từ đó trong quyển Vocabulary Cartoons1 mà mẹ đọc cho chúng tôi nghe mỗi ngày – mẹ không cho chúng tôi tới trường mà tự dạy chúng tôi ở nhà – và giờ tôi luôn cố gắng sử dụng từ đó ít nhất một lần mỗi ngày để không quên từ. Từ đó thật sự rất phù hợp với tính cách của Scottie. “Một người dễ xúc động vì quá khứ.” Đó chắc chắn là tính cách của Scottie, dù anh ấy chỉ mới chín tuổi nên chưa có nhiều quá khứ cho lắm. Scottie thường khóc vào cuối mùa lễ Giáng sinh, cuối buổi sinh nhật, cuối ngày Halloween và có khi là cuối một ngày bình thường. Scottie khóc vì anh ấy thấy buồn khi mọi chuyện kết thúc, và ngay cả khi mọi chuyện còn chưa kết thúc thì anh ấy đã “mong chờ” sự kết thúc rồi. “Mong chờ” là một từ khác mà tôi học được trong quyển Vocabulary Cartoons. Mẹ tôi cũng đang quan sát tôi. Ôi, mẹ tôi. Bà ấy thật đẹp. Nhưng bà lại không nghĩ mình xinh đẹp. Có lẽ đó là lý do vì sao ngày nào bà ấy cũng dành cả giờ đồng hồ để làm tóc và trang điểm, ngay cả khi bà chỉ đi đến cửa hàng tạp hóa gần nhà. Tôi chẳng thể hiểu nổi. Tôi thề là mẹ tôi trông đẹp hơn khi không có những thứ đó. Tự nhiên hơn. Bạn có thể nhìn thấy làn da của bà. Đôi mắt bà. Con người bà. Ấy vậy mà mẹ tôi lại che phủ tất cả. Bà bôi kem làm rám da 1 Tạm dịch: Từ vựng bằng hình ảnh.

LÒNG TÔI NHẸ KHI MẸ RỜI XA - 13 lên mặt, kẻ bút chì dọc theo khóe mắt, bôi rất nhiều kem lên má và đánh rất nhiều phấn lên đó. Bà làm cho tóc mình phồng to. Bà đi giày cao gót để có thể cao một mét sáu, vì bà nói chỉ cao một mét rưỡi – chiều cao thực của bà – là không thể chấp nhận được. Bà phủ lên mình quá nhiều thứ bà không cần, quá nhiều thứ tôi ước gì bà đã không dùng. Nhưng tôi vẫn có thể thấy con người thật của bà bên dưới những lớp phủ đó. Và chính cái người bên dưới những lớp phủ đó mới xinh đẹp làm sao. Mẹ quan sát tôi và tôi cũng quan sát mẹ, đó là cách mọi thứ thường diễn ra. Chúng tôi luôn kết nối với nhau. Hòa quyện vào nhau. Là một. Mẹ tôi mỉm cười với tôi theo kiểu “hãy nhanh tay lên nào”, và tôi bắt đầu nhanh tay hơn. Tôi tăng tốc độ và nhanh chóng bóc xong lớp giấy gói bọc ngoài món quà của mình. Tôi lập tức cảm thấy thất vọng, nếu không muốn nói là bàng hoàng, khi nhìn thấy món quà tôi được tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ sáu của mình. Ừ thì tôi thích phim hoạt hình Rugrats1, nhưng bộ trang phục một áo thun và một quần soóc này lại có hình Angelica (nhân vật tôi không thích nhất) với hoa cúc bao quanh (tôi ghét hoa trên quần áo). Thậm chí bộ đồ này còn có bèo nhún quanh tay áo và ống quần. Nếu có một thứ tôi có thể chỉ đích danh là đại diện cho tất cả những gì hoàn toàn đối lập với tâm hồn mình, đó chính là thứ bèo nhún này. “Ôi thích quá!”, tôi hét lên với giọng phấn khích. “Đây là món quà con thích nhất từ trước đến nay!” 1 Tạm dịch: Những đứa trẻ tinh nghịch.

14 - I’M GLAD MY MOM DIED Tôi cố nở một nụ cười thật nhất có thể. Mẹ tôi không nhận ra nụ cười ấy là giả. Bà nghĩ tôi thật sự thích món quà đó. Khi vừa bảo tôi hãy mặc bộ đồ đó cho bữa tiệc sinh nhật của mình, bà đã lập tức cởi đồ ngủ của tôi. Cái cách mẹ thay đồ cho tôi khiến tôi cảm thấy như bà đang xé chứ không phải cẩn thận bóc lớp giấy gói ra khỏi món quà. Hai tiếng đồng hồ trôi qua. Lúc bấy giờ tôi đang mặc bộ đồ Angelica và đang ở công viên Eastgate cùng bạn bè của mình, hay đúng hơn là những người duy nhất bằng tuổi tôi mà tôi biết. Tất cả đều là những người bạn học cùng lớp giáo lý với tôi ở nhà thờ. Carly Reitzel có ở đó, với chiếc băng đô gợn sóng. Madison Thomer có ở đó, với cái tật nói lắp mà tôi vẫn thường ước là mình cũng có, vì tôi thấy như vậy rất hay ho. Và Trent Paige cũng có ở đó, lại đang lải nhải về màu hồng, một chủ đề mà cậu ấy đã nhắc đến quá nhiều và quá thường xuyên đến mức khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu. (Ban đầu tôi không hiểu tại sao người lớn lại để tâm đến việc Trent nhắc nhiều về màu hồng, nhưng về sau này tôi đã dần hiểu ra. Họ nghĩ Trent là người đồng tính. Và chúng tôi lại là những tín hữu Mặc Môn1. Và vì một lý do nào đó, bạn không thể vừa là người đồng tính vừa là tín hữu Mặc Môn.) Bánh sinh nhật và kem được bày ra, khiến tôi hết sức hồi hộp. Tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này suốt hai tuần qua, kể từ lúc tôi quyết định mình sẽ ước điều gì. Lời ước sinh nhật là 1 Tín hữu Mặc Môn là người theo Giáo hội Mặc Môn, tên gọi ngắn gọn của Giáo hội Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ki-tô, được thành lập vào ngày 6/4/1830 tại thị trấn Fayette thuộc hạt Seneca, New York, Mỹ.

LÒNG TÔI NHẸ KHI MẸ RỜI XA - 15 quyền lực lớn nhất mà tôi có trong đời vào lúc này. Đó là cơ hội lớn nhất mà tôi có để giành quyền kiểm soát. Tôi không xem cơ hội này như chuyện hiển nhiên. Tôi muốn tận dụng nó. Mọi người bắt đầu hát bài “Happy Birthday”, một cách lạc điệu; Madison, Trent và Carly còn chêm cha-cha-cha vào cuối mỗi câu hát, khiến tôi rất khó chịu. Tôi có thể thấy mọi người đều nghĩ việc ba người họ cứ cha-cha-cha như thế thật đáng yêu, nhưng tôi thì nghĩ hành động đó đã làm mất đi sự trong trẻo của bài hát sinh nhật. Tại sao họ không thể để yên cho một thứ vốn đã tốt đẹp rồi kia chứ? Tôi nhìn vào mắt mẹ để mẹ biết tôi quan tâm đến mẹ, rằng mẹ là ưu tiên hàng đầu của tôi. Mẹ tôi không đệm cha-cha-cha vào bài hát. Tôi biết ơn bà vì điều đó. Mẹ nở một nụ cười tươi làm nhăn cả hai cánh mũi, khiến tôi có cảm giác mọi chuyện rồi sẽ ổn. Tôi cũng mỉm cười với mẹ, cố gắng tận hưởng khoảnh khắc này một cách trọn vẹn nhất có thể. Mắt tôi ngân ngấn nước. Mẹ tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn bốn khi tôi mới hai tuổi. Tôi hầu như không nhớ gì về thời gian đó mà chỉ có một vài ký ức còn đọng lại. Trong đó có hình ảnh mẹ đan cho tôi một chiếc chăn lớn bằng sợi len màu xanh lá cây và trắng, mẹ nói đó là thứ mà tôi có thể mang theo bên mình khi mẹ ở trong bệnh viện. Tôi ghét chiếc chăn đó, hoặc tôi ghét cái cách mẹ trao nó cho tôi, hoặc tôi ghét cảm giác của tôi khi mẹ trao nó cho tôi. Tôi không nhớ chính xác mình ghét điều gì, nhưng chắc chắn trong ký ức đó có điều gì đó tôi rất ghét.

16 - I’M GLAD MY MOM DIED Trong đó có hình ảnh tôi đang đi ngang qua một nơi trông như là bãi cỏ của bệnh viện, tay tôi đang được ông tôi nắm. Lẽ ra ông cháu tôi định hái bồ công anh để tặng mẹ tôi, nhưng rốt cuộc tôi lại hái những nhánh cỏ dại màu nâu, sần sùi và thon dài giống những cái que vì tôi thích chúng hơn. Mẹ tôi đã cắm chúng trong một chiếc ly nhựa hình bút sáp màu trong khu vực giải trí của chúng tôi suốt nhiều năm. Để lưu giữ ký ức. (Có khi nào đây là lý do khiến Scott có tính hoài cổ?) Trong đó còn có hình ảnh tôi ngồi trên tấm thảm xanh mấp mô trong góc một căn phòng ở nhà thờ, nhìn hai giáo sĩ trẻ tuổi và đẹp trai đặt tay lên mái đầu trọc lóc của mẹ tôi để ban phước lành cho mẹ, trong khi những thành viên khác trong gia đình tôi ngồi trên những hàng ghế gỗ lạnh lẽo quanh căn phòng. Một giáo sĩ đã làm lễ dâng dầu ô liu để nó trở nên linh thiêng hơn hay gì đó, sau đó đổ dầu lên đầu của mẹ tôi, làm cho nó càng thêm bóng lưỡng. Tiếp đến, giáo sĩ còn lại nói lời chúc phúc, cầu nguyện cho mẹ tôi được kéo dài tuổi thọ nếu đó là ý muốn của Chúa. Bà tôi bất chợt đứng bật dậy và thốt lên: “Phải là ngay cả khi đó không phải là ý muốn của Chúa chứ!”, làm gián đoạn câu cầu nguyện và khiến vị giáo sĩ đó phải cầu nguyện lại từ đầu. Tuy hầu như không nhớ gì về khoảng thời gian đó, nhưng có vẻ như tôi không cần phải nhớ. Những chuyện xảy ra trong khoảng thời gian đó đã được đề cập trong gia đình McCurdy thường xuyên đến nỗi dù bạn không tận mắt chứng kiến thì những trải nghiệm như vậy vẫn có thể hằn sâu vào trí nhớ của bạn.

LÒNG TÔI NHẸ KHI MẸ RỜI XA - 17 Mẹ tôi thích kể lại câu chuyện về căn bệnh ung thư của bà – về việc hóa trị, xạ trị, cấy ghép tủy, phẫu thuật cắt bỏ vú, cấy ghép vú, cũng như thực tế là bà chỉ mới ba mươi lăm tuổi khi biết mình mắc ung thư giai đoạn bốn – với bất kỳ người nào bà gặp ở nhà thờ, ở gần nhà hoặc ở cửa hàng Albertsons, miễn là họ chịu bỏ thời gian lắng nghe. Mặc dù đó là một câu chuyện rất buồn, nhưng tôi có thể thấy tự thân câu chuyện đó đã mang lại cho mẹ một niềm tự hào sâu sắc. Một mục đích. Kiểu như mẹ tôi, Debra McCurdy, đã được sinh ra trên trái đất này để trở thành một người sống sót sau căn bệnh ung thư và để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ người nào bà gặp… ít nhất từ năm đến mười lần. Mẹ tôi thường hồi tưởng về căn bệnh ung thư theo cách mà hầu hết mọi người hồi tưởng về những kỳ nghỉ của mình. Mẹ thậm chí còn làm người dẫn chương trình cho buổi xem phim gia đình hằng tuần tại nhà, nơi bà phát lại đoạn phim tài liệu bà đã tự quay kể từ khi nhận được chẩn đoán về bệnh tình của mình. Mỗi Chủ nhật sau khi đi nhà thờ về, mẹ sẽ bảo một trong những người anh của tôi mở phim giúp bà, vì bà không biết cách sử dụng đầu chạy băng. “Được rồi, mọi người, suỵt. Im lặng nào. Hãy cùng xem và hãy thấy biết ơn vì mẹ của các con vẫn còn ở đây ngay lúc này”, mẹ nói. Mặc dù mẹ nói chúng tôi xem đoạn phim này là để biết ơn rằng giờ đây mẹ đã ổn, nhưng tôi luôn thấy có điều gì đó kỳ cục khi xem lại đoạn phim này. Tôi có thể cảm nhận là việc này khiến các anh trai của tôi khó chịu như thế nào, và tất nhiên nó cũng khiến tôi khó chịu. Tôi nghĩ chẳng ai

18 - I’M GLAD MY MOM DIED trong chúng tôi muốn được gợi lại những ký ức về người mẹ trọc đầu, buồn bã đang bên bờ vực sống chết của mình cả, nhưng không ai trong chúng tôi dám nói ý nghĩ đó ra. Phim bắt đầu. Mẹ hát ru cho cả bốn anh em chúng tôi trong khi chúng tôi ngồi quây quần cùng mẹ trên sofa. Và giống như cuộn băng luôn phát cùng một nội dung, mẹ tôi cũng đưa ra những lời nhận xét y hệt nhau. Lần nào chúng tôi xem lại đoạn phim đó, mẹ cũng đều nhận xét rằng nó nặng nề “quá sức chịu đựng của Marcus”, vậy nên anh ấy cứ phải đi ra hành lang để lấy lại bình tĩnh rồi quay trở vào. Thái độ của mẹ khi nhận xét như vậy đã cho chúng tôi biết đó là lời khen ngợi ở mức cao nhất. Việc Marcus sầu não vì căn bệnh nan y của mẹ là bằng chứng cho thấy anh ấy là một đứa con ngoan. Rồi mẹ sẽ nhận xét rằng tôi là một “đứa phá cảm xúc”, nhưng bà luôn nói cụm “đứa phá cảm xúc” bằng cái kiểu gằn giọng độc địa đến mức nghe như một lời chửi rủa. Mẹ nói mẹ không tin nổi là tôi lại có thể phấn khích hát bài “Jingle Bells” lớn đến thế, trong khi cả gia đình rõ ràng đều có tâm trạng cực kỳ tồi tệ. Bà không tin nổi là tôi không nhận ra được điều đó. Làm sao tôi có thể vui vẻ như vậy khi không khí xung quanh tôi rõ ràng đang rất nặng nề? Lúc đó tôi mới hai tuổi. Nhưng tuổi tác không phải là cái cớ. Tôi cảm thấy vô cùng ân hận mỗi khi chúng tôi xem lại đoạn phim này. Sao tôi có thể không hiểu chuyện đến vậy? Thật là một đứa ngu ngốc. Sao tôi có thể không cảm nhận được những gì mẹ cần lúc đó? Rõ ràng bà ấy cần tất cả chúng tôi thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề, cần chúng tôi thấy càng khó

LÒNG TÔI NHẸ KHI MẸ RỜI XA - 19 chấp nhận càng tốt, cần chúng tôi cảm thấy suy sụp. Bà ấy cần chúng tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ chẳng là gì nếu không có bà ấy. Tôi biết những chi tiết như hóa trị, cấy ghép tủy và xạ trị trong câu chuyện về căn bệnh ung thư của mẹ tôi sẽ khiến bất kỳ ai nghe cũng đều cảm thấy sốc và bất ngờ, kiểu như họ không thể tin một phụ nữ như mẹ lại trải qua những thứ khó khăn như vậy. Nhưng đối với tôi, đó đơn thuần là những thuật ngữ, chúng chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Điều duy nhất tôi hiểu chính là bầu không khí trong gia đình McCurdy. Theo những gì tôi có thể nhớ, cách thích hợp nhất để mô tả bầu không khí đó là cảm giác như bạn đang nín thở. Cảm giác đó giống như tất cả chúng tôi đều đang trong trạng thái chờ, chờ căn bệnh ung thư của mẹ quay lại. Với những buổi chiếu phim liên tục gợi nhắc về lần đầu tiên mẹ tôi mắc bệnh ung thư và những buổi tái khám thường xuyên, không khí trong nhà tôi luôn luôn nặng nề. Sự mong manh trong cuộc sống của mẹ là trung tâm cuộc sống của tôi. Và tôi nghĩ mình có thể làm gì đó với sự mong manh này bằng điều ước sinh nhật của mình. Cuối cùng, bài hát “Happy Birthday” cũng kết thúc. Thời khắc ấy đã đến. Thời khắc trọng đại của riêng tôi. Tôi nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu trong khi tập trung vào điều ước trong đầu mình. Tôi ước mẹ sẽ sống thêm được một năm nữa.

MỤC LỤC Lời nói đầu 5 Trước đó 9 Sau đó 299 Lời cảm ơn 484

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==