Lẽ Sống

YES to LIFE Vũ Lập Nhật dịch Tác giả cuốn ĐI TÌM LẼ SỐNG in spite of everything

Kính dâng người cha quá cố của tôi

Lời tựa của Joachim Bauer Nội dung trong cuốn sách này được ghi chép lại từ ba bài giảng của Viktor Frankl vào năm 1946, đến nay vẫn còn mang tính thời sự một cách phi thường và đáng kinh ngạc. Chúng cô đọng toàn bộ tư tưởng mà vị bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý lừng lẫy này đã viết trong nhiều bài báo và các cuốn sách trong mấy thập niên sau đó. Khả năng soi rọi thấu suốt thân phận con người trong ba bài giảng của Viktor Frankl là không gì sánh được. Và nỗ lực của Nhà xuất bản Beltz trong việc đưa tư tưởng của Viktor Frankl tiếp cận khán giả ngày nay, đặc biệt là các bạn trẻ – thông qua việc xuất bản cuốn sách này – là rất đáng quý. Với bản tính khiêm nhường và chừng mực, đoan chắc rằng Viktor Frankl sẽ từ chối nhận lời suy tôn rằng ông là một người phi thường. Nhưng đối với tôi, ông ấy xứng đáng được đứng ngang hàng với Hippocrates, ông tổ của nền y học trị liệu ở Hy Lạp cổ đại, và bác sĩ xứ Alsatia, Albert Schweitzer, người được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1954. Cũng giống như Schweitzer, Viktor Frankl có viễn kiến vượt qua khỏi

8 - Yes To Life liệu pháp y khoa để giải đáp các câu hỏi nhân chủng học liên quan tới những nguyên tắc của con người. Dưới đây là ba khía cạnh khiến tôi đặc biệt xúc động, tôi chọn ra để soi xét chi tiết hơn. Cái tôi như cốt lõi của con người Những bài giảng mà chúng ta đọc được ở đây do Viktor Frankl viết ra năm ông bốn mươi mốt tuổi – giai đoạn ngòi bút của Viktor sung mãn nhất. Ấy vậy mà, thời điểm đó ông đã phải kinh qua những trải nghiệm tồi tệ nhất có thể xảy đến với một con người. Frankl nằm trong số hàng triệu người chịu ảnh hưởng từ tội ác khủng khiếp của Đức Quốc xã. Đồng thời, ông là một số ít nạn nhân sống sót sau cảnh tù đày trong trại tập trung (nhiều trại tập trung nữa là đằng khác). Quãng thời gian đó giúp ông nhận ra điều gì làm nên bản chất con người khi mọi thứ của con người ấy đã bị tước đoạt: cuộc gặp gỡ với cái tôi. Một đặc điểm của thời đại ngày nay là nhiều người không còn cơ hội gặp được chính mình trong dòng đời hối hả, hoặc họ chủ động tránh nó bằng cách thường xuyên đánh lạc hướng bản thân. Tại sao? Bởi lẽ một cuộc gặp gỡ với chính mình thường gắn liền với những cảm giác khó chịu hay thậm chí là không thể chịu đựng nổi. Trở thành tù nhân trong trại tập trung là một trải nghiệm đặc biệt, có một không hai. Viktor Frankl đã cho chúng ta thấy rõ rằng ông chỉ chấp nhận nó ở một mức độ nào đó thôi: hệt như với tù nhân, ngay cả trong đời sống

Lẽ Sống - 9 bình thường cũng có những tình huống xảy ra mà con người phải đối mặt với việc bị cuỗm đi nhiều hoặc thậm chí là tất cả mọi thứ của mình – những thứ trước đây từng khiến chúng ta thoái thác việc đối mặt với chính mình. Những tình huống như vậy có thể xảy ra với bất kỳ ai: chỉ riêng ở Đức, hằng năm có 480.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Hàng tá bi kịch của số phận giáng xuống chúng ta: mất mát, tai nạn hoặc bệnh tật có thể đột ngột ập đến và thu hẹp năng lực của con người; trong một số trường hợp nó còn áp đặt lên chúng ta những hạn chế nghiêm trọng nhất. Vậy thì sao? Bài giảng của Viktor Frankl là lời động viên chúng ta hãy tìm gặp chính mình khi cú đánh của số phận “đã làm tan tành mây khói” những thứ không thiết yếu, khi “tiền bạc, quyền bính, danh vọng… trở thành những thứ bấp bênh” hay đã mất [từ trong ngoặc kép là của Frankl]. Khi cuộc sống không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta buộc phải quay về với chính mình. Gần đây tôi có viết một cuốn sách về thân phận con người1. Theo Frankl, nhiệm vụ quan trọng nhất trong đời sống là tạo lập được thể trạng tốt ngay từ giai đoạn đầu đời. Điều này đòi hỏi phải phát triển một “năng lực nội tại” giúp bảo toàn “bản thân và những thứ thiết yếu nhất của con người”, ngay cả khi những phiền nhiễu liên tiếp và thứ vật chất vụn vặt bủa vây chúng ta trong đời sống thường ngày đột nhiên biến mất. 1 Joachim Bauer: Wie wir werden, wer wir sind. Die Entstehung des menschlichen Selbst durch Resonanz (tạm dịch: Cách chúng ta trở thành những người như chúng ta đang là. Sự hình thành cái tôi mang tính người thông qua sự cộng hưởng). Blessing, Munich 2019.

10 - Yes To Life Những ai không kết nối được với chính mình, rồi đột nhiên bị số phận ép phải đối diện với câu hỏi Điều gì làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên quan trọng, có giá trị và ý nghĩa, sẽ dễ có nguy cơ rơi vào trạng thái lãnh đạm trong những lúc cần thiết. Viktor Frankl nhận ra rằng “việc buông thả tâm hồn… cũng dẫn tới sự sa sút về thể chất”. Liên quan tới ý này, vị bác sĩ có tư duy toàn diện Viktor Frankl đã tiên đoán được những gì mà ngày nay chính là tư tưởng cốt lõi của y học tâm lý, và ở một số lĩnh vực khác, là nền tảng khoa học của phương pháp trị liệu ung thư bằng tâm lý: những người cạn kiệt năng lượng sẽ có hệ thống miễn dịch bị suy yếu và do đó giảm khả năng chống lại bệnh tật, trong đó có ung bướu1. Ngọn nguồn ý nghĩa của cuộc sống Tuyệt vời làm sao khi Viktor Frankl chỉ ra được những căn cơ có thể đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Ngày nay, thế giới càng có nhiều người nhận thức được rằng sự thịnh vượng về của cải không còn là thứ quan trọng nữa (và họ ngày càng hướng đến những điều liên quan đến tâm hồn). Frankl nói: “Ham muốn không phải là thứ mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại… Hạnh phúc không nên và không bao giờ là mục tiêu theo đuổi, mà thay vào đó nó nên là thành quả”. Từ đây, Viktor Frankl nảy ra ý tưởng mà sau này trở thành nền tảng của tư tưởng triết học hiện sinh do ông 1 Joachim Bauer: Selbststeuerung. Die Wiederentdeckung des freien Willens (tạm dịch: Sự tự chủ. Sự khám phá lại ý chí tự do). Munich, Heyne 2018. Xem thêm: Elmar Reuter, Gudrun Haarhoff, Yosh MalzonJessen: Über Lebensgeschichten nach schwerer Krebserkrankung (tạm dịch: Về những câu chuyện cuộc đời sau căn bệnh ung thư hiểm nghèo). Klett-Cotta, Stuttgart, ​2020.

Lẽ Sống - 11 phát triển: “Câu hỏi [có thể] không còn là ‘Tôi có thể trông đợi gì từ cuộc đời’, mà chỉ có thể là ‘Cuộc đời có thể trông đợi gì ở tôi?’”. Theo Frankl, chính cuộc sống đặt ra những câu hỏi buộc chúng ta phải trả lời. Chỉ bằng cách đáp ứng điều này thì cuộc sống của chúng ta mới trở nên ý nghĩa. Viktor Frankl gọi những hành động tích cực, sự quan tâm đến người khác và trải nghiệm ấn tượng về cái đẹp (bao gồm cả vẻ đẹp của thiên nhiên) là những công cụ sẵn có giúp chúng ta trả lời những câu hỏi từ cuộc sống. Bất kỳ ai dẫu cho bị tước đi cơ hội thực thi các hoạt động thì vẫn còn đó cơ hội trải nghiệm được yêu thương. Con người “ngoài hành vi chủ động ra thì thông qua việc hấp thu thụ động thế giới vẫn có thể tạo lập nên ý nghĩa cho cuộc sống”. Khi nghĩ về những cội nguồn ý nghĩa tiềm tàng, Viktor Frankl đã dẫn dắt độc giả của ông phiêu lưu vào chiều kích sâu thẳm nhất: ngay cả khi nỗi thống khổ đè nặng lên con người không cách nào loại bỏ được, chúng vẫn có thể trở thành ngọn nguồn ý nghĩa. Cách mà một người đặt nội tâm của họ vào nỗi đau có thể trở thành một hành động có ý nghĩa. “Ý nghĩa có thể nảy sinh từ bệnh tật và mất mát, nó [không hề] bị tổn hại bởi bất kỳ những nỗ lực bất thành và thất bại nào trong cuộc sống.” Ở đây Frankl muốn nói về “thành công nội tại”. Ý nghĩa cuộc sống của chúng ta chủ yếu nằm ở “cách chúng ta điều chỉnh theo vận mệnh bên ngoài của mình”.

12 - Yes To Life Tư tưởng ấy đã trở thành cơ sở tham khảo phổ biến cho những thắc mắc mà chúng ta quan tâm trong nghiên cứu chấn thương ngày nay. Những ai bị bệnh tật và chấn thương mà nhận được sự điều trị đầy đủ hoặc phúc lợi xã hội sẽ tăng khả năng chịu đựng – một dạng năng lực được gọi là “tăng trưởng sau chấn thương” (post-traumatic growth, PTG). Tâm hồn của con người cũng có thể được củng cố, “ít nhất là ở một mức độ nhất định và trong những giới hạn nhất định”, bằng cách chịu đựng căng thẳng. Frankl nói: “Tùy thuộc vào con người và chính chúng ta mà sự đau khổ có trở nên ý nghĩa hay không”. Y học hiện đại giữa tính khách quan và nhân văn Đối với tôi, một trong những tác động mạnh mẽ từ các bài giảng của Frankl được in trong cuốn sách này chính là những nhận xét của ông về mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần, thường liên quan đến một căn bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân không thể tự tìm ra cách để lấy lại sức mạnh của chính mình. Để khám phá ra ý nghĩa tiềm ẩn của một căn bệnh và tìm ra con đường hồi phục sức mạnh đã mất, bệnh nhân cần một bác sĩ giỏi. Từng là chuyên gia về thần kinh học trước khi bị quân phát xít bắt giam vào trại cải tạo, Viktor Frankl không chấp nhận những lời chỉ trích rẻ rúng về y học chính thống. Thay vào đó, ông đã chỉ ra một mối nguy hiểm vốn có trong y học hiện đại là biến bệnh nhân thành “ca bệnh” và

Lẽ Sống - 13 “vật phẩm bệnh tật”. Bất cứ ai nghĩ rằng những thuật ngữ do Frankl trích dẫn vốn có từ sớm trước đó đều đã nhầm lẫn. Tôi từng nghe nhiều đồng nghiệp nói theo cách này về bệnh nhân và về nhân viên (“vật phẩm nhân viên”). Thông qua diễn giải của Frankl, những thuật ngữ này đã mô tả được “khuynh hướng xa cách [và] đồ vật hóa con người của giới y sĩ đang diễn ra sâu sắc đến mức nào”. Đọc Frankl, chúng ta nhận ra đó dường như là thông điệp mà ông muốn nhắn gởi đến giới y khoa ngày nay: “Một bác sĩ giỏi…, từ thực tiễn nhân loại, sẽ được nhắc đến mãi”. Sẽ rất thú vị nếu biết Viktor Frankl sẽ nói gì với những người hiện nay nghĩ rằng công chúng có quyền yêu cầu thứ gì đó từ các cá nhân làm việc trong ngành y, chẳng hạn như sẵn sàng hiến tạng – vốn được tuyên bố như một tiêu chuẩn. Mỗi độc giả sau khi đọc xong các bài giảng của Frankl có thể tự quyết định được vấn đề cho riêng mình. Đối với tôi, một trong những đoạn cảm động nhất trong nhận xét của Frankl là lời đề nghị của ông rằng mỗi bệnh nhân phải được bác sĩ soi chiếu và “nhìn thấy” một cách sâu sắc. Đó là “tính nhân văn của bác sĩ [khi] đã tìm thấy con người trong bệnh tật… và hơn thế nữa, đánh thức được con người trong bệnh tật”. Quả là một áng văn xúc động! Ai cũng cần được soi chiếu và được nhìn thấy – đặc biệt là người đã được số phận an bài và lâm trọng bệnh – không riêng gì bởi bác sĩ mà bởi mọi người nói chung. Tìm kiếm ý nghĩa của đau khổ và nỗ lực phát triển thái độ sống thích hợp với từng tình huống khó khăn nhất định đều đòi hỏi

14 - Yes To Life tính liên kết với người khác. Mỗi tù nhân trong trại “biết […], rằng bằng cách nào đó, ở đâu đó, có người đang ở đó, quan sát mình từ một vị trí không thể nhìn thấy”. Frankl liên tục nhấn mạnh “sự tồn tại của người khác, sự hiện hữu của tha nhân”, nếu không có điều đó thì con người sẽ không thể sinh tồn và đối mặt với các nhiệm vụ của cuộc sống. Toàn bộ sức mạnh của tính thời sự và hiện đại trong các văn bản của Frankl được thể hiện ở đây, rằng chúng ta cần liên kết với nhau để chiến thắng, phát triển và bảo vệ bản thân1. Mong rằng cuốn sách này sẽ được nhiều độc giả đón nhận. Chắc chắn rằng việc đọc các tác phẩm của Viktor Frankl sẽ mang đến cho người đọc nhiều lợi ích to lớn. Berlin, Hè 2019 GS. TS. Y khoa Joachim Bauer 1 Wie wir werden, wer wir sind. Die Entstehung des menschlichen Selbst durch Resonanz. Blessing, Munich 2019.

Ghi chú biên tập Những bài diễn thuyết in trong sách này được tập hợp từ các buổi nói chuyện của Viktor Frankl vào tháng Ba, tháng Tư năm 1946 tại một trường giáo dục người trưởng thành ở Ottakring – khu vực dành cho tầng lớp lao động ở Vienna. Những bài diễn thuyết này đã được in thành sách trong cùng năm với tiêu đề ...trotzdem ja zum Leben sagen. Drei Vorträge (… Say Yes to Life in Spite of Everything. Three Lectures – tạm dịch: Tin yêu cuộc sống dẫu có thế nào. Ba bài diễn thuyết). Ở bản in lần này, ban biên tập đã cân nhắc sửa đổi các từ dùng của Frankl vốn là một phần trong tiếng Đức phổ thông và tiếng Đức y khoa vào thời điểm ấn bản đầu tiên được ra mắt, bởi có những từ không còn được chấp thuận sử dụng trong thời đại ngày nay, chẳng hạn như “nhà thương điên”, “mọi đen”, “diệt chủng”, “lũ trẻ ngu đần, lạc hậu”. Tuy nhiên, trong bản dịch tiếng Anh, để giữ mạch lập luận của Frankl cũng như giọng văn gốc và sắc thái ngôn ngữ ông sử dụng được xuyên suốt, các tình huống viết ở ngôi thứ ba số ít như “anh” hay “anh ta” phần lớn được giữ nguyên mà không chuyển thành các từ trung lập về giới tính.

Mục lục Lời tựa của Joachim Bauer.......................................................................7 Ghi chú biên tập....................................................................................... 17 Luận về ý nghĩa và giá trị cuộc đời (I)........................................... 19 Luận về ý nghĩa và giá trị cuộc đời (II).......................................... 55 Thí nghiệm quyết định........................................................................ 91 Lời bạt của Franz Vesely...................................................................... 119 Về Viktor E. Frankl................................................................................. 127 Những tác phẩm khác của Viktor E. Frankl....................................... 129 Viện Viktor Frankl. ................................................................................. 131 Tri ân. ...................................................................................................... 134

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==