Không Gục Ngã - Nguyễn Bích Lan (Bìa mềm)

“Có những cuộc đời, những thân phận sống trên thế gian này như để thức tỉnh bản ngã con người. Có những câu chuyện của người khác dường như được viết ra cho chính mình.” - Nguyễn Văn Phước Giám đốc First News - Trí Việt

NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ VIỆT NAM Tái bản lần thứ 7

LỜI GIỚI THIỆU Gần mười tám năm cầm bút, rong ruổi đây đó, gặp biết bao số phận buồn, vui kiếp người, riêng Bích Lan đã để lại trong tôi nhiều xúc cảm sâu sắc, lắng đọng mãi. Đó là một chiều thu, trên con đường ngược sông Hồng chảy qua đoạn Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, tôi đã lặng nhìn Bích Lan phải dùng cả hai tay mới nâng được ca nước nhỏ, tưới chậu lan treo trước mảnh sân quê cô. Nhìn mầm xanh lẫn người gieo sự sống đều có vẻ như yếu đuối, không biết sẽ gục ngã lúc nào, tôi lại thấu cảm có mạch nguồn sự sống mãnh liệt đang ẩn sâu trong sự mong manh đó. Ngọn lửa nội sinh không thể hiện qua lời nói ồn ã, cũng chẳng thấy được trên cơ thể mạnh khỏe, mà từ chính trái tim, tâm hồn cô! Suốt buổi chiều hôm đó sang cả ngày sau, tôi đã ngồi nhìn sâu vào ánh mắt luôn nhìn thẳng và lắng nghe giọng nói chậm nhẹ, nhưng rõ ràng, chắc chắn của Bích Lan. Rồi tôi chợt nhận ra rằng ý tưởng ban đầu viết một bài ký nhân vật của mình hời hợt quá. Chuyện đời cô có biết bao nỗi niềm để thấu cảm, sẻ chia cho những phận người đang mò mẫm trong khổ đau, bất hạnh tin rằng dù đêm có dài đen, kiếp nhân sinh có xoay vần giông tố thế nào, thì bầu trời vẫn luôn có những vì sao lấp lánh, và rồi mỗi người cũng sẽ tìm được một con đường tốt đẹp cho chính mình!

Không Gục Ngã - 7 Loạt bài “Không gục ngã” sáu kỳ đăng trên Tuổi Trẻ đã nhận được sự phản hồi, sẻ chia rất nhiều của bạn đọc. Có người hỏi tôi địa chỉ Bích Lan để động viên cô. Có người còn bày bài thuốc này nọ để hy vọng cô vượt qua được bệnh tật. Nhưng cảm động nhất là nhiều người muốn kết bạn tâm giao với Bích Lan, cô gái lúc ấy vẫn còn trầm lặng, âm thầm vượt qua bệnh tật để tìm niềm vui trong viết lách và dạy học ở làng quê nghèo. Tôi nhớ mãi hình ảnh hai cha con tìm đến tận cơ quan tôi ở thành phố Hồ Chí Minh để hỏi thăm thêm chuyện Bích Lan. Người cha có gương mặt ưu tư, khắc khổ xúc động tâm sự: “Cả đời tôi mải mê làm ăn, có thể cho con nhà lầu, ô tô hay những chuyến du học đắt tiền, nhưng không thể nào truyền cho con được nghị lực sống. Tôi đã rất buồn phiền, lo âu con không nên người. Nhưng câu chuyện cảm động của Bích Lan hình như đã làm cháu tỉnh lại. Nó đã cắt những bài báo này dán ở bàn học, và khóc nói với tôi rằng chính con mới là kẻ yếu đuối hơn cô gái này rất nhiều!”. Lặng nghe tâm sự của họ, rồi chính tôi lại ứa nước mắt khi người con trai nói lên nỗi lòng: “Em đọc đi đọc lại chuyện đời chị Lan, cảm nhận hình như chị đã vượt qua được tất cả bất hạnh, khổ đau là nhờ có niềm tin vào điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại trên cõi đời này”. Vâng! Đó chính là điều tôi đã thấu cảm, để có niềm tin cho mực chảy ra từ trái tim mình và trở thành người bạn phương xa của Bích Lan… Nhà báo Quốc Việt Báo Tuổi Trẻ

Vì sao tôi viết tự truyện này? Nguyễn Bích Lan Một con người có thể làm gì ở tuổi mười ba? Chưa, có lẽ ở cái tuổi đó người ta chưa thể làm được gì cả, thậm chí còn chưa biết nghĩ đến tương lai. Nếu một tai họa bất ngờ ập đến với bạn ở tuổi mười ba, bạn sẽ làm gì? Vùng vẫy, đấu tranh để thoát khỏi hoàn cảnh đó bằng bản năng sống còn của mình? Nói cách khác, đó là sức mạnh được Tạo hóa “lập trình” cho mỗi con người. Từ khi còn trong bụng mẹ, chúng ta đã đấu tranh bằng cách cựa quậy để báo hiệu với mẹ rằng ta vẫn đang ở đó. Vừa chào đời, ta đã khóc, biết giãy đạp để thoát khỏi chiếc tã bẩn, thoát khỏi cơn đói, thoát khỏi sự cô đơn. Rồi chúng ta đấu tranh với hệ thống cơ gân chưa hoàn thiện của mình để cất cổ lên, để bò, ngồi, và tự đi bằng hai chân. Cứ thế chúng ta tiếp tục những cuộc đấu tranh vô thức cho tới khi đủ lớn để có thể đấu tranh một cách có ý thức trước vô vàn thách thức giăng mắc trong cuộc sống. Nhưng bạn có thể vùng vẫy được bao lâu khi những vòng vây của số phận nghiệt ngã không những không nới lỏng ra mà ngày càng siết chặt hơn? Bạn sẽ thoát khỏi sự vây siết riết róng đó bằng cách nào? Tôi từng là đứa trẻ khỏe mạnh, xinh xắn, vô tư, ham chơi, hễ chạm chân xuống đất là ríu rít nhảy chân sáo. Tuổi thơ tôi miên man trong gió đồng và những trò chơi thơ dại. Những ngày cắp sách tới trường của tôi đầy bóng chữ và cả một thế giới văn chương lung linh mà tôi tự đắp xây bằng những quãng thời gian

Không Gục Ngã - 9 đọc vụng trộm tủ sách của ông nội. Chưa có gì trong cuộc sống khiến tôi phải nghĩ ngợi. Tôi hồn nhiên đi qua tuổi thơ đến mức chưa kịp nuối tiếc khoảng thời gian thần tiên ấy. Rồi tôi chạm vào cánh cửa tuổi thanh xuân, nhìn thấy bóng dáng mình ở thời thiếu nữ. Tất cả những cảm xúc xốn xang, những thoáng xáo động chỉ vừa chớm nở, hé mở trong tâm hồn trong veo. Nhưng bỗng chốc sự bình yên sụp đổ, chôn vùi cả nét hồn nhiên. Cả những cảm xúc mới mẻ, đẹp đẽ cũng vụt mất. Bánh xe cuộc đời tôi khựng lại trước những hướng đi đầy hy vọng, quay ngoắt 180 độ, rẽ vào lối dẫn tới vực thẳm của sự tuyệt vọng. Tôi chới với. Trống rỗng. Vô vọng. Sự nghiệt ngã của số phận lắm lúc dồn ép tôi khủng khiếp đến mức tôi nghĩ rằng mình sẽ không còn nhìn thấy ánh mặt trời của những ngày phía trước, sẽ nằm yên đợi cái giới hạn cuối cùng của đời người. Có những lúc cảm giác tuyệt vọng xâm chiếm toàn bộ thế giới của tôi, xô ngã hết những điểm tựa sức mạnh mà tôi tìm thấy trong cuộc sống. Có những lúc toàn bộ thế giới mơ ước của tôi teo tóp lại, chỉ còn duy nhất một ao ước: có thể thở bình thường, dù chỉ một phút. Chỉ thế thôi! Tôi ghét cay ghét đắng những đau đớn. Tôi không thể quen với đau đớn, nỗi buồn và sự cô đơn. Tôi không lựa chọn những thứ đáng ghét đó cho cuộc sống của mình, càng không dại gì tìm đến chúng. Ngược lại, chúng hăm hở tiến về phía tôi. Tôi nhắm mắt đợi chúng trôi qua, nhưng điều ấy chẳng bao giờ xảy ra. Tôi đã đợi, đợi đủ lâu chỉ để thấy chúng càng ngày càng hợm hĩnh, càng đắc thắng sấn tới, thâm hiểm rình rập, chờ chực thời điểm tôi buông xuôi. Tôi không được phép lựa chọn kẻ thù, chỉ có thể chọn thái độ đầu hàng hay không. Trong những lúc đấu tranh cam go nhất để giữ lấy sự sống của mình, tôi phải dựa vào một mệnh lệnh nghiêm khắc và thiết tha nhất từ sâu trong trái tim mình: không được gục ngã!

10 - Tự truyện Nguyễn Bích Lan Những người theo dõi hành trình tôi đấu tranh với số phận nghiệt ngã đều nói rằng tôi đã chiến thắng. Có thể còn quá sớm để khẳng định đó là kết quả chung cuộc của trận đấu dai dẳng với đối thủ nặng ký mang tên số phận. Khi cuốn sách này đến tay bạn, tôi có thể khẳng định rằng chí ít tôi đã chiến thắng từng chặng và chiến thắng nhiều chặng quan trọng trong hành trình đấu tranh ấy. Chí ít, tôi đã sống đến ngày hôm nay để có thể khẳng định với các bạn về sự cần thiết của thái độ đấu tranh, sự gian nan của hành trình vượt lên số phận, cũng như những phần thưởng vô giá dành cho sự kiên trì, bền bỉ, mãnh liệt giành quyền sống. Những ai từng trải qua cuộc đấu tranh tương tự như tôi đã và đang trải qua có thể dễ dàng đồng ý rằng, phần thưởng lớn lao nhất của quá trình vượt lên nghịch cảnh chính là ý thức sâu sắc về giá trị của sự sống hay còn gọi là lòng yêu đời. Trong cuốn sách này, với tất cả chân thành, tôi kể với các bạn về hành trình vượt khó của mình. Cuộc sống luôn ẩn chứa những thách thức, bất trắc khó lường. Nếu cuộc sống của bạn đang trôi đi êm ả, bình yên, thì việc đọc cuốn sách này có thể chỉ là cách giết thời gian không hơn không kém. Nhưng vào một ngày nào đó, nếu số phận từ chối ban tặng cho bạn những điều tốt lành, tước đi của bạn hạnh phúc, sự lạc quan, niềm tin và cả hy vọng, thì câu chuyện của tôi có thể sẽ mang lại cho bạn điều gì đó cao hơn sự an ủi. “Không gục ngã” là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết nên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người. Nguyễn Bích Lan

PHẦN 1 CHUYỆN ĐỜI TÔI

1 Nhà có ba chị em Tôi không phải là con đầu lòng của bố mẹ. Nếu là con đầu lòng, có lẽ tôi đã là một đứa trẻ bị đẻ rơi, chào đời trong một cái bọc. Mọi người kể lại rằng mẹ tôi sinh chị cả của tôi khi mẹ chưa kịp vào phòng hộ sinh. Chị tôi lọt lòng mẹ, rơi ngay xuống bậc thềm trạm xá xã trong lúc y tá trực không có ở đó. Mẹ tôi hoảng hốt gọi. Những người sống gần trạm xá chạy đến. Một lớp màng vẫn bao quanh cơ thể chị tôi, người ta phải cấu lớp màng ấy ra chị tôi mới bắt đầu cất tiếng khóc. Sau đó, mẹ phải chịu những cơn đau cùng cực vì bị sót nhau. Cứ như thể muốn mình “an toàn” hơn chị, đến tận 29 Tết, tôi mới giãy đạp quyết liệt đòi ra khỏi bụng mẹ. Năm ấy không có ngày 30 Tết và tính theo dương lịch thì đã là ngày 29/1 của năm kế tiếp. Ngày tôi chào đời, bà tôi nói: “Chỉ hưởng một ngày mà nó phải chịu một tuổi”. “Phải chịu” có nghĩa là thiệt thòi. Sự thiệt thòi thứ nhất tôi phải chịu liên quan đến cái đói. Suốt thời gian mang thai tôi và nuôi tôi bằng sữa mẹ, mẹ hầu như không biết đến cảm giác

14 - Tự truyện Nguyễn Bích Lan no. Có ngày mẹ phải ăn cơm nấu từ những hạt gạo đỏ đi vay của một người họ hàng mang từ miền núi về. Những người xung quanh chúng tôi cũng chung cảnh đói. Nghe nói năm đó ở cái chợ cách nhà tôi không xa, có người mang bán những chiếc bánh làm bằng đất gói trong lá chuối. Cái đói đã riết róng vây bủa đến mức có người phải lừa người khác để cứu lấy mình. Sự thiệt thòi thứ hai liên quan đến cảm giác thất vọng của bố. Sau khi đã có con gái đầu lòng và bắt đầu chịu áp lực từ chính sách sinh đẻ có kế hoạch, áp dụng trước nhất với cán bộ công nhân viên Nhà nước, bố hy vọng sẽ có một cậu con trai. Vì thế, khi biết tin mẹ lại sinh con gái, bố thất vọng đến nỗi không buồn đặt tên cho tôi. Tên khai sinh của tôi do mẹ đặt cho. Bà nội không ưng cái tên đó lắm nên đã đặt một cái tên khác, và việc có đến hai cái tên gây cho tôi không ít phiền phức về sau. Vài ngày sau khi đặt tên cho tôi, bà bị bệnh cảm, đột ngột qua đời vào giữa trưa. Sự thiệt thòi của tôi lẫn trong màu tang tóc của gia đình. Chẳng lâu sau, mẹ sinh em trai. Bố mãn nguyện vì có đàn con vừa đủ số lượng, vừa đủ “nếp, tẻ”. Riêng tôi vừa phải làm em của một người chị lớn hơn mình chỉ một tuổi, vừa làm chị của đứa em chỉ kém mình một tuổi. Chưa biết nể sợ chị thì tôi đã phải học cách nhường nhịn em. Nhà tôi còn giữ được một tấm ảnh duy nhất chụp ba chị em tôi ở cái thuở chúng tôi còn “bé như ba cái kẹo” - như cách mẹ ví von. Trong tấm ảnh đó, ba chị em mỗi đứa một tư thế, ngồi sát nhau ở bậc cửa. Bức ảnh đó đã ố vàng, những đường nét trên gương mặt chúng tôi không còn rõ ràng. Tôi không biết hồi bé mình trông thế nào. Ông tôi thường ngâm nga như thể

Không Gục Ngã - 15 đọc vè mỗi khi tả tôi “đứa trẻ trán dô, mũi tẹt, mặt gãy lưỡi cày”. Tả xong, ông nheo mắt cười, đợi tôi lên cơn tức; biết thế nên tôi không tin mình xấu xí như lời ông. Hồi bé tôi hay nhảy chân sáo trên đường làng. Thỉnh thoảng đang nhảy, tôi lại được một người nào đó trong họ hàng hoặc chẳng họ hàng gì ôm choàng lấy thơm vào má. Có một bà bán hàng xén mỗi lần gánh hàng đi qua làng, gặp tôi, bà lại cười, khen tôi xinh và cho tôi món quà nhỏ nào đó, hôm thì con sâu bằng bột vàng ươm, hôm thì một quả nhót đỏ chót. Ba chị em tôi đều lớn lên trong căn nhà do ông bà tôi tự tay đóng từng viên gạch để xây cất từ những năm 50 của thế kỷ trước. Nhà tôi ở trong một làng nhỏ, có đồng lúa bao quanh, có những cây đa ngoảnh mặt ra cánh đồng vẫy gió. Ngôi nhà ấy không rộng cũng không chật, sau vài lần được cơi nới, sửa chữa, chắp vá đã trở thành ngôi nhà ngói năm gian có hiên tây. Nhà tôi hướng nam, nằm trên nền đất cao, nhìn ra những ngọn cây cao ở cuối làng. Trước nhà tôi, bầu trời trải ra vừa đủ rộng để chị em tôi ngồi bên thềm, ngửa cổ mỏi mắt nhìn những đám mây lững lờ trôi, những đàn chim chao nghiêng, những cánh diều lộng gió… Ông tôi yêu quý tất cả những gì ông phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tạo dựng được, đặc biệt là ngôi nhà. Ông truyền Bức ảnh chụp chị em Bích Lan đã được phục chế. Bích Lan ngồi bên trái.

16 - Tự truyện Nguyễn Bích Lan tình yêu dành cho nhà cửa, vườn tược sang chúng tôi bằng những cách rất lạc quan. Vào những ngày oi bức, ông cháu tôi ngồi bên hiên nhà. Vừa phe phẩy quạt cho chúng tôi, ông vừa cười khà khà: “Hiên nhà mình mát thế!”. Chuyện ấy cũng giống như khi ông hái cam trong vườn nhà, vắt lấy nước, bỏ hai, ba thìa đường vào cốc, khuấy lên nếm thử rồi nheo mắt tấm tắc: “Cam nhà mình ngọt cực!”. Chị em tôi yêu căn nhà theo cái cách ông tôi truyền cho và cả theo cách riêng của trẻ con. Chúng tôi sung sướng khi phát hiện ra một bầy ong vàng làm tổ trên vòm cây trong vườn. Chúng tôi đợi tổ ong to dần lên. Khi không thể đợi thêm, chúng tôi quấn giẻ rách vào một đầu gậy, đốt thành mồi lửa, chọc tổ ong cho ong bay hết rồi đập tổ ong xuống, gỡ nhộng ong ra đem bỏ vào chảo rang, chia nhau từng con ong non thơm ngậy. Ông nội tôi vốn gốc nông dân; có căn nhà, ao cá, có vườn cam ngon ngọt thế là phong lưu lắm. Bố mẹ tôi là cán bộ Nhà nước, sống cùng ông bà, chỉ có những tấm tem phiếu. Thời ấy, tem phiếu có thể dùng mua thịt, gạo nhưng chỉ được mua vào đúng những ngày Nhà nước quy định các cửa hàng hoạt động chứ không phải bất cứ lúc nào người dân cần. Những thực phẩm mua được từ tem phiếu chẳng bao giờ là Ngôi nhà nơi Bích Lan lớn lên. Ảnh chụp năm 2007.

Không Gục Ngã - 17 thứ ngon và việc xếp hàng chờ đến lượt mua quả thật là việc nhàm chán nhất trên đời. Chín tuổi, tôi được mẹ “phái” đi xếp hàng mua gạo. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ cảnh chờ chực ở cửa hàng gạo: chờ xếp sổ, chờ gọi tên, chờ cân gạo, chờ lấy xe. Mỗi khi phải chờ chực đong gạo, tôi thấy những đứa trẻ đi mót gạo rơi ở kho gạo còn sướng hơn chúng tôi - những đứa trẻ ăn gạo từ tem phiếu. Bà nội mất khi tôi mới được vài ngày tuổi. Nhưng tôi còn có một bà nội khác mà người làng gọi là “bà hai” của ông tôi. Làng tôi ngày ấy không hiếm những đứa trẻ có hai bà nội hoặc hai bà ngoại. Bà hai vốn người gốc Hà Nội, được sinh ra vào thời Pháp thuộc. Những bi kịch gia đình đẩy bà vào cuộc sống tự lập và phiêu dạt từ rất sớm. Bà không đến trường ngày nào nhưng vốn hiểu biết về các vùng đất và phong tục cổ truyền của bà luôn khiến người khác ngạc nhiên. Đặc biệt, bà là cả một kho tàng sống về ca dao tục ngữ mà chị em tôi chưa bao giờ khám phá được đến tận cùng. Tôi không nhớ rõ thời mình còn được ẵm ngửa nhưng chắc chắn rằng, cũng giống như chị gái và em trai tôi, những ngày đó tôi luôn trôi vào giấc ngủ bằng những lời ru ấm đượm hơi thở ca dao của bà. Ngoài hai mươi tuổi, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những câu tục ngữ mà tôi chưa từng nghe lại được thốt ra từ khuôn miệng còn rất duyên của bà tôi. Chị em tôi lớn lên khỏe mạnh là nhờ tình yêu lớn lao và bàn tay chăm sóc, đảm đang phi thường của bà. Mẹ tôi bước vào nghề dạy học khi đất nước còn chìm trong chiến tranh. Không có điều kiện để học trước khi ra nghề, mẹ phải vừa đi dạy vừa đi học để bổ sung chuyên môn, nâng cao trình độ. Vì vậy, phần lớn thời gian tuổi thơ của chị em tôi gắn bó với bà nội.

18 - Tự truyện Nguyễn Bích Lan *** Năm tuổi, tôi bắt đầu đi học. Nói chính xác là tôi đấu tranh để được đi học. Trong ngày tuyển sinh vào lớp một, thấy mình không được gọi tên như các bạn đang tập trung ở lớp mẫu giáo lớn, tôi chạy một mạch từ lớp mẫu giáo lên trường tiểu học, vào ngồi trong lớp một cách đàng hoàng, hãnh diện hệt như những đứa trẻ sáu tuổi cùng xóm. Cô giáo dỗ dành bảo tôi về nhà nhưng tôi kiên quyết ngồi lì như “đổ bê-tông”. Cô đành đi nói chuyện với mẹ tôi. Mẹ bảo tôi đã thuộc hết bảng chữ cái, đã biết đếm số, bây giờ không cho học lớp một thì chẳng biết làm gì với tôi. Cuối cùng, mẹ và cô giáo quyết định cho tôi đi học trước tuổi, nếu không học theo kịp các bạn thì năm sau cho học lại lớp một. Tôi không biết dự tính ấy, cứ hồn nhiên học, hồn nhiên chơi và điểm số luôn thuộc tốp đầu lớp. Tôi rất thích khám phá thế giới chữ. Có lẽ ngay từ khi bắt đầu đi học tôi đã có cảm giác chữ cứ ùa vào tôi như những cơn gió mát rượi giữa trưa hè. Khi biết đọc, tôi đọc ngấu nghiến tất cả những chữ tôi nhìn thấy ở bất cứ đâu. Tôi đọc chữ trên những mẩu báo cũ dùng gói đồ, chữ dập nổi trên những đôi dép lê. Tôi đọc đi đọc lại những chữ in trong các cuốn sách giáo khoa như một thú vui. Nhờ thú vui đó mà tôi thuộc lòng tất cả bài thơ, bài tập đọc trong sách trước khi cô giáo dạy những bài đó cho cả lớp. Bà tôi kể rằng có hôm trống tan trường đã điểm từ lâu mà bà vẫn chưa thấy tôi về nhà. Lo có chuyện không hay xảy ra với tôi, bà liền đi tìm và cuối cùng thấy tôi đang đứng trước bức tường của ủy ban xã, mải mê đánh vần những con chữ trên bảng thông báo của hợp tác xã.

Không Gục Ngã - 19 Hồi tôi học lớp một, lớp hai, nhà tôi chưa có giá sách. Cô ruột tôi ở Hà Nội thường xuyên gửi sách về biếu ông. Ông cẩn thận cất những cuốn sách đó trong ngăn rộng nhất của chiếc tủ gỗ như giữ một kho báu của gia đình. Chị em tôi không được tự tiện mở ngăn tủ ấy, chỉ thỉnh thoảng được ông đọc cho nghe một đoạn thơ trong cuốn “Truyện Kiều” dầy cộp hoặc những bài thơ trong những cuốn sách khác mỏng hơn vào những lúc ông rảnh rỗi. Đọc xong, ông cất sách vào tủ và cẩn thận đóng cửa tủ lại. Cái thế giới sách nghiêm mật ấy khiến tôi tò mò, bứt rứt lắm. Tôi thường tranh thủ lúc ông đi vắng, mở tủ tìm sách đọc. Tôi sà vào những chồng sách, gần như lọt nửa người vào trong ngăn tủ. Tôi mở cuốn sách bất kỳ, đọc những con chữ trong bóng tối ngăn tủ, khi thì vài trang cuốn “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, khi thì cuốn “Iliad” của đại thi hào Homer hay “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn. Tôi đọc mà hầu như chẳng hiểu gì nên cứ mải miết lục tung các chồng sách. Dấu vết của những vụ tự ý mở tủ sách khiến ông nổi giận. Chẳng cần nhọc công tra khảo, ông cũng dễ dàng biết ai là thủ phạm. Cô tôi bắt đầu gửi cho chị em tôi những tập truyện thiếu nhi. Từ đó, trong cặp tôi hầu như lúc nào cũng có một quyển truyện. Vào những giờ giải lao, và thỉnh thoảng cả khi trong những tiết học buồn tẻ, khi cả lớp theo dõi cô giáo đọc hoặc chép những dòng chữ trong sách giáo khoa lên bảng thì tôi lén lôi cuốn truyện từ trong cặp ra, đút vào ngăn bàn và lén đọc. Có lần đang say sưa với cuốn truyện thì tôi bị cô bắt quả tang đang “làm việc riêng” trong giờ học. Cô phạt bằng cách bắt tôi trả lời câu hỏi nào đó chẳng liên quan mấy đến bài học hoặc đọc thuộc lòng cả bài thơ dài. Khi tôi trả lời được câu hỏi hoặc đọc vanh vách bài thơ như con vẹt (chuyện ấy chẳng có gì khó

20 - Tự truyện Nguyễn Bích Lan với tôi) thì tôi thấy cô có chút lúng túng. Cô chẳng biết phải làm gì ngoài tịch thu quyển truyện của tôi. Để có truyện đọc quanh năm, tôi lén lấy sách trong tủ của ông đem đi đổi lấy những cuốn truyện khác của bạn học cùng trường và của cả người lớn trong làng. Với các tập của bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, tôi có thể đổi được bất cứ cuốn truyện được cất kỹ ở đáy hòm nào trong làng hoặc trong những ngăn tủ nghiêm cẩn bằng hoặc hơn cả ngăn tủ của ông. Chỉ riêng với tội lấy trộm sách đi đổi sách, tôi đã đáng bị ăn đòn rồi. Bảy tuổi, tôi đọc cuốn “Không gia đình” của Hector Malot - cuốn sách tôi có được nhờ đổi sách với một đứa con trai cùng xã. Tôi thấy nhân vật xưng “tôi” trong cuốn truyện còn nhỏ như tôi mà khóc suốt vì cuộc sống quá nhiều chuyện buồn, vì phải đi bộ nhiều quá, vì bị đói triền miên và khắc khoải trong niềm khao khát có mẹ. Thế là tôi khóc. Khi đem trả sách, tôi hỏi thằng bạn: “Mày đọc quyển này có khóc không?”. Nó nhìn tôi vài giây rồi nói: “Mày khóc à? Đúng là đồ con gái!”. Vào đầu những năm 80, làng tôi chưa có điện. Sau bữa cơm tối, ba chị em tôi thường leo lên giường nằm cạnh ông nội, hóng từng tiếng người phát ra từ cái đài chạy bằng những cục pin to cỡ đầu cán chổi. Cái đài ấy là thế giới, à không, nó phải gấp năm, gấp mười lần thế giới ấy chứ! Nó dẫn trí tưởng tượng của chúng tôi đến những nơi thật xa, thật khác với những gì chúng tôi thấy ở cái làng nhỏ của mình. Không buổi tối thứ bảy nào ông cháu tôi bỏ sót chương trình “Kể chuyện cảnh giác”. Cảm giác nghe những câu chuyện ấy chẳng khác gì khi ta xem phim 3D kinh dị bây giờ. Chúng tôi nằm im thin thít bên ông, nghe những vụ điều tra tội

Không Gục Ngã - 21 phạm gay cấn, nghe cả tiếng thở hồi hộp của nhau và chờ xem những tên trộm, những kẻ lừa đảo trong câu chuyện ấy cuối cùng có bị bắt không. Người kể có lúc cho biết kẻ gian sa lưới pháp luật, cũng có lúc bỏ lửng kết quả như thể muốn bảo với người nghe rằng: “Thấy chưa, mất của rồi nhé! Lần sau chớ có nhẹ dạ!”. Những câu chuyện cảnh giác hấp dẫn là thế nhưng với tôi, chúng vẫn không sánh được với những vở kịch trong chương trình “Sân khấu truyền thanh”. Năm tuổi, tôi đã biết hết các vở kịch “Lưu Bình Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Chi”… Ông bà và chị em tôi thích nghe từ kịch nói, chèo, đến cải lương, tuồng. Tôi nhớ được nhiều tình tiết của các vở kịch nổi tiếng không chỉ vì lâu lâu đài phát lại mà còn vì sau khi nghe, ông bà tôi cứ nhắc đến thế giới trong kịch và liên hệ với đời thường hay ví người này người kia như các nhân vật trong kịch. Ông tôi cũng hay nghe chương trình “Tiếng thơ”. Vì hay rúc vào nách ông mỗi tối nên chúng tôi “lây” cả sở thích nghe thơ của ông. Tôi mến những người ngâm thơ trên đài và muốn bắt chước họ ngâm sao cho nghe thật ngọt, thật trong, thật êm, thật buồn. Nhưng là trẻ con, chị em tôi không ngâm thơ, chúng tôi chỉ hát nghêu ngao. Ông tôi có thể ngâm thơ bất cứ lúc nào, trong lúc đan rổ, cuốc đất, tưới cây, lúc cầm quạt nan đi thong thả trong sân những đêm sáng trăng... Ông ngâm những bài thơ chúng tôi biết, ngâm cả những bài ông thuộc từ những chương trình “Tiếng thơ” phát trước cả khi đám cháu chào đời. Tôi cảm thấy ông tôi yêu thơ nhiều như một người biết làm thơ vậy. Một trong những điều ông mãn nguyện trong đời là sinh ra một cô con gái sau này trở thành nhà thơ được nhiều người yêu thơ cả

22 - Tự truyện Nguyễn Bích Lan nước biết đến. Tôi không rõ vì ông yêu thơ mà cô ruột của tôi - Nguyễn Thị Hồng - trở thành nhà thơ, hay ngược lại. Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng một Tết, ông tổ chức cuộc thi thơ cho mấy chị em tôi. Ông vừa ra đề thơ, vừa là giám thị, giám khảo, vừa là người trao giải. Trước khi ra đề, ông thường thắp một tuần hương lên bàn thờ tổ tiên. Ba chị em tôi diện quần áo Tết, chải tóc gọn ghẽ, ngồi đung đưa chân trên những chiếc ghế, tì tay vào mép bàn, vắt óc nghĩ và viết những dòng chữ ngây ngô mà giờ đây, dù nhớ lại được, tôi cũng khó có thể gọi đó là thơ. Được cái, ông tôi chỉ yêu chữ, yêu thơ chứ không hay chữ, giỏi thơ nên chủ đề các cuộc thi thơ ông nghĩ ra thường không phức tạp, như: làm thơ về cây táo to nhất trong vườn nhà, về cành đào Tết... Có năm không biết có thật vì quên không mà ông lại ra đề của Tết năm trước khiến ba chị em tôi cùng tiếc hùi hụi vì không nhớ nổi năm trước mình đã viết những câu thơ gì để… chép lại cho nhanh. Nhưng không dễ gì mà đánh lừa ông tôi. Có năm cô tôi đưa con gái về quê ăn Tết. Em họ tôi rất thích những con cào cào rang muối trong những ngày mùa gặt, những chùm hoa khế tim tím bên bờ ao ngày hè, những đàn én lượn qua khoảng trời phía trên mảnh sân nhà chúng tôi vào chiều xuân, nhưng nó không hề thích cuộc thi thơ sáng mùng một Tết. Ghét của nào Cô ruột của Bích Lan - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.

Không Gục Ngã - 23 trời trao của nấy, em họ tôi “được” - hay nói đúng hơn là “bị” ông tôi bắt tham gia cuộc thi thơ cùng chúng tôi. Bị ép uổng phải ngồi “rặn” thơ, nó tức tối, khó chịu đến mức bắt đầu mếu máo. Sợ nó khóc vào sáng mùng một Tết sẽ làm cả nhà xui xẻo quanh năm nên cô tôi nghĩ thật nhanh mấy câu thơ và giúi cho nó. Ông phát hiện trò “gian lận” và “lì xì” hai mẹ con cô một trận mắng. Từ đó trở đi, mỗi lần nghe ai nhắc đến cuộc thi thơ của ông, em họ tôi lại nguýt một cái rõ dài.

MỤC LỤC Những dòng cảm nhận của độc giả về cuốn Không Gục Ngã 4 Lời giới thiệu 6 Vì sao tôi viết tự truyện này? 8 PHầN1 CHUYỆN ĐỜI TÔI 11 1 - Nhà có ba chị em 13 2 - Mê chơi 24 3 - Lời của cánh đồng 35 4 - Phố và làng 43 5 - Tai ương 51 6 - Mắc kẹt trong bệnh tật 63 7 - Vái tứ phương 78 8 - Tìm ánh sáng trong đường hầm tối 88 9 - Hai tay nâng một viên phấn 108 10 - Thử thách mới của số phận 125 11 - Một cánh cửa khác mở ra 138 12 - Từ căn phòng nhỏ đến bảo tàng lớn 176 13 - Cập nhật cuộc sống 190 14 - Nick Vujicic, tôi và “Cuộc sống không giới hạn” 205 15 - Hạnh phúc nho nhỏ, hạnh phúc lớn lao 216

Không Gục Ngã - 303 PHầN2 NHỮNG CHIÊM NGHIỆM CUỘC SỐNG 237 1 - Không đổ lỗi 239 2 - Bắt đầu từ những gì còn lại 244 3 - Khi buồn hãy nghĩ đến những người còn buồn hơn mình 255 4 - Không sợ khó 260 5 - Học để đổi đời 268 6 - Bài học từ những vết sẹo 275 7 - Cho và nhận 281 8 - Hãy đọc nhiều sách 287 9 - Hãy dám sống với đam mê 291 10 - Tự gieo mầm hy vọng 295

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==