Không Còn Bệnh Tim

KHÔNG CÒN BỆNH TIM DR. LOUIS J. IGNARRO Đoạt giải Nobel Y học năm 1998 Hiệu đính: PGS. TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP. HCM NGĂN NGỪA VÀ CHỮA TRỊ BỆNH TIM MẠCH BẰNG OXIT NITRIC Một chế độ đã được kiểm chứng để tăng cường khả năng sản sinh loại thuốc kỳ diệu của chính cơ thể Châu Trinh dịch

CHƯƠNG 1 HÀNH TRÌNH TỪ ALFRED NOBEL ĐẾN GIẢI NOBEL THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Giải thưởng Nobel 1998 về Sinh lý học và Y học NOBELFORSAMLINGEN KAROLINSKA INSTITUTET HỘI ĐỒNG NOBEL TẠI VIỆN KAROLINSKA Ngày 12 tháng Mười năm 1998, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska quyết định trao giải Nobel về Sinh lý học và Y học năm 1998 cho Robert F. Furchgott, Louis J. Ignarro và Ferid Murad để tôn vinh những khám phá của họ trong đề tài “oxit nitric với vai trò là một phân tử tín hiệu trong hệ tim mạch”.

Khi được nhận giải Nobel Y học năm 1998 cùng với Robert F. Furchgott và Ferid Murad, tôi cảm thấy vô cùng vui mừng vì giải thưởng danh giá đó sẽ khiến NO có được sự quan tâm của giới khoa học toàn cầu. Giải Nobel cũng đánh dấu một cột mốc đáng kể trong hành trình cá nhân của tôi, từ cậu thiếu niên tò mò về khoa học sống tại New York đến nhà khoa học đạt giải thưởng khoa học uy tín nhất thế giới. Xuyên suốt hành trình đó, tôi luôn được truyền cảm hứng bởi người khổng lồ trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp là Alfred Nobel. Có một điều đáng chú ý về giải Nobel mà tôi nhận được, đó là mối liên hệ giữa những khám phá của tôi về oxit nitric với cuộc đời và sự nghiệp của Alfred Nobel, người cũng gắn bó với phân tử này. Nói cách khác, Nobel là người đã khiến tôi chú ý đến NO và nuôi dưỡng lòng đam mê đối với việc nghiên cứu về hợp chất ít phổ biến này. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ALFRED NOBEL Alfred Nobel là một nhà hóa học, nhà phát minh xuất sắc và nhà tư bản công nghiệp tài ba người Thụy Điển sống vào thế kỷ 19. Ông nắm giữ 355 bằng phát minh, trong đó có dynamite – hỗn hợp thuốc nổ dạng bột sử dụng nitroglycerin làm hoạt chất. Nobel đã xây dựng nhà máy sản xuất dynamite tại hai mươi quốc gia để bán cho các công ty xây dựng và khai thác mỏ, thậm chí cho cả quân đội với số lượng lớn. Sự xuất hiện của dynamite đã hoàn toàn thay đổi ngành công nghiệp xây dựng khi mà chất nổ 22 NO MORE HEART DISEASE

này có thể được sử dụng để phá núi, dọn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đường sá, cầu cống, đường hầm hay đập nước. Nobel biết rõ là nitroglycerin dạng lỏng có thể bất ngờ phát nổ dưới tác động của nhiệt và áp lực. Người em trai hai mươi mốt tuổi của ông là Emil và bốn người khác đã thiệt mạng trong vụ nổ xảy ra ở một trong những nhà máy sản xuất của gia đình. Nhiều năm trước đó, bản thân nhà hóa học người Ý đã phát minh nitroglycerin vào năm 1846 là Asciano Sobrero cũng từng bị thương nghiêm trọng ở mặt trong quá trình nghiên cứu, khi nitroglycerin trong ống nghiệm phát nổ. Do chính quyền Thành phố Stockholm (Thụy Điển) cấm nghiên cứu nitroglycerin trong phạm vi thành phố, nên Nobel buộc phải tiến hành thí nghiệm trên một chiếc thuyền neo bên bờ một hồ nước nằm ở rìa thành phố. Sau cùng, Nobel đã khám phá ra rằng nếu kết hợp silica – một chất tương tự như cát – với nitroglycerin thì ông có thể yên tâm sử dụng dynamite mà không cần phải lo về các vụ nổ bất ngờ. Vì luôn chú trọng chi tiết nên Nobel đã nhận ra một hiện tượng bất thường trong các nhà máy của ông. Nhiều công nhân than rằng cứ mỗi sáng thứ Hai khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ cuối tuần thì họ lại thấy nhức đầu kinh khủng, và những cơn nhức đầu này chỉ thuyên giảm khi họ nghỉ làm vào các ngày cuối tuần. Nguyên nhân gây đau đầu được xác định là do nhà máy có sử dụng nitroglycerin 23 KHÔNG CÒN BỆNH TIM

– một chất dễ bay hơi làm giãn nở mạch máu và tăng lưu thông máu đến não. Nitroglycerin dạng khí có thể gây ra những cơn đau đầu nghiêm trọng vì nó khiến “mạch máu bất ổn” – tình trạng giãn nở và/hoặc co thắt bất thường của các mạch máu đến não. Bản thân Nobel cũng mắc chứng đau nửa đầu, có lẽ vì ông tiếp xúc nhiều với nitroglycerin. Cũng trong khoảng thời gian đó, một số công nhân của Nobel đã báo rằng chứng đau thắt ngực của họ thuyên giảm khi họ làm việc ở nhà máy và tiếp xúc gần với nitroglycerin, nhưng lại trở nặng khi họ không đến nhà máy. Có vẻ như khí nitroglycerin cũng là yếu tố đã giúp giảm nhẹ cơn đau ngực của những công nhân này. Trùng hợp thay, vào cuối thế kỷ 19, các bác sĩ đã phát hiện nitroglycerin liều thấp có thể được sử dụng để kiểm soát các chứng khó chịu ở ngực, dù họ chưa thể xác định cơ chế hoạt động của hợp chất này. Vào những năm 1890, dù bị bệnh tim và mắc chứng đau thắt ngực trầm trọng đến mức không thể ra khỏi giường bệnh, nhưng Nobel vẫn một mực bác bỏ khuyến nghị của bác sĩ về việc sử dụng nitroglycerin vì ông cho rằng một chất nổ mạnh như vậy không thể nào có tác dụng chữa bệnh. Vài tháng trước khi qua đời vì bệnh tim vào năm 1896, Nobel đã gửi thư cho một người bạn của mình, chia sẻ: “Tôi buộc phải ở lại Paris ít nhất là vài ngày nữa vì vấn đề tim mạch của mình. Số phận thật trớ trêu khi tôi được kê toa uống nitroglycerin! Họ gọi đó là Trinitrin để tránh làm các nhà hóa học và công chúng hoang mang”. 24 NO MORE HEART DISEASE

Nếu đặt nhiều niềm tin hơn vào tác dụng giãn mạch của nitroglycerin thì có lẽ Nobel đã có thể sống thọ hơn. Trước khi qua đời, Nobel đã đặt nền móng cho giải thưởng mang tên ông với hy vọng lịch sử sẽ không chỉ nhớ đến mình như một người đã phát minh thuốc nổ – một trong những sáng chế có tính hủy diệt lớn nhất thế giới ở thời của ông. TỪ BROOKLYN ĐẾN STOCKHOLM Có thể câu chuyện về cuộc đời của Nobel nghe có vẻ như không liên quan đến cuộc đời của tôi. Chúng tôi có điểm khởi đầu rất khác nhau và sống trong hai thời đại khác nhau. Nhưng nếu không nhờ đầu óc thiên tài cũng như những thành quả của Nobel thì có lẽ cuộc đời và sự nghiệp của tôi đã đi theo một hướng hoàn toàn khác. Trên thực tế, số phận dường như đã nhân danh khoa học để đưa cuộc đời của Nobel và của tôi đến gần nhau hơn. Cha mẹ của tôi là người nhập cư gốc Ý, đến Mỹ vào những năm 1920. Họ là những người nghèo về tiền bạc và trình độ nhưng rất giàu hy vọng. Cha mẹ của tôi đã gặp gỡ và kết hôn với nhau vào những năm 1930 tại khu Brooklyn (Mỹ), nơi tôi chào đời vào ngày 31 tháng Năm năm 1941. Anh trai Angelo của tôi và tôi lớn lên ở Thành phố Long Beach tuyệt đẹp nằm ở bờ biển phía nam của đảo Long Island. Cha tôi là thợ mộc và là lao động chính trong gia đình. Thỉnh thoảng tôi được cha dẫn theo đến chỗ làm và được xem cha làm mộc, nhưng từ khi tôi được mười tuổi thì cha không đưa tôi theo nữa. Tôi nghĩ nguyên nhân là vì 25 KHÔNG CÒN BỆNH TIM

cha không muốn tôi sẽ trở thành người lao động tay chân như cha thay vì theo học đại học. Có lẽ cha đã xem việc tôi nài nỉ để có được bộ dụng cụ thí nghiệm hóa học vào năm lên tám là dấu hiệu cho thấy tôi sẽ hướng đến một ngành nghề không nặng nhọc như của cha. Tôi vô cùng trân trọng bộ dụng cụ thí nghiệm mà cha đã mua cho mình và đã thực hiện vô số thí nghiệm với bộ dụng cụ đó. Khi được trang bị những bộ thí nghiệm lớn hơn và thực hiện được những thí nghiệm khó hơn, tôi quyết định chế tạo một quả bom nhỏ giống như pháo tép. Để thực hiện tham vọng này, tôi đã đến một thư viện công cộng, đọc mọi quyển sách có liên quan đến các loại chất nổ cũng như nguyên liệu chế tạo rồi ghi chép lại. Trong quá trình tìm hiểu, tôi thường bắt gặp cái tên Alfred Nobel và thông tin về sự nghiệp của ông. Tôi bắt đầu bị cuốn hút bởi nghiên cứu về chất nổ của Nobel, cũng như bởi mối liên hệ giữa nitroglycerin và tác dụng giảm đau thắt ngực. Khi đọc về sự nghiệp của Nobel, tôi lại càng có cảm hứng muốn chế tạo một cái gì đó có thể phát nổ. Tôi đã thử nghiệm suốt nhiều tháng liền. Tôi không chỉ sử dụng hóa chất có trong bộ dụng cụ thí nghiệm của mình mà còn thuyết phục mấy cậu con trai lớn tuổi hơn trong cùng khu phố tìm giúp các loại hóa chất khác từ những hiệu thuốc gần nhà. Nỗ lực chế tạo chất nổ của tôi đã vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng khi một quả pháo ống phát nổ, phá hủy một món đồ trong nhà và khiến mẹ tôi lo lắng tột độ. 26 NO MORE HEART DISEASE

Sau đó không lâu, tôi chuyển từ chế tạo chất nổ sang nghiên cứu tên lửa. Tôi từng phóng một quả tên lửa tự tạo ở sân sau; khi rơi xuống, quả tên lửa đó đã đáp ngay trên mái nhà của tôi, làm mấy miếng ngói vỡ vụn. Cha tôi vừa bất ngờ trước sự tiến bộ của tôi vừa nổi giận vì tôi đã làm hỏng mái nhà. Nhưng thái độ khoan dung của cha đối với sự quan tâm của tôi dành cho khoa học đã cho phép tôi theo đuổi đam mê của mình và đi theo con đường mà sau này tôi đã chọn. Khi vào Đại học Columbia (Mỹ), tôi đã đăng ký mọi môn học có liên quan đến hóa học, trong đó môn học tôi quan tâm nhất chính là dược lý. Khi theo đuổi chương trình sau đại học tại Đại học Minnesota (Mỹ), tôi đã chọn chuyên ngành dược lý trong sinh lý tim mạch, vì những lý do vốn cũng bắt nguồn từ những gì tôi từng đọc được về Nobel. Khi lấy được bằng tiến sĩ, tôi đặt mục tiêu phải xác định và làm sáng tỏ một số điều bí ẩn trong y học nói chung cũng như dược lý nói riêng. Khi tôi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một chuyên gia dược lý học, niềm đam mê thuở thiếu thời của tôi về mối liên hệ giữa nitroglycerin và việc giảm đau thắt ngực lại trỗi dậy. Kể từ đây, nghiên cứu của tôi dần chuyển sang hướng tập trung vào NO. Trước đó, khi tìm hiểu về phân tử có tên là cyclic guanosine monophosphate (cGMP) – một chất cũng có vai trò quan trọng trong việc giãn cơ trơn mạch máu – tôi đã rất ấn tượng với nghiên cứu của chuyên gia dược lý học Ferid Murad đến từ Houston. Vào thời điểm 27 KHÔNG CÒN BỆNH TIM

tôi bắt đầu nghiên cứu của mình, Murad cũng đang tiến hành một số nghiên cứu về oxit nitric. Tính đến thời điểm đó, chỉ có các nhà hóa học mới quan tâm đến NO trong vai trò hoạt chất. Một bài báo cáo khoa học được công bố bởi Murad và các đồng nghiệp của ông đã thu hút sự chú ý của tôi, vì trong đó họ đã chỉ ra rằng NO không chỉ kích hoạt enzyme sản sinh cGMP, mà còn làm tăng nồng độ cGMP trong các mô của cơ thể người gấp một trăm lần. Không những thế, chuyên gia dược lý học Robert F. Furchgott ở New York cũng rút ra một số kết luận trùng khớp với kết luận của Murad và của tôi, nhưng câu chuyện này sẽ được trình bày cụ thể sau. Câu hỏi quan trọng ở đây là NO có thể giúp ích cho cơ thể hay không. Dù cách nhau gần một thế kỷ, nhưng các nhà khoa học và bác sĩ thời hiện đại vẫn có cách suy nghĩ giống với Alfred Nobel về nitroglycerin cũng như các chất liên quan đến hợp chất này, không thể chấp nhận sự thật rằng NO có thể đóng một vai trò tích cực trong cơ thể con người. Suy cho cùng, NO là một chất độc hại có trong thành phần khí thải của nhiều phương tiện giao thông và trong khói thuốc lá. Nói ngắn gọn thì NO là chất gây ô nhiễm môi trường, mà một chất như thế làm sao có thể có tác dụng chữa bệnh? Mặc dù ban đầu tôi chưa thể giải đáp mọi nghi vấn, nhưng tôi có cảm giác rất mạnh mẽ rằng mình sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng, vì thế tôi quyết định sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. 28 NO MORE HEART DISEASE

VAI TRÒ CỦA NO DẦN ĐƯỢC HÉ LỘ Một câu hỏi then chốt khác cần được giải đáp là phải chăng những hợp chất như nitroglycerin có thể giảm triệu chứng đau thắt ngực nhờ cơ chế hoạt động có liên quan đến NO? Mặc dù nitroglycerin đã được sử dụng trong hơn một trăm năm để làm giãn nở mạch máu của những người có cơ tim bị thiếu oxy, nhưng cơ chế hoạt động của chất này trong cơ thể vẫn chưa được xác định. Hiển nhiên là thuốc trị đau thắt ngực không thể phát huy tác dụng bằng cách gây ra một vụ nổ nhỏ trong mạch máu. Vậy cơ chế hoạt động ở đây là gì? Ferid Murad đoán rằng có thể phần nitơ trong nitroglycerin đã được chuyển hóa thành NO trong thành cơ trơn của mạch máu, và NO là tác nhân làm giãn thành cơ trơn mạch máu. Khi đó, chúng tôi không biết giả thuyết này có thể được chứng minh trong phòng thí nghiệm hay không, nhưng tôi muốn kiểm chứng xem Murad có đúng không. Tôi đẩy nhanh tiến độ thí nghiệm và thu thập dữ liệu. Nghiên cứu của tôi đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng, và tất cả những phát hiện đột phá từ nghiên cứu này đều không phải là kết quả có thể dễ dàng có được. Cuối cùng, các bằng chứng từng được xem là không thể có đã xuất hiện và chỉ rõ cách thức hoạt động của nitroglycerin. Ngay từ đầu NO đã là một phân tử đầy thử thách đối với việc nghiên cứu. Chúng tôi phải mua khí NO được chứa trong các bình chứa lớn và phải đeo mặt nạ cũng như nón trùm đầu khi thử nghiệm để tránh việc bị các chất hóa học 29 KHÔNG CÒN BỆNH TIM

làm tổn hại da. Vì NO rất kém ổn định và có thể chuyển hóa thành gốc nitrat (-NO3) hay nitrit (-NO2) trong vài giây, nên chúng tôi phải pha loãng NO với khí nitơ (N) hoặc argon (Ar) để bảo quản và không để cho NO bị phân hủy trong chưa đến một phần ngàn giây. Chúng tôi sử dụng các xilanh kín khí để bơm khí NO vào “organ bath”* có hệ thống mạch máu và chất dịch tương tự máu người. Có những lúc thí nghiệm của chúng tôi có vẻ như chỉ có trong khoa học viễn tưởng (và phần đông giới khoa học đến giờ vẫn nghĩ như vậy), nhưng cuối cùng chúng tôi đã xác định được mức độ giãn nở cụ thể của cơ trơn mạch máu dưới tác động của oxit nitric. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy tầm quan trọng của NO, đồng thời cũng là bước đệm cho quá trình nghiên cứu kéo dài suốt hai mươi bốn năm tiếp theo. Các nghiên cứu của tôi cho thấy khi một bệnh nhân mắc chứng đau thắt ngực dùng nitroglycerin, một hiệu ứng dây chuyền không thể đảo ngược trong cơ thể sẽ được kích hoạt. Khi vào mạch máu, nitroglycerin được chuyển hóa trong mô mạch máu thành chất khí kém bền oxit nitric. Tiếp đến NO kích thích sự hình thành của cGMP đóng vai trò là chất truyền tin thứ hai, có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu khiến mạch máu giãn nở. Kết quả là lượng máu lưu thông trong mạch tăng lên và mang nhiều oxy đến tim hơn, từ đó giúp giảm đau ngực và giảm các chỉ số về huyết áp. * Organ bath còn được gọi là organ chamber hay isolated tissue bath, có thể tạm dịch là “bể mô phỏng nội tạng”. Đây là thiết bị giúp các nhà nghiên cứu y khoa tách rời và tiến hành thử nghiệm trên từng bộ phận hoặc cơ quan nội tạng riêng lẻ để không phải thử nghiệm trực tiếp trên người. 30 NO MORE HEART DISEASE

CƠ CHẾ TRUYỀN TIN BÊN TRONG CƠ THỂ Dù đã chứng minh được tầm quan trọng của NO, nhưng khi tiếp tục nghiên cứu, chúng tôi lại gặp phải nhiều câu hỏi hóc búa khác. Ví dụ, vì sao các thụ thể (receptor) và các cơ chế đặc hiệu trong cơ thể chúng ta lại đáp ứng với một hóa chất từ bên ngoài như nitroglycerin? Làm thế nào cơ thể biết cách phản ứng? Một giả thuyết được đưa ra là cơ thể con người có thể tự sản sinh NO, một dạng nitroglycerin của riêng chúng ta có vai trò như một phân tử tín hiệu trong cơ chế kiểm soát huyết áp. Bản thân tôi cũng luôn tin rằng nếu cơ thể có thể đáp ứng với một chất nào đó từ bên ngoài thì có lẽ chất đó vốn đã có sẵn trong cơ thể chúng ta. Nếu giả thuyết này là đúng và nếu cơ thể của chúng ta có thể được kích thích để sản sinh đủ lượng NO mà chúng ta cần, liệu chúng ta có còn cần những phương pháp điều trị như nitroglycerin hay không? Tuy nhận thấy giả thuyết này có vẻ hợp lý, nhưng tôi lại có cảm giác như mình hoàn toàn đơn độc giữa các đồng nghiệp cùng làm khoa học. Đa số các nhà khoa học đều chưa bao giờ nghĩ đến khả năng mà theo đó, NO có thể là một phân tử được sản sinh một cách tự nhiên và mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch, chứ không chỉ là một chất không độc hại khi được dùng với liều lượng thích hợp. Đây là lý do khiến tôi chuyển sự tập trung của mình vào việc xác định nên công nhận hay bác bỏ giả thuyết cho rằng cơ thể của chúng ta (cụ thể là hệ thống mạch máu) có khả năng tự sản sinh oxit nitric. 31 KHÔNG CÒN BỆNH TIM

Một thời gian sau, chúng tôi đã có được những kết quả rất khả quan. Các nghiên cứu ban đầu của chúng tôi đã xác nhận nitroglycerin có thể được chuyển đổi trong ống nghiệm cũng như trong cơ thể thành NO, và mỗi người chúng ta đều có “nitroglycerin riêng” được lưu trữ trong cơ thể dưới dạng NO để điều hòa huyết áp và huyết khối. Ở nồng độ cực kỳ cao, NO là một chất độc hại. Tuy nhiên, cơ chế sản sinh NO của cơ thể chúng ta không thể đạt đến nồng độ gây hại đó, bất kể là chuyển hóa từ thức ăn, chế phẩm bổ sung hay từ vận động. Với nồng độ tương đối thấp trong cơ thể – tức nồng độ có thể đạt được thông qua thức ăn, chế phẩm bổ sung và vận động – NO có thể tác động tích cực đến sức khỏe của chúng ta. NGHIÊN CỨU CỦA FURCHGOTT Mảnh ghép vô cùng quan trọng trong bức tranh tổng thể về NO là một bước đột phá thú vị khác về NO mà tôi có nhắc đến ở phần trước, có liên quan đến người cùng đoạt giải Nobel với tôi là Robert Furchgott. Mặc dù bản thân tôi đã tập trung nghiên cứu về oxit nitric từ năm 1978, nhưng mãi đến năm 1986 thì những đột phá về thuộc tính chữa bệnh của hợp chất này mới được xác định. Trước đó, tôi đã tiến hành các thử nghiệm nhằm đánh giá các thuộc tính của NO trong nỗ lực tìm ra câu trả lời cho nhiều vấn đề chưa được giải đáp, chẳng hạn như vì sao cơ thể lại có cơ chế nội sinh để đáp ứng với NO. Trong thời điểm đó, một hướng nghiên cứu tương tự cũng 32 NO MORE HEART DISEASE

đang được tiến hành bởi Robert Furchgott tại Đại học New York ở Brooklyn, mặc dù trọng tâm nghiên cứu của ông không phải là NO. Năm 1980, Furchgott và các cộng sự đã khám phá ra sự tồn tại của phân tử truyền tin hay còn gọi là phân tử tín hiệu, được sản sinh trong tế bào nội mạc của mạch máu để làm giãn mạch máu. Vì không ai nghĩ rằng nội mạc có vai trò quan trọng trong việc giãn nở mạch máu nên khám phá của Furchgott đã khiến nhiều nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên, trong đó có tôi. Trước Furchgott, chưa ai từng phát hiện ra phân tử này. Đây cũng là một chất khó nghiên cứu vì tính kém bền của nó, giống hệt như NO. Và vì chất này chỉ tồn tại trong vòng chưa đến một giây nên không ai có thể kịp nhận diện và phân tích cấu trúc hóa học của nó. Furchgott nghĩ rằng ông nên đặt tên cho chất bí ẩn này; cuối cùng ông đã quyết định gọi đó là yếu tố giãn mạch có nguồn gốc nội mạc (EDRF – endothelium-derived relaxing factor). Cả Furchgott và tôi đều cho rằng một khi giải mã được cấu trúc phân tử của EDRF, chúng tôi sẽ có thể dựa vào đó để tiến hành những thí nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh tim mạch, cũng như phát triển thêm những phương pháp mới để ngăn ngừa hoặc thậm chí là chữa khỏi bệnh tim. Đến năm 1986, tôi bắt đầu nghi ngờ EDRF thực chất chính là oxit nitric. Trước đó, hầu như không có bất kỳ lý do gì để nghĩ rằng EDRF và NO là một. Tôi đã thực hiện một loạt các thí nghiệm để so sánh thuộc tính của EDRF 33 KHÔNG CÒN BỆNH TIM

và NO. Tôi thận trọng xem lại nhật ký thí nghiệm nhiều lần. Tôi phân tích tỉ mỉ tất cả những dữ liệu mình đã thu thập được. Tôi gạt hết mọi thứ sang một bên và chỉ tập trung tìm hiểu sự tương đồng giữa EDRF với NO. Mọi thí nghiệm tôi thực hiện đều dẫn đến một kết luận duy nhất, theo đó NO chính là EDRF – chất từng được chứng minh là có những thuộc tính giống hệt NO. Cả hai chất này đều làm giãn nở mạch máu, cực kỳ kém ổn định và có thời gian tồn tại cực ngắn. Tôi tin chắc rằng việc phát hiện NO chính là EDRF có ý nghĩa rất lớn về mặt lâm sàng. Dựa trên những gì chúng tôi đã biết về EDRF, vai trò của oxit nitric trong cơ thể cũng trở nên rõ ràng hơn: một phân tử tín hiệu chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng quan trọng về tim mạch. Sau đó vài tuần, tôi đã trình bày những dữ liệu mình thu thập được về NO/EDRF tại một hội nghị có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu ưu tú về mạch máu của Bệnh viện Mayo (Mỹ), nhưng họ lại không mấy hứng thú với thông tin tôi chia sẻ. Rõ ràng các chuyên gia này vẫn còn hoài nghi, và tôi có cảm giác tôi là người duy nhất trong khán phòng hôm đó tin vào kết luận của mình. Sau khi tôi kết thúc bài thuyết trình, một người nào đó đã đùa rằng có thể tôi đã hít quá nhiều khí NO trước khi bước lên bục thuyết trình. Tôi không thể hiểu được vì sao họ lại nghi ngờ dù dữ liệu tôi đưa ra là không thể chối cãi. 34 NO MORE HEART DISEASE

MỤC LỤC Lưu ý từ tác giả 5 Lời cảm ơn 7 Lời giới thiệu 11 Chương 1 Hành Trình Từ Alfred Nobel Đến Giải Nobel 21 Chương 2 Cơ Chế Hoạt Động Của Hệ Tim Mạch 45 Chương 3 Sức Mạnh Phi Thường Của Phân Tử NO Kỳ Diệu 77 Chương 4 Vai Trò Của Oxit Nitric Trong Bốn Quá Trình Thiết Yếu Của Cơ Thể 87 Chương 5 Say Yes To NO: Chương Trình Chống Lão Hóa Hệ Tim Mạch 99 286

Chương 6 Chế Phẩm Bổ Sung Tăng Cường NO 123 Chương 7 Chế Độ Dinh Dưỡng Tăng Cường NO 169 Chương 8 Chế Độ Vận Động Tăng Cường NO 213 Chương 9 NO Và Những Đột Phá Trong Điều Trị Bệnh 241 Chương 10 Một Số Chia Sẻ Sau Cùng Về Oxit Nitric 263 287 KHÔNG CÒN BỆNH TIM

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==