Hiểu - Osho

HIỂU

Lâm Đặng Cam Thảo dịch HIỂU THE BOOK OF UNDERSTANDING NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ Đường đến tự do

Tôi không tin vào sự tin tưởng. Cách tiếp cận của tôi là biết, và biết là một phương diện hoàn toàn khác. Biết bắt đầu từ nghi ngờ, nó không bắt đầu từ tin tưởng. Ngay khi tin vào điều gì đó, bạn đã ngừng tìm hiểu về nó. Niềm tin là một trong những thứ độc hại nhất có khả năng hủy hoại trí tuệ của con người. Tất cả các tôn giáo đều dựa trên niềm tin; chỉ có khoa học là dựa trên sự nghi ngờ. Và tôi muốn quá trình tìm hiểu tôn giáo cũng mang tính khoa học, cũng dựa trên sự nghi ngờ, để đến một ngày nào đó, chúng ta không cần phải tin mà là biết được sự thật về bản thể của mình, cũng như chân lý của cả vũ trụ.

THẾ GIỚI BÊN NÀY VÀ THẾ GIỚI BÊN KIA Hiểu về sự chia cắt sâu sắc Tôi đề xuất một tôn giáo mới. Nó sẽ không phải là Cơ Đốc giáo, không phải Do Thái giáo và cũng không phải Hindu giáo; tôn giáo này sẽ không có bất kỳ tính từ nào trong đó. Nó sẽ chỉ đơn giản là một phẩm chất của sự hiện hữu trọn vẹn. Tôn giáo đã thất bại. Khoa học đã thất bại. Phương Đông đã thất bại và phương Tây đã thất bại. Chúng ta cần một sự tổng hợp nào đó cao hơn, nơi phương Đông và phương Tây có thể hội tụ, nơi tôn giáo và khoa học có thể giao thoa. Giống như cây cối, con người có cội rễ trong đất và có khả năng ra hoa. Tôn giáo đã thất bại bởi vì nó chỉ nói về

16 - Hiểu những bông hoa - và những bông hoa này vẫn mang tính triết học, trừu tượng; chúng không bao giờ trở thành hiện thực. Chúng không thể trở thành hiện thực bởi vì chúng không được đất hỗ trợ. Và khoa học thất bại bởi vì nó chỉ quan tâm đến gốc rễ. Phần gốc rễ đó xấu xí và có vẻ không có khả năng ra hoa. Tôn giáo thất bại bởi vì nó tập trung vào thế giới bên kia và bỏ bê thế giới bên này. Và bạn không thể bỏ bê thế giới này - bỏ bê thế giới này đồng nghĩa với bỏ bê nguồn cội của chính mình. Khoa học thất bại vì nó bỏ bê thế giới bên kia, thế giới nội tâm, và bạn không thể bỏ bê những bông hoa. Một khi bạn bỏ bê những bông hoa, phần cốt lõi nhất trong bản thể của bạn, cuộc sống sẽ mất đi toàn bộ ý nghĩa của nó. Giống như cây cần có rễ, con người cũng cần có nguồn cội - và nguồn cội đó chỉ tồn tại trong đất. Cây cần một bầu trời rộng mở để phát triển, để mọc ra những tán lá sum suê và nở hàng ngàn bông hoa. Chỉ khi đó cây mới hoàn thiện; chỉ khi đó cây mới cảm thấy quan trọng và có ý nghĩa, và sống một cuộc sống đúng nghĩa. Phương Tây đang khổ sở vì quá nhiều khoa học, còn phương Đông thì đau khổ vì quá nhiều tôn giáo. Giờ đây, chúng ta cần một nhân loại mới nơi tôn giáo và khoa học trở thành hai phương diện trong một con người. Và một khi chúng ta tạo ra chủng người mới này, lần đầu tiên trái đất có thể trở thành một nơi đúng như nó được định để trở thành. Nó có thể trở thành một thiên đường: có Phật trong chính thân thể này, có thiên đường trên chính mặt đất này.

The book of understanding - 17 Zorba Phật: Cuộc gặp gỡ giữa đất và trời Khái niệm của tôi về một chủng người mới là người có sự kết hợp giữa Zorba “tay chơi Hy Lạp” và Phật Thích Ca Mâu Ni: chủng người mới này sẽ là “Zorba Phật” - niềm vui trần thế và phúc lạc tâm linh. Niềm vui thể xác, hoàn toàn thuộc về thể chất - trong cơ thể, trong các giác quan, tận hưởng cơ thể và tất cả những gì cơ thể có thể mang lại - trong khi vẫn có được ý thức tuyệt vời, sự chứng kiến tuyệt vời. Zorba Phật - điều chưa từng xảy ra trước đây. Đó chính là những gì tôi muốn nói khi nhắc đến sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, giữa chủ nghĩa duy vật và duy linh. Đó là ý nghĩ của tôi về Zorba Phật: sự hợp nhất giữa thiên đường và hạ giới. Điều tôi muốn là không có chứng phân liệt, không có sự phân chia giữa vật chất và tinh thần, giữa trần tục và thiêng liêng, giữa thế giới bên này và thế giới bên kia. Tôi không muốn bất kỳ sự chia rẽ nào, bởi vì mọi sự chia rẽ đều là sự chia rẽ trong chính bạn. Bất kỳ cá nhân nào, bất kỳ con người nào bị chia rẽ bên trong chính mình đều trở nên điên loạn và mất trí. Chúng ta đang sống trong một thế giới điên loạn và mất trí. Nó chỉ có thể trở nên tỉnh táo nếu tình trạng chia rẽ này chấm dứt. Nhân loại đã sống trong hai trạng thái, hoặc tin linh hồn là có thật và vật chất chỉ là phù phiếm, hoặc tin vật chất mới là thật còn linh hồn chỉ là hư ảo. Bạn có thể phân chia con người cũ thành những người theo chủ nghĩa tinh thần và những người theo chủ nghĩa vật chất. Nhưng không ai

18 - Hiểu buồn quan tâm đến thực tại của con người. Chúng ta là cả hai. Chúng ta không chỉ thuộc tinh thần - không chỉ có ý thức - cũng không chỉ thuộc vật chất. Chúng ta là bản hòa ca tuyệt vời giữa vật chất và ý thức. Hoặc có lẽ vật chất và ý thức không phải là hai thứ mà chỉ là hai khía cạnh của cùng một thực tại: vật chất là thứ nằm bên ngoài ý thức và ý thức là thứ nằm bên trong vật chất. Nhưng trước đây chưa từng có một triết gia, một nhà hiền triết hay một nhà thần bí mộ đạo nào tuyên bố về sự thống nhất này; tất cả đều ủng hộ việc chia rẽ con người, gọi một bên là thực và một bên là ảo. Điều này đã tạo ra tình trạng phân liệt chung trên khắp trái đất. Bạn không thể chỉ sống như một cơ thể. Đó là ý của Jesus khi nói “Con người không thể chỉ sống bằng bánh mì” - nhưng đây chỉ là một nửa sự thật. Bạn cần ý thức, bạn không thể chỉ sống bằng bánh mì, đúng vậy - nhưng bạn cũng không thể sống thiếu bánh mì. Bạn có cả hai chiều không gian trong bản thể của mình, và cả hai chiều không gian đó phải được hoàn thiện, được trao cho cơ hội phát triển như nhau. Nhưng con người trong quá khứ hoặc ủng hộ cái này và chống lại cái kia, hoặc ủng hộ cái kia và chống lại cái này. Con người như một tổng thể toàn vẹn vẫn chưa được chấp nhận. Điều này gây sự đau đớn, nỗi thống khổ và một bóng tối bao trùm; đêm tối kéo dài suốt hàng ngàn năm và dường như không bao giờ dứt. Nếu chỉ lắng nghe cơ thể, bạn đang tự hạ bản thân xuống thành một sự tồn tại vô nghĩa. Nếu không lắng nghe cơ thể, bạn sẽ phải chịu đau khổ - nghèo, đói, khát. Nếu chỉ lắng nghe ý thức, bạn sẽ phát triển lệch

The book of understanding - 19 về một phía. Ý thức của bạn sẽ phát triển nhưng cơ thể sẽ co rút lại và bạn bị mất cân bằng. Và trong sự cân bằng đó là sức khỏe của bạn, trong sự cân bằng đó là tính trọn vẹn của bạn, trong sự cân bằng đó là niềm vui của bạn, ca khúc của bạn, vũ điệu của bạn. Người theo chủ nghĩa duy vật chọn lắng nghe cơ thể và hoàn toàn lờ đi những gì liên quan đến thực tại của ý thức. Kết quả cuối cùng là nền khoa học phát triển, công nghệ tân tiến - một xã hội thịnh vượng, sung túc với đầy những thứ trần tục của thế giới này. Và giữa sự sung túc đó là những con người tội nghiệp vô hồn, hoàn toàn lạc lối - không biết mình là ai, không biết tại sao mình lại có mặt ở đây mà chỉ cảm thấy sự tồn tại của mình gần giống như một tai nạn hoặc một phút bốc đồng của tạo hóa. Nếu ý thức con người không phát triển cùng với sự phong phú của thế giới vật chất, cơ thể sẽ trở nên quá nặng và linh hồn sẽ trở nên quá yếu. Bạn bị đè nặng bởi những phát minh của chính mình, những khám phá của chính mình. Thay vì tạo ra một cuộc đời tươi đẹp cho bạn, chúng tạo ra một cuộc sống mà theo cảm nhận của những người thông minh là không đáng sống. Trong quá khứ, phương Đông đã chọn ý thức và khinh thường vật chất cũng như mọi thứ thuộc về vật chất, bao gồm cả cơ thể, như những thứ trần tục. Họ gọi nó là ảo tưởng, một ảo ảnh trên sa mạc, thứ có vẻ tồn tại nhưng không có thực. Phương Đông đã tạo ra Phật Thích Ca Mâu Ni, Mahavira, Patanjali, Kabir, Farid, Raidas - một danh sách dài

20 - Hiểu gồm những con người có ý thức tuyệt vời, có nhận thức tuyệt vời. Nhưng nó cũng tạo ra hàng triệu người nghèo khổ, đói khát, chết trong đau đớn và tủi nhục - trong cảnh không đủ thức ăn, không có nước uống, không đủ quần áo, không chốn nương thân. Có một tình huống thật kỳ lạ… Tại các quốc gia phát triển, cứ mỗi sáu tháng, người ta phải đổ bỏ một lượng thực phẩm trị giá hàng triệu đô-la xuống biển vì đó là thực phẩm dư thừa. Họ không muốn nhà kho bị quá tải, không muốn bán hạ giá sản phẩm và làm hỏng cơ cấu kinh tế. Tại Ethiopia, cả ngàn người chết đói mỗi ngày, trong khi Thị trường chung châu Âu tiêu hủy nhiều thực phẩm đến mức chi phí tiêu hủy lên đến hàng triệu đô-la. Đó không phải là chi phí của thực phẩm bị tiêu hủy; đó là chi phí để vận chuyển và đổ chúng xuống biển. Ai chịu trách nhiệm cho tình cảnh này? Người đàn ông giàu có nhất phương Tây đang tìm kiếm linh hồn của mình và thấy nó trống rỗng - không có tình yêu, chỉ có lòng ham muốn; không có lời cầu nguyện, chỉ có những lời lặp đi lặp lại như vẹt mà ông ta được dạy vào mỗi Chủ Nhật. Ông ta không có ý thức về tâm linh, không có cảm xúc với những người khác, không có sự tôn kính đối với cuộc sống, chim chóc, cây cối, động vật. Hủy diệt là việc thật quá dễ dàng - thảm họa Hiroshima và Nagasaki lẽ ra đã không xảy ra nếu con người không bị xem như đồ vật. Vũ khí hạt nhân đã không chất đống như vậy nếu con người được xem như một vị thần ẩn giấu, một sự huy hoàng ẩn giấu - không phải để tiêu diệt mà để khám phá, không bị

The book of understanding - 21 thủ tiêu mà phải được mang ra ánh sáng, với cơ thể là ngôi đền của linh hồn thiêng liêng. Nhưng nếu con người chỉ là vật chất - chỉ là hóa học, vật lý, một bộ xương bọc da - vậy thì khi cái chết đến, mọi thứ đều chết, không còn lại gì. Đó là lý do tại sao Adolf Hitler có thể giết sáu triệu người - nếu con người chỉ là vật chất thì đâu có gì phải đắn đo. Khi theo đuổi sự sung túc vật chất, phương Tây đã đánh mất linh hồn của nó, nội tâm của nó. Khi xung quanh toàn là sự vô nghĩa, buồn chán và đau khổ, phương Tây không thể tìm thấy bản chất con người của mình. Tất cả các thành tựu khoa học đều không phát huy được bất kỳ tác dụng gì - bởi vì ngôi nhà chứa đầy đồ nhưng lại vắng chủ nhà. Ở phương Đông, hệ quả cuối cùng của hàng bao thế kỷ xem vật chất là ảo ảnh và chỉ có ý thức mới có thật là chủ nhà còn sống nhưng ngôi nhà trống rỗng. Thật khó tận hưởng cuộc sống với chiếc bụng đói, thân thể đau ốm và cái chết bủa vây; thiền định trở thành việc bất khả thi. Vì vậy, cả phương Tây lẫn phương Đông đều đã thất bại một cách đáng tiếc. Tất cả các vị thánh và những nhà triết học - cả duy linh lẫn duy vật - đều phải chịu trách nhiệm cho tội ác nghiêm trọng chống lại loài người này. Zorba Phật là câu trả lời. Đó là sự tổng hòa giữa vật chất và linh hồn. Đó là lời khẳng định rằng không có xung đột giữa vật chất và ý thức, rằng chúng ta có thể giàu có trên cả hai phương diện. Chúng ta có thể có mọi thứ mà thế giới này có thể mang lại, mọi thứ mà khoa học và công nghệ

22 - Hiểu có thể tạo ra, đồng thời chúng ta vẫn có thể có được mọi thứ mà Phật, Kabir, Nanak tìm thấy bên trong bản thể của họ - những bông hoa của trạng thái xuất thần, hương thơm của sự thần thánh thiêng liêng, đôi cánh của tự do tối thượng. Zorba Phật là một chủng người mới, người nổi loạn. Sự nổi loạn đó bao gồm việc tiêu diệt chứng phân liệt của nhân loại, phá vỡ sự chia rẽ - loại bỏ tư tưởng tinh thần chống lại vật chất và vật chất chống lại tinh thần. Đó là bản tuyên ngôn về sự đồng hành của cơ thể và linh hồn. Sự hiện hữu chứa đầy những giá trị tinh thần - ngay cả những ngọn núi cũng sống động, ngay cả cây cối cũng nhạy cảm. Đó là lời khẳng định rằng sự hiện hữu là vật chất và cũng là tinh thần - hoặc có lẽ đó là một nguồn năng lượng đang tự thể hiện theo hai cách, như vật chất và như ý thức. Khi thuần khiết, năng lượng tự bộc lộ dưới dạng ý thức; khi thô sơ, đặc quánh, chưa tinh lọc, năng lượng xuất hiện dưới dạng vật chất. Nhưng toàn bộ sự hiện hữu chẳng qua chỉ là một trường năng lượng. Đây là trải nghiệm của tôi, không phải triết lý của tôi. Và nó được củng cố bởi vật lý học hiện đại cũng như các nghiên cứu trong lĩnh vực này: sự hiện hữu là năng lượng. Chúng ta có thể cho phép bản thân có được cả hai thế giới. Chúng ta không cần phải từ bỏ thế giới này để có được thế giới kia; chúng ta cũng không cần phải từ bỏ thế giới kia để tận hưởng thế giới này. Trên thực tế, thật đáng tiếc khi bạn chỉ có được một thế giới trong khi có khả năng chọn cả hai.

The book of understanding - 23 Zorba Phật là lựa chọn tối ưu. Chúng ta sẽ sống trọn vẹn nhất với bản chất tự nhiên của mình và chúng ta sẽ ca những bài ca của trái đất này. Chúng ta sẽ không phản bội trái đất, và chúng ta cũng sẽ không phản bội bầu trời. Chúng ta sẽ có được tất cả những gì trái đất có - mọi bông hoa, mọi lạc thú - và chúng ta cũng sẽ có được tất cả những vì sao trên trời. Chúng ta sẽ có được toàn bộ sự hiện hữu như nhà của mình. Tất cả những gì chứa đựng bên trong sự hiện hữu đều dành cho chúng ta, và chúng ta phải sử dụng chúng theo mọi cách có thể - không mặc cảm tội lỗi, không xung đột, không chọn lựa. Hãy tận hưởng tất cả những gì vật chất có thể đem tới và nắm giữ tất cả những gì ý thức có thể mang lại. Có một câu chuyện như sau… Có hai người ăn xin sống trong một khu rừng ở rìa thành phố. Tất nhiên, họ là đối thủ của nhau, cũng giống như những người hành nghề trong các lĩnh vực khác - hai bác sĩ, hai giáo sư, hai thánh nhân. Một người ăn xin bị mù, còn người kia bị cụt chân, và cả hai đều rất hay ganh đua; họ cạnh tranh với nhau suốt cả ngày khi ở trong thành phố. Nhưng một đêm nọ, khu rừng bị cháy và lửa lan tới hai căn lều của họ. Người ăn xin mù có thể chạy nhưng anh ta không thấy đường. Anh ta không thấy được nơi nào chưa bị cháy. Người ăn xin cụt chân có thể nhìn thấy đường thoát thân nhưng anh ta không chạy được. Đám cháy đang lan nhanh, người cụt chân chỉ có thể nhìn thấy cái chết cận kề.

24 - Hiểu Khi đó, hai người nhận ra rằng họ cần hỗ trợ nhau. Người cụt chân bỗng nhận ra: “Gã mù có thể chạy, còn mình có thể nhìn thấy”. Họ không còn nhớ tới ganh đua nữa. Trong tình huống khẩn cấp đó, khi đối mặt với cái chết, cả hai cần phải quên hết chuyện thù hằn ngu ngốc. Cả hai người đã phối hợp với nhau một cách tuyệt vời; họ nhất trí rằng người mù sẽ cõng người cụt chân và họ sẽ hoạt động như một người - người cụt chân có thể nhìn, còn người mù có thể chạy, và bằng cách phối hợp với nhau như vậy, họ đã thoát chết. Không những vậy, vì đã cứu mạng nhau nên họ trở thành bạn; lần đầu tiên trong đời, họ không còn đối đầu với nhau nữa. Zorba là người mù - ông ta không thể nhìn thấy, nhưng ông ta biết nhảy múa, biết ca hát, biết tận hưởng cuộc sống. Phật có thể nhìn thấy, nhưng ông ấy chỉ có thể nhìn. Ông ấy là đôi mắt thuần khiết, chỉ có sự sáng tỏ và nhận thức - nhưng ông ấy không biết nhảy múa. Ông ấy bị tàn phế, ông ấy không biết hát, ông ấy không thể tận hưởng cuộc sống. Đã đến lúc. Thế giới đang chìm trong lửa đỏ và cuộc sống của mọi người đang bị đe dọa. Cuộc gặp gỡ giữa Zorba và Phật có thể cứu rỗi toàn nhân loại. Cuộc gặp gỡ đó là tia hy vọng duy nhất. Phật có thể mang đến ý thức, sự thấu tỏ, một đôi mắt nhìn thấy xa hơn, một đôi mắt nhìn thấy những thứ gần như vô hình. Zorba có thể hết mình với những gì nằm trong tầm nhìn của Phật - và sự góp mặt của Zorba sẽ đảm bảo đó không phải là một viễn cảnh khô khan mà là một cuộc sống đầy nhịp điệu, hân hoan và ngây ngất.

The book of understanding - 25 Có thật là Zorba và Phật có thể gặp nhau hay không? Nếu có, tại sao các nhà lãnh đạo tôn giáo khác lại chưa từng nghĩ đến? Đầu tiên, bạn cần hiểu tôi không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo. Một nhà lãnh đạo tôn giáo không thể nghĩ theo cách tôi nghĩ, không thể nhìn thấy mọi việc như cách tôi nhìn thấy, vì một lý do đơn giản là người đó đầu tư rất nhiều vào tôn giáo; tôi thì không. Các tôn giáo đều cần phải chia rẽ con người, tạo ra tính hai mặt trong tâm trí con người. Đó là cách tôn giáo lợi dụng bạn. Nếu bạn trọn vẹn, bạn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ. Nếu bạn bị phân mảnh, khi đó, toàn bộ sức mạnh của bạn bị phá hủy, toàn bộ năng lực, phẩm giá của bạn đều tiêu tan. Khi đó, bạn có thể là một tín đồ Cơ Đốc giáo, Hindu giáo, Mohammed giáo. Nếu được sống đúng với con người mà bạn được sinh ra - tự nhiên, không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ những người được gọi là nhà lãnh đạo tôn giáo - bạn sẽ được tự do, độc lập, toàn vẹn. Không ai có thể nô dịch bạn. Và tất cả các tôn giáo cũ đều đang không mang lại gì ngoài việc biến bạn thành nô lệ. Để nô dịch bạn, họ phải tạo ra một sự mâu thuẫn bên trong bạn để bạn bắt đầu chiến đấu với chính mình. Khi bạn xung đột với chính mình, có hai việc chắc chắn xảy ra. Thứ nhất, bạn sẽ đau khổ, bởi vì không phần nào trong bạn có thể giành chiến thắng, bạn sẽ luôn bị đánh bại. Thứ hai, bạn sẽ có cảm giác tội lỗi rằng mình không xứng đáng được gọi là một con người đích thực. Đây chính là mong muốn ?

26 - Hiểu của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chính vì trong thâm tâm bạn cảm thấy bản thân mình không xứng đáng nên họ mới có thể trở thành các nhà lãnh đạo. Bạn không thể dựa vào bản thân bởi vì bạn biết mình không thể làm được gì. Bạn không thể làm những việc mà bản chất tự nhiên của bạn muốn làm, bởi vì tôn giáo của bạn không cho phép; bạn không thể làm những gì tôn giáo của bạn mong muốn, bởi vì bản chất tự nhiên của bạn sẽ phản đối. Bạn thấy mình rơi vào một tình huống mà bản thân không thể làm được gì; cần có ai đó đứng ra gánh vác trách nhiệm cho bạn. Tuổi sinh lý của bạn ngày càng tăng, nhưng tuổi tinh thần của bạn vẫn chậm phát triển, vẫn chỉ đâu đó mười ba. Những người chậm phát triển như vậy rất cần có ai đó định hướng cho họ, dẫn dắt họ hướng tới mục tiêu của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống. Họ không có khả năng tự làm điều đó. Các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể nghĩ đến cuộc gặp gỡ giữa Zorba và Phật, bởi đó sẽ là dấu chấm hết cho vai trò lãnh đạo của họ cùng với những thứ được gọi là tôn giáo. Zorba Phật là dấu chấm hết của mọi tôn giáo. Nó là sự khởi đầu của một tinh thần tôn giáo mới không cần đến tên gọi - không Cơ Đốc giáo, không Do Thái giáo, không Phật giáo. Con người chỉ đơn giản tận hưởng bản thân, tận hưởng vũ trụ bao la, nhảy múa với cây cối, vui đùa với sóng biển, thu nhặt vỏ sò không vì mục đích nào khác ngoài niềm vui thuần túy. Làn gió mằn mặn hương vị biển cả, bãi cát mát mịn, ánh bình minh đang ló dạng, một cuộc chạy bộ thoải mái - bạn còn muốn gì hơn nữa? Với tôi, đây là

The book of understanding - 27 tôn giáo - tận hưởng khí trời, tận hưởng biển cả, tận hưởng bãi cát, tận hưởng mặt trời - bởi vì không có Thượng đế nào khác ngoài chính sự hiện hữu. Một mặt, Zorba Phật là sự kết thúc của loài người cũ - tôn giáo, chính trị, sự phân biệt chủng tộc và đủ mọi kiểu ngu ngốc cũ. Mặt khác, Zorba Phật là sự khởi đầu của một chủng người mới - hoàn toàn tự do được làm chính mình, để cho bản chất tự nhiên của mình được bung nở. Trên thực tế, không có xung đột nào giữa Zorba và Phật. Cái gọi là tôn giáo đã tạo ra sự xung đột giữa Zorba và Phật. Có xung đột nào giữa cơ thể và linh hồn của bạn không? Có mâu thuẫn nào giữa cuộc sống và ý thức của bạn không? Có xung đột nào giữa tay phải và tay trái của bạn không? Chúng là một thể trong một tổ chức thống nhất. Cơ thể không phải là thứ để lên án mà là thứ để biết ơn, bởi nó là sự tồn tại vĩ đại nhất, kỳ diệu nhất; cơ chế vận hành của nó nằm ngoài sức tưởng tượng. Tất cả các bộ phận trong cơ thể của bạn hoạt động như một dàn nhạc. Hai mắt, hai tay, hai chân của bạn có một mối liên hệ mật thiết nào đó với nhau. Sẽ không có tình huống mắt bạn muốn nhìn hướng đông nhưng chân bạn đi hướng tây, bụng bạn đói nhưng miệng của bạn từ chối ăn. Cái miệng không đình công và nói “Bụng đói thì liên quan gì đến miệng?”. Cơ thể của bạn không có xung đột. Nó vận hành theo một cơ chế đồng bộ từ bên trong, luôn chuyển động cùng nhau. Và linh hồn của bạn không phải là thứ đối lập với cơ thể. Nếu cơ thể của bạn là nhà thì linh hồn là khách,

28 - Hiểu và chủ nhà với khách không cần phải liên tục đánh nhau. Nhưng các tôn giáo cũ không thể tồn tại nếu bạn không chiến đấu với chính mình. Về cơ bản, tôi nhấn mạnh vào việc bạn là một chỉnh thể thống nhất - nên sự chú trọng vật chất của bạn không còn đối lập với tinh thần - là để loại bỏ toàn bộ những tôn giáo có tổ chức này ra khỏi trái đất. Một khi cơ thể và linh hồn bắt đầu đồng hành với nhau, cùng nhảy múa với nhau, bạn đã trở thành Zorba Phật. Khi đó, bạn có thể tận hưởng mọi thứ thuộc về cuộc sống này, mọi thứ bên ngoài bạn, và bạn cũng có thể tận hưởng mọi thứ bên trong bạn. Trên thực tế, cái bên trong và cái bên ngoài hoạt động theo các chiều hướng hoàn toàn khác nhau; chúng không bao giờ xung đột với nhau. Nhưng lối tư duy được củng cố suốt hàng ngàn năm - rằng nếu muốn cái bên trong, bạn phải từ bỏ cái bên ngoài - đã cắm rễ thật sâu trong bạn. Nếu không, bạn sẽ nhận ra đó là một ý nghĩ phi lý… Bạn được phép tận hưởng cái bên trong - vậy có vấn đề gì khi tận hưởng cái bên ngoài? Quá trình tận hưởng đó là như nhau; nó là sợi dây gắn kết cái bên trong với cái bên ngoài. Lắng nghe những giai điệu du dương, ngắm một bức tranh đẹp, hay thưởng thức màn trình diễn của một vũ công như nghệ sĩ ba-lê thiên tài Nijinsky - tất cả đều ở bên ngoài bạn, nhưng nó không thể ngăn cản niềm vui bên trong của bạn. Ngược lại, nó vô cùng hữu ích. Vũ điệu của Nijinsky có thể khơi dậy phần tâm hồn đang say ngủ trong bạn để nó cũng có thể nhảy múa. Âm nhạc của Ravi Shankar

The book of understanding - 29 có thể chạm đến những rung cảm sâu sắc nhất trong trái tim bạn. Cái bên trong và cái bên ngoài không bị chia rẽ. Nó là một nguồn năng lượng, hai khía cạnh của cùng một sự hiện hữu. Zorba có thể dễ dàng trở thành Phật hơn bất kỳ vị giáo hoàng nào. Không có khả năng để một giáo hoàng, hay những người được gọi là thánh nhân, trở thành nhà lãnh đạo tinh thần đích thực. Họ thậm chí còn không biết được niềm vui của cơ thể - sao bạn lại nghĩ họ có thể thưởng thức niềm vui tinh tế của linh hồn? Cơ thể là trường học, nơi bạn học bơi ở vùng nước cạn. Và một khi bạn đã biết bơi, mức độ nông sâu của nước không còn quan trọng nữa. Khi đó, bạn có thể bơi ở nơi có mực nước sâu nhất trong hồ; đối với bạn, mọi độ sâu đều như nhau. Bạn cần phải nhớ về cuộc đời của Phật. Cho đến năm hai mươi chín tuổi, ông ấy chính là một Zorba đích thực. Ông ấy có hàng tá thiếu nữ xinh đẹp nhất trong vương quốc của mình. Cung điện của ông ấy tràn ngập âm nhạc và những buổi đàn ca nhảy múa. Ông ấy thưởng thức những món ăn ngon nhất, khoác lên mình những bộ trang phục đẹp nhất, sống trong những cung điện nguy nga, những khu vườn tuyệt đẹp. Ông ấy đã tận hưởng cuộc sống hơn nhiều so với một tay chơi Zorba nghèo khó của Hy Lạp. Zorba chỉ có một bạn gái - một phụ nữ lớn tuổi với nhan sắc tàn phai, một gái điếm hết thời. Cô ta dùng răng giả, tóc giả - và Zorba là khách hàng duy nhất của cô bởi ông không đủ tiền trả cho bất kỳ cô gái nào khác. Bạn gọi

30 - Hiểu ông ta là kẻ theo đuổi chủ nghĩa vật chất, con người của khoái lạc và bạn hoàn toàn quên mất Đức Phật đã sống một cuộc đời phong phú hơn nhiều suốt hai mươi chín năm đầu đời. Ngày qua ngày, vị hoàng tử Siddhartha này chỉ sống trong nhung lụa xa hoa, sở hữu tất cả những gì mà ông ấy có thể hình dung được. Ông ấy đã sống trong một mảnh đất thần tiên. Chính những trải nghiệm ấy đã biến ông thành Phật. Người ta thường không nhìn nhận theo cách này. Không ai bận tâm đến phần đời đầu tiên của Đức Phật - phần đời đó mới chính là nền móng. Ông ấy đã chán ngấy cuộc sống đó. Ông ấy đã nếm trải mọi niềm vui của thế giới bên ngoài; giờ đây, ông ấy muốn thứ gì đó nhiều hơn, sâu sắc hơn, thứ không có ở thế giới bên ngoài. Để có thứ gì đó sâu sắc hơn, bạn phải nhảy vào bên trong. Ở tuổi hai mươi chín, ông ấy rời khỏi cung điện vào nửa đêm để bắt đầu hành trình tìm kiếm cái bên trong. Ông ấy là một Zorba đang đi tìm Phật. Tay chơi Zorba của Hy Lạp không thể nào trở thành Phật bởi lý do đơn giản là trạng thái Zorba của ông ta chưa hoàn thiện. Đó là một con người đẹp đẽ, đầy nhiệt huyết nhưng nghèo. Ông ấy muốn sống một cuộc đời trọn vẹn với những cảm xúc mãnh liệt của nó, nhưng ông không có cơ hội để sống như vậy. Ông ấy khiêu vũ, ông ấy ca hát, nhưng ông ấy không biết được những sắc thái cao hơn của âm nhạc. Ông ta không biết đến điệu nhảy mà ở đó, người khiêu vũ biến mất.

MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU.......................................................................5 THẾ GIỚI BÊN NÀY VÀ THẾ GIỚI BÊN KIA Hiểu về sự chia cắt sâu sắc.................................................15 NIỀM TIN VÀ TRẢI NGHIỆM Hiểu được sự khác biệt giữa kiến thức và hiểu biết ........83 NGƯỜI DẪN DẮT VÀ NGƯỜI ĐI THEO Hiểu trách nhiệm của việc được tự do............................171 LƯƠNG TÂM VÀ Ý THỨC Hiểu được sự tự do của tinh thần trách nhiệm..............235 Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG Từ cái đã biết đến cái chưa biết và cái không thể biết....289 LỜI KẾT.............................................................................355

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==