Đào Hữu Nghĩa dịch NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ
2 Vấn đề tự do Tôi muốn thảo luận với các bạn về vấn đề tự do. Đó là một vấn đề vô cùng phức tạp, cần phải nghiên cứu và hiểu sâu. Ta nghe nói nhiều về sự tự do, sự giải thoát của tôn giáo và sự tự do làm điều ta thích làm. Vô số tác phẩm của các học giả đã viết về điều này. Nhưng tôi nghĩ ta có thể đề cập đến vấn đề này một cách hết sức đơn giản và trực tiếp, có lẽ điều đó sẽ đưa ta đến một giải pháp đích thực. Tôi tự hỏi bạn có bao giờ dừng lại quan sát bầu trời phía tây đỏ rực lên một cách diệu kỳ khi mặt trời lặn với vầng trăng non treo lơ lửng trên những ngọn cây chưa? Thường ở giờ phút đó, dòng sông thật tĩnh lặng và lúc đó
Đôi điều cần suy ngẫm - 19 mọi vật đều được phản chiếu trên mặt nước: cây cầu, đoàn tàu hỏa đang băng qua cầu, mảnh trăng non mềm mại, dịu dàng, và giờ đây khi trời đã tối hẳn, muôn vì sao chiếu lấp lánh. Tất cả đều tuyệt đẹp. Và để quan sát, để nhìn, để chú tâm trọn vẹn vào điều gì xinh đẹp, trí não bạn phải thoát khỏi mọi mối bận tâm, phải không? Trí não phải không bị chiếm cứ bởi những vấn đề, những lo toan bận bịu, những suy xét. Chỉ khi nào trí não vô cùng tĩnh lặng, bạn mới có thể thực sự quan sát, bởi vì lúc đó trí não mới nhạy cảm trước cái đẹp lạ thường, và đây có lẽ là manh mối để giải quyết vấn đề tự do. Vậy thì, tự do nghĩa là gì? Có phải tự do là làm việc gì khiến bạn thoải mái, đi đến nơi nào bạn thích, nghĩ điều gì bạn muốn? Đây là điều mà bạn muốn làm thế nào cũng được. Chỉ đơn thuần được độc lập thì có nghĩa là tự do không? Nhiều người trong thế giới sống độc lập, nhưng rất ít người tự do. Tự do ngụ ý là cực kỳ thông tuệ, phải không? Sống tự do là sống thông tuệ, nhưng trí tuệ không thể hình thành chỉ bằng ước mong sống tự do; trí tuệ chỉ xuất hiện khi bạn bắt đầu thấu hiểu toàn bộ môi trường sống của mình, thấu hiểu mọi ảnh hưởng về xã hội, tôn giáo, gia đình và truyền thống đang liên tục bủa chặt vòng vây quanh bạn. Nhưng để thấu hiểu những ảnh hưởng khác nhau đó - ảnh hưởng từ cha mẹ, từ chính quyền, xã hội, văn hóa mà bạn thuộc về, từ những điều bạn tin, những thần thánh và mê tín, từ truyền thống mà bạn tuân thủ một cách không suy nghĩ - để thấu hiểu tất cả những điều này và thoát khỏi chúng, bạn cần thấu hiểu bên trong mình. Nhưng thông thường bạn chịu thua chúng, bởi vì trong tâm bạn sợ hãi.
20 - J. Krishnamurti Bạn sợ không có một địa vị tốt trong đời, bạn sợ các giáo sĩ sẽ nói điều gì đó về bạn; bạn sợ không tuân thủ theo truyền thống, sợ hành động không đúng. Nhưng tự do giải thoát thực sự là một trạng thái của trí não mà trong đó không có sợ hãi hay cưỡng bách, không có sự ham muốn mãnh liệt để được an toàn. Chẳng phải phần đông chúng ta đều muốn được an toàn sao? Không phải ta muốn nghe người khác nói về ta như những con người tuyệt vời ra sao, đáng yêu, hoặc thông minh tài trí thế nào sao? Nếu không, ta sẽ không gắn thêm mấy từ đó vào cái tên của mình. Tất cả những điều đó khiến ta tự đảm bảo, cảm thấy mình quan trọng. Tất cả chúng ta đều muốn trở thành người nổi tiếng - và ngay khi ta muốn mình là cái gì đó, ta không còn tự do nữa. Xin hãy nhìn rõ điều này, bởi vì đó là manh mối thực sự dẫn tới việc thấu hiểu vấn đề tự do. Dù là trong thế giới của các chính trị gia, của quyền lực, địa vị và uy thế, hay trong thế giới gọi là tinh thần, ở đâu bạn còn khao khát được đức cao vọng trọng, cao quý, thánh thiện, khi bạn còn muốn trở thành một nhân vật nào đó, thì bạn không còn tự do nữa. Nhưng nếu có ai nhìn thấy sự phi lý của tất cả những điều này và trái tim của người ấy, do đó, hồn nhiên và không còn dao động theo ý muốn là một nhân vật nào đó - con người như thế mới tự do. Nếu bạn hiểu được sự đơn giản của điều này, bạn cũng sẽ thấy vẻ đẹp và chiều sâu khác thường của nó. Rốt lại, các kỳ thi đều nhằm mục đích: cho bạn một địa vị, biến bạn thành một người nào đó. Các danh hiệu,
Đôi điều cần suy ngẫm - 21 địa vị và kiến thức khuyến khích bạn trở thành cái gì đó. Bạn không để ý thấy rằng giáo viên hay cha mẹ đều nói với bạn rằng bạn phải trở thành một điều gì đó trong đời, bạn phải thành danh giống như cậu của bạn hay ông của bạn sao? Hoặc bạn cố gắng bắt chước theo tấm gương của một người hùng nào đó, để được giống như các bậc đại sư, những ông thánh; vì thế bạn không bao giờ được tự do. Dù bạn bắt chước theo gương mẫu của một bậc đại sư, một thánh nhân, một giáo chủ, một người bà con, hoặc bám chặt vào một truyền thống cụ thể; thì tất cả đều có ý đòi hỏi bạn phải trở thành cái gì đó; và chỉ khi nào bạn thực sự thấu hiểu điều này, lúc đó mới có sự tự do. Vậy chức năng của giáo dục là trợ giúp bạn từ ấu thơ để bạn không bắt chước bất kỳ một người nào, mà phải luôn luôn là chính bạn. Và đây là điều khó khăn hơn cả: dù bạn xấu hay đẹp, dù bạn ghen tị hay đố kỵ, hãy luôn luôn là chính mình, nhưng hãy hiểu được điều này. Là chính mình là một điều cực khó, bởi vì bạn nghĩ cái bạn đang là là thấp hèn, và rằng chỉ cần thay đổi cái đang là thành cái gì đó cao thượng, thì sẽ rất tuyệt vời; nhưng việc đó không bao giờ xảy ra. Trái lại, nếu bạn nhìn vào con người thực sự của bạn và thấu hiểu nó, thì chính trong hành động thấu hiểu đó đã có sự chuyển hóa. Vì thế, tự do không nằm ở nỗ lực trở thành điều gì khác, không nằm ở việc làm bất cứ điều gì bạn tình cờ cảm thấy thích, cũng như không nằm ở việc tuân thủ uy lực của truyền thống, của cha mẹ, của đạo sư, mà nằm ở hành động thấu hiểu bản thân mình đang là gì trong từng phút, từng giây.
22 - J. Krishnamurti Bạn thấy đó, bạn không được dạy phải làm điều này; nền tảng giáo dục của bạn khuyến khích bạn trở thành điều này, điều nọ - nhưng như thế không phải là thấu hiểu chính mình. Cái “tôi” của bạn vô cùng phức tạp; nó không phải chỉ là cái thực thể vẫn đến trường, đang cãi vã, đang chơi đùa, đang lo sợ, mà nó còn là cái gì đó ẩn kín, không hiển lộ. Nó được làm nên không chỉ bằng tất cả những gì bạn suy nghĩ, mà còn bằng tất cả những thứ đã được nhồi nhét vào trí não của bạn bởi những người khác, bởi sách vở, bởi báo chí, bởi các lãnh tụ của bạn; và bạn chỉ có thể thấu hiểu tất cả những điều đó khi không còn muốn trở thành một người nào, khi bạn không còn bắt chước, không còn chạy theo bất kỳ ai - điều đó thật ra có nghĩa là khi bạn đứng lên phản kháng lại toàn bộ cái truyền thống cố gắng trở thành điều gì đó. Đó là cuộc cách mạng chân thực duy nhất, dẫn đến một sự tự do phi thường. Nuôi dưỡng sự tự do này là chức năng thực sự của giáo dục. Cha mẹ, thầy cô và những khao khát của chính bạn muốn bạn đồng nhất với điều này, điều nọ để được hạnh phúc, an toàn. Nhưng để sống thông tuệ, chẳng phải bạn cần phá vỡ mọi ảnh hưởng nghiền nát bạn và bắt bạn làm nô lệ sao? Hy vọng về một thế giới mới nằm ở những người nào trong số các bạn có thể bắt đầu thấy cái gì là giả tạo và phản kháng lại nó, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động thực tế. Chính vì thế, bạn phải tìm ra một nền giáo dục đúng đắn; bởi vì chỉ khi nào bạn trưởng thành trong tự do, bạn mới có thể tạo ra một thế giới mới không dựa
Đôi điều cần suy ngẫm - 23 trên truyền thống và bị định hình theo khí chất riêng của một triết gia hay một người theo chủ nghĩa lý tưởng nào đó. Nhưng không thể có tự do, chừng nào bạn vẫn còn đơn thuần cố gắng trở thành người nào đó, hoặc bắt chước theo một tấm gương cao quý. Hỏi: Trí thông minh là gì? Krishnamurti: Ta hãy đi sâu vào vấn đề này thật chậm rãi, kiên nhẫn, và hãy khám phá. Khám phá không phải là đi đến một kết luận. Tôi không biết bạn có thấy được chỗ khác biệt không. Khi bạn đi đến một kết luận rằng trí thông minh là gì, thì bạn không còn thông minh nữa. Đó là việc mà phần đông người lớn vẫn làm: họ đi đến những kết luận. Nên họ không còn thông minh nữa. Thế là bạn đã tìm ra một thứ đúng đắn này đây: một trí não thông minh là một trí não luôn luôn học hỏi, chứ không bao giờ kết luận. Trí thông minh là gì? Phần đông người ta thỏa mãn với một định nghĩa về trí thông minh. Hoặc họ nói: “Đó là một cách giải nghĩa tuyệt hay” hoặc họ cảm thấy thích giải thích của riêng họ hơn; và một trí não thỏa mãn với một lời giải thích là rất nông cạn, hời hợt, do đó nó không thông minh. Bạn phải bắt đầu thấy rằng một trí não thông minh là một trí não không thỏa mãn với những lời giải thích, với những kết luận; đó cũng không phải là một trí não tin tưởng, bởi vì niềm tin lại là một hình thái khác của kết luận. Một trí não thông minh là một trí não luôn truy vấn, một trí não luôn quan sát, học hỏi, nghiên cứu. Thế nghĩa
24 - J. Krishnamurti là gì? Nghĩa là chỉ có trí thông minh khi không còn sợ hãi, khi bạn sẵn lòng nổi loạn, phản kháng lại toàn bộ cấu trúc xã hội để tìm ra Thượng đế là gì, hoặc khám phá sự thật của bất cứ điều gì. Trí thông minh không phải là kiến thức. Nếu bạn có đọc hết mọi sách vở trên thế giới thì điều đó cũng không giúp bạn thông minh. Trí thông minh là cái gì đó cực kỳ tinh tế; nó không neo đậu ở bất kỳ nơi chốn nào; nó chỉ xuất hiện khi bạn thấu hiểu toàn bộ tiến trình của trí não - không phải trí não tuân theo một triết gia hay bậc thầy nào; mà là trí não của riêng bạn. Trí não của bạn là thành quả của toàn bộ nhân loại, và khi thấu hiểu được nó, bạn không cần phải nghiên cứu bất kỳ sách vở, kinh điển nào nữa, bởi vì trí não chứa đựng toàn bộ kiến thức của quá khứ. Vì thế, trí thông minh xuất hiện cùng với sự thấu hiểu chính mình; và bạn chỉ có thể thấu hiểu chính mình trong mối quan hệ với thế giới con người, với vạn vật và với ý tưởng. Trí thông minh không phải là điều mà bạn có thể thụ đắc, giống như việc học; nó sinh ra cùng với sức phản kháng cao độ, tức là khi không có sự sợ hãi - thật ra nghĩa là khi có cảm giác yêu thương. Bởi vì khi không còn sợ hãi thì mới có yêu thương. Nếu bạn chỉ quan tâm đến những giải thích, tôi e rằng bạn sẽ cảm thấy như tôi đã không trả lời câu hỏi của bạn. Hỏi trí thông minh là gì giống như hỏi sống là gì. Sống là học tập, chơi đùa, quan hệ tình dục, làm việc, cãi vã, ghen tị, là tham vọng, tình yêu, cái đẹp và sự thật - sống là tất cả mọi thứ, không phải sao? Nhưng bạn thấy đó, phần đông
Đôi điều cần suy ngẫm - 25 chúng ta không đủ kiên nhẫn để theo đuổi một cách nghiêm túc và kiên định công cuộc truy cầu, khám phá này. Hỏi: Một trí não thô thiển có thể trở nên nhạy cảm không? Krishnamurti: Hãy lắng nghe câu hỏi, ý nghĩa đằng sau ngôn từ. Một trí não thô thiển có thể trở nên nhạy cảm không? Nếu tôi nói trí não tôi thô thiển và tôi cố gắng trở nên nhạy cảm, thì chính sự cố gắng trở nên nhạy cảm là thô thiển. Xin hãy hiểu điều này. Đừng mưu đồ gì cả mà hãy quan sát nó. Ngược lại, nếu tôi nhận ra tôi thô thiển, mà không muốn thay đổi, không cố gắng trở nên nhạy cảm, nếu tôi bắt đầu thấu hiểu thô thiển là gì, quan sát nó trong cuộc sống của tôi từng ngày - cách tôi tham lam trong ăn uống, thái độ thô lỗ khi đối xử với người khác, thái độ tự cao, ngạo mạn, sự thô lỗ trong những thói quen và suy nghĩ của tôi - thì chính sự quan sát đó làm thay đổi cái đang là. Tương tự, nếu tôi ngu muội và tôi nói tôi phải trở nên thông minh, thì nỗ lực trở nên thông minh chỉ là một hình thái lớn lao hơn của sự ngu độn; bởi vì điều quan trọng là phải hiểu được sự ngu độn đó. Tôi có cố gắng cách nào đi nữa để trở nên thông minh, thì cái tính ngu độn của tôi sẽ vẫn còn đó. Tôi có thể đạt được vẻ hào nhoáng nông cạn của việc học. Tôi có thể có khả năng trích dẫn sách vở, lặp lại vanh vách các đoạn văn của các tác giả vĩ đại, nhưng về cơ bản tôi vẫn ngu độn. Nhưng nếu tôi nhìn thấy và thấu hiểu sự ngu độn khi tự nó thể hiện trong cuộc sống đời thường của tôi. Cách tôi đối xử với người ăn kẻ ở trong nhà,
26 - J. Krishnamurti cách tôi nhìn hàng xóm, người nghèo, kẻ giàu - thì chính nhận thức đó sinh ra sự sụp đổ của tính ngu độn. Bạn hãy thử đi. Hãy tự quan sát chính mình khi đang nói chuyện với người giúp việc nhà, hãy quan sát thái độ kính nể khủng khiếp của bạn khi đối mặt với một thống đốc, và thái độ coi khinh mà bạn thể hiện với người không cho bạn được gì. Bấy giờ bạn mới bắt đầu khám phá ra bạn ngu độn ra sao; và chính trong sự thấu hiểu đó mới có trí thông minh, tính nhạy cảm. Bạn không nhất thiết phải trở nên nhạy cảm. Người ra sức trở thành điều gì đó là người xấu xa, vô cảm; đó chính là người thô thiển. Hỏi: Làm thế nào một đứa bé có thể khám phá ra mình là gì nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ và thầy cô giáo? Krishnamurti: Tôi có nói một đứa bé làm được vậy chưa, hay đây là sự suy diễn của bạn về điều tôi đã nói? Đứa bé sẽ khám phá về bản thân nó nếu môi trường mà nó sống giúp nó làm việc đó. Nếu cha mẹ và thầy cô giáo thực sự quan tâm đến việc người trẻ phải khám phá được mình là gì, nhưng không cưỡng bách đứa trẻ đó; họ sẽ tạo ra một môi trường mà trong đó đứa trẻ sẽ đi đến chỗ tự biết mình. Bạn đã đặt ra câu hỏi này; nhưng đó có phải là vấn đề sống còn của bạn không? Nếu bạn cảm nhận một cách sâu xa rằng điều quan trọng với đứa trẻ là tự nó phải khám phá chính mình, và rằng đứa trẻ không thể làm việc này nếu nó bị khống chế bởi quyền lực, thì chẳng phải bạn nên giúp tạo ra cái môi trường đúng đắn này sao? Lại trở về với
Đôi điều cần suy ngẫm - 27 thái độ cũ rích không thay đổi: hãy nói cho tôi biết tôi phải làm gì và tôi sẽ làm theo. Chúng ta không nói: “Hãy cùng nhau làm việc đó”. Vấn đề là làm sao tạo ra một môi trường mà trong đó đứa trẻ có được sự hiểu biết về chính mình trong mối tương quan với tất cả mọi người - cha mẹ, thầy cô giáo và chính bản thân nó nữa. Nhưng sự tự biết mình không thể áp đặt, sự hiểu không thể cưỡng ép, và nếu đây là vấn đề sống còn của bạn và tôi, của phụ huynh và thầy cô giáo, thì lúc đó chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những môi trường học đường đúng kiểu. Hỏi: Bọn trẻ nói với tôi rằng chúng đã thấy trong làng một số hiện tượng kỳ quặc, giống như sự ám ảnh, và chúng sợ ma quỷ, những linh hồn, vân vân. Chúng cũng hỏi về cái chết, ta phải nói gì về những điều này? Krishnamurti: Vào thời điểm thích hợp, ta sẽ truy vấn xem cái chết là gì. Nhưng bạn thấy đó, sợ hãi là một điều hết sức kỳ lạ. Các bạn hồi còn bé cũng đã nghe cha mẹ, người lớn nói về ma quỷ, nếu không có lẽ bạn sẽ không thấy ma quỷ. Người nào đó đã nói với bạn về sự ám ảnh đó. Các bạn còn quá trẻ để biết về tất cả những điều ấy. Đó không phải là trải nghiệm của chính bạn, đó chỉ là sự phản ánh lại những điều mà người lớn đã nói với bạn. Và bản thân họ thường không biết gì về những điều này. Họ chỉ đọc trong sách và nghĩ rằng họ đã hiểu. Việc đó khiến khơi dậy một câu hỏi hoàn toàn khác: có chăng một trải nghiệm không bị nhiễm bẩn bởi quá khứ? Nếu một kinh nghiệm bị nhiễm bẩn bởi quá khứ thì đó
28 - J. Krishnamurti chỉ là một sự nối tiếp của quá khứ, và do đó không phải là một kinh nghiệm nguyên bản. Điều quan trọng đối với những người đang có mối liên hệ gần gũi với trẻ em là không nên áp đặt lên trẻ các quan niệm của chính bạn về ma quỷ, những ảo tưởng của chính bạn, những ý niệm và kinh nghiệm của riêng bạn. Điều này hết sức khó tránh, bởi vì người lớn thường hay nói quá nhiều về những thứ vô bổ chẳng có gì quan trọng trong cuộc sống; do đó, dần dần họ truyền đạt cho trẻ những âu lo, sợ hãi và mê tín của chính họ, một cách tự nhiên bọn trẻ sẽ lặp lại những điều chúng đã nghe. Điều quan trọng là người lớn, vốn thường không tự biết điều gì về tất cả những thứ này, không được nói về chúng trước mặt trẻ, mà thay vào đó hãy giúp tạo ra một bầu không khí để trẻ có thể lớn lên trong tự do và không sợ hãi.
Mục lục Ghi chú của người biên tập...........................5 1. Chức năng của giáo dục................................ 7 2. Vấn đề tự do . .............................................. 18 3. Tự do và tình yêu. ........................................ 29 4. Lắng nghe. ................................................... 42 5. Sự bất mãn sáng tạo...................................... 52 6. Tính toàn vẹn của cuộc sống....................... 63 7. Tham vọng.................................................... 73 8. Suy nghĩ trong trật tự................................. 84 9. Một trí óc cởi mở. ....................................... 95 10. Cái đẹp nội tâm............................................105 11. Phục tùng và phản kháng............................116 12. Sự tin tưởng hồn nhiên. .............................128 13. Bình đẳng và tự do. ....................................139 14. Tự kỷ luật....................................................150 15. Hợp tác và chia sẻ. ......................................161 16. Đổi mới trí não. ..........................................177 17. Dòng sông cuộc đời...................................189
Đôi điều cần suy ngẫm - 367 18. Một trí não chú tâm. ..................................202 19. Kiến thức và truyền thống..........................215 20. Có tinh thần tôn giáo là nhạy cảm trước thực tại..........................228 21. Mục đích của việc học................................240 22. Sự giản dị của tình yêu................................252 23. Nhu cầu cô đơn..........................................266 24. Năng lượng của cuộc sống........................279 25. Sống không cần cố gắng............................292 26. Trí não không phải là tất cả........................304 27. Tìm kiếm thượng đế......................................317 Phụ lục: Vào sào huyệt của sự chết...........................329 Chiếc lá mùa thu ...................................330 Sự chết ..................................................335 Một chính khách muốn làm điều tốt đẹp . .........................343 Sống chết và tồn sinh ...........................350 Hy vọng và tuyệt vọng ..........................357
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==