Đào Hữu Nghĩa dịch Life Ahead NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ
TIỂU DẪN Gửi các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh Theo tôi, trong thời đại mà những cuộc khủng hoảng và những vấn đề trên thế giới cứ nảy sinh thêm mãi, dường như điều cần thiết và cấp bách là phải có một đạo lý, một phương thức cư xử và một hành động phát xuất từ động thái thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống. Ta đang nỗ lực giải quyết các vấn đề ấy bằng những phương thức tổ chức và chính trị, bằng sự điều chỉnh về kinh tế và nhiều cải cách khác, nhưng đó toàn là những cách thế không bao giờ giải quyết được những nỗi khó khăn vô cùng phức tạp
6 - J. Krishnamurti của cuộc sống con người, có chăng chỉ là tạm thời xoa dịu vậy thôi. Mọi cải cách dù có vẻ sâu rộng và bền vững ra sao đi nữa, thì tự thân chúng cũng dấy sinh thêm nhiều hỗn loạn và đòi hỏi thêm nhiều cải cách khác. Không thấu hiểu toàn bộ bản chất phức tạp của con người mà chỉ làm những cuộc cải cách thì sẽ đơn thuần sinh ra thêm nhiều đòi hỏi cải cách hỗn loạn khác. Cải cách sẽ không bao giờ chấm dứt. Bởi vì trong đường hướng đó, không có sự giải quyết cơ bản nào cả. Các cuộc cách mạng chính trị, kinh tế và xã hội cũng không giải quyết được gì cả, bởi vì chúng đã sinh ra những cuộc áp chế khủng khiếp, hoặc chỉ chuyển giao quyền hành và uy thế từ nhóm người này sang nhóm người khác. Các cuộc cách mạng như thế không bao giờ là lối thoát cho những hỗn loạn và xung đột của ta. Nhưng có một cuộc cách mạng hoàn toàn khác phải diễn ra nếu ta muốn thoát khỏi sự tiếp nối bất tận của bao nhiêu khổ não, bao nhiêu xung đột, bao nhiêu nỗi thất vọng mà ta đang ngụp lặn vướng mắc trong đó. Cuộc cách mạng này phải bắt đầu không phải với lý thuyết và ý niệm, vì cuối cùng lý thuyết và ý niệm cũng chẳng có giá trị gì, mà phải bắt đầu bằng một cuộc biến đổi triệt để ngay trong tự thân trí não. Cuộc biến đổi như thế chỉ có thể xảy ra thông qua một nền giáo dục chân chính và sự phát triển toàn diện con người. Cuộc cách mạng đó phải diễn ra trong toàn bộ trí não chứ không chỉ trong tư tưởng. Tư tưởng dù sao cũng chỉ là kết quả chứ không phải căn nguyên. Phải có một cuộc biến đổi triệt để về căn nguyên chứ không phải chỉ sửa đổi kết quả. Hiện giờ ta chỉ đang sửa đổi chắp vá những
CuộC đời phía trướC - 7 hậu quả, những triệu chứng, chứ không phát động một đổi thay trọng yếu nào cả, không bứng gốc những lối tư duy xưa cũ, không giải phóng trí não khỏi vòng những truyền thống và tập quán. Ta quan tâm đến chính cuộc thay đổi tận gốc rễ này và chỉ có một nền giáo dục chân chính mới làm phát sinh cuộc thay đổi đó được. Chức năng và nhiệm vụ của trí não là truy vấn và học hỏi. Khi nói đến học hỏi, ý tôi không phải chỉ là trau dồi ký ức hay tích lũy kiến thức, mà học là cái năng lực tư tưởng sáng suốt và hợp lý, không ảo tưởng, bắt đầu từ những sự kiện chứ không phải từ những niềm tin và lý tưởng. Nếu tư tưởng căn cứ trên những kết luận, thì đó không phải là học hỏi. Đơn thuần thu thập thông tin hay kiến thức không phải là học. Học nghĩa là thích thấu hiểu và thích làm một việc vì bản thân việc đó. Chỉ có thể học khi không có bất kỳ sự cưỡng bức nào. Và cưỡng bức thì có nhiều dạng, phải không? Có sự cưỡng bức bằng ảnh hưởng, bám chấp hay đe dọa, bằng cách động viên thuyết phục hoặc nhiều hình thức khen thưởng tế nhị. Phần đông chúng ta nghĩ rằng so sánh sẽ khuyến khích trẻ ham học, nhưng sự thật thì trái lại. So sánh chỉ sinh ra sự thất vọng và khuyến khích lòng ghen tỵ mà ta gọi là ganh đua. Cũng giống như các hình thức thuyết phục khác, so sánh ngăn chặn sự học và làm phát sinh sợ hãi. Tham vọng cũng làm phát sinh sợ hãi. Tham vọng, dù mang tính cá nhân hay đồng nhất với tập thể, cũng luôn phản lại xã hội. Cái gọi là tham vọng cao quý trong quan hệ, về căn bản, vẫn mang tính phá hoại ghê gớm.
8 - J. Krishnamurti Cần phải khuyến khích phát triển một trí não tốt lành – một trí não đủ sức giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống như một thể thống nhất, chứ không tìm cách lẩn trốn chúng và do đó, trở nên tự mâu thuẫn, thất vọng, cay đắng hay hoài nghi. Và điều cốt yếu là trí não phải nhận ra chính sự quy định, những động cơ và những sự mưu cầu của chính nó. Bởi vì công cuộc phát triển một trí não tốt lành là một trong những mối quan tâm chính yếu của ta, nên việc ta dạy dỗ cách nào trở nên vô cùng quan trọng. Toàn bộ trí não phải được giáo hóa chứ không chỉ bằng lòng với việc ban phát tài liệu. Trong tiến trình truyền đạt kiến thức, nhà giáo dục cần khêu gợi sự thảo luận và động viên học sinh truy vấn, khám phá và suy tưởng một cách độc lập. Quyền lực, với tư cách “người hiểu biết”, không có chỗ trong việc học. Thầy và trò, cả hai đều học thông qua mối quan hệ đặc biệt với nhau, nhưng điều này không có nghĩa nhà giáo dục coi thường trật tự tư duy. Trật tự và phương pháp tư duy ở đây phát sinh không do kỷ luật dưới dạng những khẳng định quả quyết về kiến thức, mà nó phát sinh một cách tự nhiên khi nhà giáo dục thấu hiểu rằng trau dồi trí tuệ tất phải có ý thức về tự do. Điều này không có nghĩa là tự do làm bất cứ điều gì ta thích hoặc suy nghĩ trong tinh thần đơn thuần chống đối, mà đó là sự tự do giúp người học nhận ra những ham muốn và động cơ của mình, được tỏ lộ trong tư tưởng và hành động thường nhật của người đó. Một trí não bị kiềm chế trong kỷ luật không bao giờ là một trí não tự do giải thoát, cũng không bao giờ có thể là một trí não tự do khi dục vọng của nó bị dồn ép. Chỉ bằng
CuộC đời phía trướC - 9 cách thấu hiểu toàn bộ tiến trình của dục vọng, trí não mới có thể tự do. Kỷ luật luôn luôn hạn chế trí não vào một chuyển động trong khuôn khổ của một hệ thống tư tưởng hay niềm tin đặc biệt nào đó, phải không? Cho nên, một trí não như thế không bao giờ tự do để thông minh được. Kỷ luật làm sinh ra thái độ quy phục vào quyền lực. Kỷ luật tập cho ta có khả năng vận động đúng với chức năng của mình theo yêu cầu của một mô hình xã hội, nhưng kỷ luật không đánh thức được trí thông minh vốn có khả năng riêng của nó. Một trí não không biết đào luyện gì ngoài cái khả năng dựa vào ký ức, giống như một máy tính điện tử hiện đại, tuy vận hành với một khả năng lạ lùng và độ chính xác cực cao, nhưng nó vẫn chỉ là một chiếc máy. Uy quyền có thể thuyết phục trí não tư duy theo một phương hướng cụ thể. Nhưng bị hướng dẫn suy nghĩ theo một đường hướng nào đó, hay dựa vào một kết luận có sẵn, thì chẳng phải là tư duy, mà chỉ đơn thuần vận hành như người máy, sinh ra sự bất mãn một cách mù quáng, gây nên nỗi thất vọng và nhiều phiền muộn khác. Vấn đề quan trọng ta quan tâm là sự phát triển toàn diện của từng con người, giúp con người hiểu rõ cái khả năng tốt nhất và đầy đủ nhất của chính mình – chứ không phải cái khả năng giả tạo nào đó mà nhà giáo dục nghĩ ra như một quan niệm hay một lý tưởng. Sự so sánh – dù với thái độ nào – cũng đều ngăn chặn sự phát triển toàn diện của cá nhân, bất luận là người làm vườn hay là nhà khoa học. Khả năng đầy đủ nhất của người làm vườn vốn giống hệt như khả năng đầy đủ nhất của nhà khoa học khi ta không đem họ ra so sánh với nhau, nhưng
10 - J. Krishnamurti khi có sự so sánh xen vào, thì liền có lòng khinh thị và những phản ứng ganh tỵ làm dấy lên xung đột giữa người và người. Cũng giống như đau khổ, tình yêu không thể đem ra so sánh, không thể so sánh cái này tốt hơn, cái kia kém hơn. Đau khổ là đau khổ, giống như tình yêu là tình yêu, nơi kẻ giàu cũng như kẻ nghèo. Sự phát triển trọn vẹn của mỗi cá nhân tạo ra một xã hội bình đẳng. Cuộc đấu tranh xã hội hiện tại nhằm tạo nên một sự bình đẳng về kinh tế hay tinh thần ở một bình diện nào đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Các cuộc cải cách xã hội lấy bình đẳng làm mục đích, sinh ra thêm nhiều hình thức hoạt động phản xã hội mới khác; nhưng với một nền giáo dục chân chính thì không cần phải tìm kiếm sự bình đẳng bằng các cuộc cải cách xã hội hay nhiều hình thức cải cách khác, bởi vì lòng ghen tỵ do so sánh các khả năng đã chấm dứt. Ở đây ta phải phân biệt giữa chức trách và địa vị. Cùng với tất cả uy phong về cảm xúc và cấp bậc, địa vị xã hội chỉ nảy sinh khi ta so sánh chức trách này cao hay thấp hơn chức trách khác. Khi mỗi cá nhân phát triển khả năng của mình đến chỗ đầy đủ, thì sẽ không cần có sự so sánh giữa các chức trách nữa, chỉ có sự biểu hiện của khả năng là một nhà giáo, một thủ tướng hay một người làm vườn, và do đó, địa vị sẽ sạch hết nọc độc của lòng ghen tỵ. Hiện nay, các khả năng về chức trách và kỹ thuật được đánh giá bằng những bằng cấp kèm theo tên tuổi, nhưng nếu ta thực sự quan tâm cuộc phát triển toàn diện của con người, thì thái độ tiếp cận vấn đề của ta sẽ hoàn toàn khác biệt.
CuộC đời phía trướC - 11 Người nào có khả năng cứ tùy ý thích kiếm lấy một tấm bằng mà thêm vào những chức trách kèm theo tên, hoặc có thể không, nhưng họ rất ý thức về các khả năng đích thực sâu xa trong họ. Các khả năng này sẽ không trùng khớp với bằng cấp, và biểu hiện của chúng không sinh ra lòng tự phụ vị ngã vốn thường đi đôi với các khả năng đơn thuần về kỹ thuật. Lòng tự phụ có tính so sánh, nên nó phản lại xã hội. So sánh có thể nhằm mục đích vị lợi, nhưng thầy cô không nên so sánh khả năng của các học trò, cũng không nên đánh giá hơn thua. Bởi vì trọng tâm chú ý của ta là cuộc phát triển toàn diện của cá nhân, nên ta nghĩ rằng, ngay từ đầu người học sinh không được phép chọn lựa ngành học của mình, vì sự chọn lựa này chắc chắn phải dựa vào ý muốn nhất thời và những thành kiến, hoặc dựa vào việc gì dễ làm nhất, hoặc có thể học sinh ấy chỉ chọn lựa nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thời của một nhu cầu cụ thể nào đó mà thôi. Nhưng nếu học sinh được giúp đỡ để tự mình khám phá và vun trồng những khả năng bẩm sinh nơi em ấy, thì em học sinh đó sẽ chọn lựa một cách tự nhiên, không phải những ngành học dễ dàng nhất, mà là những ngành học nào qua đó em có thể thể hiện các khả năng của mình đến mức toàn diện nhất và cao tột nhất. Nếu ngay từ đầu, học sinh được hướng dẫn để nhìn cuộc sống như một cái toàn thể, với tất cả những vấn đề về tâm lý, tri thức và cảm xúc, thì các em sẽ không còn khiếp sợ cuộc đời nữa. Trí thông minh là khả năng ứng phó với cuộc đời như một chỉnh thể. Việc xếp hạng và cho điểm học sinh không
12 - J. Krishnamurti đảm bảo có được trí thông minh. Trái lại, nó còn hạ thấp phẩm cách con người. Thái độ đánh giá bằng sự so sánh sẽ làm thui chột trí não – nó không có nghĩa là thầy cô không cần phải theo dõi, quan sát sự tiến bộ của từng người học trò và ghi chép lại những điều họ nhận xét. Về phía phụ huynh, lẽ đương nhiên vì lo lắng muốn biết sự tiến bộ của con cái, nên họ muốn được báo cáo, nhưng phiền phức là nếu phụ huynh không thấu hiểu những gì thầy cô đang cố gắng làm, thì bản báo cáo ấy sẽ biến thành công cụ cưỡng bách để đạt được những kết quả mà họ mong muốn và phá hủy công trình của nhà giáo dục. Phụ huynh cần phải thấu hiểu ý nghĩa của đường lối mà nhà trường hoạch định cho giáo dục. Thường họ thỏa mãn khi thấy con em họ được huấn luyện tốt để kiếm được tấm bằng nhằm đảm bảo phương kế sinh nhai. Chẳng có mấy phụ huynh quan tâm đến những vấn đề giáo dục sâu xa hơn. Tất nhiên, họ muốn thấy con em mình được hạnh phúc, nhưng ngoài cái ước muốn mơ hồ này, rất ít phụ huynh quan tâm đến sự phát triển toàn diện con người của các em. Bởi vì trên hết, phần đông phụ huynh muốn con em họ thành công trong nghề nghiệp, nên họ thường đe dọa con hoặc trìu mến thúc bách chúng thu thập kiến thức, và rồi sách vở trở thành trọng yếu; cùng với đó là việc rèn luyện trí nhớ đơn thuần, tất cả các công việc chỉ có lặp đi lặp lại, chẳng chứa đựng chút phẩm tính tư duy đích thực nào đằng sau đó. Có lẽ điều khó khăn lớn lao nhất mà nhà giáo dục phải giáp mặt là thái độ thờ ơ của phụ huynh học sinh đối với
CuộC đời phía trướC - 13 công cuộc giáo dục rộng hơn và sâu hơn. Hầu hết phụ huynh chỉ quan tâm đến việc cho con em họ nhồi nhét vài mớ kiến thức thiển cận, đủ bảo đảm chúng có một địa vị xứng đáng trong một xã hội hư hoại. Do đó, nhà giáo dục không chỉ phải dạy trẻ đúng đường lối, mà còn phải biết giữ gìn sao cho công trình xây dựng tốt đẹp của nhà trường không bị hủy phá bởi phụ huynh. Thực ra, nhà trường và gia đình phải là những trung tâm giáo dục liên kết và tuyệt đối không đối đầu nhau, phụ huynh mong muốn một đàng, còn nhà giáo dục hướng về một nẻo. Điều hết sức quan trọng là phụ huynh phải được thông báo đầy đủ về công việc nhà giáo dục đang làm và phải thực sự quan tâm đến sự phát triển toàn diện của con em họ. Chăm nom sao cho công cuộc giáo dục xoay đúng hướng chính là trách nhiệm của phụ huynh, cũng như của các nhà giáo dục, vốn đã lãnh nhận một gánh nặng đủ lớn. Sự phát triển toàn diện đó chỉ có thể phát sinh khi mối quan hệ giữa thầy, trò và phụ huynh hòa hợp tốt đẹp. Bởi vì nhà giáo dục không thể chịu theo những sở thích nhất thời hay những đòi hỏi bướng bỉnh của phụ huynh, cho nên phụ huynh cần phải hiểu nhà giáo dục mới hợp tác với các thầy cô được, bằng không, họ sẽ gây xáo trộn và xung đột trong trí não con cái của họ. Tính tò mò tự nhiên của trẻ, sự ham học hỏi nơi trẻ vốn có sẵn ngay từ đầu, và phải được động viên, khuyến khích một cách thông minh liên tục, sao cho nó luôn sống động và không bị bóp méo, rồi sẽ dần dần khiến trẻ ham thích học nhiều môn khác nhau. Nếu sự hăng say học hỏi nơi trẻ luôn luôn được khuyến khích, lúc đó việc học toán, địa,
14 - J. Krishnamurti sử, khoa học hay bất kỳ môn học nào khác cũng không có gì khó đối với trẻ, cũng như đối với thầy cô. Việc học càng dễ dàng hơn khi có một bầu không khí hạnh phúc và quan tâm một cách thấu đáo. Sự rộng mở về mặt cảm xúc và tính nhạy cảm của trẻ chỉ có thể được nuôi dưỡng khi trẻ cảm thấy an toàn trong quan hệ với người thầy của mình. Cảm giác an toàn trong mối quan hệ này là nhu cầu căn cơ của trẻ. Có sự khác biệt khôn cùng giữa cảm giác an toàn và cảm giác lệ thuộc. Một cách hữu ý hay vô tình, phần đông các nhà giáo dục đều tạo ra cái cảm giác lệ thuộc ấy, và do đó đã khéo léo khuyến khích sự sợ hãi, giống như phụ huynh đã làm trong thái độ cư xử trìu mến hoặc hăm he đối với trẻ. Tình trạng lệ thuộc này của trẻ là kết quả của những chủ trương đem quyền uy hay sự độc đoán thống trị của phụ huynh và thầy cô, buộc trẻ phải là gì và làm gì. Kèm theo tình trạng lệ thuộc luôn luôn có bóng đen của sợ hãi. Chính sợ hãi buộc trẻ phải vâng lời, tuân thủ, chấp nhận không suy nghĩ những mệnh lệnh và sự trừng phạt của người trên. Trong bầu không khí lệ thuộc đó, tính nhạy cảm bị chà đạp; nhưng khi đứa trẻ nhận biết và cảm thấy mình được an toàn, cảm xúc của nó sẽ nảy nở mà không bị sự sợ hãi ngăn trở. Cảm giác an toàn này trong trẻ không phải là cái đối nghịch với nỗi bất an. Đó là một cảm giác thoải mái, dễ chịu, dù ở nhà hay ở trường, cảm nhận rằng mình đích thực là mình, không bị gò bó, ép buộc bằng bất cứ cách nào; rằng trẻ có thể trèo cây mà không bị rầy la. Trẻ chỉ có thể cảm thấy an toàn như thế khi phụ huynh và thầy cô quan tâm một cách sâu xa đến sự an vui toàn diện của trẻ.
CuộC đời phía trướC - 15 Trong một trường học, điều quan trọng là trẻ phải cảm thấy thoải mái và hoàn toàn an toàn ngay từ ngày đầu. Ấn tượng đầu tiên này là tối quan trọng. Nhưng nếu nhà giáo dục cố gắng một cách giả tạo, dùng các phương tiện khác nhau để có được sự tin cậy của trẻ, bằng cách cho trẻ tha hồ làm những gì chúng thích thì thực ra họ đang dung dưỡng sự lệ thuộc, chứ không cho trẻ cái cảm giác an toàn, cảm giác rằng trẻ đang ở một nơi có nhiều người quan tâm sâu xa đến sự an vui toàn diện của mình. Chính tác động đầu tiên của mối quan hệ mới lạ dựa trên sự tin cậy mà trước đó trẻ có thể chưa bao giờ nhận được này sẽ giúp dẫn đến một mối tương giao tự nhiên giữa trẻ với người lớn, họ sẽ không là một mối đe dọa làm trẻ sợ. Khi cảm thấy an toàn, tự nhiên trẻ có cách riêng biểu lộ lòng kính trọng của mình, vốn là nhân tố cốt yếu cho việc học. Lòng kính trọng này tuyệt đối không phải do uy lực và sợ hãi mà có. Khi trẻ cảm thấy an toàn, người lớn không cần bắt trẻ cư xử hay hành động thế nào nữa, mà nó trở thành một phần trong toàn bộ tiến trình học hỏi. Bởi vì trẻ cảm thấy an toàn trong mối quan hệ với thầy cô, nên trẻ sẽ tự nhiên kính trọng họ. Chỉ trong bầu không khí an toàn ấy, sự rộng mở về mặt cảm xúc và tính nhạy cảm mới có thể nảy nở. Vì cảm thấy thoải mái, an toàn, trẻ sẽ làm điều gì chúng thích, nhưng trong khi làm điều mình thích, trẻ sẽ khám phá ra điều gì là đúng để làm, và lúc đó cách cư xử của trẻ sẽ không phải do thái độ đối kháng hay cố chấp, hay do cảm xúc bị dồn nén, hay chỉ là biểu hiện của ham muốn nhất thời.
16 - J. Krishnamurti Tính nhạy cảm là nhạy bén với mọi vật quanh ta – cây cỏ, thú vật, trời đất, sông nước, chim muông đang tung cánh cũng như tính khí của những người sống quanh ta và cả những người lạ vừa thoáng qua. Tính nhạy cảm này sinh ra một thái độ cư xử không tính toán, không ích kỷ, đấy mới đích thực là đạo đức. Vì nhạy cảm nên thái độ cư xử của trẻ sẽ rộng mở chứ không giữ kẽ, do đó mọi đề nghị của thầy cô sẽ được trẻ chấp nhận một cách dễ dàng, không chống đối và xung đột. Bởi vì mối quan tâm lớn lao của ta là cuộc phát triển toàn diện con người, nên ta phải thấu hiểu những thôi thúc về mặt cảm xúc nơi con người vốn mãnh liệt, dữ dội hơn những lý luận về mặt lý trí, ta phải nuôi dưỡng năng lực cảm xúc chứ không có ý đồ dồn ép nó. Một khi ta thấu hiểu và nhờ đó có thể giải quyết các vấn đề về mặt cảm xúc cũng như lý trí, thì ta sẽ chẳng còn sợ hãi khi tiếp cận với chúng. Nhằm vào cuộc phát triển toàn diện con người, sự cô đơn ở nội tâm, được dùng như phương tiện để nuôi dưỡng tính nhạy cảm, trở nên vô cùng cần thiết. Ta phải biết sống cô đơn là sao, hành thiền là gì, thế nào là chết đi; những ý nghĩa của sự cô đơn, của thiền và cái chết chỉ có thể được thấu hiểu bằng chính hành động khám phá chúng. Các ý nghĩa ấy không thể đem ra dạy được. Chúng phải được học. Người ta có thể chỉ ra, nhưng học thông qua những gì được chỉ ra không phải là động thái trải nghiệm trực tiếp sự cô đơn hay thiền. Để trải nghiệm cô đơn và thiền, ta phải có một tâm thái truy vấn, chỉ có một trí não nằm trong tâm thái đó mới có thể học hỏi. Nhưng khi sự truy vấn bị triệt tiêu bởi kiến thức có trước hoặc bởi quyền uy và kinh nghiệm của
CuộC đời phía trướC - 17 người khác, thì bấy giờ, việc học trở thành sự bắt chước đơn thuần, và sự bắt chước sẽ khiến con người lặp lại những gì được học mà không trải nghiệm trực tiếp nó. Dạy học không phải đơn thuần là truyền đạt thông tin, mà còn phải trau dồi cho một trí não có khả năng truy vấn. Một trí não như vậy mới có thể thâm nhập vào vấn đề tôn giáo, chứ không phải chỉ chấp nhận những tôn giáo đã được thiết lập với các đền miếu và nghi thức thờ cúng. Việc tìm kiếm Thượng đế, hay sự thật, hay bất cứ tên gọi nào bạn thích, chứ không đơn thuần chấp nhận những tín điều và giáo điều, mới là tôn giáo đích thực. Giống như hằng ngày phải đánh răng, tắm rửa, học những điều mới, người học cũng phải có hành động ngồi lại tĩnh lặng với những người khác hay một mình. Sự cô đơn này không thể sinh ra do được chỉ dạy, hoặc bị thúc ép từ uy lực truyền thống bên ngoài hay bị điều khiển bởi ảnh hưởng của những người muốn ngồi tĩnh lặng nhưng không thể làm được. Sự cô đơn giúp trí não tự nhìn nhận chính mình một cách sáng suốt như soi gương và tự giải thoát nó khỏi mọi nỗ lực vô ích của tham vọng, với tất cả những phiền phức, sợ hãi và thất vọng vốn là hậu quả của hoạt động lấy cái tôi làm trung tâm. Tâm thái cô đơn ban cho trí não một sự cân bằng, một sự bất biến không chịu ảnh hưởng của thời gian. Sự sáng suốt vượt thời gian đó của trí não cũng chính là tính cách của nó. Thiếu tính cách này là rơi vào trạng thái tự mâu thuẫn. Nhạy cảm là thương yêu. Từ “yêu” không phải là yêu. Và tình yêu không bị chia đôi thành yêu Thượng đế và yêu
18 - J. Krishnamurti con người, cũng không đo lường được như yêu một người và yêu nhiều người. Tình yêu tự dâng hiến một cách vô cùng phong phú như hoa kia tỏa ngát hương thơm, nhưng ta luôn luôn đo lường tình yêu trong các mối quan hệ và vì thế mà hủy diệt tình yêu. Tình yêu không phải là một món hàng dành cho các nhà cải cách hay hoạt động xã hội; cũng không phải là một công cụ chính trị dùng để tạo ra hành động. Khi chính khách và nhà cải cách xã hội nói đến tình yêu là họ đang dùng từ “tình yêu” chứ đâu có tiếp xúc với tình yêu thực. Bởi vì không thể sử dụng tình yêu như phương tiện để đạt một mục đích, dù là ngay bây giờ hay trong một tương lai xa xôi nào đó. Tình yêu là với toàn bộ trái đất chứ không phải với riêng một cánh đồng hay cụm rừng đặc biệt nào. Không có bất kỳ tôn giáo nào chấp nhận được tình yêu đối với thực tại, và khi các tôn giáo có tổ chức sử dụng nó, thì nó không còn là tình yêu nữa. Các xã hội, các tôn giáo có tổ chức và những nhà cầm quyền, cần mẫn trong những lĩnh vực hoạt động khác nhau của mình, không biết rằng họ đang hủy diệt tình yêu vốn là niềm đam mê trong hành động. Trong công cuộc phát triển toàn diện con người thông qua một nền giáo dục chân chính, phẩm chất của tình yêu này phải được nuôi dưỡng và duy trì ngay từ đầu. Tình yêu không phải là tính đa cảm, cũng không phải là sự tận tụy. Tình yêu cũng mạnh như cái chết. Không thể mua tình yêu bằng kiến thức; một trí não săn đuổi kiến thức mà không tình yêu là một trí não cư xử tàn nhẫn, và chỉ nhằm mục
CuộC đời phía trướC - 19 Vậy ngay từ đầu, nhà giáo dục phải quan tâm đến phẩm chất này của tình yêu, tức là khiêm nhường, hòa ái, tôn trọng, nhẫn nại và lễ độ. Đức tính khiêm nhường và sự lễ độ nhã nhặn vốn có nơi người nào được hấp thu một nền giáo dục chân chính, người ấy sẽ tôn trọng tất cả, bao gồm động vật và cây cỏ, và điều này phản ánh trong cung cách cư xử, nói năng. Chính động thái chú trọng vào phẩm chất của tình yêu này giải phóng trí não khỏi sự cuốn hút của tham vọng, ham muốn cùng thói quen hám lợi. Phải chăng trong tình yêu có một sự tinh tế tự biểu hiện thành thái độ tôn trọng và khiếu thẩm mỹ? Phải chăng tình yêu cũng tạo ra một cuộc thanh tẩy trí não, nếu không, trí não có xu hướng tự tăng cường tính ngạo mạn của mình. Nét tinh tế trong cung cách cư xử không phải do tự ta áp đặt để thích nghi, cũng không phải là kết quả của đòi hỏi từ ngoại cảnh, nét tinh tế ấy xuất hiện một cách tự phát cùng với phẩm tính tình yêu này. Một khi tình yêu đã được thấu hiểu thì tình dục và mọi rắc rối và những tế vi của mối quan hệ con người có thể được tiếp cận với sự sáng suốt chứ không phải với sự kích thích và e sợ. Nhà giáo dục nào coi sự phát triển toàn diện của con người là điều quan trọng căn cơ thì tất phải thấu hiểu những chỗ phức tạp của sự ham muốn tình dục, vốn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, và ngay từ đầu phải đủ sức đối mặt với tính tò mò tự nhiên của trẻ mà không đánh thức mối quan tâm không lành mạnh. Chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức sinh học có thể dẫn đến sự
20 - J. Krishnamurti thử nghiệm về tình dục nếu phẩm chất của tình yêu không được cảm nhận. Tình yêu thanh tẩy mọi tội lỗi khỏi trí não. Không có tình yêu và trí tuệ từ phía nhà giáo dục, thì việc phân cách học sinh nam và học sinh nữ bằng dây kẽm gai hay mệnh lệnh cũng chỉ làm tăng thêm trí tò mò của chúng và kích thích sự đam mê thỏa mãn tình dục dẫn đến suy đồi bại hoại. Do đó, điều quan trọng là học sinh nam và học sinh nữ phải được giáo dục đúng hướng trong một lớp học hỗn hợp. Phẩm chất của tình yêu này cũng phải tự biểu hiện trong những việc làm tay chân, như làm vườn, làm mộc, hội họa, thủ công, và thông qua các giác quan, thấy cây cối, núi non, sự giàu có của trái đất, sự nghèo khó mà con người đã tạo ra giữa chính họ, và nghe nhạc, tiếng ríu rít chim muông, tiếng róc rách nước chảy. Ta quan tâm không chỉ việc trau dồi trí não và đánh thức sự nhạy bén của cảm xúc, mà cả sự phát triển tốt đẹp của thể chất nữa, và về mặt này ta phải suy nghĩ cẩn thận. Bởi vì nếu thân thể không khỏe mạnh và dồi dào sinh lực, chắc chắn nó sẽ làm tư duy bị méo mó và khiến con người thành vô cảm. Điều này khá hiển nhiên, ta không cần đi sâu vào chi tiết. Thân thể cần phải có sức khỏe tuyệt vời, ăn uống thích hợp và ngủ nghỉ đầy đủ. Nếu các giác quan không nhạy bén, thân thể sẽ gây trở ngại cho công cuộc phát triển toàn diện con người. Để có thể cử động thanh thoát và kiểm soát thật tốt cơ bắp, cần phải có nhiều hình thức luyện tập khác nhau như khiêu vũ và các trò chơi. Một thân thể không được giữ gìn sạch sẽ, bị luộm thuộm và không giữ được tư thế đàng hoàng, sẽ không dẫn đến một
CuộC đời phía trướC - 21 trí não và cảm xúc nhạy bén được. Thân xác không phải là công cụ của trí não, mà thân xác, cảm xúc và trí não hợp lại mới thành một con người toàn diện, nếu chúng không Xung đột tạo ra sự vô cảm. Trí não có thể chế ngự thân xác và đàn áp giác quan, nhưng vì thế mà nó biến thân xác thành vô cảm; và một thân xác vô cảm sẽ trở thành chướng ngại cho sự bay bổng ngút ngàn của trí não. Việc hành hạ xác thân dứt khoát không đưa đến hành động khám phá những tầng lớp sâu hơn của ý thức; bởi vì công cuộc khám phá này chỉ có thể thực hiện được khi trí não, cảm xúc và thân xác không mâu thuẫn với nhau, mà hợp nhất và hài hòa không khiên cưỡng, không bị điều khiển bởi bất kỳ khái niệm, niềm tin hay lý tưởng nào cả. Trong khi trau dồi trí não, chỗ nhấn quan trọng của ta không phải dựa trên sự tập trung mà dựa trên sự chú tâm. Tập trung là một tiến trình ép buộc trí não thu hẹp về một điểm, trong khi chú tâm lại là không còn biên giới. Trong tiến trình đó, trí não luôn luôn bị hạn chế bởi biên giới hay sự ràng buộc, nhưng khi mối quan tâm của ta là thấu hiểu toàn bộ trí não thì sự tập trung đơn thuần sẽ trở thành một chướng ngại. Chú tâm là không giới hạn, không còn biên giới của kiến thức. Kiến thức xuất hiện bằng con đường tập trung, và bất kỳ sự mở rộng kiến thức nào cũng vẫn còn nằm trong vòng biên giới của chính nó. Trong trạng thái chú tâm, trí não có thể và phải sử dụng kiến thức, một nhu cầu là kết quả của việc tập trung, nhưng bộ phận thì không bao giờ là cái toàn thể. Cộng chung nhiều bộ phận lại cũng không tri giác được cái toàn thể. Bởi vì kiến thức là một
22 - J. Krishnamurti tiến trình tập trung có tính tích lũy, nên không bao giờ thấu hiểu cái vô lượng được. Cái toàn thể không bao giờ nằm trong biên giới của một trí não tập trung. Vậy, chú tâm là điều quan trọng căn bản, nhưng không thể chú tâm bằng cách nỗ lực tập trung tư tưởng. Chú tâm là trạng thái trí não không ngừng học hỏi mà không có một trung tâm để kiến thức được thu thập xung quanh dưới dạng kinh nghiệm được tích lũy. Một trí não tập trung vào chính nó sẽ luôn sử dụng kiến thức như phương tiện để tự bành trướng; và hoạt động loại này trở thành tự mâu thuẫn và phản xã hội. Học, theo nghĩa đích thực của từ này, chỉ có thể diễn ra trong trạng thái chú tâm đó mà không có sự ép buộc nào từ nội tâm hay ngoại cảnh. Tư duy chỉ sáng suốt khi trí não không còn bị nô lệ bởi truyền thống và ký ức. Chính động thái chú tâm cho phép sự tịch lặng đến với trí não, tức mở cửa để sáng tạo. Vì lẽ đó, chú tâm là điều quan trọng tối thượng. Kiến thức cần thiết ở cấp độ chức năng như phương tiện để trau dồi trí não, nhưng tự thân kiến thức không phải là cứu cánh. Chỗ ta quan tâm không phải là sự phát triển chỉ một khả năng nào đó của nhà toán học hay nhà khoa học hay nhà soạn nhạc, mà là sự phát triển toàn diện của học sinh với tư cách một con người. Cái trạng thái chú tâm đó phát sinh cách nào? Ta không thể rèn luyện sự chú tâm bằng cách thuyết phục, so sánh, thưởng hay phạt, bởi vì mọi việc làm đó đều là hình thức cưỡng ép. Loại trừ nỗi sợ là khởi đầu cho sự chú tâm.
CuộC đời phía trướC - 23 Khi nào ta còn muốn là hay trở thành cái gì đó thì sợ hãi còn tồn tại, tức là săn đuổi sự thành đạt cùng với mọi nỗi thất vọng và hành hạ đớn đau do mâu thuẫn. Bạn có thể dạy cách tập trung tư tưởng, nhưng chú tâm thì không thể dạy được, hệt như bạn không thể dạy cách nào để thoát khỏi sợ hãi, nhưng có thể khởi sự khám phá những nguyên nhân nào khiến sinh sợ hãi, và muốn thấu hiểu các nguyên nhân ấy thì cần phải loại bỏ sự sợ hãi. Vì vậy, chú tâm khởi lên một cách tự phát khi bao quanh người học trò là một bầu không khí hạnh phúc, khi trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái và nhận thức được hành động bất vụ lợi đến đồng thời cùng tình yêu. Tình yêu không so sánh, và do đó, lòng ghen tỵ và sự tra tấn của ý muốn “trở thành” liền ngưng dứt. Nỗi bất mãn thông thường mà mọi người chúng ta, dù già hay trẻ, đều trải nghiệm, sẽ nhanh chóng tìm ra cách để thỏa mãn và bởi thế, trí não ta cũng nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Tâm trạng bất mãn bị đau khổ đánh thức hết lần này đến lần khác, nhưng rồi trí não cũng lại tìm ra giải pháp để thỏa mãn. Trong guồng máy gồm những bánh răng bất mãn và thỏa mãn, trí não bị kẹt cứng và việc ta thường xuyên được đánh thức bởi đau khổ là một phần nỗi bất mãn của ta. Bất mãn là con đường dẫn đến truy vấn, nhưng không thể truy vấn nếu trí não bị cột buộc vào truyền thống, vào lý tưởng. Truy vấn là ngọn lửa của sự chú tâm. Khi nói bất mãn, ý tôi là trạng thái mà trong đó trí não thấu hiểu “cái đang là”, cái thực tế và không ngừng truy vấn để khám phá sâu hơn, xa hơn, rộng hơn. Bất mãn là một động thái vượt qua những giới hạn của “cái đang là”; và nếu bạn tìm phương cách và phương tiện để triệt tiêu hay
24 - J. Krishnamurti khắc phục nỗi bất mãn, thì bạn sẽ phải chấp nhận mọi giới hạn của hoạt động lấy cái tôi làm trung tâm và của xã hội mà trong đó bạn tìm thấy chính mình. Bất mãn là ngọn lửa thiêu hủy mọi rác rưởi nhớp nhơ của lòng thỏa mãn, nhưng phần đông chúng ta lại tìm mọi cách làm tiêu tan ngọn lửa ấy đi. Và rồi nỗi bất mãn trong ta trở thành một cuộc săn đuổi “cái nhiều hơn”, muốn một ngôi nhà to hơn, một xe hơi đời mới hơn, tất cả đó đều nằm trong phạm vi của lòng ghen tỵ, và chính lòng ghen tỵ duy trì sự bất mãn. Nhưng ở đây, tôi đang đề cập một sự bất mãn mà trong đó không có sự ghen tỵ, không tham muốn “cái nhiều hơn”, một sự bất mãn không được duy trì bởi bất kỳ ý muốn thỏa mãn nào. Sự bất mãn này vốn là một trạng thái vô nhiễm tồn tại trong mỗi người chúng ta, nếu nó không bị làm cho u mê bởi giáo dục sai lầm, bởi những cách giải quyết khiến ta hài lòng, bởi tham vọng hoặc bởi việc theo đuổi một lý tưởng. Khi thấu hiểu bản chất của sự bất mãn đích thực, ta sẽ thấy rằng chú tâm là một phần của ngọn lửa đang bùng cháy thiêu rụi những vụn vặt nhỏ nhen và giải phóng trí não khỏi mọi giới hạn của những mưu cầu do cái “tôi” khép kín tạo ra và sự thỏa mãn. Thế nên, sự chú tâm chỉ phát sinh khi công cuộc tra xét khám phá không dựa trên sự tiến bộ của cái “tôi”, tức dựa trên sự thỏa mãn. Sự chú tâm này phải được trau dồi, nuôi dưỡng ngay từ đầu trong đứa trẻ. Bạn sẽ thấy rằng khi có tình yêu trong lòng – tự biểu lộ bằng thái độ sống khiêm nhường, cư xử hòa nhã, nhẫn nại, tử tế – thì bạn đã thoát khỏi mọi chướng ngại dựng lên bởi lối sống vô cảm; và nhờ
CuộC đời phía trướC - 25 đó bạn sẽ giúp tạo ra trong trẻ cái trạng thái chú tâm này ngay từ tuổi ấu thơ. Sự chú tâm là thứ không thể học hay dạy được, nhưng bạn có thể giúp đánh thức sự chú tâm nơi học trò bằng cách đừng tạo ra quanh trẻ một bầu không khí mang tính cưỡng bách khiến phát sinh một cuộc sống tự mâu thuẫn. Bấy giờ, trẻ có thể quy tụ sự chú tâm bất cứ lúc nào, vào bất cứ chủ đề nào, và đó sẽ không phải là một sự tập trung hạn hẹp, sinh ra do ham muốn thúc bách nhằm thu thập và đạt được điều gì đó. Một thế hệ được giáo hóa theo cung cách ấy sẽ thoát khỏi ý nghĩ thu thập và sợ hãi, thoát khỏi cái quan niệm thừa hưởng những di sản tâm lý của ông cha và của xã hội mà trong đó họ được sinh ra; và nhờ được giáo dục theo cách ấy nên họ sẽ không còn lệ thuộc vào việc thừa kế của cải vật chất. Quan niệm thừa kế như vậy đã tiêu hủy tính tự lập thực sự và hạn chế trí thông minh, vì nó khiến phát sinh cảm giác sai lầm về an toàn, tạo ra một sự tự đảm bảo vô căn cứ và gây nên trong trí não một nỗi tăm tối, khiến không gì mới mẻ có thể nảy nở tốt tươi ở đó. Nhưng một thế hệ được giáo dục theo cung cách hoàn toàn khác biệt như ta vừa xem xét thì sẽ tạo nên một xã hội mới, bởi vì họ sẽ có cái khả năng phát sinh từ trí thông minh đó nên không bị cản trở bởi sợ hãi. Vì giáo dục là trách nhiệm của cả phụ huynh lẫn nhà giáo, nên ta phải học nghệ thuật cộng tác và điều này chỉ có thể thực hiện được khi mỗi người chúng ta đều tri giác được điều gì là đúng. Chính tri giác về sự thật đem chúng ta lại gần
26 - J. Krishnamurti với nhau chứ không phải ý kiến, niềm tin hay lý thuyết. Có sự khác biệt lớn lao giữa cái được quan niệm và thực tế. Cái được quan niệm có thể đem chúng ta lại gần với nhau một cách tạm thời, nhưng rồi sẽ lại phân ly nếu sự cộng tác của chúng ta chỉ dựa trên lòng tin. Nếu mỗi người chúng ta đều thấy sự thật, thì có thể sẽ có sự bất đồng về chi tiết, nhưng dứt khoát sẽ không có động cơ nào đi đến phân ly chia rẽ. Chỉ có kẻ ngốc mới gây chia rẽ vì một tiểu tiết nào đó. Khi mọi người đều thấy sự thật thì tiểu tiết không bao giờ có thể trở thành vấn đề gây chia rẽ. Phần đông chúng ta thường cộng tác với nhau theo mệnh lệnh của một uy lực đã được thiết lập sẵn. Ta tập hợp nhau để nghiên cứu một khái niệm hoặc tiến tới một lý tưởng, và điều này đòi hỏi lòng tin, sự thuyết phục, tuyên truyền, vân vân. Sự hợp tác vì một quan niệm, một lý tưởng như thế vốn khác biệt hoàn toàn với sự cộng tác xuất phát từ chỗ mọi người đều thấy sự thật và sự cần thiết biến sự thật đó thành hành động. Cộng tác dưới sự kích động của uy quyền – dù là uy quyền của một lý tưởng hay uy quyền của người đại diện cho lý tưởng đó – đều không phải là sự cộng tác chân thực. Một quyền uy đầu não tự nhận mình biết hết mọi sự, hoặc có một nhân cách mạnh mẽ và bị ám ảnh bởi một số ý tưởng nào đó, có thể sẽ ép buộc hoặc tế nhị thuyết phục những người khác cộng tác với ông ta cho cái gọi là lý tưởng; nhưng chắc chắn đấy không phải là sự cộng tác của những cá nhân tỉnh thức và đầy sinh lực. Trái lại, khi mỗi người chúng ta đều tự mình thấu hiểu sự thật của bất kỳ vấn đề nào, thì việc đồng thấu hiểu sự thật đó của ta sẽ dẫn đến hành động, và hành động như thế là cộng tác. Người nào
CuộC đời phía trướC - 27 cộng tác vì thấy được cái đúng là đúng, cái sai là sai, và thấy cái đúng trong cái sai, thì cũng sẽ biết khi nào không nên cộng tác – vốn cũng quan trọng không kém. Nếu mỗi người chúng ta đều hiểu ra sự cần thiết phải có một cuộc cách mạng triệt để, tận nền tảng trong giáo dục và tri giác sự thật của những điều ta đang cân nhắc, thì ta sẽ cộng tác mà không cần bất kỳ hình thức thuyết phục nào cả. Sự thuyết phục chỉ có chỗ dùng khi ai đó có địa vị và bám vào địa vị đó. Khi tin tưởng quyết liệt vào một ý tưởng hoặc cố thủ trong một thành kiến, họ sẽ tạo ra sự đối kháng và lúc đó, chính họ hay người khác phải được thuyết phục, tác động hoặc khuyến dụ suy nghĩ theo cách khác. Tình trạng đó không bao giờ xảy ra khi mỗi người chúng ta đều tự thấy được sự thật của vấn đề. Nhưng nếu ta không thấy sự thật và hành động trên cơ sở niềm tin môi miệng hay sự suy luận trí óc thuần túy, thì bắt buộc phải sinh ra tranh cãi, đồng ý hoặc phản đối, kéo theo mọi sự xuyên tạc và nỗ lực vô ích. Cùng nhau làm việc là điều thiết yếu, nó giống như xây một ngôi nhà vậy. Nếu một số ra công xây dựng còn số khác lại phá đổ thì hiển nhiên ngôi nhà sẽ không bao giờ được xây xong. Vì thế, với tư cách cá nhân, ta phải rất sáng suốt nhận ra rằng, ta thực sự thấy và hiểu được sự cần thiết phải tạo dựng một nền giáo dục đủ sức sản sinh một thế hệ mới có khả năng giải quyết các vấn đề của cuộc sống như một thể thống nhất, chứ không như những thành phần cô lập không liên quan với cái toàn thể. Để có thể cùng nhau làm việc trong tinh thần hợp tác thực sự, ta phải gặp nhau thường xuyên và luôn luôn
28 - J. Krishnamurti cảnh giác đừng để bị chìm đắm trong những tiểu tiết. Những ai trong chúng ta thực tâm muốn xây dựng một nền giáo dục chân chính như thế, có trách nhiệm chẳng những lãnh phần thực thi bằng hành động tất cả những gì ta đã hiểu, mà còn phải giúp đỡ người khác đạt đến chỗ thấu hiểu ấy nữa. Giáo dục là nghề nghiệp cao quý nhất – nếu ta có thể gọi đó là một nghề nghiệp. Giáo dục là một nghệ thuật đòi hỏi không chỉ khả năng về mặt tri thức, mà còn phải có lòng nhẫn nại và thương yêu vô hạn. Người thực sự có giáo dục sẽ thấu hiểu mối quan hệ của ta với muôn vật – với tiền bạc, của cải, với người, với thiên nhiên – trong cõi nhân sinh rộng lớn mênh mông của ta. Cái đẹp là một phần của động thái thấu hiểu này, nhưng đẹp không chỉ ở hình thức, sự cân đối, khiếu thẩm mỹ và cung cách cư xử. Đẹp là trạng thái mà trong đó trí não đã từ bỏ sào huyệt của cái tôi do đam mê tính đơn giản. Tính đơn giản không có chỗ cùng tận và nó chỉ có thể phát sinh khi có một lối sống chân phương, nhưng không phải sống khổ hạnh do một thứ giới luật đầy tính toán và tự phủ nhận. Sống chân phương là buông bỏ cái tôi, chỉ có tình yêu mới có thể mang lại điều đó. Khi không có tình yêu, ta tạo nên một nền văn minh mà trong đó ta cứ tìm kiếm mãi cái đẹp của hình thể nhưng không có sức sống bên trong, và đơn giản buông bỏ cái tôi, vậy thôi. Ta vẫn chưa buông bỏ cái tôi, nếu còn tự hiến, hy sinh quên mình trong những công tác thiện ích, trong những lý tưởng, niềm tin. Nhìn vẻ ngoài các việc làm đó có vẻ đã thoát khỏi cái tôi, nhưng kỳ thực, cái tôi vẫn còn hoạt động, nhưng dưới các danh nghĩa khác. Chỉ có một trí não hồn nhiên mới
CuộC đời phía trướC - 29 có thể truy vấn, khám phá cái chưa biết. Còn hồn nhiên có tính toán như có thể vận độc một cái khố hoặc đắp lên mình bộ áo nhà tu, đấy không phải là đam mê buông bỏ cái tôi, từ đó phát sinh thái độ sống hòa nhã, tử tế, khiêm nhường, nhẫn nại – vốn là biểu hiện của tình yêu. Phần đông chúng ta chỉ biết cái đẹp qua những gì đã được tạo tác hay kết hợp – vẻ đẹp của bề ngoài một người, hay của một ngôi đền. Ta nói một cội cây, hay một ngôi nhà hay một con sông với dòng chảy uốn khúc là đẹp. Và qua so sánh ta biết thế nào là xấu – chí ít ta nghĩ là mình biết. Nhưng cái đẹp có thể so sánh được không? Phải chăng cái đẹp là những gì đã được làm cho lộ rõ, biểu hiện ra bên ngoài? Ta nhận xét một bức tranh, một bài thơ hay một khuôn mặt cụ thể nào đó là đẹp, bởi vì ta đã biết thế nào là đẹp từ những điều được dạy, hay từ những gì đã quen thuộc và ta đã hình thành một ý nghĩ trong đầu. Phải chăng cái đẹp không còn nữa khi được đem ra so sánh? Phải chăng cái đẹp vốn thân thuộc với cái đã biết, hoặc phải chăng cái đẹp là một trạng thái sống, trong đó có thể có hoặc không có hình thể được tạo tác? Ta luôn săn đuổi cái đẹp và lẩn tránh cái xấu, và việc tìm kiếm cái tốt hơn bằng cách theo đuổi cái này và lẩn tránh cái kia hẳn nhiên sẽ sinh ra tính vô cảm. Để thấu hiểu hay cảm nhận cái gì đó đẹp, chắc chắn phải nhạy cảm trước cả cái gọi là đẹp và cái gọi là xấu. Mà cảm nhận thì không đẹp hay xấu, nó chỉ là cảm nhận thôi. Nhưng ta nhìn cảm nhận thông qua sự quy định về mặt tôn giáo và xã hội và gán cho nó một cái nhãn, ta nói đó là một cảm nhận tốt hay một cảm nhận xấu, và thế là ta bóp méo và phá hủy cảm nhận.
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==