Con Đường Chuyển Hóa

5 LỜI NÓI ĐẦU S au khi quyển sách Chia sẻ từ trái tim - 50 Bài giảng nhân quả thiết thực trong cuộc sống được xuất bản, chúng tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ của đại chúng khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Đó là sự động viên rất lớn để Ban biên tập First News tiếp tục thực hiện quyển thứ hai đáp lại mong mỏi của bạn đọc gần xa. Như thầy Thích Pháp Hòa đã chia sẻ, quyển sách đầu tiên có vai trò như một quyển “Phật Pháp căn bản” – một tấm bản đồ dễ hiểu để độc giả dù là Phật tử hay không phải là Phật tử đều có thể tóm tắt được những điều căn bản nhất của đạo Phật như giáo lý nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh… cho đến một số hướng dẫn thực hành cơ bản

6 THÍCH PHÁP HÒA mà ai cũng có thể làm như ăn chay, bố thí, phóng sinh… hoặc những cách ứng xử trong các mối quan hệ đời thường như cha mẹ - con cái, vợ - chồng, lãnh đạo - nhân viên... Trong quyển thứ hai này, Ban biên tập chúng tôi cũng đã tuyển chọn 50 bài giảng tinh túy trong hàng trăm bài video pháp thoại của thầy Thích Pháp Hòa. Nội dung các bài giảng chủ yếu về phương diện “Đạo đế”, tức con đường chân chánh giúp mọi người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, hướng tới mục đích cuối cùng là tự do và giải thoát. Trong đó, nội dung được chọn lọc chú trọng các pháp môn phổ biến tại Việt Nam đang được nhiều người thực hành mỗi ngày. Đại chúng khắp nơi vốn đã quen với hình ảnh thầy Thích Pháp Hòa gắn liền với truyền thống Tịnh Độ, và thực tế trong suốt 30 năm, thầy đã dành phần lớn thời gian của mình để chia sẻ khắp nơi về truyền thống này. Tuy nhiên, thầy không chỉ dừng ở đó mà còn hướng đến tinh thần “Thiền Tịnh song tu”. Từng được thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền đăng và có thời gian tu tập tại Làng Mai, thầy Thích Pháp Hòa đã nắm vững trái tim của thiền tập và có nhiều cách thức hướng dẫn thực hành chánh niệm cho đại chúng. Bên cạnh các phương pháp hành trì quen thuộc của Phật tử Tịnh Độ như niệm Phật, lạy sám hối…, thầy luôn giới thiệu thêm các phương pháp như đếm hơi thở, quan sát hơi thở, quan sát cảm giác, quan sát tâm hành, quan sát các pháp… để các hành giả rộng đường lựa chọn những “món ăn” phù hợp

7 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA cho con đường tâm linh của mình. Thầy dung hợp Thiền và Tịnh khéo léo khiến cho các pháp môn xưa nay tưởng như đối nghịch nhau, giờ lại có thể hòa hợp như nước với sữa vậy. Không chỉ dung thông về mặt thực hành, thầy còn kế thừa tinh thần “duy tâm Tịnh Độ” và “tự tánh Di Đà” khiến cho cõi Cực Lạc tưởng như xa xôi bỗng hiển hiện ngay trước mắt trong từng chiếc lá, tiếng chim, ánh nắng, cơn gió... Từ những cánh cửa pháp môn khác nhau, dần dần đại chúng sẽ gặp nhau ở điểm chung cuối cùng của sự thực tập, đó là “tu tâm”. Tâm là đề tài quan trọng nhất trong tất cả truyền thống của Phật giáo. Bằng những câu kệ ngắn gọn mà đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú và hình ảnh “chăn trâu” của Thiền tông, thầy đã giải thích tường tận các phương diện, bản chất của tâm. Nhờ sự hiểu biết sâu sắc này, các hành giả có thể ứng dụng các phương pháp thực tập của riêng mình nhằm điều phục, quan sát hoặc chuyển hóa tâm, để rồi cuối cùng đưa “vọng” trở về “chân”, có thể quay về với tự tánh trong sáng của mỗi người. Và cuối cùng, trí tuệ luôn là thành quả của bất kỳ ai kiên định dấn bước đi theo con đường tỉnh thức của đức Phật. Trí tuệ không thể do mong cầu mà có được ngay lập tức, mà nó chính là hoa trái ngọt ngào của những người luôn tinh tấn không ngừng nghỉ trên con đường hướng về nẻo chánh. Một người trí luôn nhìn đời với cặp mắt thương yêu và hiểu biết, luôn an nhiên và tự tại dù vẫn sống bình thường giữa bộn bề của cuộc đời.

8 THÍCH PHÁP HÒA

9 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA Hy vọng những bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa trong quyển Con đường chuyển hóa - 50 Bài giảng về con đường chân chánh giúp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau có thể cung cấp nhiều chất liệu quý giá để quý độc giả có thể tìm được cánh cửa phù hợp cho mình trên hành trình đi tìm một cuộc sống bình an và hạnh phúc. - Ban biên tập First News

10 THÍCH PHÁP HÒA 11 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA CON ĐƯỜNG CHÂN CHÁNH

12

13 CÁI NHÌN VƯỢT THOÁT H ôm nay, chúng ta học một bài kinh mới có tên là kinh Chánh Tri Kiến. Kinh này thuộc kinh số chín trong Trung Bộ kinh. Kinh này dài lắm, và cũng như thường lệ lâu nay, chúng ta không đọc kinh mà Pháp Hòa chỉ tóm lược những ý chính trong kinh rồi chúng ta cùng học hỏi. Kinh này không phải là lời của Phật, mà của một vị đệ tử lớn của Phật là ngài đại trí Xá Lợi Phất. Lúc bấy giờ, đức Phật đang ở nước Xá Vệ, tại vườn ông Cấp Cô Độc. Một hôm, ngài Xá Lợi Phất gọi các thầy lại và hỏi: “Chư hiền, chánh tri kiến, chánh tri kiến được gọi là như vậy. Chư hiền, cho đến như thế nào một thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này?”. “Chúng tôi từ xa đến để được hiểu ý nghĩa

14 THÍCH PHÁP HÒA lời nói ấy từ tôn giả Xá Lợi Phất. Thật lành thay, nếu tôn giả Xá Lợi Phất giảng cho ý nghĩa lời nói ấy. Sau khi nghe tôn giả Xá Lợi Phất, các tỳ kheo sẽ thọ trì.” Lúc đó, ngài Xá Lợi Phất mới nói: “Chư hiền, vậy hãy nghe, hãy khéo tác ý. Ta sẽ giảng”. Đó là lời mở đầu của kinh. Chánh tri kiến là gì? Chánh tri kiến là cái thấy biết đúng đắn, chân chính. Lúc đó, ngài Xá Lợi Phất mới nói thế này: “Chư hiền, khi thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện”. Câu này có nghĩa là người đệ tử của bậc thánh phải biết cái thiện, biết cái gốc của thiện, biết cái bất thiện và phải biết cái gốc của bất thiện thì người ấy mới có chánh tri kiến. Và ngài nói tiếp: “Chư hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư hiền, như vậy gọi là bất thiện”. Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm (là những lời nói hoa mỹ, dụ dỗ người khác), tham, sân và tà kiến. Đây là mười điều bất thiện, gọi là thập ác. Như vậy, về thân có ba điều cần tránh: sát sinh, trộm cắp, tà hạnh. Về miệng có bốn điều: nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thô ác và nói lời hoa mỹ. Về ý có ba điều: tham, sân, si. Thân, khẩu, ý, ba nghiệp này tạo ra mười điều bất thiện. Là đệ tử của các bậc thánh thì phải thấy rõ được mười điều bất thiện này. Bất thiện là việc ác, và mình phải biết cái gốc của bất thiện, nên ngài nói tiếp: “Và chư hiền, thế nào là căn bổn

15 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA bất thiện? Tham là căn bổn của bất thiện, sân là căn bổn của bất thiện, si là căn bổn của bất thiện”. Vậy ngược lại, thế nào là thiện? Ngài hỏi: “Chư hiền, như vậy gọi là căn bổn bất thiện. Và này chư hiền, thế nào là thiện?”. Là ngược lại thôi, không sát sinh, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói ác khẩu, không nói lời hoa mỹ, không tham, không sân, không si. Ngược lại với bất thiện là thiện. “Chư hiền, thế nào là căn bổn thiện?” Vậy cái gì là gốc của thiện? Gốc của bất thiện là tham, sân, si, vậy thì gốc của những điều thiện là không tham, không sân, không si, phải không? Mình nói cái gốc của những điều bất thiện là tham, sân, si, nhưng thật ra ba cái này chỉ từ một cái thôi, đó là si. Si là gì? Là không biết rõ, là vô minh. Mà chính vì vô minh, không thấy rõ nên mình mới tạo tác những việc bất thiện. Nhưng nếu mình đoạn trừ được những cái này thì tự nhiên mình cũng sẽ có minh. “Đoạn trừ được vô minh thì minh khởi lên.” Đó là lời nguyên văn trong kinh. Si là gì? Là thấy sai. Vì thấy sai nên mới làm sai, nói sai, phải không? Thân và khẩu đều từ ý mà ra. Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì cái gì là quan trọng? Ý là quan trọng. Trong tam độc tham, sân, si thì si là gốc. Si tạo ra những tư tưởng, suy nghĩ sai lầm nên mới có lời nói sai lầm và hành động sai lầm. Vì si nên miệng nói sai, nói quấy, nên thân hành động sai, hành động quấy. Cho nên người đệ tử Phật phải thấy rõ. Kinh này dài, nên muốn nói cho rõ thì chúng ta phải mất rất nhiều thì giờ. Ở đây mình chỉ học lướt sơ qua để mình nắm rõ ý kinh mà tu tập, quán chiếu. Trong kinh còn

16 THÍCH PHÁP HÒA có một khái niệm là tùy miên. Miên là ngủ. Ba cái tham, sân, si này tiềm ẩn bên trong tâm thức của mình. Tâm thức của mình giống như một tảng băng dày, và tham, sân, si ở sâu kín bên dưới nên gọi là tùy miên. Khi bị mười cái bất thiện sai sử, thì mình chính là cái “tôi”. Do đó, trong kinh dạy: “Đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên ‘Tôi là’, vị ấy đoạn trừ vô minh”. “Tôi là” ở đây chính là ngã. Hễ còn có ngã là còn khổ. Ví dụ, mình nói chùa này là chùa của mình, tức là mình còn thấy có “mình” ở trong đó, và “mình” ở đây là ngã. Vì có ngã nên luôn có cái đi theo gọi là ngã sở. Ngã sở là cái mình cho là của mình. Mình chấp những cái đi theo mình là của mình. Và chính vì cái chấp này nên mình mới khổ. Cho nên phải đoạn trừ kiến mạn tùy miên, tức là cái thấy sai lầm, mê lầm của mình, để có chánh tri kiến, tức là cái thấy đúng, đúng như tên bài kinh mình đang học, Chánh Tri Kiến. Thấy đúng có nghĩa là thấy rõ cái gì là thiện, cái gì là bất thiện, cái gì là gốc của thiện, cái gì là gốc của bất thiện. Khi ngài Xá Lợi Phất dạy đến đây, các vị sư đệ mới hỏi tiếp: “Hiền giả, có pháp môn nào khác, mà nhờ pháp môn này vị thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này?”. Ngài Xá Lợi Phất trả lời: “Chư hiền, có thể có”. Và ngài dạy pháp môn đó là: “Khi nào thánh đệ tử tuệ tri Khổ như vậy, tuệ tri Tập khởi của khổ như vậy, tuệ tri Đoạn diệt của khổ như vậy và tuệ tri Con đường đưa đến đoạn diệt của khổ như vậy…”. Khổ, nguyên nhân của khổ, thế nào là hết khổ, con đường để hết khổ. Bốn cái này chính là Tứ Diệu đế.

17 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA Và ngài giảng tiếp: “Chư hiền, thế nào là Khổ, thế nào là Tập khởi của khổ, thế nào là Ðoạn diệt của khổ, thế nào là Con đường đưa đến đoạn diệt của khổ? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ”. Sở dĩ chúng ta khổ là do đâu? Là do chúng ta không thấy được cái gốc của khổ. Thấy được gốc của khổ rồi thì còn khổ không? Không, nếu có khổ đi nữa thì cũng không nặng nề. Thưa quý vị, sinh có khổ không? Sinh khổ. Vì hễ có sinh là sẽ có già, có bệnh, có chết. Nếu không sinh thì làm gì có già, có bệnh, có chết, phải không? Hoặc ví dụ, bây giờ mình có thì mình vui, nhưng hễ vui khi có thì sẽ khổ khi mất. Có niềm vui khi tụ họp thì sẽ có nỗi buồn khi chia tay. Ở trên đời có cái gì là vô nguyên cớ không? Không. Cái gì cũng do cái này mới có, do cái kia mới có. Cho nên mình phải tuệ tri được cái sinh, tuệ tri được cái già, tuệ tri được cái bệnh, tuệ tri được cái chết. Sinh, già, bệnh, chết. Tuệ tri là gì? Là thấy biết rõ ràng. Phải thấy biết rõ ràng quy luật sinh, già, bệnh, chết thì mới hết khổ. Ví dụ, bây giờ Pháp Hòa hỏi quý vị: “Khổ do mình tạo, khổ do người khác tạo cho mình, khổ do mình và do người khác cùng tạo, khổ do Thượng đế tạo. Bốn cái này, quý vị nghĩ cái nào đúng?”. Không cái nào đúng. Tại sao? Còn nói mình khổ là còn có ngã, vì không có mình thì không có cái gì gọi là khổ. Vậy phải trả lời sao cho đúng? “Khổ do duyên” mới là câu trả lời đúng. Pháp Hòa lấy ví dụ, mình tự nhéo mình một cái và mình biết đau. Cũng là hành động nhéo, nhưng nhéo vào hư không thì có đau không? Tại sao đau? Vì có cái nhéo và có cái thân. Thân là nhân, và nhéo cũng là nhân. Hai nhân này duyên lại

18 THÍCH PHÁP HÒA nên mới có đau, mà đau là khổ. Cho nên khổ không phải do mình, không phải do người, không phải do cả hai, cũng không phải do Thượng đế, mà do duyên. Cho nên Lão Tử mới nói “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân. Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu”. Ta có khổ vì ta có cái thân, nếu không có thân thì khổ nương vào đâu mà có? Vì vậy khổ là do duyên. Ví dụ, nếu ai đó hỏi mình “Già, chết từ đâu ra?”, thì câu trả lời rất đơn giản: “Già, chết là do sinh mà ra”. Bởi vì nếu không có sinh thì làm sao có già, làm sao có chết? Có sinh thì phải có diệt. Có sinh thì phải có già, có chết. Cho nên có chết là do có sinh. Cho nên người Phật tử phải có chánh tri kiến, phải thấy đúng, phải biết được gốc của khổ và gốc của già, chết. Bây giờ mình thử trả lời câu hỏi: “Sinh do đâu mà có?”. Có sinh là có cái hiện hữu. Chẳng hạn như cái ly này, trước khi có mặt ở đây, nó phải đến từ chỗ nào đó của nó. Hoặc ví dụ, làm sao mình lại có mặt ở đây? Mình phải có ở cõi giới nào đó thì bây giờ mình mới có ở đây. Có gọi là hữu. Cái này mình phải quán, chứ không thể chỉ nghe mà hiểu được. Mình nghe “công thức” thôi, rồi hằng ngày phải đem công thức này ra mà tư duy, quán chiếu để từ đó có chánh tri kiến. Quý vị nhớ Phật tu bao nhiêu năm trong rừng mới thành đạo không? Sáu năm. Ròng rã sáu năm tìm đạo. Ngài ngồi dưới gốc cây bồ đề, suy tư suốt bốn mươi chín ngày đêm mới phát ra cái thấy này. Còn mình bây giờ, đâu thể nào chỉ ngồi từ tám giờ tới chín giờ rưỡi, chỉ một tiếng rưỡi đồng hồ, mà mình thấy ra được lẽ thật, phải không? Hơn nữa, Phật chỉ tặng cho mình một công thức an lạc

19 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA do Phật phát minh, còn mình có thực chứng được cái an lạc đó hay không thì tự mình phải quán chiếu. Cái này trong kinh Bát Nhã gọi là gì? Là “hành thâm Bát Nhã”, tức là thực hành một cách thâm sâu. “Quán Tự tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa.” Nếu hành thâm Bát Nhã được rồi thì “độ nhất thiết khổ ách”, tức là vượt được hết mọi khổ ách. Cái đó không phải là do ai ban cho mình, cũng không phải do nghe mà được, mà phải tự mình “hành thâm Bát Nhã”. Khi thấy được rồi thì mình là Bồ Tát Tự tại. Cái gì làm cho mình được tự tại? Tự quán chiếu và thấy sâu nên mình có tự tại. Quý vị thấy không, chỉ chiêm nghiệm về “quán tự tại” thôi là mình đã thấy ra rồi, thấy rất rõ ràng. Mình không thể nào tự tại được nếu mình không quán. Tại sao đức Phật Thích Ca khi còn làm thái tử bỏ cả vợ con, cung vàng điện ngọc mà ra đi cái một, dễ dàng như vậy? Vì ngài quán, và ngài thấy rõ đó là cái gốc của khổ. Mình bây giờ cũng thấy khổ vậy, nhưng mình thấy được bao nhiêu? Mình thấy chừng một phân thôi, còn lại chín phân, mình thấy vui, nên mình “chặt không đứt, bứt không rời”, phải không? “Vô chùa thấy Phật thì muốn tu. Về nhà thấy con, thấy vợ thì công phu lỡ làng.”1 Đó là vì mình chưa có chánh tri kiến nên chưa dứt được. Tại sao mình có thể dễ dàng mở miệng khuyên người khác, “Thôi anh ơi, chị ơi, đời là bể khổ, có sinh, có già, có bệnh”, mình khuyên người khác đủ thứ, nhưng tới lượt mình thì sao, mình cũng khổ sở “tơi bời hoa lá”, không khác gì họ? Bởi vì mình chỉ giỏi 1 Câu gốc (ca dao): “Vô chùa thấy Phật muốn tu. Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền”.

20 THÍCH PHÁP HÒA mang công thức tặng cho người, nhưng bản thân mình thì chưa một lần nào đem công thức đó ra “xào nấu”, thì làm sao mình nuốt được món đó? Cho nên mình không thể chỉ đọc kinh mà có được chánh tri kiến, mà phải quán, phải tu tập mới có được. Tiếp theo, ngài Xá Lợi Phất dạy rằng người có chánh tri kiến sẽ thấy được rằng sở dĩ có sinh là do có hữu. Hữu là gì? Hữu là nơi chốn, là cõi từ đó mà đến. Do có cõi giới nên có ngã, vì có ngã nên có thủ. Thủ là gì? Là bám chấp. Từ đâu có sự bám chấp đó? Từ ái. Ái là gì? Là thương yêu, dính mắc. Vì thương yêu, dính mắc nên chúng ta mới bám chặt nó, không buông. Ái từ đâu mà có? Ái từ thọ mà ra. Thọ là gì? Là cảm thọ, thọ nhận, tiếp nhận. Chúng ta có cảm thọ khổ, cảm thọ vui, và cảm thọ không khổ không vui. Từ đâu chúng ta có thọ? Thọ có từ xúc. Xúc là gì? Là tiếp xúc. Ví dụ, thời tiết đang lạnh, mình đang tiếp xúc với cái lạnh, và mình ao ước được tiếp xúc với cái ấm. Và khi đã được mặc áo ấm rồi, đã tiếp xúc với cái ấm rồi, chúng ta yêu thích cái ấm, và bám chặt sự ấm áp này, không buông. Nhưng từ đâu chúng ta có xúc? Từ sáu căn, hay còn gọi là lục nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Rồi lục nhập có từ đâu? Từ danh sắc. Trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức (ngũ uẩn) thì sắc là sắc thân, còn thọ, tưởng, hành, thức là danh. Tại sao? Vì thọ, tưởng, hành, thức không có hình tướng nên gọi là danh, tức chỉ là khái niệm thôi, còn sắc thì có hình tướng, là những gì chúng ta thấy được. Ví dụ thân tứ đại này, mình gọi là sắc, cái ly này gọi là sắc, còn hư không là danh, bởi vì mình đâu có thấy được hư không, phải không?

21 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA Ví dụ, mình nghe nói về một người đã lâu mà chưa bao giờ gặp mặt, thì khi gặp, mình nói “Nghe danh đã lâu mà bây giờ mới thấy hình”, hoặc “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, tức là tôi nghe danh tiếng anh đã lâu và ao ước được gặp mặt. Như vậy, lục nhập có từ danh sắc. Cái gì sinh ra danh sắc? Chính là thức. Thức là gì? Là cái phân biệt của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà chúng ta gọi là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Từ cái tánh phân biệt này, chúng ta mới rơi vào danh sắc, rơi vào phân biệt cái gì là danh, cái gì là sắc. Và từ đâu chúng ta có thức? Từ hành. Hành là hành động, là những hành động do vô minh sai sử mình. Hành ở đây là những tác động vô thức. Ví dụ, mình nói con mắt của mình cứ làm việc luôn luôn, cái đó gọi là hành. Khi mắt mình làm việc luôn luôn thì thức phân biệt của nó có một sức mạnh. Pháp Hòa lấy ví dụ, nếu một người muốn trở thành nhạc sĩ hoặc ca sĩ, họ phải tập sao cho mình có một đôi tai thật nhạy bén để cảm âm và để hát sao cho giọng mình hòa nhập được với bản nhạc, để nếu như người đánh đàn lỡ đánh trật nhịp hoặc đột nhiên đánh nhanh thì người ca sĩ lập tức chuyển tông theo. Vì sao? Vì họ thường làm việc bằng đôi tai, họ có hành ở nhĩ căn nên nó tạo ra một nhĩ thức rất mạnh. Do đó, vừa nghe chuyển tông là họ biết liền. Ví dụ, nếu mình thường nghe tụng kinh, thì khi đi ngang qua chỗ tụng kinh, chỉ cần nghe thoáng qua một chút thôi, mình đã biết đó là kinh gì. Quý vị hiểu ý không? Cái này chính là do hành. Hành là những việc làm thường xuyên tạo nên năng lực của căn, dẫn đến sức mạnh của thức. Hoặc ví dụ, một Phật tử tới chùa,

22 THÍCH PHÁP HÒA gặp lúc thầy đang tụng kinh. Nếu chưa nghe kinh nhiều, họ sẽ nói “Thôi, thầy đang tụng kinh, tôi xin phép đi về”. Còn nếu đó là một Phật tử thuần thành, họ chỉ cần nghe thầy tụng một chút thì sẽ biết: “Ô, thầy sắp xong rồi, mình ngồi chờ một chút”. Người kia tưởng thầy tụng kinh còn lâu lắm nên đi về, không ngờ họ vừa bước ra thì trong này thầy cũng tụng kinh xong. Vì tai người Phật tử đó thường xuyên hành với bài kinh này nên vừa nghe là họ biết thầy tụng sắp xong, tức là họ phân biệt được liền. Vậy thức này từ đâu ra? Từ hành. Hành này từ đâu ra? Từ vô minh mà ra. Mười hai cái này chính là Thập nhị nhân duyên. Bây giờ, mình sẽ tóm lược bài kinh Chánh Tri Kiến như vầy. Nói một cách ngắn gọn thì ngài Xá Lợi Phất hướng dẫn cho các sư đệ của ngài về một vấn đề. Đó là: một người đệ tử của bậc thánh nếu muốn có chánh tri kiến thì phải thấy rất rõ nguồn gốc của mọi sự vật, sự việc, cái này từ đâu ra, cái kia từ đâu ra. Từ vô minh sinh ra hành. Từ hành mới sinh ra thức. Từ thức mới sinh ra danh sắc. Từ danh sắc sinh ra lục nhập rồi mới dẫn tới những cái khác, mới sinh ra khổ. Ở đây, ngài Xá Lợi Phất đi từ Tứ Diệu đế, tức là ngài nói từ cái khổ. Bây giờ, thấy được mọi nhân duyên rồi, thấy được tất cả những gốc khổ rồi, mình biết được khổ chính là từ vô minh mà ra. Vô minh tức là si. Vậy thì nếu muốn đoạn trừ si, đoạn trừ cái gốc của khổ, người Phật tử phải làm gì? Tu theo Bát Chánh đạo. Bát Chánh đạo là gì? Là tám con đường chân chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Tu được tám con đường

23 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA chân chánh này, mình sẽ đoạn trừ được gốc của bất thiện và có được chánh tri kiến. Tu theo tám cái này cũng chính là thực hành giới, định, tuệ. Và nếu tu được tám cái này thì người đệ tử của bậc thánh cũng chuyển hóa được ba nghiệp thân, khẩu, ý. Vì chánh tư duy, chánh niệm, chánh định thuộc về ý nghiệp. Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về thân nghiệp. Chánh ngữ thuộc về khẩu nghiệp. Chánh tinh tấn cũng thuộc về thân nghiệp. Cho nên Bát Chánh đạo là một pháp môn rất quan trọng.

430 MỤC LỤC Lời nói đầu ............................................................................................. 5 CON ĐƯỜNG CHÂN CHÁNH ............................................. 11 Cái nhìn vượt thoát ............................................................................13 Mưu sinh chân chánh .......................................................................25 Điều thiện nhỏ vẫn làm ..................................................................... 29 Nói nhiều không bằng nói đúng....................................................... 39 Tinh tấn ............................................................................................... 47 Định tĩnh ............................................................................................55 Chánh niệm .......................................................................................59 Đừng vội tin........................................................................................ 65 Bốn phép “thần thông”...................................................................... 69 Bảy yếu tố giác ngộ ............................................................................. 75 MƯỜI PHƯƠNG SEN NỞ ....................................................... 83 Tứ Diệu đế và Tịnh Độ ....................................................................... 85 Ba điều vui ở cõi Cực lạc ...................................................................91 Bốn loại Tịnh độ................................................................................. 99 Tín - nguyện - hạnh trong đạo và đời.............................................. 111 Không thối chuyển ........................................................................... 119 Lòng mình là Tịnh độ ......................................................................127 Mười cách niệm Phật .......................................................................135 Hướng về cõi Tịnh ............................................................................141 Pháp thân Di Đà...............................................................................153 Thiền Tịnh dung thông ....................................................................161 SỐNG TRONG HIỆN TẠI ......................................................171 Thiền chỉ và thiền quán ...................................................................173 Năm chướng ngại .............................................................................181

431 CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA An tịnh thân tâm ..............................................................................189 Hướng tâm và chú tâm.....................................................................205 Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc ....................................211 Đã về, đã tới ......................................................................................217 Vững chãi, thảnh thơi.......................................................................225 Quán chiếu .......................................................................................231 Tiếng lành cho người tinh tấn .........................................................241 Sống thiền .........................................................................................249 MUÔN SỰ DO TÂM .................................................................257 Tu tướng – tu tâm .............................................................................259 Tâm bị động......................................................................................267 Điều phục tâm ..................................................................................275 Hang sâu của tâm .............................................................................285 Giữ tâm .............................................................................................291 Quán tâm ..........................................................................................299 Chân tâm – vọng tâm....................................................................... 311 Tâm bất động....................................................................................317 Giữ vững tâm ban đầu .....................................................................325 Đối cảnh vô tâm ...............................................................................333 NGƯỜI TRÍ NHÌN ĐỜI ..........................................................339 Tùy duyên và tùy hỉ ..........................................................................341 Được và mất......................................................................................347 Từ bi dứt hận thù..............................................................................357 Người trí không buông lung ............................................................361 Người trí nhìn đời ............................................................................369 Chuyển thức thành trí ......................................................................377 Nhị đế dung thông ...........................................................................385 Người biết sống một mình ..............................................................395 Buông bản ngã, được chân ngã .......................................................405 Tịnh lạc của người trí .......................................................................411 Lời bạt ................................................................................................423 Đôi dòng về thầy Thích Pháp Hòa .......................................................425

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==