CHIA SẺ TỪ TRÁI TIM THÍCH PHÁP HÒA Sa Môn 50 bài giảng nhân quả thiết thực trong cuộc sống
5 LỜI NÓI ĐẦU T hành phố Edmonton (tỉnh Alberta, Canada), vốn là nơi hẻo lánh, ít người Việt sinh sống, những năm gần đây bỗng nhiên trở thành điểm tu học của đông đảo đại chúng gần xa. Thậm chí, có những người từ Việt Nam bay nửa vòng Trái Đất qua chỉ để tham dự khóa tu tại tu viện Trúc Lâm và tu viện Tây Thiên do thầy Thích Pháp Hòa hướng dẫn. Điều này chứng tỏ nơi nào có bậc chân tu, nơi đó ắt trở thành chốn tùng lâm cho người người quay về nương tựa. Trong số rất nhiều giảng sư nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam, thầy Thích Pháp Hòa nổi bật lên như một hiện tượng. Sự mến mộ gần như tuyệt đối mà đại chúng cả ở trong nước và hải ngoại dành cho thầy khiến nhiều người cảm thấy vừa rất ngạc nhiên vừa hoan hỉ. Niềm tin về chánh pháp, về những bậc chân tu lại được thắp lên vì thời nay vẫn có những vị tu sĩ mẫu mực và gần gũi đến như vậy.
6 THÍCH PHÁP HÒA Để thực hiện được quyển sách này, ban biên tập đã nghe lại hàng trăm bài pháp thoại của thầy Thích Pháp Hòa trong hơn mười năm trở lại đây vì chúng tôi không muốn bỏ sót nội dung quý giá nào mà thầy đã chia sẻ. Khi xem lại những bài pháp thoại đầu tiên được đăng trên YouTube từ năm 2010, ban biên tập chúng tôi bất ngờ khi thấy phong thái của thầy không quá khác biệt so với bây giờ. Tức là khi tuổi đời còn rất trẻ, thầy đã định hình được cho mình một phong cách truyền đạt rất thu hút, một lập trường vững vàng về giáo pháp. Bên cạnh đó, bản thân thầy cũng có một cuộc sống dấn thân với những trải nghiệm vô cùng phong phú và gần gũi với mọi người – những chất liệu làm nên những câu chuyện đời thường vốn đã trở thành “thương hiệu” của thầy. Trong những câu chuyện kể, có thể nhận ra khi còn là một cậu bé, thầy đã có chí nguyện đi theo Phật và có lòng ngưỡng mộ đối với các vị chân tu. Thầy bắt chước từng động thái, cử chỉ của vị sư phụ cho ra dáng người xuất gia. Thầy kể vui rằng thấy sư ông đi lom khom, thầy cũng đi lom khom vì nghĩ rằng người tu phải có bộ dạng như thế. Ở độ tuổi mà bạn bè đồng trang lứa đang mải mê đá dế, đá cá, thầy đã bắt đầu tập ăn chay, giữ giới, không sát sinh. “Thú chơi” của thầy cũng rất khác người, khiến nhiều bạn bè xung quanh cho là lập dị: thầy thường lấy đất sét về để làm quan tài cho những con gián, con dế, con thằn lằn chết và làm lễ tang đàng hoàng cho chúng. Những hành động đó tuy có vẻ kỳ quặc đối với người đời nhưng nhìn qua lăng kính của người tu hành, đó là hạt giống từ bi
7 CHIA SẺ TỪ TRÁI TIM của một vị chân tu đã được gieo và nuôi dưỡng từ nhiều đời trước. Năm mười hai tuổi, thầy phải theo gia đình sang Canada. Nơi gia đình thầy định cư, thành phố Edmonton, không có nhiều người Việt sinh sống và dĩ nhiên là không có một ngôi chùa nào. Ấy thế mà sau gần bốn mươi năm, chính thầy cùng sư phụ của mình là Hòa thượng Thích Thiện Tâm đã gầy dựng nên tu viện Trúc Lâm và tu viện Tây Thiên khang trang như hiện nay. Đó không chỉ là thành quả của sự kiên trì, nỗ lực to lớn mà còn cho thấy chí nguyện phi thường của người xuất gia. Trong bức tranh toàn cảnh của Phật giáo Việt Nam, những người có tín ngưỡng hoặc hành trì theo truyền thống Tịnh Độ vẫn chiếm một số lượng áp đảo, bất chấp sự phổ biến của các phương pháp thiền trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, truyền thống Tịnh Độ dễ hành trì trong đời sống, đồng thời có nhiều phương tiện cũng như hình tượng để mọi người có thể nương tựa về mặt tinh thần. Thầy Thích Pháp Hòa là một vị tu sĩ có pháp tu thiên về truyền thống Tịnh Độ. Thế mạnh của thầy là nói bằng ngôn ngữ của số đông đại chúng, giải đáp được những vấn đề mà nhiều người thời nay đang gặp phải. Thầy không chỉ trả lời những thắc mắc về lễ nghi tôn giáo mà còn chỉ dẫn cho Phật tử cách ứng dụng Phật pháp vào đời sống để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Khi nghe những bài pháp thoại của thầy, chúng ta có cảm tưởng rằng trong suốt bốn mươi năm tu hành, dường như thầy đã “thẩm thấu” hết một khối lượng
8 THÍCH PHÁP HÒA kinh điển đồ sộ vào tâm khảm nên mới có thể diễn giải Phật pháp một cách giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người như thế để ai cũng có thể hiểu được và thực hành theo. Trong các bài pháp thoại của thầy, những câu chuyện kể thường chiếm quá nửa thời lượng buổi giảng. Những câu chuyện này không chỉ nhằm minh họa, giải thích rõ hơn những khái niệm, giáo lý trong kinh điển mà còn làm cho bầu không khí thêm phần thoải mái, đồng thời đem lại nhiều tiếng cười cho đại chúng. Phong cách này của thầy có lẽ chính là “bí quyết thành công”, giải thích tại sao những buổi pháp thoại của thầy luôn có sức hấp dẫn lớn đến vậy. Phong cách rất riêng này đến một cách tự nhiên từ chính con người của thầy. Phải là một người sống trọn vẹn, sâu sắc với hiện tại mới có thể nhìn ra những điều quý giá trong đời sống mà phần đông con người chúng ta cho là bình thường. Phải là một người có sẵn trái tim bao dung và rộng lớn thì mới có thể nhìn mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống bằng năng lượng bình an và yêu thương như thế. Chia sẻ từ trái tim là một tuyển tập chọn lọc từ hàng trăm bài pháp thoại phong phú của thầy Thích Pháp Hòa, được ban biên tập phân loại theo các chủ đề nhằm hệ thống lại những khái niệm, tư tưởng căn bản của đạo Phật qua lời giảng gần gũi của thầy, để mỗi người chúng ta có thể đưa vào áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Quyển sách chắt lọc này sẽ là một cẩm nang cần thiết luôn đồng hành cùng chúng ta trên hành trình thiết lập nên một đời sống bình an và tỉnh thức. - Ban biên tập First News
9 DẤU ẤN ĐẠO PHẬT
10
11 LẤY KHỔ LÀM THUỐC THẦN M ột trong những bản chất của cuộc sống mà chúng ta thường gặp hằng ngày là khổ. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có cái vui nhưng ngoài cái vui, chúng ta gặp không ít cái khổ. Cái này là lẽ tự nhiên. Bởi vì sao? Những gì không như ý chúng ta đều làm cho chúng ta buồn khổ – tất cả những cái đó đạo Phật quy thành một khái niệm gọi là khổ. Khổ trong tiếng Phạn là duhkha. Cũng có những người thắc mắc rằng đạo Phật hơi bi quan, tối ngày nói khổ, nhưng thưa đại chúng, đạo Phật thật ra không bi quan mà rất lạc quan. Chính vì lạc quan nên đạo Phật dám chỉ thẳng vào cái mà con người sợ hãi. Dù sợ hãi, không mong muốn, con người vẫn phải đối diện với nó – với khổ.
12 THÍCH PHÁP HÒA Khổ là gì? Là những gì bức bách, làm cho chúng ta không thoải mái, không như ý, không bình an. Ví dụ, mình đau răng nên không ăn được, bụng thì đói, mắt nhìn thấy đồ ăn thì thèm mà không ăn được, mình gọi đó là khổ. Nhức cái chân quá, muốn đi lên cầu thang nhưng bước không nổi, mình gọi đó là khổ. Nhức đầu quá ngủ không được, cũng khổ. Cho nên tất cả những gì làm mình không vừa lòng, không như ý mình, làm cho tâm thức của mình không thoải mái đều quy về một chữ khổ. Con người rất sợ khổ nhưng không thể thoát được. Vậy thì chúng ta dám chỉ ra cái khổ để làm gì? Để nhận diện sự thật rồi từ đó chuyển cái khổ. Nói về khổ, trong Phật pháp có nhiều cách nói lắm. Trước hết là tam khổ: thứ nhất là khổ khổ, thứ hai là hoại khổ, thứ ba là hành khổ. Thế nào là khổ khổ? Đời sống con người mình, có thân là đã khổ rồi, lại thêm bệnh hoạn, đau ốm…, hoặc có một đứa con bị bệnh là đã khổ rồi, cộng thêm chuyện này, chuyện nọ xảy đến, khổ chồng thêm khổ. Cái đó gọi là khổ khổ. Cái khổ thứ hai là hoại khổ. Hoại là hoại diệt. Nó có mặt rồi nó hoại, mình không chấp nhận nên mình khổ, gọi là hoại khổ. Cái khổ thứ ba là hành khổ, tức là những cái đó liên tục làm cho mình không thoải mái. Ví dụ, mình bị bệnh cao huyết áp, mình uống thuốc cao huyết áp và sau một thời gian, nó sinh ra bệnh khác. Mình bị bệnh tiểu đường, mình uống thuốc tiểu đường và sau một thời gian,
13 CHIA SẺ TỪ TRÁI TIM nó sinh ra bệnh khác. Thường có những trường hợp bệnh phụ phát sinh sau khi mình uống thuốc. Ví dụ, nghe nói ăn cà tím giúp làm thông máu, mình ăn nhiều cà tím nhưng sau một thời gian, bệnh cao huyết áp chuyển sang bệnh đau nhức. Cho nên có những cái khổ không dừng lại ở đó mà lây lan thành những cái khổ khác. Một ví dụ trong cuộc sống, mình ghét một người, rồi tự nhiên thấy ai chơi với người đó, mình cũng ghét luôn. “Tại vì nó chơi với người tui ghét.” Trong cuộc sống của mình có những cái mình phải để ý, những cái thuộc về hành khổ. Những cái đó lây với nhau, giống như bệnh tật lây với nhau. Mình ghét người đó thôi, mắc mớ gì tới người này? Rồi thậm chí nếu biết một người bạn của mình chơi với người đó, mình cũng nói làm sao để bạn mình nghỉ chơi người đó, mặc dù người đó không đụng chạm gì tới bạn mình. Mình tìm mọi cách để can thiệp, nếu không được thì mình không thoải mái. Nếu nói khổ ngắn thì mình có tam khổ, còn nếu nói rộng hơn một chút thì có lục khổ, tức là sáu khổ. Sáu khổ đó là gì? Một là nhân khổ. Thế nào gọi là nhân khổ? Là cái khổ khi chúng ta tạo nhân. Ví dụ, khi ghét ai, mình bắt đầu nghĩ cách để: nhẹ thì mắng chửi, kha khá thì đánh đập, nặng thì hãm hại người đó. Cho nên ngay cái nhân chúng ta tạo đã mang bản chất của khổ. Tại vì không khổ thì mình đã không làm. Mình khổ dữ lắm, hoặc mình phải chịu cực dữ lắm, nhưng vì lần này mình sẽ hại được người đó cho nên
14 THÍCH PHÁP HÒA mình làm bằng mọi cách. Cái đó gọi là nhân khổ. Chính cái phiền não, bức bách của mình dẫn mình tới chỗ tạo nhân, tức cái khổ nó dẫn mình tới việc tạo nhân khổ, quý vị hiểu ý Pháp Hòa không? Ví dụ, mình ghét người đó là khổ, rồi chính cái khổ, cái bực bội, phiền não đó dẫn mình đi tới chỗ tạo tác một việc gì cụ thể để mình hạ bệ được người đó. Như vậy, cái phiền não, bức bách dẫn mình đi tới chỗ tạo nhân khổ. Rồi cái nhân mình tạo lại dẫn mình đi đến quả khổ, tức là cái khổ thứ hai. Ví dụ, quý vị thường đọc trên báo thấy người kia vì một phút nóng giận đã lấy dao đâm người nọ hay đánh chết người. Cái nhân họ tạo ra rõ ràng là nhân khổ, rồi họ trốn tránh làm sao thì cảnh sát cũng bắt được, mà bắt được thì sẽ xử, mà xử thì phải ở tù. Ở tù chính là quả khổ. Trong cuộc sống hằng ngày, những cái chúng ta đang nhận đây là quả khổ, và trong khi đang nhận cái quả đó, chúng ta tiếp tục phiền não để rồi lại tiếp tục tạo nhân. Cho nên nhân khổ, quả khổ cứ dây mơ rễ má với nhau, và mình cứ loay hoay mãi không dứt. Ba là cầu tài vị khổ. Thế nào gọi là cầu tài vị khổ? Nếu không thực tập được cái gọi là “ít muốn, biết đủ”, chúng ta có thể vì tiền mà khổ. Trong cuộc sống này có những người như vậy, vì tiền mà khổ. Dĩ nhiên, nhiều người sống mà không quá chú trọng vật chất, nhưng cũng có những người đặt nặng những cái đó lắm. Không cần cân nhắc, làm gì có tiền họ cũng làm. Thậm chí vì tiền, bao nhiêu tình nghĩa, ân tình thành ra vô nghĩa hết. Cho nên cầu tài vị khổ tức là cầu tiền của mà không được nên vì vậy mà khổ. Pháp Hòa
15 CHIA SẺ TỪ TRÁI TIM lấy ví dụ, mình thấy người ta có cái đó, mình phải có theo, không có thì mình không thoải mái. Mình đeo đuổi cái đó, đôi khi không có phải đi vay mượn, phải làm mọi cách để có. Như vậy là cầu tài vị khổ. Khổ thứ tư là gì? Cầu thủ hộ khổ. Nếu có được cái đó rồi, chúng ta phải làm gì? Phải cố giữ nó (tức chấp thủ) vì nếu không có nó thì không chịu được. Mất nó sao chịu được. Trên thế gian này, chúng ta đều khó tránh được cái khổ này. Quý vị thấy cứ mỗi lần bầu cử đều xảy ra rất nhiều biến động, nhất là ở Mỹ, chứ ở Canada thì ít hơn. Ví dụ như bốn năm trước, khi tổng thống Mỹ đương nhiệm tranh cử với một người khác, họ đem nhau ra, đấu tố với nhau, bôi nhọ để hạ bệ nhau. Ở đây mình đem chuyện của các vị đó ra làm ví dụ chỉ để thấy rằng một khi đã vướng vào địa vị hay vật chất, mình khổ dữ lắm. Pháp Hòa nhớ hồi xưa ở Việt Nam, thời mình mới có ti vi màu, trời ơi nhà nào có ti vi màu là sang dữ lắm. Nhà nào có tủ lạnh, ti vi đều được coi là khá giả. Hễ tối thứ Bảy có cải lương là cả xóm tụ họp ở nhà đó để coi. Bữa nào họ không vui, họ đóng cửa mình khỏi coi. Thủ hộ là sau khi có được cái gì, mình phải giữ cái đó, mà giữ nó cũng khổ lắm. Có đôi dép xoàng xoàng, mình đi đâu quăng đó cũng không sợ, chứ bữa nào đi chùa mà mang đôi dép, đôi giày đắt tiền một chút, mình phải “kẹp”1, không thôi mất làm sao. Ở Việt Nam hồi xưa, nhiều người đi chùa vô lạy Phật đều phải kẹp đôi dép theo đó. Tại vì để 1 Kẹp: ý nói kẹp nách.
16 THÍCH PHÁP HÒA sơ hở thì người ta “rinh” mà cất kỹ thì người ta “rình”. Cho nên tốt nhất là kẹp thêm đôi dép khi đi vô lễ Phật. Người nào mình thấy lủi lủi đi, mình hỏi “Đi đâu vậy?” mà trả lời “Đi giấu dép” là biết rồi đó. Cho nên không có thì tìm, mà có được rồi thì phải giữ. Nhiều khi có những sản phẩm mới ra mình rất thích, và vì muốn có được sản phẩm đó, mình sẽ đi săn lùng, tìm kiếm. Để làm chi? Để được công nhận là cả thành phố này chỉ một mình mình sở hữu nó. Nhiều khi đó cũng là một cái khổ. Ở đây chúng ta không hàm ý chuyện này là tội hay là không tội, hoàn toàn không. Chúng ta nói để nhận ra rằng trong cuộc sống, có những cái chúng ta chạy theo và chính việc đó mới sinh ra khổ, chứ mình bình an thì đâu có khổ. Ví dụ, thấy đói bụng, mình đi xuống bếp coi có gì ăn không – như vậy thì không khổ. Nhưng nhiều khi tủ đầy đồ ăn mà mình nói “Sao không có gì ăn hết”. Còn người dễ chịu thì đơn giản, thoải mái, miễn có cái lót dạ là được. Cho nên quý vị để ý, những người khó ăn khổ lắm, khó ăn rất là khổ. Tại vì mình đi tới đâu, cái gì mình cũng không ăn được, phải không? Mình đơn giản thì mọi thứ dễ thôi. Khổ thứ năm là gì? Vô yểm túc khổ. Vô yểm là gì? Là không sợ, không chán. Một khi còn chưa chán thì chúng ta còn theo đuổi. Cho nên một trong những điều kiện để được về cõi Phật là chúng ta phải sanh cái tâm thích cõi Phật, chán cõi đời. Hồi nhỏ Pháp Hòa nhớ có một bài thơ tán dương chư tăng, trong đó có câu: “Chán mùi đời cạo tóc đi tu. Cửa thiền hôm sớm công phu”. Nhiều người không hiểu chữ “chán” đó. Họ nghĩ “chán” có nghĩa là
17 CHIA SẺ TỪ TRÁI TIM chán chường, mỏi mệt. Nhưng đó là cái chán sau một thời gian đeo đuổi không được rồi mới chán. Người có cái chán thường tình đó vô đây tu mùng ba, tới mùng bảy là đã nhảy ra ngoài. Đó không phải là cái chán của người tu. Người tu thấy ngay đó là yểm rồi, không cần phải đợi một thời gian thỏa mãn rồi mới chán. Pháp Hòa lấy ví dụ, một người yêu dữ dội lắm. Đi qua quá trời cuộc tình, không được rồi người đó cuối cùng mới chán. “Thôi, giờ tôi chán lắm rồi... Tôi thề tôi chẳng yêu ai, vì người ta cứ phụ tôi hoài.” Mình phải hiểu, phải thấy được chữ “yểm” đó. Người nào muốn sanh về cõi Tịnh Độ thì phải khởi hai tâm: một là yểm ta bà, hai là hân1 tịnh độ. Yểm ta bà là chán cõi ta bà, chán cõi đời này. Tại sao chán? Ở cõi này, hễ mình thắng thì phải có kẻ thua. Hễ mình được thì phải có người mất. Hễ mình vui phải có người khổ. Ví dụ Pháp Hòa nói: “Trời ơi, bữa nay tui đi chùa, tui lượm được 100 đô-la, nhờ Phật độ đó”. Nhưng mình được 100 đô-la thì phải có người mất 100 đô-la, phải không? Một ví dụ khác, mình yêu một người và một người khác cũng yêu người đó. Hai người đeo đuổi một người. “Trời ơi, tôi được người đó yêu, tôi hạnh phúc quá.” Nhưng mình có được người yêu thì người kia mất người yêu. Cho nên cuộc sống trên cõi thế gian này là thắng - thua, được - mất, phải không? Cứ như vậy, lúc nào cũng phải có hai cái đối nhau đi liền nhau. Mà khi đã thắng rồi, chúng ta rất sợ thua. Chính vì sợ thua nên chúng ta cứ nghĩ phải làm sao để bảo vệ cái mình đã thắng được. Quý vị thấy các ông vua ngày xưa không, 1 Hân: mong cầu, hướng về.
18 THÍCH PHÁP HÒA nếu ông vua đang cai trị là hôn quân1, một ông khác sẽ khởi nghĩa, mà khởi nghĩa thì phải tìm những người có cùng chí hướng để giúp mình. Vì vậy, sau khi thắng và lên làm vua, ông vua mới bắt đầu sanh tâm sợ – sợ những cận thần này biết mình quá rõ. Vì họ là khai quốc công thần, là người có công với đất nước, nên ông vua này sợ họ ỷ vào công lao của họ và một ngày nào đó có thể lấn lướt mình. Cho nên ổng phải loại trừ họ. Giống như chuyện Hàn Tín phò nhà Hán thuở xưa. Lưu Bang khi giành được ngôi vua rồi thì tìm mọi cách hạ Hàn Tín, vì sợ Hàn Tín sẽ có ngày mượn công lao đó, mượn danh vị khai quốc công thần để hạ bệ ông. Việc này xảy ra trong lịch sử nhiều lắm. Đã lên được ngôi vị đó nên phải tìm mọi cách bảo vệ nó, và vì muốn bảo vệ nó mà tạo bao nhiêu lỗi lầm. Người có tuệ giác không nhất thiết phải nhúng vô rồi mới sanh tâm chán. Chúng ta chỉ cần thấy là sợ rồi. Hồi đó có một anh Phật tử, thấy anh chị của ảnh có chồng, có vợ rồi gây gổ, cãi nhau... đủ thứ chuyện hết, ảnh mới làm một bài thơ, trong đó có câu: “Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái. Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua”. Có nhiều loại cây, hoa thì nồng hương nhưng trái lại không ngọt, phải không? Vì vậy chúng ta đừng lầm tưởng. Quý vị thấy hoa huệ không, hoa huệ khi mới chưng thì rất thơm, nhưng vài ngày sau, nước của nó cực kỳ hôi. Quý vị từng chưng hoa vạn thọ rồi phải không? Trời, hoa vạn thọ mà mình ngâm vô nước, nó hôi cũng chịu không nổi. Mình đưa ra những ví dụ để thấy 1 Hôn quân: ông vua ngu muội, say đắm trong những thú vui tầm thường, không chuyên tâm lo việc nước.
19 CHIA SẺ TỪ TRÁI TIM có nhiều khi mình nhìn một sự việc như vậy nhưng thật ra nó không phải như vậy. Nó được phần này thì phải mất phần khác. Cho nên các vị tu hành yểm ta bà. Vì cõi ta bà đầy rẫy sự đấu tranh. Muốn được cái gì, người ta cũng phải tranh đấu dữ lắm. Ngay cả khi làm việc thiện, chúng ta cũng muốn hội từ thiện của mình nổi tiếng hơn hội từ thiện kia. Mình làm mọi cách để người ta hễ nhắc tới hội của mình là nói tốt. Đó là chuyện bình thường trong cuộc sống. Đó là bản chất của thế giới này, nên chúng ta mới gọi đây là cõi ta bà. Đi vô chùa làm công quả cũng muốn người ta khen mình nhiều hơn khen người kia. Đó là chuyện bình thường, nhưng nếu mình tu thì phải bỏ cái đó. Như vậy, cái khổ thứ năm là vô yểm. Chừng nào chúng ta chưa sanh cái tâm ngán đó, chúng ta chưa nghĩ tới việc buông bỏ. Ví dụ, sau mấy mươi năm lăn lộn trong đời, mình nói “Thôi, bây giờ tôi mệt mỏi rồi”. Có những người rất thành công trong cuộc sống nhưng đến độ tuổi sáu mươi, sáu mươi lăm, họ cũng rửa tay gác kiếm. “Việc này để cho lớp trẻ làm. Tôi bây giờ không nhúng vô nữa. Mặc dù công việc của tôi vẫn đang tốt nhưng tôi nghĩ thôi đủ rồi, để cho tốp nhỏ làm. Mình lui về làm công việc cố vấn, và cũng để tịnh tu. Có nhiều khi mình đi làm, làm ngày làm đêm, mặc dù sức khỏe của mình còn nhưng suốt mấy mươi năm nhìn lại thấy mình chỉ có làm mà không có hưởng. Đến khi muốn hưởng thì không còn sức để hưởng, muốn ăn nhưng không còn sức để ăn, đau bệnh tùm lum nên ăn hết nổi. Cho nên nếu chưa sanh được cái tâm gọi là vô yểm, cứ chạy theo nó hoài thì chúng ta sẽ khổ.
327 MỤC LỤC Lời nói đầu. ............................................5 DẤU ẤN ĐẠO PHẬT Lấy khổ làm thuốc thần.....................11 Giác ngộ về vô thường .....................27 Sống trong hiện tại............................31 Tất cả đều là Phật pháp.....................41 Nhân - duyên - quả...........................45 Nhân quả tự đến................................49 Ai là người thừa hưởng nghiệp.........53 Thói quen mỗi ngày..........................59 Hoàn cảnh sống.................................61 Chọn người thân cận........................65 Nghiệp riêng và nghiệp chung..........69 Người nào nghiệp nấy.......................77 Tu là chuyển nghiệp..........................81 Ai là người chuyển nghiệp................85 Phản tỉnh...........................................89 Tội hay phước ...................................97 Ba loại quả báo................................103 Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả...........................105 Bốn loại duyên................................109 TẤM LÒNG RỘNG LỚN Trí tuệ bình đẳng.............................117 Lòng từ không phân biệt ................121 Tình thương không tổn hại............125 Nhẫn là thương...............................129 Tâm độ lượng..................................133 Tha thứ.............................................139 Giải nội kết......................................143 Bao dung..........................................145 Hoan hỉ............................................151 Buông xả..........................................153 THỰC TẬP HẠNH LÀNH Hồi tiểu hướng đại..........................163 Hồi hướng........................................167 Hạnh thầm lặng...............................171 Ai cũng có thể bố thí.......................181 Ý nghĩa của việc phóng sinh...........189 Ăn chay.............................................195 Sám hối sáu căn...............................199 Sống đơn giản..................................205 Biết kiệm phước...............................215 Người bạn lành................................221 ĐẠO PHẬT VÀ ĐỜI SỐNG Nhân duyên cha mẹ và con cái.......231 Năm cách báo ơn cha mẹ...............247 Con cái là phước hay là nghiệp?....243 Có hiểu mới có thương...................253 Đồng vợ đồng chồng.......................257 Đạo thầy và trò................................267 Vẻ đẹp của sự im lặng.....................275 Biết ơn..............................................283 Người lãnh đạo................................291 Chăm sóc người bệnh.....................299 Dưỡng thai theo Phật pháp............309 Lời bạt. .............................................. 317 Đôi dòng về thầy Thích Pháp Hòa......321
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==