Cẩm Nang Phương Pháp Sư Phạm

CỐ VẤN: GS.TS. ĐINH VĂN TIẾN - ULRICH LIPP TÁC GIẢ: NGUYỄN THỊ MINH PHƯỢNG - TS. PHẠM THỊ THÚY - LÊ VIẾT CHUNG HIỆU ĐÍNH: GS.TS. ĐINH VĂN TIẾN Những phương pháp và kỹ năng sư phạm hiện đại, hiệu quả từ các chuyên gia Đức và Việt Nam (cuốn sách hữu ích cho các giảng viên, giáo viên, báo cáo viên, người điều hành hội nghị, hội thảo, cuộc họp ...)

Tái bản lần thứ 13 CỐ VẤN: GS.TS. ĐINH VĂN TIẾN - ULRICH LIPP TÁC GIẢ: NGUYỄN THỊ MINH PHƯỢNG - TS. PHẠM THỊ THÚY - LÊ VIẾT CHUNG HIỆU ĐÍNH: GS.TS. ĐINH VĂN TIẾN Những phương pháp và kỹ năng sư phạm hiện đại, hiệu quả từ các chuyên gia Đức và Việt Nam (cuốn sách hữu ích cho các giảng viên, giáo viên, báo cáo viên, người điều hành hội nghị, hội thảo, cuộc họp ...)

PHẦN 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC

16 Lợi Ích Của Các Phương Pháp Giảng Dạy Tích Cực Chúng ta cùng dự hai giờ giảng: Giờ thứ nhất, giáo viên thuyết trình say sưa. Suốt 20 phút đầu, học sinh lắng nghe rất chăm chú, tay ghi chép liên tục. Từng trang giấy lần lượt được viết kín. Sau 30 phút trôi qua, vài học sinh bắt đầu quay ngang, quay dọc, thư giấy được chuyển đi, lác đác chỗ này có tiếng nói chuyện riêng chỗ kia học sinh ngáp ngủ hoặc lim dim gà gật, thậm chí có em đã gục xuống bàn. Khoảng 1/3 lớp vẫn học rất nhiệt tình. Giờ học kết thúc. Trên bảng và trong vở dày đặc chữ của thầy.

17 CẨM NANG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM Giờ thứ hai, giáo viên đặt câu hỏi và học sinh làm việc. Nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau được sử dụng linh hoạt. Cô giáo phỏng vấn nhanh, thuyết trình ngắn nội dung bài giảng, sau đó phân công cho các nhóm làm việc, đóng vai và tranh luận. Lớp học giải lao bằng các trò chơi bổ ích. Không khí buổi học rất sôi nổi. Giáo viên cởi mở, vui vẻ và không cần phải thao thao bất tuyệt nhưng học sinh vẫn tham gia nhiệt tình. Nhìn vào lớp chỉ thấy “diễn viên chính” là các học sinh với nhiều hoạt động đa dạng, nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Không ai có cơ hội để lơ là hay ngủ gật. Tất cả đều cuốn theo sự dẫn dắt của cô giáo. Cuối giờ, kiến thức được tổng hợp trên bảng và trong vở là thành quả của cả lớp. Những ý quan trọng được cô giáo nhấn mạnh, bổ sung. Nội dung bài học đã “thấm” vào mỗi học trò. Bạn thấy hai giờ học này có quen không? Giờ thứ nhất, giáo viên chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình. Giờ thứ hai, giáo viên sử dụng kết hợp các phương pháp giảng dạy tích cực và phương pháp thuyết trình.

18 CẨM NANG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM Phương pháp giảng dạy tích cực là gì? Phương pháp giảng dạy tích cực, hay còn gọi là phương pháp giáo dục chủ động, phương pháp sư phạm hiện đại… là những phương pháp, cách thức, kỹ thuật khác nhau giúp cho giờ học trở nên sinh động và hấp dẫn, tạo cơ hội cho người học được làm việc một cách chủ động và sáng tạo. Vậy người dạy và người học sẽ nhận được lợi ích gì khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực? Lợi ích đối với người dạy Khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, giờ giảng của mỗi giáo viên sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa. Tuy người học là đối tượng trung tâm nhưng vai trò và uy tín của người thầy lại được đề cao hơn. Bên cạnh đó, khả năng chuyên môn của người thầy sẽ tăng lên dưới đòi hỏi và áp lực “liên tục cập nhật” nội dung và kiến thức cho từng giờ giảng nhằm đáp ứng các câu hỏi của người học trong thời đại thông tin rộng mở. Dạy học là quá trình trao đổi kiến thức giữa thầy và trò. Nếu thầy chỉ thuyết trình, có gì nói nấy thì những gì thầy giảng chỉ là kiến thức một chiều. Người học có thể cảm thấy chán nản vì đã biết những kiến thức ấy, hay cảm thấy đó là những nội dung không hữu ích, không thể ứng dụng trong cuộc sống hiện tại và tương lai của họ. Người thầy phải luôn đổi mới nội dung bài giảng cũng như phong cách đứng lớp. Chỉ khi duy trì tinh thần “không ngừng đổi mới” này, người dạy mới có thể giữ cho tâm trí cởi mở để học thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ học trò. Nhờ đó, mối quan hệ thầy trò sẽ trở nên gần gũi, tốt đẹp thông qua việc cùng nhau giải quyết các tình huống liên quan đến nội dung bài học và cuộc sống của người học.

19 CẨM NANG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM Lợi ích đối với người học Khi giáo viên dạy học bằng phương pháp giảng dạy tích cực, người học sẽ cảm thấy họ “được học” chứ không phải “bị ép học”. Người học được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình, đồng thời được bổ sung những kiến thức và kinh nghiệm chưa biết từ giáo viên và các bạn trong lớp. Nhờ đó, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được học, được sáng tạo, được thể hiện, được thực hành. Học theo hướng tích cực giúp người học ghi nhớ sâu các kiến thức quan trọng và tăng khả năng ứng dụng vào thực tế gấp 3 đến 4 lần so với cách học thụ động một chiều. Dạy bằng phương pháp giảng dạy tích cực nghĩa là tìm mọi cách giúp người học được nắm quyền chủ động trong việc học, cho họ cơ hội được làm việc, được khám phá tiềm năng của chính mình. Người dạy cần giúp người học có được sự tự tin, có trách nhiệm với bản thân để từ đó chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Charles Handy, nhà triết lý kinh doanh nổi tiếng người Anh, đã nói: “Để làm chủ tương lai của bản thân, chúng ta cần phải tự tin và tin tưởng vào giá trị của chính mình. Đó là điều mà các trường học nên dạy cho mọi người”*. Để người học có được sự tự tin và tin tưởng vào giá trị của chính mình, họ cần được học theo phương pháp chủ động. Chỉ khi người học chủ động tự khám phá kiến thức, tự học hỏi, tự thực hành và tự bổ sung hiểu biết cho nhau thì kiến thức họ học được mới trở thành tri thức của bản thân, mới chuyển thành hành động và thói quen hàng ngày của họ. * Trích từ tác phẩm Rethinking the Future: Rethinking Business, Principles.

20 CẨM NANG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM Mối quan hệ thầy trò trong việc dạy và học Với cách dạy thầy đọc – trò chép, người dạy là người giữ vai trò trung tâm, phụ trách rót kiến thức vào đầu người học. Nhưng khi học theo cách này, kiến thức của thầy có thể trở thành kiến thức của trò không? Chắc chắn là không nhiều. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học về giáo dục, cách dạy đọc – chép chỉ giúp người học tiếp thu tối đa 10 - 20% kiến thức. Còn khi áp dụng phương pháp giáo dục chủ động, người học giữ vai trò trung tâm, người dạy chỉ đóng vai trò hướng dẫn và giúp đỡ. Người học chủ động tìm kiếm tri thức và có thể thu nhận kiến thức không chỉ từ thầy mà còn từ rất nhiều nguồn khác nhau. Như vậy, vai trò của người dạy có giảm đi không? Xin khẳng định ngay là không. Ngược lại, vai trò người dạy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì giữa biển thông tin mênh mông, người học thường không biết cách gạn lọc những kiến thức cần thiết, càng không biết phải làm sao để sử dụng và ứng dụng chúng vào cuộc sống. Tất cả những điều ấy đều cần đến sự chỉ dẫn của người thầy. Sự thay đổi này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách dạy và học như thế nào? Với người học, các bạn cần hiểu rõ mình là ai và mình muốn trở thành người như thế nào; đồng thời nhận thức rõ đâu là kiến thức mình cần học và đâu là kiến thức mình muốn học. Với người dạy, các thầy/cô cần phải có ý thức tự mình phấn đấu và tu dưỡng mỗi ngày, không ngừng học hỏi và sáng tạo nhiều hơn để xứng đáng với vai trò mới.

21 Tại Sao Người Dạy Cảm Thấy Khó Khăn Khi Triển Khai Phương Pháp Dạy Học Tích Cực Trên Lớp? Nhiều giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ thường phàn nàn rằng rất khó để triển khai các phương pháp dạy học tích cực trong giờ dạy của mình vì đủ loại nguyên nhân và trở ngại, từ khách quan đến chủ quan. Đa phần thường đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, ít ai thành thật nhìn nhận rằng lỗi chính là do mình. Giờ chúng ta hãy thử tìm hiểu một số nguyên nhân phổ biến dưới đây: 1. Lớp đông: Lớp đông người (trên 50 người/lớp) là thách thức không nhỏ đối với người dạy khi muốn triển khai các hoạt động dạy học tích cực. Đa số người dạy phàn nàn rằng lớp học quá đông trong khi thời lượng giảng dạy lại hạn chế, rất khó lòng áp dụng thành công các phương pháp dạy học tích cực.

22 CẨM NANG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM 2. Tốn thời gian, dễ cháy giáo án: Các phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi rất nhiều thời gian chuẩn bị, đôi lúc còn tiêu tốn nhiều chi phí đầu tư cơ sở vật chất hoặc thời gian. Các hoạt động diễn ra nhiều lúc không theo ý định của người dạy, dẫn đến tình trạng mất định hướng bài học, cháy giáo án bài giảng. Do đó, người dạy mất khả năng kiểm soát và khó làm chủ giờ học. 3. Không biết cách hoặc không muốn tạo động cơ cho người học: Nói cách khác là không biết làm thế nào để vào bài hiệu quả, gây hứng thú và lôi cuốn người học tự giác tham gia vào bài giảng ngay từ đầu tiết học. 4. Chưa biết cách đặt câu hỏi hiệu quả để lôi cuốn người học: Đặt câu hỏi dễ quá, người học sẽ chán. Đặt câu hỏi khó quá, người học sẽ ngại trả lời. Nhiều giáo viên cho rằng để xây dựng một hệ thống câu hỏi phù hợp cho nhiều đối tượng, khuyến khích người học tham gia phát biểu và xây dựng bài giảng là việc rất khó. Thật ra, trở ngại này xuất phát từ tâm lý lười soạn bài, lười thiết kế bài giảng, lười tư duy và lựa chọn các phương pháp dạy học thích hợp của người dạy. 5. Khó hình thành môi trường học tập sôi nổi, tích cực: Nguồn gốc của khó khăn này là do giảng viên chưa biết cách tạo điều kiện, khuyến khích, động viên người học thắc mắc và phản biện trong suốt quá trình nghe giảng; đồng thời vẫn giữ quan điểm cũ, cho rằng chỉ cần người học chăm chú tiếp thu bài giảng và trả lời được các câu hỏi giáo viên đưa ra nghĩa là tiết học đã thành công. Để giúp các bạn tháo gỡ những khó khăn này, mời các bạn tiếp tục đọc bài tiếp theo, bài “Khắc phục những trở ngại khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực”.

23 Khắc Phục Những Trở Ngại Khi Áp Dụng Các Phương Pháp Giảng Dạy Tích Cực Khắc phục những e ngại của người dạy và người học khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực 1. Những e ngại của người dạy: a. E ngại lớp đông, không áp dụng kịp: Đây là e ngại do hiểu sai về các phương pháp giảng dạy tích cực. Thực tế, có nhiều phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với các loại hình lớp học khác nhau. Trong trường hợp sĩ số lớp quá đông, giảng viên có thể áp dụng phương pháp Hỏi – Đáp, Nêu ý kiến ghi lên bảng, Hỏi chuyên gia, Đóng vai, Trực quan hóa, Tình huống, Tia chớp, Sàng lọc… Thậm chí, ngay cả phương pháp Làm việc nhóm cũng có thể áp dụng thành công với lớp trên 100 học viên. Điều này chứng tỏ sự thành công không phụ thuộc vào phương pháp mà phụ thuộc vào bản lĩnh và kỹ năng quản lý lớp của người thầy. b. E ngại người học lười phát biểu, thụ động: Chỉ cần giáo viên có khả năng giao tiếp tốt và biết cách khuyến khích, cả lớp sẽ tham gia đóng góp ý kiến trong giờ học. Người học ngại phát biểu thường là do người dạy chưa tìm được cách khơi lên ngọn lửa học tập trong lòng của mỗi học viên.

24 CẨM NANG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM c. Ngại tốn thời gian và tiền bạc: Các phương pháp giảng dạy tích cực không hề tốn nhiều thời gian hay tiền bạc như nhiều người vẫn nghĩ. Có những phương pháp chỉ cần 5-10 phút cũng có thể tạo ra sự sôi nổi trong lớp, giúp người học thu nhận kiến thức một cách dễ dàng, chẳng hạn như: phương pháp tia chớp, phương pháp Hỏi – Đáp, phương pháp Nêu ý kiến ghi lên bảng… Tiền bạc hay trang thiết bị hiện đại không phải là vấn đề cốt yếu của các phương pháp giảng dạy tích cực. Ngoài tấm bảng sẵn có, hầu hết các phương pháp đều không đòi hỏi trang bị thêm bất cứ phương tiện nào. d. Sợ bị “cháy giáo án”: Chỉ những người dạy một cách máy móc theo sách vở mới sợ “cháy giáo án”. Người thầy giỏi cần biết chọn lọc nội dung để thiết kế buổi giảng sao cho hiệu quả nhất. 2. Những e ngại của người học: a. Ngại làm việc, chỉ thích chép: Điều này xuất phát từ thói quen học theo kiểu truyền thống. Có điều, khó khăn này sẽ được hóa giải khi người học thấy được lợi ích từ việc học theo phương pháp chủ động. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ sau một tiết học theo phương pháp tích cực, người học sẽ cảm thấy hứng thú và tích cực hưởng ứng cách học này. b. Ngại tự học trước khi đến lớp: Ban đầu, hiếm có người học nào tự giác chuẩn bị bài học trước khi đến lớp. Để khắc phục điều này, giáo viên có thể hướng dẫn học viên cách tự học ở nhà bằng cách đặt những câu hỏi ngắn gọn và hấp dẫn, giúp học viên định hướng những gì họ cần chuẩn bị. Giáo viên cũng cần tìm hình thức phù hợp nhằm khen thưởng, động viên những người thực hiện tốt việc chuẩn bị bài, ví dụ đặt câu hỏi để kiểm tra việc đọc sách tại nhà và cộng điểm thưởng cho những bạn trả lời tốt. c. Tự ti, chưa mạnh dạn phát biểu: Giáo viên có thể khắc phục khó khăn này bằng cách khuyến khích, động viên hay khen ngợi người học, nhằm tạo không khí hoạt động sôi nổi

25 CẨM NANG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM trong lớp. Thậm chí, cách chỉ định trực tiếp cũng là một cách hiệu quả để tạo cơ hội cho người học thể hiện quan điểm, bởi vì nhiều người tuy không dám giơ tay nhưng vẫn rất muốn được phát biểu trước lớp. d. Sợ thầy áp dụng phương pháp mới nhưng vẫn thi theo kiểu học thuộc lòng: Nhà trường cần áp dụng việc ra đề thi mở, khuyến khích tư duy sáng tạo và khả năng phản biện của người học. Đề thi cần mang tính ứng dụng cao để người học được sáng tạo, phát huy hết khả năng sẵn có và tạo dấu ấn riêng. Khi áp dụng phương pháp chủ động, tôi luôn ra đề mở và dù nhà trường có ra đề đóng (bốc thăm từ ngân hàng đề thi), tôi vẫn hướng dẫn các học viên làm theo hướng mở, liên hệ thực tế nhiều. e. Sợ kiến thức không được tổng hợp rõ ràng: Điều này xảy ra là do một số giáo viên áp dụng chưa đúng cách thức giảng dạy của các phương pháp giảng dạy tích cực, khiến người học không chốt được những kiến thức cần thiết. Ví dụ, với phương pháp Làm việc nhóm, một số giáo viên cho người học làm việc và phát biểu, nhưng sau đó không tổng kết kiến thức sau khi bài giảng kết thúc, khiến người học mất phương hướng, không xác định được đúng sai. Tuy rằng phương pháp giảng dạy chủ động khiến người thầy giảm bớt thời lượng độc thoại so với cách cũ nhưng giảng viên cần lưu ý đảm bảo những phần quan trọng bao gồm phần tổng kết, bổ sung và định hướng kiến thức cuối mỗi buổi học.

RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==