BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC 15 Hướng dẫn hành động Bắt đầu từ hôm nay, hãy thử phớt lờ những “chiếc xe rác” và xem chuyện gì sẽ xảy đến với cuộc sống của bạn. Hãy viết ra tất cả những điều đó.
Chương 2 Buông bỏ thôi chưa đủ “Phần tốt đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người là những hành động tử tế nhỏ bé, không tên và cũng không được nhớ đến của họ.” - William Wordsworth Người ta thường nói khi phải đương đầu với nghịch cảnh, khủng hoảng, hay những muộn phiền hoặc nỗi thất vọng vẫn xảy ra trong cuộc sống thường nhật, chúng ta nên học cách “buông bỏ”. Nhưng “buông bỏ” không phải là cách giải quyết đúng đắn khi gặp phải những người giống như xe rác. Thay vào đó, việc chúng ta cần làm là đừng bận lòng về những hành xử và thái độ tiêu cực của họ ngay từ đầu. Bởi lẽ “buông bỏ” một điều nào đó nghĩa là trước đó ta phải trải nghiệm nó, rồi thẩm thấu và xử lý trải nghiệm ấy. Cứ cho là
BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC 17 cuối cùng bạn cũng buông bỏ được một trải nghiệm gây khó chịu, nhưng ký ức về nó vẫn sẽ còn ảnh hưởng và tác động đến bạn. Theo thời gian, ký ức về trải nghiệm xe rác lúc đầu sẽ dần phai nhạt nếu bạn không còn dành năng lượng để suy nghĩ về nó nữa. Nhưng để xử lý trải nghiệm gây khó chịu đó, bạn sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, đáng lý ra bạn nên dành năng lượng đó làm những việc quan trọng trong cuộc sống. Càng chất chứa thêm nhiều trải nghiệm như thế ở trong lòng (để rồi sau đó phải buông bỏ chúng), bạn sẽ càng mệt mỏi hơn vì phải mang trên mình gánh nặng của sự giận dữ, nỗi thất vọng và cảm giác bất mãn không đáng. Những rắc rối thường nhật Cách bạn đối phó với những rắc rối trong cuộc sống hằng ngày ảnh hưởng đến hạnh phúc và sức khỏe của bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Hai nhà tâm lý học Susan Folkman và Richard Lazarus đã phát hiện ra rằng những bực tức nảy sinh mỗi ngày tạo ra nhiều tác động xấu đến chúng ta mà nếu cộng dồn lại, còn lớn hơn cả những sự kiện đau buồn nhất trong đời mỗi người. Trong quyển Stress, Appraisal, and Coping (tạm dịch: Áp lực, đánh giá và đương đầu), Lazarus và Folkman có viết: Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải trải qua nhiều căng thẳng nhỏ, không mấy nghiêm trọng. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi gọi đó là “những rắc rối thường nhật” - những điều vụn vặt khiến ta bực mình và lo lắng xảy ra mỗi ngày.
18 THE LAW OF THE GARBAGE TRUCK Tuy không có tác động quá nghiêm trọng như những biến cố lớn trong đời, chẳng hạn như ly hôn hay mất người thân, nhưng so với các biến cố lớn, những rắc rối thường nhật này ảnh hưởng nặng nề hơn đến sức khỏe và khả năng thích nghi của chúng ta. Cái giá phải trả Hãy nghĩ đến nguồn điện mà gia đình bạn đang sử dụng. Khi cắm phích một thiết bị điện, bật đèn, khởi động máy tính, tức là bạn đang sử dụng năng lượng. Tương tự như vậy, khi bạn kết nối với nguồn năng lượng tiêu cực của người khác, bạn hấp thụ nó, sử dụng nó và phải trả giá nhiều lần cho việc “sử dụng” của mình. Bạn trả giá bằng việc liên tục bị những chiếc xe rác quấy rầy. Bạn trả giá bằng chính tâm trạng của mình. Mới phút trước bạn còn vui vẻ, cởi mở và lạc quan, vậy mà giờ đây bạn lại bất mãn, bực bội và nản lòng. Bạn trả giá bằng chính sức khỏe của mình khi phải chịu đựng hậu quả của những cơn giận dữ, nỗi lo lắng và chứng trầm cảm. Mỗi khi bạn để cho những con người tiêu cực ảnh hưởng đến mình, bản thân bạn cũng trở thành một người giống như họ vì bạn đã hấp thu nguồn năng lượng xấu từ họ. Những người như thế sẽ cướp đi tâm lực và trí lực mà lẽ ra bạn nên dành cho những điều quan trọng nhất đối với mình. Đó là lý do bạn cần lờ đi, đừng bận tâm về thái độ và hành vi tiêu cực của họ thay vì tiếp nhận chúng, để rồi sau đó bạn lại phải tốn công “tha thứ và quên đi”.
BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC 19 Trong quyển Why Zebras Don’t Get Ulcers (tạm dịch: Vì sao ngựa vằn không bị lở loét), nhà nghiên cứu sinh học và thần kinh học của Đại học Stanford Robert Sapolsky cho biết: Bạn sẽ lãnh hậu quả nếu bạn kích hoạt cơ chế đối phó với căng thẳng của cơ thể quá thường xuyên. Khi đó, bạn phải tiêu tốn nhiều năng lượng và dễ mệt mỏi hơn. Tôi gọi đó là cơn mệt mỏi thường trực mỗi ngày. Việc phản ứng lại những hành vi tệ hại bằng thái độ thù địch khiến bạn kiệt sức và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Sapolsky còn viết: “Những người hay hằn học về sau thường sẽ mắc bệnh cao huyết áp và nhiều chứng bệnh liên quan đến tim mạch”. Mấu chốt của vấn đề Hãy nhớ lại câu chuyện về cách hành xử của người tài xế taxi ở New York mà tôi đã kể cho bạn nghe trước đó. Khi chiếc xe nọ đột ngột lao ra trước xe của chúng tôi, người tài xế chở tôi chẳng những không tìm cách trả đũa mà còn không buồn nổi giận. Tất nhiên ông không đồng tình với cách lái xe của anh chàng kia, nhưng ông cũng không đùng đùng nổi giận như cách nhiều người sẽ phản ứng trong hoàn cảnh đó. Ông không dừng lại để hứng rác của người khác, mà chỉ đơn giản là lờ nó đi. Nghĩa là ông không để hành vi tồi tệ của người khác ảnh hưởng đến tâm trạng và công việc của mình. Đó chính là bí quyết để sống hạnh phúc và đạt được thành công. Đừng chấp nhặt những chuyện bạn không thể kiểm soát. Hãy tập trung vào điều tốt đẹp ở người khác và bỏ qua những điều chưa hay của họ. Tôi đã chứng kiến một trường hợp vận dụng thành công bí quyết này ngay trong chính gia đình mình.
20 THE LAW OF THE GARBAGE TRUCK Câu chuyện của mẹ và ông ngoại Bốn năm sau ngày bà ngoại tôi qua đời, ông ngoại bị đột quỵ lần thứ tư. Kể từ đó, chứng mất trí của ông ngày càng trầm trọng. Có những lúc ông vô cùng minh mẫn, vui vẻ và dễ chịu, nhưng cũng có khi ông bộc lộ một mặt khác của con người mình mà mẹ tôi chưa từng nhìn thấy. Đó là những khi ông thốt ra những lời vô tâm, ích kỷ và ác ý. Mẹ tôi biết ông đang bị bệnh, nhưng mẹ vẫn thấy tổn thương mỗi khi bị ông chỉ trích, quát mắng hay khi ông cho rằng mẹ không thương ông. Cha mẹ tôi từng ba lần đưa ông từ Maine về Milwaukee để sống cùng gia đình chúng tôi. Ông có phòng ngủ và phòng tắm riêng. Mẹ tôi nấu ăn, giặt giũ quần áo cho ông và chăm sóc ông chu đáo. Nhưng lần nào cũng vậy, vừa mới ở nhà tôi được vài ngày là ông ngang ngược cằn nhằn: “Sao các người giữ ta ở đây? Ta muốn sống ở nhà của ta!”. Sau lần thứ ba, cha mẹ tôi nhận ra rằng ông chỉ có thể thấy vui vẻ khi được sống trong ngôi nhà của mình ở Maine, dù ở đó ông phải sống một mình. Thế là cha mẹ tôi sắp xếp đưa ông về nhà của ông. Vấn đề là ông đã không còn có khả năng tự lo cho bản thân. Mẹ và dì Marlene của tôi đã hết sức cố gắng thu xếp để ông nhận được sự chăm sóc chu đáo ông cần, nhưng thật khó làm ông hài lòng. Ông không còn là chính mình nữa và thường bất ngờ quát tháo mỗi khi ai đó không làm đúng ý ông. Cả nhà tôi đều cảm thấy mệt mỏi.
BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC 21 Một cuối tuần nọ, cha mẹ tôi đến thành phố New York thăm tôi. Lúc đó, mẹ rất buồn về chuyện của ông. Dù mẹ đã đọc từng ấy sách tâm linh và triết lý sống, dù mẹ có đi dạo với tôi hay tâm sự với cha tôi về những chuyện xảy ra giữa ông và mẹ thường xuyên cỡ nào, mẹ vẫn không sao nguôi được cảm giác tổn thương. Mẹ tôi vẫn buồn khổ vì cách hành xử của ông; chưa quên được chuyện trước, mẹ lại bị hành động khác của ông làm tổn thương ngay sau đó. Có lần khi ăn tối xong, tôi thức tâm sự cùng mẹ đến khuya. Tôi cố gắng giúp mẹ nhận ra mẹ đã chăm sóc ông chu đáo biết chừng nào. Thậm chí tôi còn lập hẳn một danh sách những việc mẹ đã và đang làm cho ông mà tôi biết được. Tôi muốn mẹ lúc nào cũng giữ danh sách ấy bên mình để mẹ luôn nhớ rằng mẹ đã chăm sóc ông rất tốt; mẹ tôi cần nhớ rằng bà là một người con có hiếu với cha. Mặc cho những điều ông nói vào những lúc bị chứng mất trí hành hạ, danh sách ấy là bằng chứng cho thấy mẹ tôi đã làm mọi việc mà mẹ có thể làm cho ông. Sau lần trò chuyện đó, mẹ tôi đã thay đổi suy nghĩ và thái độ về những chuyện xảy ra giữa hai cha con. Mẹ đã hiểu ông thường không kiểm soát được suy nghĩ và lời nói của mình. Vì vậy, mỗi khi bị ông mắng, mẹ đều xem như “không nghe thấy”, chứ không đặt nặng trong lòng để rồi sau đó phải trải qua quá trình nhọc nhằn “tha thứ và quên đi”. Kết quả là mẹ không còn bắt ông phải chịu trách nhiệm cho mọi điều ông nói nữa. Những khi ông hành xử như chiếc xe rác, mẹ tôi đáp lại bằng những lời nói, hành động tử tế và đầy yêu thương. Theo những gì nhà tâm lý học Sonja Lyubomirsky viết trong quyển The How of Happiness (tạm dịch: Bí quyết hạnh phúc)
22 THE LAW OF THE GARBAGE TRUCK thì chăm sóc người khác là một việc làm ý nghĩa, đáng ngưỡng mộ và quan trọng trong cuộc sống, nhưng việc chăm sóc người khác cũng có thể “gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần” của chúng ta. Nhận định này rất đúng với trường hợp của mẹ tôi. Càng nhẹ nhàng cho qua thái độ và cách hành xử hằn học của ông, mẹ càng dễ dàng cảm nhận được những điểm tốt đẹp ở ông. Điều này giúp mẹ trở thành người mẹ, người vợ, người bạn và người con tốt nhất mà mẹ có thể trở thành. Hướng dẫn hành động Nghĩ về những chuyện đang diễn ra trong cuộc sống của bạn. Bạn có đang “hứng rác” của người khác để rồi sau đó phải mất công đi đổ “đống rác” đó không? Trong tuần này, hãy cam kết bỏ qua ít nhất một “chiếc xe rác”, và lặp lại việc đó trong tuần tiếp theo. Viết ra cảm nhận của bạn khi làm được việc đó.
BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC 205 MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU............................................................7 CAM KẾT THỨ NHẤT HÃY PHỚT LỜ NHỮNG CHIẾC XE RÁC....................10 Chương 1 Quy luật xe rác.........................................11 Chương 2 Buông bỏ thôi chưa đủ .............................16 Chương 3 Càng “xù lông nhím”, càng dễ hứng rác.......................................23 Chương 4 Bỏ qua xe rác để chào đón các cơ hội mới ..........................................28 Chương 5 Bạn có đủ can đảm không? ......................36 CAM KẾT THỨ HAI ĐỪNG TỰ XẢ RÁC VÀO CUỘC SỐNG CỦA MÌNH....42 Chương 6 Đừng mãi dằn vặt về quá khứ...................43 Chương 7 Học cách sống trong hiện tại.....................50 Chương 8 Sống như lời đã hứa..................................58 CAM KẾT THỨ BA ĐỪNG BIẾN MÌNH THÀNH XE RÁC...........................64 Chương 9 Trả đũa, báo thù là việc làm vô nghĩa.......65 Chương 10 Tha thứ là điều nên làm..........................70 Chương 11 Nhờ người khác giúp đỡ mà không trở thành xe rác của họ..........79
206 THE LAW OF THE GARBAGE TRUCK Chương 12 Đừng dán nhãn người khác là xe rác.....87 Chương 13 Đừng khiêu khích người khác trở thành xe rác......................................93 CAM KẾT THỨ TƯ GIÚP ĐỠ NHỮNG CHIẾC XE RÁC.............................98 Chương 14 Quy tắc giao tiếp với xe rác....................99 Chương 15 Chọn đúng thời điểm để giao tiếp với xe rác...........................103 TRẮC NGHIỆM BẠN HỨNG VÀ XẢ BAO NHIÊU RÁC?......................108 CAM KẾT THỨ NĂM SỐNG TRONG VÒNG TRÒN BIẾT ƠN VÀ TRÁNH XA VÒNG TRÒN RÁC RƯỞI...................121 Chương 16 Vòng tròn Năng lượng Rác rưởi...........123 Chương 17 Vòng tròn Năng lượng Biết ơn.............128 CAM KẾT THỨ SÁU XÂY DỰNG CUỘC SỐNG VÀ GIA ĐÌNH KHÔNG CÓ XE RÁC..........................132 Chương 18 Mục tiêu không phải là sự hoàn hảo...133 Chương 19 Tuyên bố sống trong “vùng không có xe rác”.........................137 Chương 20 Chỉ tâm sự, đừng trút rác.....................143 Chương 21 Bài sát hạch cam go của cuộc đời........152 Chương 22 Câu chuyện của Kim.............................155 Chương 23 Sống thật với cảm xúc của mình..........166 Chương 24 Ai cũng có thể thay đổi........................172 Chương 25 Nói không với xe rác trong gia đình.......................................174
BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC 207 CAM KẾT THỨ BẢY XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC KHÔNG CÓ XE RÁC..................................................179 Chương 26 Môi trường làm việc không có xe rác...180 Chương 27 Lãnh đạo trong khu vực không có xe rác.....................................188 Chương 28 Hãy cùng nhau tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn......................199 LỜI KẾT.....................................................................203
RkJQdWJsaXNoZXIy MjI4NTM1Ng==